Pages
▼
Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011
Từ sự sắp xếp nhân sự Ban Bí thư Trung ương Đảng đến vấn đề sửa đổi Hiến pháp
Từ sau khi Đại hội XI bế mạc đến nay đã gần một tháng với những nhân vật chủ chốt tứ trụ được thỏa hiệp trong việc chia chác quyền lực ai cũng hiểu rằng mọi chuyện không kết thúc ở đó. Người ta có thể nói được như vậy căn cứ vào tình hình dư luận thực tế xã hội có quá nhiều bức xúc từ trước và sau Đại hội XI cũng như những dấu hiệu cho thấy có sự phân hóa trong chính nội bộ Đảng cũng như sự tranh giành quyền lực của các phe phái trong Đảng. Trong tuần lễ sau Tết Nguyên đán – nghĩa là sau khi Đại hội XI bế mạc không đầy một tháng, có hai sự kiện chính trị rất đáng chú tâm và căn cứ vào đó chúng ta có thể tiên đoán xem trong thời gian tới những diễn biến chính trị ở nước Việt Nam Cọng sản sẽ đi theo những chiều hướng nào. Hai dự kiện có quan hệ mật thiết này là: sự sắp xếp nhân sự Ban Bí thư Trung ương Đảng và vấn đề sửa đổi Hiến pháp.
Chúng ta biết rằng ngay ở Đại hội XI thứ bậc sắp hạng trong Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng còn ở dưới các ông Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, và Nguyễn Tấn Dũng. Tuy vậy ông đã được đặt vào chức Tổng Bí thư do nhu cầu giai đoạn. Cho nên bản thông báo về Nhân sự Ban Bí thư Trung ương Đảng được loan tải trên các hệ thống thông tin truyền thông của nhà nước cho biết “Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng mới đây đã ký quyếr định phân công thành phần Ban Bí thư Trung ương khóa XI với 10 thqành viên.” Sự “lấn cấn” nằm ở chỗ ông Nguyễn Phú Trọng ký quyết định này không phải vì ông ta là người trên thực tế có quyền lực nhất để có thể quyết định phân công thành phần Ban Bí thư Trung ương, nhưng ông đã ký theo hình thức cho đúng với chức vụ Tổng Bí thư. Chính sự “lấn cấn “ này cho phép người ta đặt ra những câu hỏi về sự phân công thành phần Ban Bí thư này. Các chức vụ phân công như sau:
- Trưởng Ban Bí thư: Trương Tấn Sang
- Công tác nội chính: Lê Hồng Anh (công an)
- Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương: Ngô Văn Dụ.
- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tô Huy Rứa.
- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Đinh Thế Huynh.
- Bốn ủy viên trung ương khác là Ngô Xuân Lịch, Trương Hòa Bình, Hà Thị Khiết, và Nguyễn Thị Kim Ngân tuy ở trong Ban Bí thư nhưng không có chức vụ gì.
Theo tin tức sau Đại hội XI được loan truyền thì ông Trương Tấn Sang ngoài chức vụ Trưởng Ban Bí thư sẽ kiêm nhiện chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn ở chức vụ Thủ tướng, và ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ là Chủ tịch Quốc Hội.
Nhìn sự sắp xếp nhân sự Ban Bí thư ta thấy gì? Điều thấy rõ trước hết là quyền hành bậc nhất trong Ban Bí thư hiện nằm trong tay ông Trương Tấn Sang vì ông ta là Trưởng Ban Bí thư, và người lâu nay được Trương Tấn Sang hậu thuẫn là Tô Huy Rứa nay nắm giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Trong cơ cấu tổ chức của ĐCSVN từ trước tới nay đây là hai chức vụ nhiều quyền lực nhất. Trước khi Đại hội XI khai diễn ta đã thấy hai ông Tô Huy Rứa và Đinh Thế Huynh họp báo, và khuôn mặt mới nổi Đinh Thế Huynh được chú ý nhiều với lời khẳng định Việt Nam không cần đa nguyên đa đảng. Dù không có thông tin hay những chỉ dấu nào cho biết Đinh Thế Huynh thuộc phe nhóm nào nhưng một điều chắc chắn là vị tân Trưởng Ban Tuyên giáo này có khuynh hướng bảo thủ. Về tính cách, ông Đinh Thế Huynh qua lời lẽ cho thấy là một người không mềm mỏng trong cách ăn nói, và rất có thể là tính tình cứng dắn, nóng nảy, độc đoán. Xuất thân từ giới báo chí của Đảng, ông Đinh Thế Huynh nắm chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo trong một giai đoạn khá khó khăn: thứ nhất về quan điểm chính trị hiện đã có khá đông các đảng viên gồm những lão thành cách mạng, những vị trước đây đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị, những trí thức từ lâu theo Đảng, và ý kiến phê phán phản biện của xã hôi trên các trang mạng xã hôi lề trái bày tỏ ý kiến hoặc đòi hỏi một sự thay đổi căn bản về cơ chế và phần nào cả về ý thức hệ, hoặc thẳng thắn phản bác những quyết sách cũng như những công việc cụ thể như việc khai thác bauxite, lập đường xe hỏa cao tốc… Ngoài ra Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng còn được giao trọng trách cải thiện nền giáo dục đang khủng hoảng xuống dốc hiện nay (ông t5ân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương không hề có uy tín và kinh nghiệm về giáo dục!) Ngoài ra còn phải kể như trong quá khứ đã xảy ra giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và bên Công an Văn hóa hoặc thiếu sự hợp tác đồng bộ hoặc ngấm ngầm chống đối nhau. Đối mặt với những thách thức kể trên xem ra ông tân Trưởng Ban Tuyên giáo với vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm chính trị giới hạn, không ấn tượng, thật khó có hy vọng thành công! Theo dư luận, ngay trong giới báo chí của Đảng ông Đinh Thế Huynh cũng không được nể trọng, tâm phục. Người ta đọc thấy trên VietnamNet lá thư gửi tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương của biên tập viên Quốc Thái (bút hiệu của một tay đảng viên nào đó vào loại nặng ký?) lời lẽ tuy nhã nhặn nhưng không kém thách thức. Phải chăng đây là một kiểu tiếng Mỹ gọi là ‘đặt người vào chỗ để thất bại’ (set up for failure), một đòn hiểm phe phái?
Trong quá khứ khi ông Hồ Chí Minh còn sống con số ủy viên Ban Bí thư là số lẻ để trước khi đưa ra một quyết sách các ủy viên bầu phiếu và trong trường hợp ý kiến đồng và bất đồng ngang bằng nhau thì lá phiếu quyết định cuối cùng là của ông Hồ. Nhưng nay con số ủy viên Ban Bí thư là số chẵn, sự đồng thuận nếu không đạt được thì sẽ dễ dàng xảy ra tình trạng ‘mất đoàn kết’ nội bộ. Ta cũng thấy được trong bảng sắp xếp nhân sự Ban Bí thư hiện tại có 4 ủy viên trung ương không có chức vụ gì cho nên khi xảy ra bất đồng thuận vai trò của các ủy viên này lúc đó mới có phần quan trọng. Đấy là một cách sắp đặt trên hình thức có thể hữu dụng, nhưng thực chất sẽ xảy ra những vụ ‘hiệp thương’ kéo bè kéo cánh rất gay cấn.
Câu hỏi và cũng là ẩn số đặt ra cho tình hình chính trị tương lai là: có mấy phe phái trong Ban Bí thư, và khi các phe phái này giành dựt quyền hành thì cái gì sẽ xảy ra? Vẫn biết rằng trong nội bộ ĐCSVN họ luôn luôn ‘thỏa hiệp để tồn tại’, nhưng khi trước sức ép từ nhiều phía quá lớn và phe nào cũng muốn độc quyền tồn tại thì liệu họ còn có thể thỏa hiệp được không?
Như trên đã nói giữa việc sắp xếp nhân sự Ban Bí thư và nhu cầu sửa đổi hiến pháp có mối quan hệ mật thiết. Theo dõi tin tức những ngày gần đây chúng ta thấy việc sửa đổi hiến pháp tuy đã được bàn cãi từ lâu nhưng nay là thời điểm phải có giải pháp, không thể trì hoãn. Trước hết là sự lên tiếng, bày tỏ quan điểm của ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Kế tiếp là những phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và sau cùng là ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ Võ Hồng Phúc. Trong các ý kiến thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngoài việc ‘thúc đấy’ sửa đối hiến pháp ra đã không đưa ra được điều gì đáng kể (vả lại Nguyễn Minh Triết sắp bị loại ra khỏi quyền lực). Về ý kiến của ông Bộ trưởng Nội vụ thì ông này cũng chỉ đưa ra các tiêu chí cho việc sửa đổi hiến pháp chứ không hé lộ những điểm sửa đổi căn bản. Được chú ý hơn cả là ý kiến về sửa đổi hiến pháp của cựu Chủ tich QH Nguyễn Văn An. Tóm tắt ông Nguyễn Văn An đề nghị: 1. Dân phải là người làm chủ đất nước chứ không phải Đảng làm chủ đất nước. Điều này phải được thể hiện bằng việc Dân phải có quyền phúc quyết hiến pháp vì khi Dân chưa trao quyền quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là hiến pháp tức là chưa có Dân chủ; 2. Vấn đề xác định quyền lực của nguyên thủ quốc gia: quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quà quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp. Mặt trái của đề nghị này nhằm loại bỏ quyền lực của Tổng Bí thư trước đây can dự vào hành pháp (chứng cớ; khi khởi đầu có phản biện việc khai thác bauxite báo chí lề trái đã phổ biến một văn bản ông cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký với Trung Quốc về thỏa thuận khai thac bauxite – một hành động vi hiến rõ rệt – và sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng thuận; trước phản ứng mạnh mẽ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả hai ông Mạnh và Dũng đã vào ‘vấn an Đại tướng’!) ; 3. Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị. Đề nghị này nhắm váo quyền lực của Thủ tướng và các chức vụ cao cấp trong hành pháp.
Trước hết phải nhìn rõ đây vẫn là những đề nghị của một đảng viên ĐCSVN, dù cho ông Nguyễn Văn An được tiếng là một đảng viên tiến bộ, có đầu óc đổi mới. Nói như vậy có nghĩa là những đề nghị này vẫn còn rất nhiều hạn chế, tuy có ý hướng cải thiện chứ không phải hủy bỏ cơ chế hiện tại. Chứng cớ là không thấy ông Nguyễn Văn An đả động gì tới Điều 4 về độc đảng. Phải chăng với kinh nghiệm sinh họat đấu tranh chính trị vị cựu Chủ tịch QH cho rằng không thể có sự thay đổi toàn diện ngay lập tức mà phải từng bước thay đổi?
Nhìn chung, chiều hướng của những đề nghị sửa đổi hiến pháp của ông Nguyễn Van An sẽ đặt ông Trương Tấn Sang vào vị trí có nhiều quyền lực nhất chứ không như chức vụ ‘ngồi chơi xơi nước’ của ông Nguyễn Minh Triết trước đây. Hèn chi ông Nguyễn Minh Triết vào những ngày chót còn chức vụ đã ‘thúc đẩy’ sửa đổi hiến pháp phải chăng là một cách bày tỏ dành hậu thuẫn cho ông Trương Tấn Sang.
Trong kỳ bầu cử QH vào tháng 5 tới, vai trò của vị tân Trưởng Ban Tổ chức Trung ương sẽ rất quan trọng vì vị này sẽ ‘sắp xếp’ những ai sẽ trúng cử vào QH. Với ông Tô Huy Rứa phe của ông Trương Tấn Sang người ta có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra. Nhưng ở đời không phải cứ muốn là được. Ngoài việc phe ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra đòn, và cũng phải kể đến ảnh hưởng của mấy vị cựu Tổng Bí thư cũng như của các lão thành cách mạng, các đảng viên đòi hỏi đổi mới, các trí thức tiến bộ, và dư luận xã hội cho nên cuộc tranh giành quyền lực sẽ rất gay cấn. Từ những khóa họp cuối của QH mấy tháng trước đây chúng ta đã thấy có những dấu hiệu các dân biểu dám ăn dám nói, nghĩa là đã ý thức được nhiệm vụ dân cử của mình, có những hành động tích cực đúng với kỳ vọng người dân. Trong Quốc hội khóa tới bông hoa dân chủ chớm nở đó liệu có cơ may phát triển hay vì vấn đề phe phái sẽ tàn lụi? Tuy QH chưa bầu nhưng chức vị Chủ tịch QH đã được giao cho ông Nguyễn Sinh Hùng. Theo lời đồn thổi thì ông tân Chủ tịch QH này và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quá khứ không phải là lúc nào cũng ‘thuận buồm xuôi gió.” Với một thành phần nghị viên mới có sự can dự của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì vai trò của ông Chủ tịch QH xem ra khá thách thức trong việc ‘thỏa hiệp để tồn tại.’ Với tình hình kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay công thêm những bất ổn về quyền lực xem ra trong những ngày tháng tới tình hình Việt Nam không mấy sáng sủa.
http://www.rfavietnam.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét