Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Việt Nam: Nghị định mới xử phạt ngành báo chí – Phóng viên phải đăng nguồn tin

(New York, ngày 24 tháng Hai, 2011) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng Nghị định mới về báo chí của Chính phủ Việt Nam, với các quy định xử phạt nhà báo về những lỗi mơ hồ và yêu cầu phải đăng nguồn tin là một đòn bồi thêm vào quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nghị định số 02/2011/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” sẽ có hiệu lực từ ngày 25 tháng Hai năm 2011.
Nghị định nói trên, đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký từ ngày 6 tháng Giêng, ấn định mức phạt từ một đến 40 triệu đồng (tương đương từ 50 – 2.000 đô la Mỹ) đối với các phóng viên và báo chí vi phạm những điều khoản quá bao quát và mơ hồ của Nghị định này, ví dụ như không tuân thủ các quy định của Luật Báo chí năm 1990 (Luật sửa đổi, bổ sung vào năm 1999) với yêu cầu “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.”

“Những điều khoản mơ hồ và tùy tiện của Nghị định này là công thức cho quy trình tự kiểm duyệt rộng khắp,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Lợi ích của đất nước và của nhân dân được phục vụ tốt nhất là để cho các nhà báo đăng thông tin trung thực, chứ không phải xử phạt họ.”

Nghị định 02/2011/NĐ-CP trao thẩm quyền cho rất nhiều ngành trong Chính phủ được xử phạt phóng viên và tòa báo vào bất kỳ thời điểm nào, căn cứ trên các quyết định tùy tiện của lãnh đạo các cấp và từ nhiều cơ quan, về điều gì cấu thành “lợi ích của đất nước và của nhân dân.” Trong số đó bao gồm Thanh tra chuyên nghành Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường, và nhiều chuyên ngành khác.

“Dù ở bất kỳ một đất nước nào thì việc trao quyền cho các cán bộ của nhiều ngành, nhiều cấp kiểm soát nội dung truyền thông và xử phạt cũng là một thảm họa, nhưng điều này đặc biệt nguy hiểm đối với Việt Nam, nơi có nạn tham nhũng tràn lan và sâu rộng,” ông Robertson nói. “Thay vì được áp dụng để cải thiện chất lượng báo chí, văn bản pháp lý này sẽ lại trở thành một cách kiếm chác mới để quan chức địa phương ních đầy thêm hầu bao của mình.”

Điều 7 của Nghị định này quy định xử phạt đối với các nhà báo không viện dẫn nguồn tin trên báo chí. Điều khoản này cũng quy định mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (tương đương 500 – 1000 đô la Mỹ) đối với các phóng viên và tờ báo trong trường hợp “Khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng.”

“Có vẻ Nghị định mới này về báo chí đã được soạn thảo để dằn mặt những người tố cáo tiêu cực và những nạn nhân bị ngược đãi để họ không hợp tác với báo chí,” ông Robertson nói. “Nghị định này sẽ làm họ nhụt chí và không dám cung cấp tin tức cho báo giới vì sợ sẽ bị công bố nhân thân, khiến các thế lực liên quan có thể nhận diện để trả đũa họ.”

Nghị định này dường như xung đột với nội dung của một văn bản pháp luật khác của Việt Nam – Luật Báo chí năm 1990, vì Luật này có ghi trong Điều 7 rằng “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.”

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Nghị định này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng kiểm duyệt vốn đã rất ngặt nghèo ở đất nước này, cũng như tình trạng đàn áp các nhà báo, và người viết blog có quan điểm độc lập. Việt Nam từ trước đến nay vẫn cấm các xuất bản phẩm phản đối chính quyền, tiết lộ “bí mật quốc gia” – một khái niệm hết sức mơ hồ, hay phát tán các tư tưởng “phản động.” Có rất ít kênh tư nhân; hầu hết các xuất bản phẩm là do chính phủ, Đảng Cộng sản, hoặc các tổ chức, đoàn thể quần chúng do đảng lãnh đạo ấn hành.

Các nhà báo có hành động vượt quá ranh giới do chính quyền ấn định một cách mập mờ thường bị trừng phạt nặng nề, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Ví dụ, vào ngày 15 tháng Mười năm 2008, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử nhà báo Nguyễn Việt Chiến, phóng viên báo Thanh Niên hai năm tù giam, và nhà báo Nguyễn Văn Hải, phóng viên báo Tuổi Trẻ hai năm tù treo vì đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Cả hai nhà báo này đều bị khởi tố vì đã đưa tin về vụ tham nhũng đình đám PMU 18, liên quan tới việc Bộ Giao thông sử dụng sai nguồn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản. Cũng liên quan đến vụ này, bốn nhà báo khác đã bị thu hồi thẻ nhà báo.

Năm 2009, hai phóng viên khác của báo Tuổi Trẻ là Phan Quê và Võ Hồng Quỳnh bị treo thẻ sáu tháng vì đưa tin về một vụ tham nhũng liên quan tới dự án xây dựng khu du lịch Rusalka ở Nha Trang.

Bất chấp những hạn chế như vậy, phóng viên của những tờ báo nhà nước vẫn thường tìm được cách tiến hành phóng sự điều tra sáng tạo, đặc biệt là về những vụ tham nhũng của chính quyền cấp địa phương, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Ví dụ, trong tháng Mười Một năm 2010, tờ Thanh Tra đăng một phóng sự về dự án đường Văn Cao – Hồ Tây ở Hà Nội, tờ Nhà Báo & Công Luận đưa tin về ô nhiễm môi trường ở quận Từ Liêm, Hà Nội trong tháng Chạp.

“Chính quyền Việt Nam nên nhận thức được rằng một nền kinh tế phồn thịnh cũng đòi hỏi một nền tự do báo chí, do đó hãy để cho các nhà báo làm công việc của họ, thay vì cản trở họ,” ông Robertson nói. “Nghị định mới này là một bước lùi về quá khứ, nhằm xử phạt việc đưa tin độc lập và mở đường cho lối tuyên truyền quốc doanh quay trở lại.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét