Pages

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Đừng “tự huyễn hoặc” về chất lượng tăng trưởng

Kim Hoa (ghi)

Đến bây giờ, không phải đã chấm dứt cái thói so sánh với những năm tháng trước đây cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, để nhấn mạnh đến thành tựu kinh tế hiện nay. Nhưng khi bản báo cáo tổng quan mở đầu cuộc hội thảo khoa học tổng kết nền kinh tế 25 năm qua đi đến nhận định “tăng trưởng dưới mức tiềm năng”, thì lối so sánh ấy mặc nhiên trở nên lố bịch. Chưa bao giờ dĩ vãng được khai thác triệt để như bây giờ: quá khứ vinh quang được tung hô để biện minh cho hiện tại; còn quá khứ đói khổ được vận dụng để ca ngợi thành tựu hôm nay.

Nhưng vấn đề không phải là hôm nay có hơn hôm qua hay không, mà là hôm nay có hơn hôm qua trong tận cùng tiềm năng tăng trưởng của nó hay không. Nếu không, là người lãnh đạo có lỗi hay có tội đối với đất nước. Nếu có thể phát triển với tốc độ của xe hơi, mà lại bằng lòng với tốc độ của con rùa, thì đó là tốc độ của sự kìm hãm.

Hình như con rùa cũng có thể tự hào đã bò hơn trước một vài mét nào đấy. Nhưng rùa không biết đau lòng và xấu hổ!

Bauxite Việt Nam

SGTT.VN – Diễn ra cùng thời điểm với cuộc giao ban do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì và cùng nỗi bức xúc: “Làm gì để cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam”, cuộc hội thảo “Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Giai đoạn 2001-2010 và định hướng tới năm 2020” ngoài 54 bản tham luận được chuẩn bị công phu từ trước, đã thu hút nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đăng đàn.

“Nền kinh tế 25 năm tăng trưởng dưới mức tiềm năng”



Theo các tham luận tại hội nghị, chính phủ không nên chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng (ảnh minh hoạ). Ảnh: L.Q.N


Kết luận thẳng thắn trên được đưa ra ngay từ bản báo cáo tổng quan mở đầu cuộc hội thảo (do Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội ngày 24.2) của PGS TS Trần Thọ Đạt (Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Nhận xét về diễn biến tăng trưởng, PGS Đạt cho rằng đang có xu hướng “dựa ngày càng nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và ngành công nghiệp chế biến, ít tạo ra việc làm và hiệu quả chưa cao, xuất khẩu gia tăng nhưng chủ yếu dựa vào các mặt hàng thô, nông sản, khoáng sản và sơ chế. Tốc độ thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và có xu hướng chậm lại từ năm 2005”.

Trong bối cảnh chỉ số giá cả và lạm phát tăng cao như hiện nay, Chính phủ nên “ưu tiên đặt mục tiêu kiểm soát vào 2 chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng là chống lạm phát và cải thiện chính sách tài chính”, ông Đạt đề xuất.

Ở góc độ xã hội, theo PGS TS Lê Xuân Bá: “Thành quả của công cuộc đổi mới chưa được phân phối công bằng và đồng đều, thể hiện ở sự chênh lệch đang giãn ra giữa các vùng và ở thu nhập: năm 1995 chênh lệch gấp 7 lần; năm 2008: chênh lệch gấp 8-9 lần…”. Phân tích những chỉ số đo chất lượng tăng trưởng dưới góc độ hiệu quả, TS Bùi Trường Giang – Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Chất lượng tăng trưởng đang ngày càng giảm sút và đi cùng là sự giảm sút của tăng trưởng kinh tế”. Do đó, “nhiệm vụ sắp tới của Chính phủ là phải đưa ra được các chính sách nhằm tháo gỡ các rào cản, các nút thắt cho tăng trưởng, vừa nhằm tạo dựng nền tảng cạnh tranh cho môi trường kinh doanh – đầu tư của nền kinh tế”. Đây chính là một “thông điệp chính sách” quan trọng được nhiều ý kiến ủng hộ từ các đại biểu tham dự: “không nên chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng”, thậm chí là “mừng vì Chính phủ chủ trưởng giảm tổng cầu và không đặt mạnh tăng trưởng !”.

“Tư duy phát triển của chúng ta đang có vấn đề”

Cựu bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển rất sốt ruột: “Những vấn đề nói hôm nay đã nói nhiều, nói lâu rồi nhưng tại sao vẫn không giải quyết? Theo tôi, nút thắt lớn nhất là tư duy phát triển của chúng ta có vấn đề. Chúng ta có 2 bài toán phải giải. Một là phải đặt nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh. Chỉ như thế mới tạo ra năng suất và kích thích năng lực sáng tạo. Sự đề kháng của doanh nghiệp ta tốt, khi có cạnh tranh, có thể gặp những khó khăn nhưng sẽ phát triển hơn, ví dụ như ngành dệt may, ngành viễn thông. Hai là sự phân vai không tốt giữa quản lý nhà nước và thị trường. Quản lý nhà nước tạo nên sự ổn định vĩ mô, từ đó doanh nghiệp và người dân mới có điều kiện phát triển! Đây là nút thắt quan trọng nhất, bao trùm nhất: nút thắt về tư duy phát triển”.

Xây dựng kinh tế tăng trưởng theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì trước hết phải xây dựng được nền kinh tế thị trường đã.

PGS TS Lê Xuân Bá


PGS TS Nguyễn Văn Lịch – Học viện Ngoại giao nói: “Chính phủ phải thay đổi tư duy vì hiện nay tư duy tăng trưởng và mô hình tăng trưởng không còn phù hợp”. Về phía PGS TS Lê Xuân Bá, ông thẳng thắn: “Quản lý của ta còn có chuyện: không quản lý được thì cấm. Xây dựng kinh tế tăng trưởng theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì trước hết phải xây dựng được nền kinh tế thị trường đã. Điều đó phải thay đổi!”.

Mạnh dạn cắt giảm đầu tư công

Phải cắt giảm, phân bổ hợp lý và hiệu quả đầu tư công, quyền lực và trách nhiệm đó nằm trong tay Chính phủ, Quốc hội khi thảo luận, cân đối về ngân sách. Theo GS Nguyễn Kế Tuấn, đó là những quyết định khó khăn, phải thoát khỏi được những áp lực của những lợi ích nhỏ, những vận động hành lang của các tập đoàn kinh tế và các địa phương. Ông nói: “Nhiều ý kiến cho là cắt giảm đầu tư công liên quan đến công ăn việc làm của người lao động – chủ yếu là tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Nếu thông thoáng hơn, cởi mở hơn, lĩnh vực kinh tế tư nhân vẫn có thể giải quyết được vấn đề này”.

GS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD, cung cấp thêm một trường hợp “bất bình thường” của đầu tư công: “Ngay ở ĐH KTQD chúng tôi, đầu tư công 116 tỷ đồng xây dựng một tòa nhà, năm ngoái và năm nay đều cắt giảm, tính ra 25 năm nữa mới xây xong. Vậy mà chúng ta đang nói là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, mà nhiệm vụ của chúng tôi là đào tạo các nhà quản lý kinh tế cho nền kinh tế!”.

Giám đốc dự án VDF (Diễn đàn phát triển Việt Nam), đại diện Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản – GS TS Kenichi Ohono nhận xét các chính sách kinh tế của Việt Nam là “đã lỗi thời so với các nước Đông Nam Á” và “hoặc sao chép một cách không chính xác các chính sách của các nước hoặc có thái độ cực đoan: không cần học hỏi các nước khác”. GS khuyến nghị: “Việt Nam có thể học hỏi một số quốc gia có một số chính sách chuẩn ở Đông Nam Á như Singapore, từ đó lựa chọn và tập hợp lại để xây dựng chính sách cho riêng mình và phù hợp với yêu cầu của WTO”! Ông cũng khuyên Việt Nam cần nâng cao năng lực con người để đối phó với thách thức và đổi mới nền kinh tế để nâng cao chất lượng phát triển.

KH

Nguồn: http://sgtt.vn/Goc-nhin/137697/Dung-%E2%80%9Ctu-huyen-hoac%E2%80%9D-ve-chat-luong-tang-truong.html
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét