Pages

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

SỰ TĨNH LẶNG DỄ BÙNG CHÁY Ở VIỆT NAM

David Brown – Minh Hạo dịch


Vụ án mạng thương tâm phóng viên điều tra Lê Hoàng Hùng đã khiến chúng ta nhìn lại mối liên hệ giữa báo chí và chính quyền ở Việt Nam.

Trong gần hai thập kỷ, Hùng theo chân lực lượng điều tra tại một số tỉnh thành khu vực Mekong Delta phía Nam TP. Hồ Chí Minh. Bắt đầu với vai trò phóng viên tự do của báo Tuổi Trẻ, sau đó là phóng viên ăn lương của báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh và gần đây nhất là của báo Người Lao Động kể từ năm 2002, Hùng chuyên đưa tin về tranh chấp trong gia đình, hàng xóm, các vụ mất tích và án mạng mập mờ, bắt giữ con bạc, dân buôn lậu, buôn bán ma túy, than phiền về cảnh sát hung hãn cũng như cán bộ cứng đầu.
Không ít lần các tin Hùng đưa khiến nhà cầm quyền nhức nhối. Một trong những báo cáo của Hùng năm ngoái vạch trần việc 111 cán bộ tỉnh Long An sử dụng bằng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để thăng quan tiến chức. Thỉnh thoảng, ông tiết lộ những thông tin nhạy cảm, như các trường hợp tham nhũng động chạm đến danh tiếng của cán bộ cấp cao và lực lượng nòng cốt của Đảng Cộng sản.

Số tiền lớn của Long An, một tỉnh với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh tại phía Nam và phía Tây, là nằm trong chuyện “phân loại đất đai”, hoặc tái quy hoạch. Hàng chục bài viết của Hùng cho báo Người Lao Động khai thác vấn đề chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang “những khu vực phát triển” như là sân gôn, khu công nghiệp, chung cư cao cấp, và thường xuyên nhắm vào việc làm sáng tỏ hành động không minh bạch của chính quyền.

Xuân và hè 2010, tên của ông xuất hiện trong một loạt bài báo về việc hàng trăm héc-ta đất công bị các cán bộ huyện Tân Hưng, Long An sử dụng sai mục đích.

Mặc dù được kính trọng trong công việc, Hùng không hẳn là một phóng viên lỗi lạc, lại cũng không kiệt xuất gì trong việc vạch trần những vụ tai tiếng. Dù biên tập viên của ông cho hay Hùng không phải loại người dễ bị mua chuộc, nhưng khó có thể nói rằng Hùng là người cấp tiến. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản, cựu hạ sĩ quan trong Quân đội Việt Nam, và có cha là một quân nhân Việt Cộng.

Phóng sự như của Hùng đã trở nên phổ biến trên các tờ báo hàng đầu Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế mở, hàng tá báo in và báo điện tử nước này đã học được rằng các bài viết nói lên sự thật với chính quyền giúp thúc đẩy lượng phát hành. Hơn nữa, nếu họ chỉ phơi bày sự thật về chính quyền địa phương, việc yêu cầu cán bộ chịu trách nhiệm thực ra có lợi cho chính quyền trung ương và bộ máy đảng.

Cho dù báo chí Việt Nam thường xuyên được giới quan sát quốc tế nhìn nhận như công cụ chịu sự kiểm soát nặng nề của bộ máy đảng, tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều. Phóng viên và biên tập viên học cách nhận biết chủ đề hay tình huống nào họ có thể đưa một cách táo bạo, tranh chấp nào có thể đưa một cách bóng gió, và cái nào thì bị cấm hoàn toàn.

Họ có thể được tuyên dương nếu bài viết chỉ ra nơi cán bộ địa phương thất bại trong việc thi hành đúng đắn chính sách trung ương, hoặc trên thực tế đã cố tình bỏ bê hay bóp méo hướng dẫn từ cấp trên. Tuy nhiên, biên tập viên thường xuyên bị kỷ luật nếu tin bài họ gợi ý rằng chính sách trung ương sơ hở chết người, hay chỉ ra một vụ bê bối làm xấu mặt cán bộ cấp cao.

Giáo sư Đại học Iowa Mark Sidel chỉ ra rằng tin bài về các vấn đề pháp luật, bao gồm việc vi phạm pháp luật của công an và các nhà chức trách khác, đang được đảng và chính quyền khuyến khích hy vọng có thể đưa vào quy củ việc củng cố bộ máy pháp lý. “Kết quả là,” ông Sidel cho biết, “báo chí Việt Nam có thêm tự do để đưa tin – đôi khi đi sâu vào chi tiết ghê rợn hoặc gây nhiều tranh cãi – về các vấn đề xã hội, pháp luật cũng như nhiều vấn đề khác.”

Đốt cháy người đưa tin

Mấy tiếng đồng hồ đầu rạng sáng ngày 19/1, ai đó rõ ràng đã đột nhập vào nhà riêng của ông Hùng từ một cửa sổ mở sẵn, tẩm xăng lên khắp người nhà báo lúc đó còn đang say ngủ, rồi đốt. Tiếng la hét của ông đánh thức vợ ông là bà Trần Thị Thúy Liễu và hai cô con gái đang ngủ trên tầng trên. Khi ngọn lửa bị dập tắt, hầu hết cơ thể Hùng đã bị bỏng cấp độ 3. Ông mất tại bệnh viện Chợ Rẫy 10 ngày sau đó.

Kẻ tấn công Hùng vẫn còn là một ẩn số. Công an đang tiến hành điều tra và cho biết họ đang theo dõi một số người bị tình nghi. Bình luận từ cả giới báo chí và quan chức đều thận trọng về việc ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Hùng. Ngay cả Người Lao Động và các tờ báo khác của Việt Nam cũng dè dặt trong việc kêu gọi thúc đẩy nhanh quá trình tìm ra hung thủ, như thể họ nghi ngờ rằng cái chết của ông Hùng không có liên quan gì đến các bài phóng sự của ông.

Cái chết của ông Hùng gần như trùng hợp với thời điểm có hiệu lực của những sửa đổi Luật Báo Chí Việt Nam, vốn được Hà Nội ca ngợi rằng sẽ đảm bảo tốt hơn các quyền của phóng viên. Luật mới áp dụng một khoản phạt lớn hơn hẳn với bất kỳ ai gây trở ngại hay làm hại nhà báo trong thời gian đưa tin. Theo quy định mới về Báo chí, công chức được yêu cầu phải “hợp tác với giới truyền thông”.

Cũng quy định đó, lại đã bị hai tổ chức bảo vệ tự do báo chí là Tổ chức Nhà báo Không biên giới (Reporters Without Borders-RSF) và Ủy ban Bảo vệ cách Nhà báo (Committee to Protect Journalists-CPJ) cùng lên tiếng chỉ trích thẳng. Các tổ chức quốc tế phản đối hình phạt ngày càng gia tăng cho việc đăng tin “không được phép” cũng như tin “không phù hợp với lợi ích của nhân dân”, và yêu cầu phóng viên phải chỉ rõ nguồn tin. Thêm vào đó, RSF và CPJ đã lên án vụ tấn công ông Hùng, suy xét rằng nó có liên quan đến những phóng sự điều tra của ông.

Mặc dù những điều khoản quy định trong những văn bản như Luật Báo chí có hiệu lực một cách chọn lọc, rất có thể 17,000 nhà báo chính thức của Việt Nam đang theo dõi sát sao, thắc mắc liệu có phải luật mới thực sự báo hiệu một sự kiểm soát gắt gao hơn đối với giới truyền thông.

Trong bài diễn văn này 5/1, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỳ cựu Trương Tấn Sang gợi y rằng đưa báo chí vào khuôn khổ thực sự là chủ đích của nhà nước. Ông Sang chỉ trích tính thương mại hóa, thiếu tinh nhạy, thiếu trách nhiệm xã hội cũng như “sự tập trung dai dẳng vào khía cạnh chống đối của xã hội, làm tổn hại công việc kinh doanh, các nhà sản xuất và người tiêu dùng” của báo chí. Vụ tấn công ông Hùng là một phép thử đối với những chủ đích của nhà nước.

Một tình tiết không ai ngờ tới xuất hiện trong ngày 5/2. Bắt đầu khởi đăng sau 3 ngày Tết, các tờ báo cấp quốc gia đưa tin rằng vợ của ông Hùng, bà Trần Thị Thúy Liễu, đã bị công an tỉnh Long An thẩm vấn kỹ. Tờ Người Lao Động và Tuổi Trẻ đều trích dẫn những nguồn không nêu tên cho hay bà Liễu là một con bạc thâm niên với thói quen đánh cược những khoản tiền khổng lồ tại một sòng bạc phía bên kia bên giới Campuchia.

Theo nguồn tin Người Lao Động, bà thua bạc nhiều đến nỗi phải van xin chồng bán nhà trả nợ. Tờ Thanh Niên ngày 7/2 đưa tin thêm rằng bà Liễu mang một khoản nợ lên đến 1,5 tỷ đồng, rằng ông Hùng đã nói với bạn bè rằng ông và vợ có “những điểm khác biệt”, và hơn 20 người bao gồm bạn cờ bạc và anh chồng của bà Liễu đã bị thẩm vấn. Trong khi đó, bà Liễu khăng khăng rằng bà đến sòng bạc chỉ để bán khăn lạnh.

Cảnh sát điều tra vụ án đều biết ông Hùng rất rõ. Họ từng là đối tượng và nguồn tin của ông suốt mấy thập kỷ. Có khả năng cũng những cảnh sát đó đã âm mưu đưa ra một giả thuyết nhằm che đậy sự phức tạp thực sự trong bóng tối. Đó không phải là điều gì lạ lẫm ở Việt Nam hay ở nơi nào khác. Cho đến thời điểm này, chưa có ai gợi ý rằng ông Hùng đã tiết lộ thông tin về vợ mình khi ông đang nằm hấp hối. Dù cho đó là một câu chuyện lạnh sống lưng về tình trạng đàn áp báo chí hay chỉ là một vụ bê bối bẩn thỉu trong gia đình, thì những tình tiết trong cái chết của ông Hùng cũng rất có thể chính là loại tin mà ông thường vẫn hết lòng theo đuổi.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu chuyên viết bài về Việt Nam đương đại. Có thể liên hệ ông tại nworbd@gmail.com.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét