Pages
▼
Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011
Triển khai gấp 7 nhóm giải pháp chống lạm phát
Ảnh: Việt Thanh
Trần Đông
Nên đặt câu hỏi: Nếu những biện pháp “chống lạm phát” này đã đem ra thi hành từ 2-3 tháng trước thì tình hình bây giờ ra sao? Tại sao phải hoãn đến bây giờ? (Có phải vì cái Đại hội nào đó vào giữa tháng Giêng?)
Trần Hữu Dũng
(VEF.VN) – Hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, thặt chặt chi tiêu, kiểm soát chặt về giá đồng thời quan tâm hỗ trợ người nghèo… là những biện pháp cấp bách Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương để kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô.
Sáng nay (24/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thắt chặt tiền tệ và chi tiêu
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giới thiệu Nghị quyết, tập trung vào 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các mục tiêu trên.
Giải pháp mà Chính phủ đưa ra gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để các nội dung trên một cách đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Đối với nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa, ông Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hài hòa giữa hai nhóm chính sách này. Theo đó, nhất định phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 15-16%. Vốn tín dụng sẽ được ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghịêp nhỏ và vừa. Giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Phó Thủ tướng khẳng định, tỷ giá và thị trường ngoại hối phải được điều hành linh hoạt.
“Sự thật là cân đối ngoại tệ ra – vào của ta vẫn có số dư, hoàn toàn có thể bảo đảm thanh khoản, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối. Nhưng tới đây, vấn đề quan trọng là phải củng cố được lòng tin của người dân vào đồng nội tệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương; chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm).
Song song với kiểm soát chính sách tiền tệ là việc tiết kiệm chi tiêu, trong đó giảm chi tiêu của các đơn vị thụ hưởng ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước.
“Sẽ tạm dừng trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, không bố trí kinh phí cho những việc chưa thật sự cấp bách… Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán trừ các trường hợp hết sức đặc biệt đã được quy định rõ và tiến tới chấm dứt việc tạm ứng vốn ngân sách cho các địa phương”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Đáng lưu ý, Chính phủ sẽ điều hành để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP (mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là dưới 5,3%); giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là vay ngắn hạn…
Điện, xăng tăng vừa phải để tránh gây sốc
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố các Quyết định số 268QĐ-TTG và 269/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện.
Giải thích thêm về các quyết định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Theo tính toán đầy đủ tại thời điểm này, nếu muốn cắt lỗ, giá bán điện sẽ phải tăng tới 668 đồng/kWh, tức là tăng thêm 62% so với hiện nay. Tuy nhiên, để không gây “sốc” cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giá điện chỉ tăng chưa tới 1/3 mức đó mà thôi. Để giữ giá như thế, Nhà nước phải chấp nhận lùi chi phí khấu hao, lùi giá bán than cho ngành điện, tạm thời không thu phí bảo vệ môi trường và khoanh lỗ cũ để xử lý dần. Ngành điện cũng phải chấp nhận không có lãi”.
“Nếu không tăng giá, năm 2011 ngành điện sẽ lỗ tiếp 29,5 ngàn tỷ đồng sau khi đã bị lỗ tổng cộng 28 ngàn tỷ đồng trong năm 2010. Nền kinh tế sẽ không thể chịu đựng nổi số lỗ lớn như vậy. Ngoài ra, giá điện thấp khiến khó thu hút đầu tư, dẫn đến tình trạng thiếu điện, các ngành nghề tiếp tục sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng điện lãng phí, không khuyến khích tiết kiệm điện”, ông Vũ Văn Ninh cho hay.
Ảnh: chinhphu.vn
Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo lấy từ tiền bán điện.
Khung giá cho điện sinh hoạt tại những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia gồm giá trần và giá sàn, trong đó giá sàn bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.
Tương tự, đối với xăng dầu, Bộ Tài chính đã quyết định cho phép các doanh nghiệp đầu mối được tăng giá xăng 2.900 đồng/lít, lên mức 19.300 đồng/lít kể từ 10 giờ sáng nay (24/2).
Theo Bộ trưởng Ninh, mức tăng kể trên cũng chưa thể cắt lỗ cho các doanh nghiệp, khi mà giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang đà tăng mạnh. Riêng trong năm 2010, tổng lỗ do không điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường thế giới đã lên đến khoảng 16,4 ngàn tỷ đồng.
Cần kiểm soát thật chặt về giá
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả nước là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được sản xuất, được an sinh xã hội.
Giải pháp được người đứng đầu Chính phủ lưu ý:
Một là, phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; phải kiểm soát được tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%, đồng thời dành tín dụng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác trên nguyên tắc điều hành minh bạch, cụ thể. Cùng với việc kiềm chế lạm phát, phải giảm dần lãi suất theo hướng hợp lý, coi lãi suất là một trong những công cụ kiềm chế lạm phát.
Hai là, điều hành tỷ giá ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động và sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định, không để thả nổi tỷ giá; không để cho thị trường chợ đen chi phối.
“Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này và trên thực tế năm 2008 là năm cực kỳ khó khăn song chúng ta đã làm được việc này. Dứt khoát các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước phải bán tất cả các ngoại tệ có được cho ngân hàng nhà nước, không găm ngoại tệ gây khó khăn cho đất nước; khi có nhu cầu, các ngân hàng phải đảm bảo bán cho doanh nghiệp theo đúng giá quy định”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Bên cạnh đó, không ứng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án kéo dài, không cấp bách để bổ sung cho các dự án ưu tiên hoàn thành trong năm 2011.
Ba là, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với mức giá nông sản tăng cao, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Hạn chế tối đa các mặt hàng nhập khẩu trong nước có thể sản xuất được, coi giảm nhập siêu cũng làm một trong những giải pháp giảm căng thẳng tỷ giá.
Khẳng định việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là việc không thể không làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng thực hiện việc bù hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo theo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị, các địa phương cần làm tốt công tác kiểm soát giá, không để đầu cơ đẩy giá lên cao nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, xăng dầu, sữa… Đi đôi với đó là việc chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện tốt chính công tác quản lý ngoại hối, thị trường vàng.
Nguồn: http://vef.vn/?vnnid=10323
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét