Pages

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Những điều gian dối

Sáng hôm qua vừa lúc thức giấc tôi nhận được một cú điện thoại từ miền Ðông gọi sang, tôi biết và thông cảm vì khác múi giờ, chứ ở Cali ít ai gọi vào giờ sớm như thế. Người ở bên kia dây không xưng tên họ và nhập đề rất nhanh, đó là một thương binh VNCH, vừa được con gái bảo lãnh sang Mỹ.
Ông vào yêu cầu sớm, trước khi cho tôi biết tên ông, ở đơn vị nào và thương tật ra sao. Ông đề nghị chương trình của tôi trên đài SBTN giúp đỡ cho ông một số tiền vì ông là thương binh, nếu không thì kêu gọi đồng bào giúp cho ông. Tôi lễ phép trả lời cho ông biết, một chương trình truyền hình không có khả năng tài chánh để giúp ai và trong trường hợp này cũng không có quyền kêu gọi ai để quyên góp tiền cho ông. Cũng có thể có những chương trình trên báo chí, truyền thông kêu gọi khi các đoàn thể yểm trợ cho thương binh VNCH ở quê nhà tổ chức gây quỹ.

Vị khách này xoay qua nói: “Vậy thì ông nói bà gì (?)ở Hội Thương Binh giúp tôi đi!” Tôi đoán chắc vị này muốn nhắc đến Hội HO Cứu Trợ TPB-QP/VNCH. Tôi lại phải mất thì giờ nói cho ông biết là chương trình của các hội thiện nguyện chỉ giúp cho thương binh VNCH hiện đang còn ở Việt Nam thiếu thốn, đối với một người thương binh đã có con bảo lãnh qua Mỹ thì không phải là đối tượng để giúp đỡ nữa. Ông nói như gào lên trong máy:”Tôi ở Việt Nam 35 năm nay có ai giúp đỡ tôi đâu! Tôi có danh sách ba bốn chục thương binh cũng không được ai giúp đỡ!” Tôi lại phải kiên nhẫn giải thích cho ông “thương binh” này rõ là ở hải ngoại hiện nay không có Bộ Cựu Chiến Binh VNCH để lo cho thương binh, mà các tổ chức giúp đỡ bên này chỉ có thể giúp cho anh em khi họ có nhận đủ hồ sơ chứng minh từ Việt Nam gởi sang. Ông này bỗng nổi cáu: “Ông đừng tin mấy hội này, họ bày đặt ra để thu tiền thiên hạ đó!” Ðến đây thì tôi không còn đủ kiên nhẫn để tiếp chuyện với “chiến hữu” này nữa. Tôi nói: “Xin ông đừng đem não trạng và thói quen Việt Nam sang đây để đánh giá con người bên này!” Rồi tôi cúp máy!

Ở Việt Nam bây giờ đang có phong trào làm giàu bằng cách đi gom trẻ mồ côi hay trẻ lang thang về nuôi để làm tiền. Không những họ được trợ cấp từ chính phủ mà nguồn tiền ở nước ngoài đổ vào mới đáng kể, đồng Euro, đồng dollar do những tấm lòng thương người của đồng bào hải ngoại quyên góp gửi về. Nhiều kẻ mạo danh nhà sư xây chùa, nuôi trẻ mồ côi, hốt bạc có trong tay bạc triệu đô la để ăn chơi trác táng, như đã có lần theo tin tức từ trong nước đưa ra. Khi thượng tầng tha hóa vô đạo đức thì con người trong xã hội, chỉ hành động vì lợi nhuận trong một xã hội chỉ đề cao giàu sang, tiền của hơn là đạo lý làm người.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, và khi Mỹ Việt đã có bang giao, chúng ta thấy có nhiều phái đoàn người Mỹ bắt đầu sang Việt Nam đi tìm hài cốt lính Mỹ mất tích, đào xới những chỗ máy bay bị bắn rớt hay những nơi có trận chiến khốc liệt. Họ bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm hài cốt đồng đội. Ðiều này tương phản với chuyện hàng trăm nghìn bộ đội chết mất xác trong chiến tranh mà bộ máy cầm quyền sau khi say men chiến thắng đã không thèm nghĩ đến những kẻ đã lót đường cho họ. Những người có người thân đã mất mong muốn được biết tin tức của người cha, hoặc chồng, hoặc con đã chết trong cuộc chiến kéo dài hai mươi năm, và nếu người thân đã chết cũng mong “tìm xương con mình,” về để chôn cất, hương khói cho thỏa mãn vong linh của người đã khuất. Từ đó dân chúng miền Bắc đã dấy lên phong trào đòi hỏi chính phủ phải tăng cường nỗ lực tìm kiếm hài cốt của con em họ, những bộ đội đã từng “sinh Bắc tử Nam,” những người đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.” Thời chiến tranh bom đạn, đất nước còn chia cắt, chính phủ còn nhiều khó khăn, gia đình tử sĩ bằng lòng nhận một bằng tử sĩ thay vì thân xác của con em mình, nhưng nay nước nhà đã thống nhất, người sống quyền cao chức trọng, giàu sang còn xương cốt những kẻ hy sinh lót đường bị bỏ quên trên rừng, dưới suối.

Trước hết, những gia đình có phương tiện, khá giả bắt đầu nghĩ đến việc đi tìm hài cốt người thân của mình, từ đó ở Việt Nam phát sinh ra một số nhà ngoại cảm, chuyên đi tìm mộ người chết, tìm ra xương cốt cải táng để cho gia đình đem về chôn cất. Chính phủ Cộng Sản trước đòi hỏi chính đáng của các gia đình tử sĩ bắt đầu truy tìm các hồ sơ trận liệt, các “bộ đội phục viên” liên hệ đến các trận đánh và nơi vùi xương cốt bộ đội chết trận. Các nghĩa trang liệt sĩ đã mọc lên như nấm ở Việt Nam, vừa trang trí cho bộ mặt chế độ, vừa làm vừa lòng các gia đình tử sĩ. Một nghĩa trang được xây cất quy mô mang tên “Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn” tại đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Ðông Hà khoảng 38km về phía Tây Bắc, tập trung phần mộ các thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến,… những người đã chết trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời gian “chống Mỹ cứu nước.” Hoàn thành vào năm 1977, nghĩa trang này có 10,327 ngôi mộ liệt sĩ, xây dựng rất công phu và tốn kém.

Nhưng tìm ra đâu 10,000 bộ xương cốt? Chiến tranh, bom đạn trải dài từ Nam ra Bắc, đã mấy chục năm qua, xương tàn cốt mục, chiến trường xưa không còn dấu vết. Qua thời gian, mưa bão xói mòn thay đổi địa hình, địa vật. Phương tiện đào xới thô sơ, nạn tham nhũng, dối trá, đục khoét đã làm cho công trình truy tìm xương cốt bộ đội Trường Sơn thành ra một chuyện khôi hài mà xót xa cho gia đình những con em đã chết trong cuộc chiến. Chính phủ đã ra giá cho một bộ hài cốt được đưa về chôn cất trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn hơn 1 triệu đồng (vào thời giá 1980). Ðể hoàn thành chỉ tiêu cũng bị thúc giục bởi lòng tham, các cán bộ Cộng Sản có trách nhiệm truy tìm, cải táng di hài các liệt sĩ, đã chôn cất xương bò, xương trâu vào phần mộ thay vì tìm kiếm đích thực xương cốt của những người bị chết.

Những năm sau, những “gia đình liệt sĩ” ở miền Bắc bắt đầu làm ăn khấm khá, giàu có, đến lúc phải nghĩ đến chuyện đem xương cốt người chết về chôn trong những phần đất của gia đình để tiện việc thăm viếng, cúng giỗ. Chính thức xin dời mộ không được, gia đình lo lót hay lén lút, theo sơ đồ chỉ dẫn có mang tên tuổi người chết, đào huyệt mộ lên để đem hài cốt người thân về. Nhưng lúc đào lên, hoặc là không có gì, một nắm xương xa lạ không phân biệt được lý lịch, hoặc là chỉ có một mớ xương trâu bò. Việc này đã gây sự bất bình cho gia đình liệt sĩ có con em đã chết trong cuộc chiến “cứu nước” trên đường Trường Sơn về sự dối trá bất nhân của chính quyền, quy tội về cho giám đốc Sở Lao Ðộng-Thương Binh và Xã Hội tỉnh Quảng Trị, là người chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyện tìm kiếm và cải táng các hài cốt này. Ðể xoa dịu cơn phẫn nộ chính đáng của các gia đình liệt sĩ qua các cuộc biểu tình liên tục đòi hỏi chính quyền phải làm sáng tỏ sự việc này và trừng trị kẻ phạm tội, chính phủ Cộng Sản đã đưa giám đốc này ra tòa để lãnh án tử hình, chung thân hay xử lý nội bộ, và câu chuyện ngã ngũ ra sao, bên ngoài không ai biết.

Cũng tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn toàn bộ cột trụ hàng rào vừa đổ trong cơn bão vừa qua, không hề có cốt sắt bên trong… để tiết kiệm tiền bạc cho Nhà nước.

Sở dĩ tôi đem câu chuyện dối trá dài dòng này, trong hàng trăm nghìn câu chuyện đang xảy ra trên đất nước Việt Nam, dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay, nói chuyện với ông bạn thương binh trong nước mới ra, vì tôi biết sống trong một hoàn cảnh đất nước đầy lừa lọc, gian dối và mất tình người như thế trong một thời gian dài, con người chúng ta bị ô nhiễm lúc nào không hay. Ông Khổng Tử có phán một câu, đại khái khi người ta vào trong chợ cá một thời gian thì ta không nghe mùi cá, vào vườn lan một lúc thì không còn nghe mùi thơm của lan. Mong rằng ông sẽ gột bỏ, tắm gội những phần bụi bặm ông đã phải gánh chịu và tiêm nhiễm trong thời gian qua để bước đến một cuộc sống mới hạnh phúc, công bằng hơn. Về vật chất, tạm thời ông không cần đến ai, ngoài các con của ông; về tinh thần, cầu Ơn Trên, trong những ngày cuối đời, ông sẽ cảm thấy an lạc tâm hồn và bỏ hết những đắng cay, nghi kỵ mang trong lòng bấy lâu nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét