Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Tự hào và tự ru ngủ

Theo từ điển tiếng Việt thì “tự hào”là:“Lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có”. Một cá nhân có thể tự hào về một tập thể mà mình là thành viên chẳng hạn như tự hào về gia đình, về dòng họ, về quê hương, về đất nước của mình. Ngược lại với “tự hào” là “tự ty”. Tự ty là “Tự cho mình là hèn kém hơn người”. “Tự ru ngủ” là từ thuần Việt, nghĩa đã rõ ràng.
Tết Tân Mão vừa qua gặp ông chú ở Hà Nội về quê chơi, khi trò chuyện ông có cho tôi biết một số thông tin về vụ “tranh chấp đất đai ở Thái Hà”xảy ra từ năm 2009. Là đảng viên, là cán bộ đã nghỉ hưu, ở cạnh Thái Hà nên những thông tin ông cung cấp chắc chắn phải là những bằng chứng xác thực để kết luận lẽ phải thuộc về giáo dân Thái Hà hay chính quyền Hà Nội. Ông kể: “Những hộ dân giờ sống cạnh vườn hoa(là đất tranh chấp) thường nhắc đi nhắc lại rằng họ rất biết ơn dân công giáo( đã đấu tranh đòi đất làm cho chính quyền không thể phân lô bán khu đất đó mà buộc phải biến gấp nó thành vườn hoa) “giúp” nhà của họ không bị che lấp, bỗng dưng trở thành nhà mặt đường cạnh vườn hoa. Khi xử án các giáo dân Thái Hà chính quyền đã trả tiền thuê những người dự là những cốt cán ở các phường gần đó nhằm mục đích để phiên tòa diễn ra đúng như kịch bản”. Câu chuyện của ông khiến tôi nhớ tới một nhân vật đã được dư luận trong cũng như ngoài nước biết đến qua hành động cũng như lời phát biểu. Đó là đức tổng giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt với hành động sát cánh cùng giáo dân Thái Hà khi cầu nguyện đòi đất và lời phát biểu : “…Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả…”. Để hạ bệ uy tín của ông nhằm giành “lẽ phải” trong cuộc tranh chấp đất, chính quyền đã cắt xén bớt câu chữ lời của ông. Kết quả, công luận đã được “định hướng” công kích ông kịch liệt. Nào là “ông Kiệt hãy xin lỗi 80 triệu người Việt Nam” , “ông Kiệt không xứng đáng là một người Việt Nam chân chính” , “hành vi của ông Kiệt là không thể tha thứ” , thậm chí “cần cấm ông Kiệt ra nước ngoài vĩnh viễn để đảm bảo lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia”. “Nhờ gió bẻ măng” chính quyền đã dọa và sau đó đã tìm mọi cách để “điều chuyển” ông khỏi giáo phận Hà Nội thay thế bằng một đức tổng giám mục mới tuy già yếu hơn nhưng đáp ứng được mọi yêu cầu của chính quyền và chắc chắn là “biết tự hào là người Việt Nam khi đi ra nước ngoài”. Nội dung câu nói sau khi bị cắt xén của ông Ngô Quang Kiệt ở một đất nước vốn có nhiều truyền thống để tự hào và cũng có truyền thống là “ tự hào về quá nhiều thứ” bị dư luận công kích là điều tất nhiên. Nhưng nếu đọc những thông tin về người Việt Nam khi ra nước ngoài, rồi nhìn hiện tình đất nước mới thấy : dù câu nói bị cắt xén có là nguyên văn câu của ông thì ông vẫn bị oan.

Để minh oan cho ông có một cách là xem xét lại cái truyền thống “tự hào về quá nhiều thứ”của người Việt Nam trong bao năm qua và những năm gần đây. Tất nhiên nếu có “quá nhiều thứ” để tự hào sẽ có nhiều “thứ” đáng ra là phải tự ty, nhiều “thứ” không đáng tự hào, nhiều “thứ” không nên tự hào, nhiều “thứ” tự hào là kỳ quặc. Trước tiên xin nhắc lại một phần trong câu nói của ông “ nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét.. ”. Rõ ràng là ông cảm thấy xấu hổ, nhục nhã là người Việt Nam khi đi ra nước ngoài đồng nghĩa ông xúc phạm niềm “tự hào là người Việt Nam” của không ít người hiện nay. Vậy hãy xem những gì người Việt Nam làm được mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của đảng, nhà nước có xứng đáng để tự hào hay không? Thể diện người Việt Nam khi ra nước ngoài thì :nhân viên sứ quán buôn lậu, nhân viên hàng không buôn lậu, phóng viên khi đi công tác nước ngoài ăn cắp ở siêu thị, đưa người lao động trong nước ra nước ngoài trồng cần sa, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài bị rao bán như món hàng, báo chí nhật gọi lãnh đạo cộng sản Việt Nam là “lũ dòi bọ” (trong vụ PCI),.. . Còn thực trạng đất nước thì : tham nhũng tràn lan, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, kinh tế tăng trưởng bằng bán tài nguyên, bằng trả lương nhân công rẻ mạt, giáo dục suy đồi, đạo đức băng hoại, tính mạng, các quyền tự do của con người bị coi rẻ, biên giới hải đảo bị lấn dần mà không bảo vệ được,… Chỉ cần kể sơ sơ như vậy đủ thấy những ai yêu nước, mong muốn đất nước tiến bộ phải cảm thấy nhục nhã để nhận rõ công cuộc canh tân đất nước là cần thiết, cấp bách và tất nhiên lời của ông Kiệt như một cảnh báo nhắc nhở về điều đó. Ông đáng được tôn trọng.

Có những “thứ” không đáng tự hào nhưng truyền thông nhà nước ra sức tuyên truyền hầu như quanh năm, nhất là những ngày đầu xuân, ở mọi nơi trong nước, ra cả những nước ngoài nơi có người Việt sinh sống. Đó là “tự hào về đảng quang vinh đã mấy chục năm qua lãnh đạo nhân dân ta đạt được những thành công này, thành công nọ,… ”. Lẽ ra phải là đảng viên mới được quyền tự hào về đảng nhưng vì “chiếu cố” nhân dân đã theo đảng hàng chục năm thắt lưng buộc bụng, ăn đói mặc rách, bỏ mạng hàng chục triệu để “hoàn thành các sứ mạng cao cả của đảng” nên đảng đã cho nhân dân “thơm lây”cùng mình. Thử điểm lại những điều “tốt đẹp” của đảng trên chặng đường 80 năm qua mà đảng vẫn “khiêm tốn”giấu nhẹm. Cách mạng tháng 8 thực chất là cướp chính quyền của một chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim với lý do : đó là chính phủ bù nhìn tay sai cả Nhật (một nước đã đầu hàng đồng minh và bị tước khí giới). Một cuộc kháng chiến chống Pháp cũng nhằm để thanh toán các đảng phái đối lập và bắt đầu thời kỳ lệ thuộc vào Trung Quốc. Một cuộc cải cách ruộng đất giết oan hàng chục vạn người. Một cuộc đày đọa văn nghệ sĩ trí thức qua vụ án nhân văn giai phẩm. Phát động cuộc nội chiến Nam Bắc cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Thực hành các chính sách hợp tác hóa, ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, xây dựng kinh tế mới làm cho kinh tế cả nước tiêu điều. Tiến hành đổi mới thực chất là quay lại với nền kinh tế thị trường đã xóa bỏ nhưng kiên quyết không cải cách chính trị ngăn cán các quyền tự do dân chủ của nhân dân khiến đất nước tuy có phát triển nhưng vẫn tụt hậu so với ngay cả các nước trong khu vực. Một chặng đường 80 năm đảng đã dâng biết bao đất đai của tổ tiên để lại cho ngoại bang chỉ để đổi lấy địa vị thống trị. Chắc chắn rằng nếu rõ được những điều “tốt đẹp” này thì người dân ngay kể cả một số đảng viên sẽ chuyển từ “tự hào” sang “đòi dẹp bỏ” đảng cộng sản Việt Nam ngay lập tức.

Tiếp theo là một “thứ” không nên tự hào. Đó là tự hào về ngày giải phóng miền Nam 30-4 vẫn diễn ra hàng năm. Bởi lẽ : cuộc chiến Nam Bắc thực chất là một cuộc nội chiến, cuộc chiến mà người Việt bắn giết lẫn nhau bằng vũ khí của ngoại bang nó chẳng phải là cuộc chiến tranh giải phóng như người thắng trận đã đặt tên cho nó. Cuộc chiến này có thể hoàn toàn tránh được mà hai miền vẫn thống nhất nếu miền Bắc cộng sản không vi phạm hiệp nghị Giơnevơ, không quyết tâm thôn tính miền Nam bằng vũ lực. Cái mà người dân Việt Nam “ giành được” sau cuộc chiến là : Tính từ ngày thống nhất đất nước tới nay đã hơn 35 năm dưới sự lãnh đạo của kẻ thắng trong cuộc chiến đất nước vẫn tụt hậu, nghèo đói người dân vẫn không được hưởng các quyền tự do dân chủ, vẫn có sự kỳ thị giữa những người cùng dân tộc. Bởi vậy ngày này sẽ là mốc đánh dấu bắt đầu một thời kỳ bi thảm của cả dân tộc Việt Nam.

Nhiều kiểu tự hào kỳ quặc nữa ở Việt Nam phát sinh trong những năm gần đây :

Dân ở một làng nọ lấy làm hãnh diện, tự hào vì sáng nào đường làng của họ cũng tắc giống như ở các thành phố lớn.

Kiểu tự hào : “ địa phương, quốc gia có nhiều cái nhất, nằm trong tốp…có cái này cái nọ” đã trở thành phổ biến…

Tự hào một cách chính đáng giúp con người lạc quan. Ngược lại dễ làm cho con người mù quáng, huyễn hoặc, là hình thức tự ru ngủ mình. Trong những năm gần đây ở Việt Nam : tệ nạn mê tín dị đoan càng ngày càng phát triển, chùa chiền xây to hơn trước, các lễ hội tổ chức dài ngày tốn kém lãng phí tiền của công sức, … Đây là các hiện tượng tự phát được nhà nước ngầm khuyến khích vì chính những hiện tượng này là những hình thức người dân tự ru ngủ. Đây là hình thức mà các lãnh đạo của một nước độc tài rất thích, luôn tìm cách nghĩ ra, khuyến khích các công dân của họ thực hiện. Lý do thật đơn giản : người dân tự ru ngủ sẽ bớt đấu tranh với nhà nước, bớt đòi các quyền lợi, bớt đòi tự do dân chủ, …và làm tròn chức năng của “một đàn cừu”.

2/2011 TRẦN HOÀNG LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét