Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Những quý tử khét tiếng nhà Gaddafi


Những người con của lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi không ít lần dựa vào quyền thế của cha để tự tung tự tác và gây nhiều tai tiếng.
Hầu hết 8 người con của ông Muammar Gaddafi đều từng gây xôn xao dư luận vì những hành động thiếu kiềm chế. Vì thế, dù con thứ Seif el-Islam được cho rằng có thể trở thành “thái tử” nhưng đến nay, ông Gaddafi vẫn chưa thật sự tin tưởng người nào để chọn làm người nối nghiệp. Bù lại, ông dành nhiều vị trí quan trọng chia cho các con nắm giữ.

Các “hoàng tử lắm chiêu”

Người con cả Mohamed Gaddafi, 40 tuổi, hiện là Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Libya, theo tờ 24 heures. Mohamed còn là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia và Hiệp hội Cờ vua Địa Trung Hải. Ông nhiều lần tự làm khó cho con đường quyền lực của mình bằng những phát biểu “linh tinh” như công khai khuyên Giáo hoàng Benedict XVI nên… cải đạo sang Hồi giáo. Năm 1996, khi đội bóng của ông thất bại trước đội của em trai Saadi Gaddafi, Mohamed đã không chấp nhận kết quả và để cận vệ của mình đọ súng với phe đối phương. Hậu quả là 20 người thiệt mạng, bao gồm 1 trọng tài.
Người con thứ 3, Saadi Gaddafi, 38 tuổi, không có tham vọng trên chính trường nhưng lại rất mê bóng đá. Ông Muammar Gaddafi không ngần ngại mua cổ phiếu để con trai có chân trong Hội đồng quản trị của CLB Ý Juventus. Bỏ ra 1 triệu USD, cha con Gaddafi vận động thành công để đưa trận chung kết Siêu cúp nước Ý về thủ đô Tripoli năm 2002.

Một sự kiện đình đám khác là vào ngày 31.12.1999, Libya tổ chức một trận đấu vào lúc 23 giờ và sắp xếp để Saadi trở thành cầu thủ ghi bàn thắng cuối cùng của thiên niên kỷ. Trong khi đó, với khả năng bóng đá của mình, Saadi chỉ để lại ấn tượng lớn nhất khi bị… treo giò 3 năm vì sử dụng chất kích thích lúc thi đấu cho CLB Perugia của Ý năm 2002.
Trong khi đó, dù được xem là sáng giá nhất nhưng con trai thứ 2 Seif al-Islam Gaddafi, 39 tuổi, vẫn chưa ghi được dấu ấn rõ nét trên chính trường. Theo tờ El Pais, Seif lấy bằng kỹ sư công nghiệp tại Đại học Al Fateh năm 1993 và lập tức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tổ chức Gaddafi, vốn có vai trò như một cơ quan ngoại giao không chính thức của Libya.

Năm 1997, Seif được nhận vào trường Internationnal Business School ở thủ đô Vienna của Áo. Tuy nhiên, khi đó chính quyền Áo rất ngần ngại trong việc cấp giấy tờ cho ông, đặc biệt khi “du học sinh” xứ Libya này mang theo 4 cận vệ và… 2 chú cọp Bengal. Để con trai được tiếp đón tử tế hơn, ông Muammar Gaddafi dọa trừng phạt các công ty Áo tại Libya. Sau cùng, chính quyền Vienna đã đồng ý cho Seif lưu lại với điều kiện phải gửi “cọp cưng” vào Sở thú Schönbrunn.

Coi trời bằng vung
Xét về khoản “chơi ngông” thì không ai qua mặt được con trai thứ 5 Hannibal Gaddafi. Sinh năm 1976, tốt nghiệp bác sĩ, từng phục vụ trong quân đội và hiện là cố vấn của Công ty vận tải hàng hải quốc gia nhưng Hannibal thường xuyên gây tai tiếng và tranh cãi ngoại giao.

Tháng 8.2001, tại thủ đô Rome của Ý, rời khỏi vũ trường trong tình trạng say xỉn, Hannibal dùng bình chữa cháy xịt vào cảnh sát khiến 3 người bị thương, theo tờ L’Express. Tháng 9.2004, quý tử nhà Gaddafi phóng ngược chiều với tốc độ 140 km/giờ trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris, Pháp. Bị chặn lại, ông cùng các cận vệ hành hung 1 cảnh sát đến mức phải nhập viện. Điều đáng nói là những lần Hannibal gây chuyện hầu hết đều được tha bổng, xử án treo hoặc chính quyền địa phương chỉ xử phạt cận vệ của ông. Chỉ một lần duy nhất xảy ra ngoại lệ tại Thụy Sĩ và ngoại lệ này đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Tripoli và Bern căng thẳng suốt hơn 2 năm nay.

Ngày 15.7.2008, Hannibal Gaddafi và vợ bị bắt tại Genève vì 2 người giúp việc tố cáo thường xuyên bị họ đánh đập trong suốt thời gian dừng chân ở Thụy Sĩ. Hannibal bị tạm giam 2 ngày, trong khi vợ được đưa đến bệnh viện vì sắp đến ngày sinh nở. Vợ chồng ông được đưa về Libya sau khi đóng 340.000 euro tiền bảo lãnh. Việc con trai bị áp giải và tạm giữ khiến lãnh đạo Muammar Gaddafi nổi trận lôi đình. Ông đã có hàng loạt động thái trả đũa như đóng cửa các công ty Thụy Sĩ tại Libya, không cho tàu Thụy Sĩ cập bến và ngừng cung cấp dầu cho nước này…

Nghiêm trọng hơn, chính quyền Libya bắt giữ 2 doanh nhân Thụy Sĩ với lý do vi phạm luật cư trú. Tình hình căng thẳng đến mức trong chuyến thăm Tripoli vào tháng 8.2009, Tổng thống Thụy Sĩ Hans-Rudolf Merz phải ngỏ lời xin lỗi “nhân dân Libya” vì việc bắt giữ “không chính đáng” đối với Hannibal Gaddafi. Sau đó, 2 người Thụy Sĩ nói trên được thả về nước lần lượt vào tháng 2 và tháng 6.2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét