Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Thời kỳ quá độ là cái… gì?

Năm nào tôi cũng vào Virginia, ít nhất là một lần – vào khoảng cuối Thu, nhân dịp đám giổ bên nhà vợ. Tuy vượt biên trên cùng một thuyền với các em vợ, nhưng đến Mỹ thì chúng tôi chia tay để mỗi bên về tận một cực của cái đất nước rộng bao la này. Theo tôi về miền Tây, đây là cơ hội cho vợ tôi đoàn tụ với gia đình . Lâu ngày, đi Virginia trở thành thông lệ mỗi năm. Tôi thích nắng ấm Cali nhưng mùa Thu ở Washington, D.C. và Virginia thì rất đẹp, khi lá cây đổi màu vàng cháy trong những công viên hay trên những đồi núi của con đường Skyline…

Washington, D.C., Thủ Phủ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thật ra rất nhỏ, chỉ chiếm khỏang 350 km2. Ra khỏi Tòa Bạch Cung hay tháp Bút Chì, chạy xe 10, 15 phút là đã vào ranh giới của tiểu bang Maryland hay Virginia rồi. Chỉ khoảng 350 km2, nằm trong 1 vòng đai của xa lộ 495 và 95 mà dân ở đây đặt cho một cái tên ngộ nghĩnh là vòng đai của bọn cướp (Beltway bandit), Washington, D.C. không những chỉ là trung tâm quyền lực của cả nước Mỹ mà còn ảnh hưởng trên cả toàn cầu…

Đời sống ở Washington, D.C. vì thế rất đắc đỏ. Tôi không biết đắt đỏ đến mức độ nào nhưng phụ cấp đắt đỏ cho nhân viên chính quyền liên bang ở Washington, D.C. là cao nhất (24%). Trường đại học George Washington là một trường đại học tư tại Washington, D.C. Vào trường này cũng như cư ngụ xung quanh vùng này thì chắc hẵn phải có điều kiện tài chánh dồi dào. Rất nhiều sinh viên Việt-Nam du học ở tại đây theo học tại trường này. Các trường đại học kỷ thuật nỗi tiếng khác với học phí thấp hơn nhiều như Virginia Tech, University of Virginia đều cách Washington, D.C ít nhất là 2, 3 giờ lái xe…

Tôi biết trường George Washington nhân dịp vào D.C năm 2007 để tham dự lễ tốt nghiệp Tiến Sĩ của một người em. Năm sau, như thường lệ tôi cũng đã trở lại Virginia. Vào một buổi sáng khi chúng tôi ăn điểm tâm tại một tiệm phở trong khu thương mại Eden thì có một chàng thanh niên trẻ đến chào hỏi người em tôi. Được giới thiệu, tôi cũng đã chào lại và bắt tay (?) người này. Đó là một chàng thanh niên dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt trắng trẻo, rất sáng sủa và còn rất trẻ mà mới thoạt nhìn tôi đã tưởng là sinh viên mới vào trường, học sinh của em tôi. Nhưng không phải: anh ta là một du học sinh đang trình luận án Tiến Sĩ tại trường người em tôi vừa tốt nghiệp năm rồi… Họ nói chuyện với nhau một khoảng thời gian ngắn. Khi anh ta đi rồi, người em của tôi với vẽ mặt rạng rỡ và hãnh diện (?) tươi cười hỏi tôi:

- “Có biết ai đó không?”

- “Không biết, làm sao anh biết được!”

- “Con trai của Nguyễn Tấn Dũng đó!”

Một thoáng bất mãn, tôi sa sầm nét mặt và bảo thẳng người em tôi là lần sau xin đừng giới thiệu những người như thế cho tôi nữa. Tôi không mong có được vinh dự như vậy. Ngạc nhiên và chưng hững(?) em tôi hỏi lại:

- “Tại sao? anh có thù hằn gì với hắn?”

- “Không, anh không có thù hằn gì cả”

- “Vậy thì hắn đã làm gì nên tội?”

- “Không biết, có lẽ hắn chưa làm gì nên tội cả.”

- “Vậy thì tại sao?”

- “Không tại sao cả. Đối với anh, con người ấy hiện đang sống thoải mái, ăn trên ngồi trước nhờ những ân sũng của tội ác trong khi cả nước đang oằn oại, không có ngày mai. Vì thế anh không thể dững dưng hòa nhả coi như không có chuyện gì.”

- “À! Nhưng anh có hiểu những người như hắn sẽ là những người sẽ phá hủy chế độ CS tại Việt-Nam trong tương lai?”

- “Thật vậy sao? anh không biết. Nhưng chúng ta không cần phải tiếp tục tranh luận về đề tài này nữa!”…

Hôm qua vào mạng tôi tình cờ có dịp thấy lại khuôn mặt đó. Chỉ cách 3 năm mà anh ta đã khác hẵn: tròn trĩnh, râu ria, rắn chắc cũng như một sự ngiệp bắt đầu của anh: Ủy Viên Dự Khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN. Anh ta đang xây dựng sự nghiệp bằng chính đôi chân của mình như một bài báo ở Việt-Nam đang ca ngợi? Trong một chế độ “quân chủ”, có vị hoàng tử nào dại dột xây dựng đế nghiệp bằng cách đi lại từ đầu với đôi chân của chính mình?. Có lẻ, điều mới lạ duy nhất mà người ta có thể thấy trong lần đại hội này là sự chuẩn bị nhân sự lộ liễu cho một thế hệ lãnh đạo mới vì dù những cấp lãnh đạo già nua của CSVN có thể áp đặc mọi “định luật”, họ không thể thay đổi một định luật khách quan mà chủ nghĩa Mác-Lê không thể không chế được đó là luật của thời gian.

Trong danh sách của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN tôi cũng thấy có tên của người con ông Nguyễn Cơ Thạch, Phạm Bình Minh, một du học sinh ở Đức mà tôi có dịp nghe một số chuyện kể từ một người bạn. Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người được gióng tiếng là thành phần “yêu nước cấp tiến”, thậm chí đã đi ngược lại với cả đường lối chuyên chính của đảng CSVN? Trong xã hội của nền dân chủ tư bản người ta nhìn thấy hiện tương bạn thù lẫn lộn là chuyện thường. Nhưng trong chính trường của CS, mọi “mầm mống phản động” đều được phân tích và chọn lựa cẩn thận… con trai của Nguyễn Tấn Dũng, con trai của Nguyễn Cơ Thạch đang bắt đầu chương trình phá hủy chế độ CS hay đang xây dựng một “sự nghiệp vô sản” cho chính mình? – tôi không biết. Nhưng đừng ngụy biện. Con đường nào cũng xuất phát từ 1 sự chọn lựa hòan toàn có tự do của họ!.

Cho lần đại hội đảng thứ 11 này, có một số đảng viên kỳ cựu khi phê bình việc tuyển chọn nhân sự của đảng cho rằng việc lựa chọn phải dựa trên lý lịch rõ ràng và có thành tích cách mạng cụ thể… Câu nghe quen quen như khi người ta xét lý lịch để được lưu dụng hay tuyển mộ thành phần mới tại miền Nam sau tháng Tư 1975… Ngày nay cứ theo kiểu cha truyền con nối là đạt yêu cầu, cần gì thanh lọc cho tốn kém…

Khi nhận xét về chính sách yểm trợ giáo dục của Hoa Kỳ cho Việt-Nam, nhiều nhà bình luận đã lạc quan mà cho rằng đầu tư các lý tưởng dân chủ tự do trong đầu óc của các du học sinh từ Việt-Nam, nhất là con em của các nhà lảnh đạo CS, là gieo hạt giống cho một cuộc cách mạng nhung trong tương lai… “chính những người này sẽ là những người lật đổ chế độ cộng sản Việt-Nam cho nên hãy kiên nhẫn, chờ đợi và hợp tác…” tôi cũng mong là lập luận này sẽ đúng. Nhưng trên xương máu của nhiều triệu người đã chết cũng như trong nước mắt của nhiều triệu người đang còn sống, tôi tự nhủ mình không có quyền mơ mộng như thế! Có những mâu thuẩn nội tại mà nếu giải thích theo những suy luận thông thường thì sẽ trở thành nghịch lý. Trong giáo dục của những chế độc tài người ta chỉ có thể đào tạo những tay sai như loại “còn đảng còn mình” chứ không thể đào tạo những tâm hồn khai phóng để trở thành những lực lượng lật đổ chính họ. Đây mới chính là cái “thế lực thù địch” hay là linh hồn của những thế lực thù địch mà nhà cầm quyền CSVN không thấy hay cố tình xuyên tạc. Trong tôn giáo, những nhà độc tài không thể chấp nhận bất cứ một quyền lực nào cao hơn độc quyền cai trị của họ – dù đó là hình tượng của một đấng toàn năng hay năng lực của quy luật hợp tan của “Không Tánh”. Trong cái nhìn này, người ta còn trông mong 1 chế độ tự do tôn giáo nào trong chủ nghĩa xã hội? Tôi thật không hiểu các nhà lảnh đạo tinh thần trong các tổ chức tôn giáo quốc doanh tại Việt-Nam giảng giải giáo lý của họ như thế nào cho các tín đồ của họ chấp nhận chung sống và ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội? Để trấn áp quần chúng, các nhà lãnh đạo độc tài còn phải kềm hãm các sự phát triển của đa số quần chúng mà cụ thể là phải bần cùng hóa họ để họ không có sức lực đề kháng.

Với tất cả những nghịch lý như thế, người ta sẽ không ngạc nhiên gì khi chứng kiến những chế độ XHCN độc tài cứ mãi trì trệ trong cả nền văn minh vật chất lẫn tinh thần và cuối cùng là đã sụp đỗ ngay trong thời kỳ quá độ vì những mâu thuẩn nội tại gay gắt không thể khắc phục được như ở tại Liên Sô và các nước CS Đông Âu. Những chế độ độc tài còn sống sót thì tiếp tục oằn oại như tại Triều Tiên, Cuba, Miến Điện, Việt-Nam… Gần đây, có một số người thấy sự đột phát về quyền lực của Trung Cộng mà cho rằng đó là kết quả của chế độ XHCN tại đây. Người ta không thể giải thích sự hùng mạnh của đế quốc La Mã là nhờ chế độ nô lệ. Người ta không thể giải thích sự hùng mạnh của những nước Đức, Nhật trong thế chiến thứ Nhất và thứ Hai là nhờ những chế độ độc tài phát xít hay quân chủ tại những quốc gia này. Và hơn nữa, hùng mạnh như thế để làm gì trong cái nhìn nhân bản của loài người? Tại Trung Quốc, bên cạnh 1 nền kinh tế phát triển thiếu cân đối đã đưa đến những chênh lệch giàu nghèo thảm khốc là những nanh vuốt quân sự của những tham vọng bành trướng và sự cố gắng vực dậy 1 nền luân lý Khổng-Mạnh như là nền tảng của những chế độ quân chủ lâu đời tại đây. Đây có phải là thành quả của chế độ XHCN như một số người đã hãnh diện đánh bóng?

Tại các quốc gia Dân Chủ Tư Bản, thanh niên lớn lên phát triển trong mọi chiều hướng họ thích. Nhưng trong các nưóc cộng sản, thanh niên bị bắc buộc học tập đấu tranh giai cấp, có khi cuối đời chợt tỉnh thì đã muộn màng. Trước đại hội lần thứ 11, và theo lời kêu gọi đóng góp ý kiến cho đảng, một số trí thức lão thành Việt-Nam đã hội họp nhưng ngược lại đã nghiêm khắc phê phán chủ trương và chính sách cai trị của nhà cầm quyền. Khi nhận định về thái độ dứt khoát “Việt-Nam kiên định đi lên CNXH”, một nhà trí thức lão thành của CSVN, Giáo Sư Trần Phương đã đặt câu hỏi “nhưng Chủ Nghĩa Xã Hội là gì?” Tôi không hiểu đây là một phản tỉnh thật sự của một người đã trọn đời hy sinh cho lý tưởng CS hay là sự thất vọng chỉ vì sự thất bại của CNXH tại Việt-Nam? Trên phương diện thuần lý, có người dù không phải là CS vẫn cho rằng CNCS “cũng” là một lý tưởng cao đẹp. Thật ra không có cái gọi là chủ nghĩa tư bản để so sánh! Những nhà kinh tế trong các chế độ dân chủ tự do phát hiện một số quy luật về kinh tế như quy luật Cung-Cầu và đề xướng, dự kiến một số phương hướng phát triển nhưng chưa bao giờ đặt để một loại “chân lý” nào. Lý tưởng CS giả định một xã hội loài người trong tương lai là một xã hội toàn thiện trong văn minh, chiến thắng tất cả khó khăn của thiên nhiên và đời sống để có thể “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” – một loại thiên đường – dù chỉ cho vấn đề “ăn mặc” – cũng chỉ là một không tưởng trên trần thế. Nhưng để tiến lên thiên đường đó, CNCS cho rằng con người cần phải trải qua một thời kỳ quá độ mà hiện hữu của những bất công, thối nát là chuyện đương nhiên cần phấn đấu và khắc phục. Hậu quả của niềm tin đó là một sự cai trị và đàn áp bằng bạo lực, trong máu và nước mắt của những ai không tin theo. Không một ai trong xã hội hiện hữu có thẩm quyền áp đặt, nhất là bằng bạo lực, một điều mà chúng ta phải có bổn phận giáo dục cho con em để tránh những sai lầm tai hại, khởi đầu của những ngụy biện vòng vo không lối thoát.

Mới đây, ông Tân Tổng Bí Thư của đảng cọng sản Việt-Nam, sau khi ca ngợi những thành quả vĩ đại của vị tiền nhiệm đã hứa hẹn sẽ phấn đấu tiếp để 10 năm nữa hoàn thành những bước cơ bản đưa nước Việt-Nam vào… thời kỳ xây dưng XHCN! Đây là một lời hứa hão huyền mà chắc chắn với số tuổi hiện có, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có cơ hội đối diện với sự dối trá của mình.

Trên thế giới, ngay cả ở những nước có nền công nghiệp tiến bộ hơn Việt-Nam nhiều như ở Liên Sô và các nước CS Đông Âu thì cho đến ngày sụp đổ vẫn chưa bao giờ thực sự ra khỏi thời kỳ quá độ để bước vào xã hội XHCN, một cấp thấp của Chủ Nghĩa Cộng Sản mà ở đó con người đã có được cơ hội làm việc theo năng lực, hưởng theo sức lao động. Tại Trung Cộng, từ 25 năm trước, người ta đã đổi hướng đễ đi tìm những con mèo có thể bắt được chuột chứ không còn coi trọng đến việc xác định mèo đen hay mèo trắng nữa. Họ chấp nhận cho kết nạp vào đảng các thành phần thương gia, một bước thay đổi mà giờ đây, 9 năm sau Trung Cộng, CSVN vừa thảo luận để áp dụng qua lần đại hội đảng thứ 11 vừa qua. Kết nạp các thành phần bù nhìn này vào đảng để tạo một bộ mặt đa nguyên là một phá sản không chỉ trong lý thuyết của CNXH mà cả trong lý thuyết hoạt động của một chánh đảng vì thật ra đó chỉ là một bịp bợm rẽ tiền và ấu trỉ.

Để duy trì quyền lực cai trị, nhà cầm quyền CSVN đã sáng tác rất nhiều khẫu hiệu buộc dân chúng phải tụng niệm, không chỉ để đánh bóng cho chính họ mà còn dùng như là những câu thần chú làm bùa hộ mạng cho họ trên con đường vô định hiện nay. Hơn 60 năm qua, âm vang của những câu thần chú này đã trở nên nhạc nhẻo, thiếu vắng cả bóng dáng của thần linh mà người ta sẽ hiểu được trong 10 năm nữa : Thời kỳ quá độ muôn năm!

Võ Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét