Pages

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Quân đội TQ sẽ lại ra tay giết người biểu tình nếu ‘Thiên An Môn’ tái diễn?


Duy Ái -Trong lúc nhiều người trên khắp thế giới tán thưởng việc quân đội Ai Cập cam kết không nổ súng vào người biểu tình chống chính phủ, một số người Trung Quốc nêu lên câu hỏi là nếu những gì đang xảy ra tại Quảng trường Tahrir ở Cairo diễn ra ở Bắc Kinh, liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có ra tay giết người như họ đã làm cách nay hơn 20 năm ở Quảng trường Thiên An Môn hay không. Một vị giáo sư chính trị học ở Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc có phần chắc sẽ ra tay đàn áp người biểu tình theo lệnh của giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải, nhưng một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc không tán thành ý kiến này. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Hàng trăm ngàn người Trung Quốc, phần lớn là sinh viên học sinh, biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh, 17/05/1989

Trong hơn một tuần nay, trong lúc nhìn trên màn ảnh truyền hình những cảnh tượng ở Quảng trường Tahrir ở Cairo, nhiều người trên thế giới đã nhớ tới cảnh hàng trăm ngàn người Trung Quốc, phần lớn là sinh viên học sinh, biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh cách nay hơn 20 năm. Một số nhà phân tích cho rằng làn sóng của “Cuộc cách mạng hoa Lài” ở Tunisia — đã lan sang Ai Cập và một số quốc gia trong khối Ả rập, cũng có thể lan tới những nước khác đang nằm dưới sự cai trị của các chế độ độc tài, như Trung Quốc chẳng hạn. Hầu hết các nhà quan sát đồng ý với nhau rằng người dân Trung Quốc cũng có những nỗi bất mãn không khác gì mấy với người dân ở Tunisia hay Ai Cập.

Trong khi đó, cũng có nhiều người, đặc biệt là những người Trung Quốc, đã nêu lên câu hỏi là nếu những gì đang xảy ra ở Cairo diễn ra ở Bắc Kinh, liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có ra tay giết người như họ đã làm vào tối ngày mồng 3 rạng ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989 hay không.

Giáo sư Vương Duy Chính là chủ nhiệm khoa chính trị của Đại học Richmond ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông cho biết ý kiến như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:

“Nếu những gì đang xảy ra ở Ai Cập xảy ra ở Trung Quốc, rất khó để có thể tưởng tượng là Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ làm phản, sẽ về phe của dân chúng để lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn là chắc chắn không xảy ra.”

‘Người biểu tình vô danh’ đứng chặn 1 đoàn xe tăng gần Thiên An Môn khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được triển khai đàn áp người dân, 05/06/1989

Tiến sĩ Vương Duy Chính cho rằng có nhiều khả năng là quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục trung thành với giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải vì họ đã nhận được rất nhiều quyền lợi từ những chính sách của Trung Quốc nhằm bành trướng sức mạnh quân sự trong hơn 20 năm qua. Ông giải thích thêm như sau:

“Trong 21 năm qua, vì kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ rất nhanh chóng, nên công cuộc hiện đại hóa quốc phòng, vốn nằm ở hạng chót của kế hoạch 4 cái hiện đại hóa do Đặng Tiểu Bình xướng xuất, đã được nâng cấp và trong hai thập niên qua giới lãnh đạo Trung Quốc đã không ngớt đổ rất nhiều nguồn lực cho quân đội. Thêm vào đó, từ thời Giang Trạch Dân cho tới thời Hồ Cẩm Đào hiện nay, có rất nhiều tướng lãnh trong quân đội đã được thăng chức, được đưa vào hàng ngũ lãnh đạo. Và dĩ nhiên là họ làm như vậy với mục đích tranh thủ sự trung thành của quân đội để bảo vệ cho sự ổn cố của chế độ.”

Tiến sĩ Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Quỹ Heritage ở Washington, cũng cho rằng mức độ “phục tùng mệnh lệnh Đảng” của quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây dường như còn cao hơn lúc trước. Ông nói rằng điều này có thể thấy được qua những vụ đàn áp ở Tây Tạng năm 2008 và ở Tân Cương năm 2009.

Trong khi đó, ông Ngụy Kinh Sinh, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc đang sống lưu vong ở Mỹ không tán đồng nhận định cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ nổ súng vào người biểu tình. Ông giải thích như sau:

“Tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác với tình hình của 20 năm trước. Tầm nhìn và khả năng phán đoán sự việc của người lính Trung Quốc đã hoàn toàn khác trước. Và thật ra thì 20 năm trước ông Đặng Tiểu Bình cũng đã phải rất khó khăn mới có thể ép buộc quân đội nổ súng giết người. Bây giờ tôi nghĩ rằng sự việc của 20 năm trước sẽ không thể nào lập lại.”

Ông Ngụy Kinh Sinh là một nhân vật kỳ cựu của phong trào tranh đấu cho dân chủ của Trung Quốc. Ông bị giới hữu trách Trung Quốc bắt giam năm 1979 và phải ngồi tù 15 năm vì đã viết bài tham luận có nhan đề “Dân chủ: Cái hiện đại thứ 5” vào năm 1978 để chỉ trích kế hoạch “4 cái hiện đại hóa” của ông Đặng Tiểu Bình.

Sinh viên tạc tượng ‘Nữ thần Dân chủ’ ở một khuôn viên gần Thiên An Môn, 29/05/1989

Ông Ngụy Kinh Sinh cho biết ở Trung Quốc trong những năm gần đây trung bình mỗi năm có đến hai mươi ngàn vụ gây rối tập thể, chứng tỏ sự bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng. Ông nói rằng một cuộc nổi dậy qui mô lớn có thể xảy ra và ông lạc quan tin tưởng là quân đội sẽ về phe người dân:

“Tôi có cái nhìn tương đối lạc quan. Tôi không nghĩ rằng tất cả những người lính đều là những tay côn đồ. Họ cũng có lương tâm như những người dân bình thường. Chỉ có điều là vào 20 năm trước, vì nhiều nguyên do khác nhau tụ hội lại một lúc, nên họ đã phải đóng vai trò của những kẻ đàn áp người dân. Nhưng, ngày nay, tôi nghĩ rằng họ sẽ không phạm lỗi lầm như vậy.”

Ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng việc giới lãnh đạo ở Bắc Kinh ra lệnh hạn chế việc loan tải các thông tin về cuộc nổi dậy ở Ai Cập cho thấy rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang lo sợ về một cuộc nổi dậy có thể xảy ra trong lúc sự suy nghĩ của những người trong hàng ngũ quân đội đã đổi khác. Ông giải thích thêm như sau:

“Theo tôi thì cái nhìn của họ về tương lai của Trung Quốc cũng khác với cái nhìn của 20 năm trước. 20 năm trước, nhiều người vẫn còn tin là Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể đưa đất nước tới một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế trong 20 năm nay cho mọi người thấy rằng sự việc không phải là như vậy. Chẳng những thế, tình hình hiện nay còn tệ hại hơn 20 năm trước. Chênh lệch giàu nghèo đã gia tăng rất nhiều, cuộc sống của người dân bình thường cũng khổ sở hơn nhiều, và tình trạng bất công xã hội mỗi lúc mỗi nghiêm trọng hơn. Nhà cầm quyền chẳng những không đếm xỉa tới đạo lý thông thường mà còn công khai chà đạp đạo lý. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới người lính. Người lính bản thân họ cũng là người dân. Đặc biệt là những quân nhân cấp dưới, họ không khác gì người dân bình thường.”

Cho tới nay vẫn chưa có con số chính xác về số người chết trong vụ đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Theo ước tính của một số nhà nghiên cứu và ký giả, số nạn nhân của vụ thảm sát này có thể lên tới 3 ngàn người, dựa trên các báo cáo ban đầu của Hội Hồng Thập Tự và sự phân tích về qui mô và mật độ của người biểu tình cùng với hỏa lực mà quân đội Trung Quốc đã dùng để dẹp tan cuộc biểu tình.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/china-egypt-02-04-11-115316689.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét