Pages

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Tập đoàn nhà nước 'đóng vai trò nòng cốt'

Một số tập đoàn lớn báo cáo hoạt động trực tiếp tới Thủ tướng chứ không qua các bộ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tham vọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7-7,5% và tái khẳng định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt.

Trong buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty được thành lập theo Quyết định 91 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là tập đoàn, hay tổng công ty 91) nhằm triển khai kế hoạch năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được TTXVN trích dẫn nói về "quyết tâm của Chính phủ xây dựng khối thành phần kinh tế nhà nước với vị trí nòng cốt, vai trò chủ đạo trong thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao hơn năm 2010".

Giới quan sát cho rằng một nước khó có thể vừa kiềm chế lạm phát trong khi lại muốn duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cao.

TTXVN ngày 15/02 đưa tin báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước cho thấy điều được mô tả là có 20 trong tổng số 21 tập đoàn, tổng công ty 91 (trừ Vinashin) hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2010.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu tập đoàn 91 dùng hãng kiểm toán độc lập hoặc của nước ngoài để đảm bảo tính chính xác của báo cáo tài chính.

TTXVN cho hay chính phủ cũng lưu ý các doanh nghiệp bốn vấn đề lớn cần tập trung thực hiện trong năm 2011 bao gồm cả lộ trình để kiềm chế lạm phát nhưng không nói rõ để kiềm chế lạm phát thì doanh nghiệp phải làm gì.

Tin cho hay tại buổi họp này đã có nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp phù hợp hơn, linh hoạt hơn trong xây dựng chính sách kinh tế, nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

'Chịu không nổi'



Vụ đổ bể Vinashin đã được đưa ra quốc hội chất vất vào năm ngoái.



Tập đoàn Cao su Việt Nam, với việc lần đầu tiên đạt được doanh thu 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu, cho biết kết quả có thể sẽ tốt hơn nếu không gặp khó khăn về vốn.

Nếu phải vay với mức lãi suất hiện nay, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Cao su Việt Nam nói là "không thể chịu nổi".

Đại diện của Tập đoàn này cho biết, với lãi suất cho vay phổ biến ở mức trên 18% rất ít doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, bởi muốn có lãi, giá trị gia tăng của sản phẩm phải lên tới hơn 20%.

Riêng đối với Vinashin, Thủ tướng Dũng được trích dẫn nói "Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa trên cơ sở phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, theo đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị để tạo điều kiện cho Vinashin vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất".

"Tôi đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác chung tay hỗ trợ, cùng Chính phủ, Vinashin giữ vững mục tiêu phát triển ngành đóng tàu Việt Nam," Thủ tướng Dũng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, được trích dẫn nói trong năm 2011, tập đoàn này chưa thể có lãi.

Trong khi đó, hầu hết ngân hàng cho biết chỉ cho vay doanh nghiệp của Vinashin chừng nào tập đoàn này có lãi. "Nếu như vậy thì trong năm 2011, Tập đoàn sẽ không có vốn," ông Sự cho biết.

Tác giả Nhật Minh của báo điện tử VNexpress có bài nói với trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), khó khăn về vốn ở hiện tại thậm chí còn chồng chất hơn.

"Hầu hết các ngân hàng đều nhìn các doanh nghiệp của Vinashin với ánh mắt thận trọng, thậm chí e dè," tác giả viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét