Pages
▼
Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011
Tiền đồng mất giá thêm 8,5%
Niềm tin của dân và doanh nghiệp vào tiền đồng bị suy giảm trong nhiều tháng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định phá giá thêm tiền đồng, một đôla nay đổi được 20.900 VND, theo tỷ giá hối đoái chính thức trong khi giá chợ đen lên tới khoảng 21.500 VND.
Quyết định mới có hiệu lực ngay trong ngày 11/02 và làm cho tiền đồng mất giá khoảng 8.5%.
Tỷ giá hối đoái chính thức trước thời điểm công bố là 18.932 đồng và biên độ giao dịch được điều chỉnh theo hướng thu hẹp, từ +- 3% xuống +- 1%.
Đối diện với lạm phát 12% và thâm thủng ngân sách trên 12 tỷ USD trong năm 2010, các chuyên gia cho rằng chuyện phá giá tiền đồng của Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Nay, việc đã xảy ra và phá giá tiền đồng có thể hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng đồng thời sẽ làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn, nguyên nhân góp phần gây ra lạm phát.
'Chưa đủ'
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nói với BBC Việt ngữ rằng "chỉ điều chỉnh tỷ giá không thôi là không đủ và chỉ có kết quả hạn chế.
"Trong tình hình hiện nay chính phủ phải thực hiện các biện pháp đồng bộ, không chỉ điều chỉnh tỷ giá, mà trước hết là cắt giảm bội chi ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, phải kiểm soát việc đầu tư và tài chính của doanh nghiệp nhà nước.
Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player
"Trên cơ sở đó có thể điều chỉnh nhập khẩu, để từng bước ổn định nền kinh tế vĩ mô", Tiến sĩ Doanh nói.
Bà Phạm Chi Lan, cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ, được AP trích dẫn nói "phá giá là điều cần làm" mặc dù có thể gây trở ngại mục tiêu kiềm chế lạm phát.
"Khống chế lạm phát phụ thuộc vào kiểm soát đầu tư của nhà nước và khu vực kinh tế quốc doanh, là khu vực cần cải thiện hiệu quả", bà Chi Lan nói.
Bloomberg trích dẫn ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của Standard Chartered Plc. tại Singapore nói “Cần phải nâng lãi suất cao hơn để bình ổn giá và phòng việc bán tiền đồng ồ ạt thêm nữa.”
Trong năm 2010 và trước Tết Tân Mão đã có làn sóng bán tiền đồng trữ vàng và đôla vì lo ngại tiền đồng mất giá.
Giới quan sát cho rằng có thực trạng mất niềm tin của dân và doanh nghiệp đối với năng lực quản lý và hoạch định chính sách tiền tệ và tài chính của chính phủ Việt Nam.
'Vỗ béo tập đoàn'
Thực trạng chính phủ ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh về vốn đang gây quan ngại.
Trong tuần này Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc được trích lời nói dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn khoảng 10 tỷ đôla cuối năm 2010 từ con số 16 tỷ vào cuối năm 2009 và từ mức 24 tỷ từ cuối năm 2008.
Trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm mạnh. Một số nguyên nhân gây ra lạm phát chưa được giải quyết triệt để như các khoản chi khổng lồ cho khu vực kinh tế công.
Các hãng đánh giá rủi ro đầu tư của nước ngoài hàng đầu đã hạ mức tín nhiệm của Việt Nam nhiều bậc trong những tháng qua do vụ Vinashin bên bờ phá sản và xin khất nợ.
Giới kinh tế gia trong và ngoài nước tỏ ra lo ngại về thực trạng lấy các tập đoàn quốc doanh làm thế mạnh phát triển kinh tế.
Trong khi Bộ Chính trị họp kiểm điểm phê bình Vinashin đầu tư dàn trải, thiếu tập trung vào "ngành kinh doanh chính" thì hiện chưa thấy giới lãnh đạo Việt Nam có ý kiến về các tập đoàn khác đã và đang đầu tư lấn sân sang bất động sản, du lịch, nhập xe hơi xa xỉ.. là mảng không thuộc "ngành chủ lực".
Kể từ ba năm trở lại đây, Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn của phá giá tiền đồng, thâm thủng ngân sách và lạm phát. Điều này chỉ làm cho thị trường ngóng chờ các đợt phá giá tiếp theo.
Trong khi tiền đồng của Việt Nam mất giá nhiều hầu hết đồng tiền trong vùng Á châu lên giá so với đồng đôla Mỹ.
Trung Quốc hiện cũng đang nỗ lực kiềm chế lạm phát vì lo sẽ gây bất ổn xã hội và mới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trung Quốc mới đây áp dụng thí điểm thuế bất động sản áp vào người mua trong nỗ lực kiềm chế giá nhà quá nóng tại nước cộng sản láng giềng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét