Pages

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Vụ “cụ già 74 tuổi kiện UBND TP Hà Nội” vẫn chờ Tòa tối cao


Khoa Lâm - Từ những lá đơn của cụ Ngô Thị Rào (74 tuổi- tiểu khu Quốc Bảo, TT Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) đề nghị xem xét lại vụ kiện hành chính đối với UBNDTP Hà Nội, 9 cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương đã có có ý kiến bằng văn bản tới Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đề nghị giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, VKSNDTC chưa hồi âm. Còn TANDTC chỉ trả lời “sẽ phối hợp với VKSNDTC để… tiếp tục giải quyết theo quy định”.
Người dân hy vọng gì từ những động thái trên?

Viện tối cao rút kháng nghị như đùa

Như PLVN đã thông tin, đối tượng bị kiện trong vụ án này là Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ở (Sổ đỏ) cho vợ chồng ông Nguyễn Đông và bà Nguyễn Thị Bắc tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 7, thị trấn Văn Điển. Thửa đất này có nguồn gốc của gia đình cụ Rào từ những năm 1957, nhưng đến năm 2001 thì được chính quyền hợp thức hoá cho ông Đông, bà Bắc.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn khởi kiện của cụ Rào, giữ nguyên quyết định bị kiện. Tuy nhiên, ngày 24/12/2009, VKSNDTC đã có Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TANDTC huỷ bản án hành chính phúc thẩm của TANDTC tại Hà Nội và bản án sơ thẩm của TAND Tp Hà Nội.

Quyết định kháng nghị nhận định, việc UBND TP Hà Nội cấp Sổ đỏ cho ông Đông, bà Bắc là trái quy định, cấp cho người không đủ điều kiện được xét cấp và không đúng thực tế nguồn gốc đất. Cụ thể, không chấp nhận các quan hệ chuyển nhượng đất từ cụ Dũng (chồng cụ Rào) đến ông Đông vì có sự vô lý và bất hợp pháp.

Đầu tiên là việc giấy nhận tiền (nhượng đất) từ cụ Dũng sang ông Nguyễn Văn San không có bản gốc, không có công chứng, chứng thực. Và nếu văn bản này là có thật thì việc mua bán này cũng không thể coi là hợp pháp vì không tuân thủ hình thức của một hợp đồng dân sự và cụ Dũng cũng không có quyền bán cả thửa đất của hai vợ chồng (1/2 thuộc về bà Rào).

Tiếp đó, khi đã không phải là chủ sở hữu nhà đất thì ông San cũng không có quyền nhượng lại cho ông Nhân. Chưa kể tới việc quan hệ mua bán này cũng không có xác nhận và không sang tên trước bạ. Và cuối cùng, ông Đông, bà Bắc chưa bao giờ quản lý, sử dụng nhà đất trên và cũng không chứng minh được việc mình đã được bố mình (ông Nhân) cho sử dụng.

Ngoài ra, Quyết định kháng nghị còn đề cập tới một loạt các sai phạm của chính quyền về thủ tục cấp sổ đỏ như: Việc xác định hiện trạng đất ở của UBND thị trấn Văn Điển thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1989 có một số điểm không chính xác: Hồ sơ đăng ký kê khai xin cấp sổ đỏ của ông Đông, bà Bắc không có biên bản xác định ranh giới QSDĐ với các chủ hộ liền kề; việc công khai kết quả phân loại các hồ sơ trước khi báo cáo UBND cấp huyện hoặc Sở Địa chính không đúng nguyên tắc….

Thế nhưng, gần 6 tháng sau, VKSNDTC lại ra một Quyết định khác để “rút quyết định kháng nghị” với lý do “thấy không cần thiết phải kháng nghị đối với bản án phúc thẩm hành chính nêu trên”. Quyết định này có nội dung trái ngược với Quyết định kháng nghị nhưng lại không hề đưa ra các chứng cứ, nhận định để phủ nhận quan điểm trước đó khiến dư luận nghi ngờ việc rút kháng nghị này có vấn đề.

Tòa tối cao như người ngoài cuộc?

Trước hàng loạt đơn kêu cứu của cụ Rào, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Tư pháp QH, Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Dân nguyện của Quốc hội… đều có văn bản gửi TANDTC và VKSNDTC đề nghị xem xét vụ kiện. Nhưng cho đến nay, kết quả giải quyết vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thậm chí, thời điểm này, đã hai năm kể từ khi có bản án phúc thẩm nhưng theo trả lời của TANDTC gửi Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, thì “VKSNDTC đang giữ hồ sơ vụ án” và Tòa tối cao “sẽ phối hợp với VKSNDTC để tiếp tục nghiên cứu, xem xét vụ án hành chính này theo đúng quy định của luật”.

Nhưng cần nhắc lại rằng, cũng từ việc “nghiên cứu tài liệu” mà trước đây, TANDTC đã từng trả lời Văn phòng Chính phủ rằng “nhận thấy việc Toà Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử tại bản án hành chính phúc thẩm là có căn cứ pháp luật nên ngày 19/5/2010, VKSNDTC đã ra Quyết định rút Quyết định kháng ghị đối với bản án phúc thẩm nói trên vì thấy không cần thiết”.

Không hiểu TANDTC đã “lôi” nội dung “nhận thấy Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử tại bản án hành chính phúc thẩm là có căn cứ pháp luật” ở đâu ra để “gắn” vào quan điểm của VKSNDTC, chứ ở cả Quyết định kháng nghị và rút kháng nghị đều không hề có nội dung này. Ngược lại, VKSNDTC còn cho rằng, “kết luận của bản án phúc thẩm thiếu căn cứ vũng chắc, vi phạm quy định của pháp luật” và “nhận định của Toà phúc thẩm là đã phủ nhận sự vi phạm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ, không có cơ sở pháp lý và gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện”.

Việc rút kháng nghị của VKSNDTC cũng được TANDTC trả lời rằng “có căn cứ, đúng pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế thì VKSNDTC rút kháng nghị vì thấy “không cần thiết” chứ chẳng có “căn cứ thuyết phục” nào cả. Trong văn bản trả lời, cũng không thấy TANDTC lý giải rõ, vì sao đã nhận đơn khiếu nại của bà Rào từ tháng 9/2009 nhưng không xem xét vụ án và trả lời cho đương sự rõ? Vì sao VKSNDTC đã có kháng nghị vào tháng 12/2009 nhưng TANDTC không mở phiên toà giám đốc thẩm để rồi 5 tháng sau, việc rút kháng nghị đã xảy ra?

Với sự “nghiên cứu” rồi trả lời “khập khiễng” trên, người dân có hy vọng gì từ sự vào cuộc của TANDTC trong vụ kiện này?.

*

Xung quanh việc rút kháng nghị đầy khó hiểu và những nhận định không rõ ràng của TANDTC, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Minh Hải để làm rõ hơn những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này.

- Thưa ông, khi kháng nghị chưa được xem xét, VKSNDTC có quyền rút kháng nghị không?

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong quá trình tòa án xem xét giải quyết kháng cáo, kháng nghị, kể cả kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm người kháng cáo và kháng nghị có quyền rút kháng cáo, kháng nghị. Thời điểm rút kháng cáo, kháng nghị được tính đến phiên tòa phúc thẩm hoặc phiên xử giám đốc thẩm. Tại phiên xử, nếu người kháng cáo, kháng nghị rút kháng cáo, kháng nghị thì phải chấm dứt việc xét xử.

- Ông đánh giá như thế nào về lý do VKSNDTC rút kháng nghị của họ trong vụ án này?

- Thông thường, quyết định kháng nghị căn cứ vào một hoặc nhiều lý do để kháng nghị. Các lý do đó là vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó có các quy định về luật nội dung (quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và luật tố tụng (về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Bản kháng nghị ban đầu khá rõ ràng, chi tiết, nêu các sai phạm về luật nội dung và hình thức nhưng quyết định rút kháng nghị lại nói rằng việc kháng nghị là “không cần thiết”. Như thế, bản thân cơ quan kháng nghị đã thiếu minh bạch khiến người ta nghi ngờ về lý do rút kháng nghị.

- Để giải quyết đúng pháp luật theo yêu cầu của công dân và các cơ quan nhà nước thì theo ông, vụ việc này cần phải xử lý như thế nào?

- Trước hết, TANDTC và VKSNDTC cần phải xem xét lại toàn bộ vụ án cũng như lý do mà VKSNDTC đã kháng nghị. Nếu thực sự không có căn cứ kháng nghị thì thông báo một cách rõ ràng lý do không kháng nghị đến công dân và các cơ quan giám sát việc xét xử. Ngược lại, nếu rõ ràng đủ căn cứ kháng nghị như VKSNDTC đã nhận định trong kết luận kháng nghị thì bản thân VKSNDTC và ngay cả TANDTC phải ra quyết định kháng nghị và xem xét lại vụ án đó một cách đúng pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Khoa Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét