Pages

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Vì sao thời nay vẫn còn những kẻ độc tài?


Bùi Quang Minh (chungta.com) – Truyền thông báo đài một chiều, không khách quan và phương thức hoạt động thiếu công khai, minh bạch dẫn đến công chúng hiểu sai, thiên lệch về các nhà lãnh đạo. Hình ảnh các nhà lãnh đạo – “được dân ủy quyền” được báo chí tâng bốc, tô vẽ, thổi lên thành “lãnh tụ” làm cho số đông bị ru ngủ…
Dưới đây là khuôn mặt của một vài nhà độc tài trong thế kỷ 20, 21 tôi được biết: Adolf Hitler, Benito Mussolini, Augusto Pinochet, Pol Pot, Ferdinand Marcos, Muhammad Suharto, Nicolae Ceauşescu, Saddam Hussein, Ben Ali, Hosni Mubarak…
Adolf Hitler


Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, thủ tướng Đức nắm quyền từ 1934-1945, cấm chỉ tất cả các đảng đối lập và bức hại các đối thủ chính trị. Sự thống trị của Hitler đã được đại đa số người Đức ủng hộ nhiệt tình, vì đã giảm bớt thất nghiệp, nền kinh tế Đức được phục hồi. Hitler đã đẩy nước Đức vào con đường chinh phục bên ngoài, dẫn đến cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Benito Mussolini

Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng cộng hòa Ý, nắm quyền từ 1924-1943. Mussolini là thân hữu của Hitler cùng nhau tạo kế hoạch liên minh với Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Augusto Pinochet


Lãnh đạo quân sự và tổng thống Cộng hòa Chi Lê, nắm quyền từ 1974-1990. Ông đã thực hiện cải tổ kinh tế, giúp Chi Lê có nền kinh tế vững mạnh nhưng đã trấn áp chính trị những người phái tả đối lập, phạm hàng chục tội ác vi phạm nhân quyền, gây nghèo đói trong nhân dân và ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế trong dài hạn.

Pol Pot


Chủ tịch đảng cộng sản Khmer Đỏ, thủ tướng Campuchia từ 1976-1979. Trong thời gian cầm quyền, nhằm tạo ra một xã hội cộng sản lý tưởng, Pol Pot đã thực hiện một chế độ cải cách nông nghiệp, đàn áp các nhà trí thức dẫn đến cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia.

Ferdinand Marcos


Luật sư, dân biểu Philippines, Chủ tịch Thượng viện, Tổng thống Cộng hòa Philippines từ 1965 – 1986. Với cương vị Tổng thống, ông đã có thành tích lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và ngoại giao quốc tế. Tuy nhiên chính quyền và cá nhân ông lại tham nhũng, chuyên quyền, gia đình trị nên đã bị nhân dân lật đổ năm 1986. Ông và gia đình bị buộc tội tham nhũng, đàn áp chính trị và chà đạp nhân quyền và bị trục xuất sang sống lưu vong tại Hawaii. Đến nay, Chính phủ Philippines đã phát hiện được 8 tỷ USD của Marcos giấu tại các ngân hàng phương Tây, và đã thu hồi được 2 tỷ USD. Ủy ban điều tra còn phát hiện 419 khoản cho vay của gia đình Marcos trị giá đến 444,8 triệu USD.

Muhammad Suharto

Tổng thống Cộng hòa Indonesia từ 1967-1998. Trong thời gian cầm quyền, ông tạo xây dựng được một chính phủ và quân đội vững mạnh, kiểm soát tuyệt đối đất nước đa sắc tộc, cải thiện được kinh tế và dân sinh Indonesia. Ông cũng thu hút được đầu tư nước ngoài và giành được sự ủng hộ về kinh tế ngoại giao quốc tế. Từ 1990, do sự lãnh đạo độc đoán và tham nhũng, sự từ chối các quyền tự do chính trị và dân chủ của người dân, ông đã mất uy tín và gây nên sự bất mãn trong nhân dân. Tháng 5/1998, ông buộc phải từ chức sau một loạt các cuộc biểu tình lớn cáo buộc ông tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Ông cũng bị cáo buộc đã biển thủ hàng trăm triệu USD.

Nicolae Ceauşescu

Chủ tịch Đảng cộng sản Romania từ 1965-1989, Chủ tịch hội đồng nhà nước Romania từ 1974-1989. Thời kỳ cầm quyền của ông được đánh dấu bởi thập kỷ đầu tiên với chính sách mở cửa với Tây Âu và Hoa Kỳ, lệch hướng so với các quốc gia Khối hiệp ước Warsaw. Đó cũng là thời kỳ sự gia tăng tệ sùng bái cá nhân, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và tệ nạn tham nhũng, xa hoa trong giới lãnh đạo. Vợ chồng Ceauşescu đã biến nhà nước thành một chế độ độc tài, “gia đình trị”. Trong khi người dân sống trong điều kiện ngày càng khốn khó, đặc biệt là số lượng và chất lượng thực phẩm cũng như hàng hoá trong các cửa hàng ngày một ít thì vợ chồng Ceauşescu sống vương giả, sa hoa với 39 vila sang trọng, được xây dựng ở các vùng khác nhau của Rumani, 21 căn hộ cao cấp tại các sứ quán của Rumani ở nước ngoài. Tại thủ đô, 2 vợ chồng sống trong một cung điện sang trọng với 40 phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm bằng vàng 18. Mỗi phòng đều có truyền hình, máy video và những đồ đắt tiền… Vì vậy dân chúng đã lật đổ và hành quyết ông năm 1989.

Saddam Hussein

Chủ tịch đảng Baath, tổng thống Cộng hòa Iraq từ 1979-2003. Trong nước ông nổi tiếng vì phong cách lãnh đạo “bàn tay sắt”. Saddam Hussein củng cố quyền hành bằng cách xử tử hàng trăm sĩ quan cao cấp và những chính khách bị nghi thuộc phe chống đối. Với những biện pháp tàn bạo, ông đã gieo rắc sợ hãi trong dân chúng, đặc biệt là đối với khối người Hồi giáo Shia chiếm đa số và khối người Kurd. Saddam đã tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài nhằm xâm lăng nước láng giềng Iran suốt 8 năm (1980-1988) và năm 1990 ông phát động Chiến tranh vùng Vịnh nhằm xâm lăng Kuwait. Trong thời kỳ Saddam nắm quyền, kinh tế Iraq xuống dốc trầm trọng trong khi ông tích lũy được một khối lượng tài sản khổng lồ lên tới hàng tỷ USD trong các ngân hàng ở Thụy Sĩ.

Ben Ali

Thủ tướng, Tổng thống Cộng hòa Tunisia từ 1987-2011. Chính phủ của ông bị cho là độc tài, bóp nghẹt hoạt động các tổ chức xã hội ghi trong hiến pháp, kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí và tham nhũng tràn lan, gia đình ông kiểm soát phần lớn các tập đoàn tài chính công nghiệp, trong khi sự chênh lệch mức sống, điều kiện làm việc trong xã hội ngày một cao. Các cuộc biểu tình đường phố gần đây đã lật đổ nhà độc tài này. Ông đang tiếp tục bị cáo buộc tham nhũng, biển thủ công quỹ và rửa tiền. Tài sản của ông và gia đình đang nắm giữ có thể lên tới 5 tỷ USD.

Hosni Mubarak

Chủ tịch Đảng Dân chủ Dân tộc Ai Cập, Tổng thống Ai Cập từ 1981-2011. Trong khi tại vị, ông đã thực hiện một chính sách ngoại giao cởi mở, hòa hoãn với Israel, chính trị và kinh tế thân phương Tây, nhưng tham nhũng trong Bộ máy chính quyền của ông đã tăng đáng kể. Ông duy trì luật tình trạng khẩn cấp, tăng cường quyền lực trong hệ thống thể chế cần để kéo dài nhiệm kỳ, bắt giam những nhân vật chính trị và nhà hoạt động chống đối… Cá nhân ông và gia đình được cho là đã tham nhũng từ 40 – 70 tỷ USD. Ngày 11/2/2011 vừa qua, ông đã buộc phải từ chức sau một cuộc biểu tình lớn của nhân dân kéo dài trên khắp đất nước.



Lịch sử thế giới hiện đại đang diễn ra trước mắt tôi với nhiều điều phải nghĩ ngợi. Xin mạn phép đặt ra những giả thiết về nguyên nhân những hiện trạng chính trị này.

Liệu 4 giả thuyết đưa ra dưới đây có phải là nguyên nhân chính yếu để cho kẻ xấu, ích kỷ leo cao, leo nhanh và duy trì quyền lực của mình trong khi người tốt, trong sáng và trí tuệ lại văng khỏi cuộc đua quyền lực ấy trong các xã hội không? Tại sao ở một số quốc gia không xuất hiện các nhà độc tài còn một số quốc gia khác điều đó lại xảy ra?
Giả thiết 1:

Truyền thông báo đài một chiều, không khách quan và phương thức hoạt động thiếu công khai, minh bạch dẫn đến công chúng hiểu sai, thiên lệch về các nhà lãnh đạo. Hình ảnh các nhà lãnh đạo – “được dân ủy quyền” được báo chí tâng bốc, tô vẽ, thổi lên thành “lãnh tụ” làm cho số đông bị ru ngủ bởi khuôn mặt đẹp trai, giọng nói ngọt ngào/ hào sảng, hành động có vẻ quyết liệt/ tâm sáng, giàu thành tựu của những lãnh tụ, và hào quang lịch sử tươi đẹp che phủ. Tâm lý & lý trí đám đông tê liệt, dễ ngợi ca, dễ bị sai bảo hơn… trong khi hành vi tham nhũng, lạm quyền ngày một tinh vi chỉ ít người biết. Số hiếm người dũng cảm tố giác lại dễ bị bóp méo, dễ bị khép vào tội “khi quân”?

Giả thiết 2:

Đạo đức, quan trí, nhân cách cầm quyền bị méo mó, gốc rễ đạo đức của chính trị gia bị lệch lạc? Lòng tham leo lên vị trí quyền lực cao nhất để thu vén lợi ích thiểu số ngày một mãnh liệt ở các quan chức cấp cao? Cơ chế chọn và sử dụng những người vì lợi ích tập thể, đạo đức cá nhân trong sáng/ chính trực bị hỏng tạo nên xu thế chỉ chọn những kẻ mạnh mẽ, quyết đoán, cùng ý chí, dễ sai bảo, khắc chế những người yêu nước, người chống đối, bất mãn?

Giả thiết 3:

Gốc rễ nhân dân, các nền tảng và thiết chế dân sự trong xã hội còn yếu, hết sức mong manh, yếu ớt, bị làm lệch lạc, suy yếu làm cho quyền lực của nhân dân, của văn hóa không đủ nhạy bén phát hiện và đào thải sớm những hành động, tư tưởng sai trái của những cá nhân nắm giữ quyền lực? Những hành động hướng đến mục tiêu đúng, đẹp nhưng bằng mọi giá, mọi cách trái nhân văn, làm cho thiểu số lợi dụng cản trở phát triển chung lâu dài dễ được chấp nhận mà không bị phê phán, dự báo sớm?

Giả thiết 4:

Một số quốc gia mới bắt đầu tham gia lộ trình phát triển văn minh, thể chế chưa kịp hoàn thiện, bổ sung những điểm cơ bản và khả thi theo những trí tuệ và công nghệ chính trị học tiên tiến của thế giới (như mô hình tam quyền phân lập) để giám sát liên tục, kịp thời, hiệu quả các quan chức. Trong khi chưa làm được như vậy thì cá nhân đương quyền đã thao túng, vô hiệu hóa việc du nhập những yếu tố tích cực để hoàn thiện việc giám sát quyền lực mất rồi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét