Pages

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Bất ổn chính trị theo chân bất ổn kinh tế?


Khánh An- Lạm phát ảnh hưởng các bạn trẻ ra sao và quan điểm của những bạn trẻ này về việc liệu có xảy ra bất ổn chính trị tiếp sau những bất ổn về kinh tế không?




RFA PHOTO- Giá vàng tăng cao tại TPHCM, ảnh chụp đầu năm 2011.


Khánh An: Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi.

Thưa quý vị và các bạn, trước tình trạng giá cả mọi thứ đều tăng lên và lạm phát ở mức cao như hiện nay tại Việt Nam, Café Wifi mời quý vị và các bạn gặp gỡ một số bạn trẻ để xem cuộc sống của họ bị ra sao và quan điểm của những bạn trẻ này về việc liệu có xảy ra bất ổn chính trị tiếp sau những bất ổn về kinh tế không?

Có mặt trong kỳ Café Wifi lần này gồm bốn bạn trẻ là Hoàng Mai – SV Y khoa tại Hà Nội, Trung Kiên – chủ cơ sở kinh doanh, Hà Thanh – SV tại TPHCM và Thu Thủy – SV Ngoại thương tại Hà Nội.

Giá cả leo thang
Khánh An: Câu hỏi đầu tiên mà Khánh An muốn đặt ra cho các bạn là đối với chuyện giá cả leo thang, tâm trạng đầu tiên của bạn là gì? Xin mời Hà Thanh.

Giá điện, nước, xăng… thì điện tăng đương nhiên cái gì cũng phải tăng, giá cả leo thang.

Bạn Hà Thanh
Hà Thanh: Tăng vàng và đô-la thì vì mình không tích trữ vàng, đô-la nên mình cũng không mấy quan tâm, nhưng mà học phí của trường mình đóng mà quy ra tiền đô để đóng thì chắc chắn là có ảnh hưởng. Còn giá điện, nước, xăng… thì điện tăng đương nhiên cái gì cũng phải tăng, giá cả leo thang. Mình đang là sinh viên, giá tiền phòng trọ cũng theo giá điện, nước tăng. Nghe nói tiền điện sẽ tăng hơn 15%, mà mùa khô này thiếu điện dữ lắm cho nên cũng rất là bức xúc.

Khánh An: Cám ơn bạn Hà Thanh. Tiếp theo xin mời Thu Thủy. Giá cả tăng thì tâm trạng bạn thế nào?

Thu Thủy: Cũng hơi lo tại vì bình thường bố mẹ gửi tiền chỉ một khoản như thế thôi, mà giá cả tăng lên thì mình sẽ phải cắt giảm một số khoản chi tiêu nào đấy.

Khánh An: Cám ơn bạn. Còn Trung Kiên thì sao?

Trung Kiên: Thật ra về việc tăng giá thì mọi người đều biết đây là thời điểm khó khăn và việc tăng giá thì cũng được báo trước một vài tháng rồi nên cảm giác thì không sốc lắm. Tất nhiên, giá tăng thì ai cũng cảm thấy khó khăn. Đối với bản thân mình thì có thể chưa có gì ghê gớm lắm, nhưng với những người có điều kiện sống thấp hơn một chút thì đó cũng là một vấn đề.

Khánh An: Vâng. Câu hỏi tiếp theo Khánh An hỏi là việc giá cả tăng có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bạn không? Xin mời Hoàng Mai.




Sạp cá ở chợ An Nhơn – TPHCM, ảnh chụp tháng 02-2011. RFA PHOTO.


Hoàng Mai: Đương nhiên ảnh hưởng nhiều lắm. Giá xăng tăng thì tiền xăng hang tháng gia đình cung cấp cũng phải tăng lên. Nói chung nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến những khoản vui chơi và khoản dư thừa mà mình có được hàng tháng trước đây. Bây giờ thì cái khoản đấy ít đi, không được thoải mái như trước.

Trung Kiên: Mình thì mình làm một số công việc liên quan đến vải vóc thì một số ngày gần đây, giá xăng, giá điện lên thì nguyên liệu để mình làm việc cũng tăng lên rất nhiều. Hiện giờ, mình chưa phải tăng giá sản phẩm của mình nhưng nếu nó cứ lên trong vòng vài tháng nữa thì chắc là sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Thu Thủy: Thực phẩm có tăng, còn tớ thấy mấy thứ quần áo, đồ dùng hình như không tăng, chỉ có thực phẩm thôi. Tớ thấy cái đấy là nghiêm trọng nhất, có nhiều hôm chưa có tiền trợ cấp, tớ phải ăn mì tôm mấy ngày liền. Lúc cuối tháng mà trót tiêu nhiều quá hết tiền, đi vay bạn bè thì cuối tháng sẽ chẳng bao giờ vay được vì ai cũng trong tình trạng như thế.

Hậu quả?
Khánh An: Bây giờ là câu hỏi thứ 3, theo bạn, giá cả tăng có thể gây ra những hậu quả gì?

Đối với sinh viên, người lao động, công nhân, có nhiều người một bữa ăn họ có 7.000 đồng, mà bây giờ tăng giá, chắc chắn là họ sẽ khó khăn hơn.

Bạn Hà Thanh
Hà Thanh: Mình nghĩ đối với những người mà thu nhập của họ cao như doanh nhân, giám đốc thì mình không nói. Thu nhập của họ cao thì chuyện họ tăng vài ngàn tiền điện, thực phẩm thì không ảnh hưởng gì họ đâu. Còn đối với sinh viên, người lao động, công nhân, có nhiều người một bữa ăn họ có 7.000 đồng, mà bây giờ tăng giá, còn lương thì không biết tăng không nhưng chắc chắn là họ sẽ khó khăn hơn.

Hoàng Mai: Đương nhiên là nhiều rồi. Lạm phát cả nước thì nó ảnh hưởng trên toàn xã hội. Ví dụ như nhà mình thì không sao nhưng công nhân hay những người thu nhập thấp thì sẽ khổ hơn tại vì đồng lương của họ vẫn như thế mà giá cả lại tăng lên.

Trung Kiên: Về mặt cá nhân thì nó không gây hậu quả nào lớn nhưng về mặt xã hội, giá tăng lên thì nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề làm ăn của mình, giá cả tăng thì người khác sẽ không mua sản phẩm của mình. Còn các bạn sinh viên thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn một chút. Nói chung ở Việt Nam hay ở đâu cũng thế thôi, giá cả tăng thì nó sẽ gây nhiều hiệu quả về mặt xã hội, mọi người sẽ cảm thấy không có nhiều điều kiện để tận hưởng cuộc sống như trước nữa.

Khánh An: Và bây giờ là câu hỏi thứ 4. Theo các bạn, liệu những bất ổn hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam có thể dẫn đến bất ổn chính trị không?




Ảnh chụp hàng bán trái cây tại một chợ ở TPHCM. RFA PHOTO.



Trung Kiên: Mình nghĩ là hiện giờ, trong tương lai khoảng 1, 2 năm thì nó chưa thể gây ra bất ổn chính trị, bởi vì mình nghĩ rằng hiện giờ có thể một số người cảm thấy không hài long nhưng cái chính là ở Việt Nam chưa có một người nào có thể đẩy cái… tức là nếu có một người nào muốn gây ra một sự bất ởn thì trước hết phải có đủ tiềm lực để làm việc đấy, nhưng hiện giờ mình nghĩ chưa ai có khả năng làm được chuyện đó. Bản thân cái văn hóa và tính cách của người Việt Nam, khi người ta chưa bị đẩy đến đường cùng hay chưa có gì chắc chắn thì họ sẽ khó tham gia vào một biến cố lớn.


Thu Thủy: Tớ nghĩ là tớ may mắn khi được sống ở Việt Nam tại vì nghe mấy cái tin bạo động các thứ trên ti vi nên rất sợ. May mà đất nước mình không bị khủng bố. Tất nhiên là với tốc độ giá cả tăng như thế này, đến một lúc nào đó người dân sẽ cảm thấy không chấp nhận được. Bây giờ thì đã không chấp nhận được rồi nhưng không có phương án nào để giải quyết cả. Tất cả đều phụ thuộc vào nền chính trị. Mặc dù tớ thấy nhiều người cảm thấy nền chính trị của Việt Nam không được tốt như xưa nhưng mình là nhân dân, chẳng còn cách nào khác cả, chỉ biết làm theo thôi.

Hoàng Mai: Theo mình nghĩ, kinh tế, chính trị của Việt Nam vẫn đang ổn định như thế này thì việc chống lạm phát sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến chính trị đâu tại vì nó vẫn ổn định mà. Chỉ khi nào lạm phát tăng đến mức đáng báo động thì có thể dẫn đến đấy thôi, chứ còn bây giờ thì không.

Hà Thanh: Trong học thuyết Mac có nói rằng thay đổi về cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến những thay đổi về thượng tầng. Kinh tế với chính trị quyết định lẫn nhau chứ nó không thể tách rời. Cho nên những biến động về kinh tế sẽ dẫn đến những biến động về chính trị, tuy nhiên lớn hay nhỏ thì mình không lường trước được. Cũng như ở Bắc Phi chẳng hạn, mức sống người dân họ cao nhưng không vì vậy mà nền chính trị của họ ổn định và tốt. Mình nghĩ là ít có khả năng xảy ra một biến chuyển nào lớn trong thời gian hiện tại về chính trị. Nói chung, giá xăng, giá dầu tăng thì lương thực hàng ngày mình cũng phải lo. Bây giờ người ta lo cơm áo gạo tiền hơn là lo tới những chuyện xa xôi khác. Xăng tăng thì trả thêm vài ngàn chứ chẳng lẽ bây giờ không đi xe nữa hay sao. Cho nên mình nghĩ là ít có biến động về chính trị lắm, nhưng mối lo về biến động chính trị cũng không thừa, nhưng mối lo này xuất phát từ giới cầm quyền.

Giá xăng, giá dầu tăng thì lương thực hàng ngày mình cũng phải lo. Bây giờ người ta lo cơm áo gạo tiền hơn là lo tới những chuyện xa xôi khác.

Bạn Hà Thanh
Khánh An: Câu hỏi cuối cùng dành cho các bạn, trước tình trạng giá cả tăng và lạm phát cao, bản thân bạn sẽ làm gì để đối phó với tình trạng này?

Hà Thanh: Mình sẽ cắt giảm những khoản không cần thiết, phung phí. Xăng thì mình giảm đi lại để tiết kiệm tiền, ăn những đồ rẻ một chút để nhẹ tiền, với lại tiền phòng cũng lên thành ra phải tiết kiệm. Nói chung bây giờ nếu chính phủ có chính sách thắt lưng buộc bụng thì mình cũng vậy.

Thu Thủy: Tất nhiên là sẽ giảm những khoản chi tiêu mà ngày trước có thể mình hay đi mua sắm quần áo, mỹ phẩm các thứ, nhưng bây giờ cảm thấy là mình không thể trang trải đủ những thứ đấy nữa, một tháng bây giờ chỉ mua thêm một bộ thôi.

Trung Kiên: Khi mình thấy giả cả tăng thì mình phải đẩy mạnh công việc kinh doanh của mình hơn để mình bán hàng tốt hơn và có chiến lược tốt hơn trong việc kinh doanh của mình, thì mình sẽ sinh tồn được trong hoàn cảnh này.

Khánh An: Quý vị và các bạn vừa theo dõi những phỏng vấn nhanh của Café Wifi với một số bạn trẻ về tình trạng tăng giá, lạm phát và quan niệm họ về khả năng xảy ra bất ổn chính trị từ những nguyên nhân trên. Bây giờ thì Café Wifi phải tạm dừng. Khánh An mong gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình kỳ sau. Xin kính chào tạm biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét