Pages

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Bi kịch

Có thời kỳ, dẫu có đi khắp làng Chuối thuộc xứ Lừa này, và dẫu có gặp đủ hạng người, thì dù có đi cả ngày cũng đố ai tìm được một người nào có cái tên tử tế. Nếu không gặp các cụ Trắm, cụ Chuối, cụ Trê, cụ Ngạnh, cụ Đuối, thì cũng gặp các bác Bào, bác Đục, bác Tràng, bác Bạt hay cô Na, cô Mít, cô Chuột, cô Cua, cô Ốc. Nếu không gặp những ông Cu, thằng Cu, chú Cu, bác Cu, anh Cu thì cũng gặp những bà Đĩ, thím Đĩ, cô Đĩ, cái Đĩ, chị Đĩ…
Cũng có những gia đình đặt cho con cái họ những cái tên theo một chủng loại nào đó mà theo cách nói thời nay là rất có bài bản. Thế nên mới lại có những cặp vợ chồng như ông Vối với bà Mít lấy toàn những hoa quả như Chanh, Cam, Đào, Roi, Mận mà đặt tên cho mấy thị Mẹt, mặc dù trong vườn nhà ông bà này chẳng có cây cam cây chanh hay cây mận cây đào nào. Hoặc như vợ chồng ông Nong bà Nia thì con cái cũng toàn là những Thúng, Mủng, Dần, Sàng, Đơm, Đó, Rổ, Rá, gọi lên nghe cứ như đang ở cửa hàng mây tre đan.

Thời ấy người ta tin rằng phải lấy những cái tên vừa xấu xí, vừa nôm na mách qué như vậy mà đặt cho con cái là để dễ nuôi nấng.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Bây giờ về làng nào cũng nghe những cái tên kêu như tên diễn viên trên sân khấu hay trên màn ảnh.

Bằng nhiều cách, những cái tên quê mùa ngày xưa dần dần mất đi. Và nếu như một số người được gọi theo tên con cái của họ như Hồng Anh, Đức Anh, Lan Anh, Duyên Anh, Tú Anh thì một số người khác, trong chừng mực có thể lại thêm dấu thêm nét , thêm chữ, hoặc là bớt, sửa cái tên cũ của họ đi một chút cho dễ gọi, dễ nghe và vì thế mà đẹp đẽ hơn.

Gia đình ông Tĩn với bà Lu cũng vậy. Chỉ cần đổi cái dấu ngã thành dấu sắc là ông Nguyễn Văn Tĩn trở thành ông Nguyễn Văn Tín luôn và rất hay. Và tương tự như vậy, chỉ cần sửa chũ “u” thành chữ “ư” rồi thêm một cái dấu ngã vào thì bà Trần Thị Lu lập tức biến thành bà Trần thị Lữ ngay và cũng hay chẳng kém gì.

Với gần chục người con vừa trai vừa gái của ông bà cũng thế. Ngoài người anh cả vẫn giữ nguyên được tên mình là Nguyễn văn Bình, bảy người còn lại, ai cũng phải sửa một chút, nhưng chỉ mấy nét thôi, song hiệu quả thì thật vô cùng. Thì đấy: Chỉ cần sửa đi một tí là Nguyễn Văn Thố biến ngay thành Nguyễn Văn Thọ hay Nguyễn Văn Thơ, nghe tao nhã hơn nhiều. Rồi cũng như thế, chỉ cần sửa đi một tí là Nguyễn Văn Tộ biến ngay thành Nguyễn Văn Tô và sau này thành Nguyễn Trường Tô, Nguyễn Văn Nậm trở thành Nguyễn Văn Nam, Nguyễn thị Bát trở thành Nguyễn Thị Ngát, Nguyễn Văn Đĩa trở thành Nguyễn Văn Địa, Nguyễn thị Chén trở thành Nguyễn Thị Chiến, Nguyễn Văn Cóng trở thành Nguyễn Văn Công…

Đổi tên và là cũng đổi đời. Chẳng ai biết mộ các cụ tổ nhà ông Nguyễn văn Tĩn (tức Tín) và bà Trần Thị Lu (tức Lữ) táng ở đâu và có phải ở hàm rồng hàm rắn nào không mà đến đời con cái ông bà lại phát đến vậy. Gần chục người, vậy mà chẳng ai chịu làm dân thường cả. Không to thì nhỏ, ai cũng là chức sắc nhà nước hết. Mèng nhất là giữ cái chức trưởng thôn hay bí thư chi bộ thôn, còn khá hơn thì là chức cán bộ xã, cán bộ huyện, khá hơn nữa thì là cán bộ tỉnh.

Ai cũng biết, đời này, thời này, đã là cán bộ, là quan, thì dẫu là quan tỉnh, quan huyện hay quan xã, quan xóm… đều chóng giầu lắm. Đến làng Chuối bây giờ, ai cũng phải lác mắt, kính cẩn nghiêng mình trước những cơ ngơi san sát của các ông, các bà con cháu cụ Lu cụ Tĩn. Ối giời ôi, sao mà lại có những cái nhà rộng rãi đến thế, to lớn đến thế, đẹp đẽ đến thế. Cái nào cũng cao vút lên, ba tầng, bốn tầng, cái nào cũng sáng choang, lộng lẫy, nguy nga như những biệt thự với siêu biệt thự của những triệu phú, tỷ phú hay của những minh tinh, chỉ được thấy trên phim, trên ảnh. Mà đấy mới là phần nổi. Còn phần chìm, người ta đoán rằng nếu đào bất cứ cái nền nhà nào của các ông các bà này lên, nếu không thấy hàng chục hàng trăm cây vàng hay hàng chục hàng trăm nghìn đô thì chắc chắn là chẳng ai có thể tin nổi.

Trong những người con của cụ Tĩn, cụ Lu thì Nguyễn Văn Tộ mà sau này là Nguyễn Văn Tô rồi Nguyễn Trường Tô là kẻ làm lên và khá hơn cả. Khi làm đến chức bí thư kiêm chủ tịch ở một tỉnh nọ thì Tô cũng trở thành một kẻ giầu nứt đố đổ vách. Bằng nhiều mánh lới, thủ đoạn, đến một lúc nào đó, chính Tô cũng phải giật mình, kinh sợ vì sao hắn lại có nhiều nhà, nhiều tiền, nhiều vàng đến vậy. Tô có đến hàng chục dinh cơ, đứng tên cha mẹ, anh em, vợ, con và cả người tình của hắn. Còn tiền và vàng thì chính hắn cũng chẳng nhớ chính xác là bao nhiêu, chỉ biết là rất nhiều và được gửi tại nhiều ngân hàng ở nước ngoài.

Công bằng mà nói thì ngày trước thằng Tộ nhà ông Tĩn bà Lu trông cũng tầm thước dễ coi. Nhưng từ khi chuyển thành anh Tô, bác Tô, rồi ông Tô nhà cụ Tín, cụ Lữ, càng làm to, càng giầu thì hắn càng phát tướng tợn. Khi mà từ sáng đến đêm, hôm nào người ta cũng phải chén hàng chục bữa, mà bữa nào cũng nhồi đầy bao tử bằng những cái gọi là của ngon vật lạ, những đặc sản của rừng, của biển, của các vùng, miền từ Nam ra Bắc, của năm châu bốn biển, từ trong lòng đất sâu đến tít trên không trung hay giữa đại dương bao la mà cơ thể người ta lại không phát triển, mà người ta không béo nứt ra, mà mặt người ta không trở thành phương phi, phì nộn, lúc nào cũng đỏ hây hây và bóng nhẫy thì mới thật là lạ.

Nếu mỗi người có cách giải thích cho hoạn lộ của mình khác nhau, thì theo Nguyễn Trường Tô, có được con đường thăng tiến suôn sẻ từ một anh trưởng thôn đến anh chủ tịch xã rồi đến anh chủ tịch, anh bí thư của một huyện, một tỉnh vừa giầu có vừa quan trọng (và do đó mà mầu mỡ) như ngày nay là vì lúc nào hắn cũng tin và thờ một vị thần mà ai cũng phải công nhận là rất thiêng. Đấy là thần hổ.

Ngày Trường Tô hãy còn là một anh cán bộ huyện, còn đi một cái xe máy, cũng gọi là đẹp, (nhưng so sánh với con “mẹc” sang trọng như sau này thì không đáng kể gì), thì hắn cũng xông xáo hay đi sục sạo nơi này nơi khác lắm.

Một hôm (chính xác hơn là một đêm, không trăng, không sao, trời tối đen như mực) con “rim” ấy đưa hắn ngang qua một bản của người Nhắng thì chẳng hiểu sao lại tự nhiên chết máy, làm thế nào cũng không nổ lại được. Đường về huyện thì xa mà gần đấy cũng chẳng có cái nhà trọ nào để nghỉ tạm, hắn còn đang loay hoay, ngó tới ngó lui, chưa biết sử sự ra sao thì bỗng một ông già xuất hiện. Sau này thì Trường Tô biết đấy là ông thầy mo, vừa đi cúng mấy ngày liền cho một đám ở bản bên về. Chứ còn lúc ấy, đối diện với một bóng đen lừng lững như một con gấu, áo quần chua loét, mồm miệng nồng nặc mùi rượu thì hắn cũng sợ hết hồn.
Nhưng con gấu ấy không hề tỏ ra hung dữ, trong ánh sáng đỏ quạch của chiếc đèn pin Trung Quốc, nó dí mắt nom nom nhìn con xe lúc đó nằm bất động như một cục sắt nặng nề và kềnh càng, dí mắt nhìn tận mặt hắn một hồi cho đến khi hiểu ra vấn đề mới mở miệng cất lên một thứ tiếng Kinh lơ lớ, khàn khàn:

- Mày là người Kinh, là cán bộ, hở?

- Thưa… Vâng… – Hắn ú ớ, muốn nói thêm là đang trên dường đi công tác về đến đây thì xe bị hỏng máy, mà không sao nói được.

Nhưng dẫu Trường Tô không nói gì thì ông thầy mo này cũng như đã biết hết cả rồi. Chỉ tay về phía cuối bản, ông ta nói với hắn:

- Nhà ta ở kia. Mày có muốn thì ta dẫn về cho ngủ nhờ một đêm, rồi sáng mai tao tìm người sửa xe cho…

Cứ như sau này Trường Tô ngẫm nghĩ lại thì lão thầy mo người Nhắng này đúng là một trong những quý nhân phù trợ của hắn. Chẳng những chỉ cho hắn uống rượu, ăn gà, ăn xôi và nghỉ qua đêm, vì thấy Trường Tô có “căn cơ”, ông ta còn cho hắn một bức tranh cổ rộng đến hơn một mét vẽ một cái đầu hổ thật to bảo mang về mà thờ thì sẽ rất linh nghiệm, muốn cầu cái gì cũng được.

Trong khi phần lớn các cơ ngơi của quan chức thời nay đều có xây những cái “điện” rất hoành tráng, nguy nga trên sân thượng hoặc tầng trên cùng để thờ thần, thờ phật hay thờ cha mẹ, ông bà của họ, thì, để thờ thần hổ, trong các dinh thự của hắn, Trường Tô cho xây dựng những cái tầng hầm sâu hàng chục mét, được thiết kế sao cho thật quanh co, tối tăm, u ám, trông giống hệt như một cái hang hùm. Và ở cái “hang hùm” ấy, sáng ngày nào cũng vậy, sau khi tắm gội sạch sẽ, hắn đích thân mang xuống một cái thủ lợn luộc thật to, thật béo, kính cẩn đặt trước bàn thờ có treo bức tranh thần hổ, xong xì xụp khấn vái, cầu nguyện một cách hết sức thành khẩn rồi có đi đâu mới đi, làm gì mới làm.

Thường thì chỉ có một mình Trường Tô là chui lên chui xuống cái tầng hầm u ám, tối tăm và có phần nào hôi hám ấy với ông ba mươi của hắn. Nói “hôi hám”, vì có những khi hắn phải đi công tác xa nhà hàng mấy ngày, mấy tuần, mà quên không dặn dò, không đưa chìa khóa cho đám con cháu, nô bộc, thủ hạ vốn mải chơi, ham ăn ham uống quá độ, nên hàng ngày chẳng có ai chui xuống thay cái thủ lợn cũ, để nó ôi thiu ra, bốc mùi rất khó chịu.

Trường Tô thuộc loại rất mê tín. Trong nhà hắn lúc nào cũng nuôi ít nhất là một bà hoặc một ông thầy bói. Trước khi đi đâu hay trước khi làm gì, thì bất kể là đi xa hay đi gần, bất kể là làm việc dễ hay khó, Trường Tô cũng hỏi ý kiến của họ để rồi bao giờ cũng nhận được những lời khuyên bảo rất cụ thể. Vậy nên người ta thấy hắn có ra ra vào vào cơ quan vào những ngày những giờ hết sức bất thường, từ những hướng hết sức khác nhau, có thấy hắn ăn mặc có vẻ như rất lố lăng, lúc đỏ, lúc xanh, lúc trắng, lúc đen… thì cũng là có nguyên nhân sâu xa của nó cả.

Ai cũng biết đồng cốt, bói toán toàn là bọn nói dựa. Những thầy bói trong nhà Trường Tô cũng vậy. Và cứ như lời họ nói thì, nếu hắn cứ thành tâm, cứ tuyệt đối tin tưởng vào thần hổ, tuyệt đối tin tưởng vào họ như bao lâu nay thì sự nghiệp của hắn còn phất lên như diều nữa, không có gì đáng phải lo ngại cả.

Trường Tô nghiện xem bói. Nghe tin ở đâu có thầy bói hay, thì dù xa xôi cách trở đến đâu, bằng mọi cách, hắn vẫn cố gắng tới xem bằng được. Tuy nhiên, đi xem bói mà hắn lúc nào cũng tề chỉnh, com lê, cà vạt, xe biển số đẹp trị giá cả nghìn đô đỗ xịch ngay trước cửa. Với một khách hàng “oai” như vậy, thử hỏi ông thầy bói nào mà chẳng sợ hết vía. Có “hay”, có “thấy” vấn đề gì thật, thì họ cũng chẳng dám nói. Vậy nên, ai cũng phán cho hắn những điều rất tốt. Thì cũng có mất gì của họ đâu. Hơn nữa, càng tốt thì lại càng dược khoản thù lao hậu hĩnh. Mà với giới này thù lao mới là chuyện quan trọng.

Nhiều khi, biết là người ta nói láo, nhưng thói đời, ai mà chẳng thích những điều tốt đẹp về tương lai của mình. Trường Tô cũng vậy, hắn nghiện xem bói, một phần cũng là vì nghiện nghe nhiều người nói đi nói lại mãi những điều “tiên tri” tốt đẹp về cuộc đời và cái chính là hoạn lộ của hắn, về việc hắn đi đâu, làm gì cũng có quý nhân, quý thần (mà hắn hiểu là thần hổ) phù hộ độ trì, và sẽ còn “lên” cao hơn nữa. Cái chức bí thư kiêm chủ tịch một tỉnh, tuy béo bở thật đấy nhưng cũng chỉ mới vậy vậy thôi.

Nhưng có lần nọ nhân chuyến đi thăm một doanh nghiệp ở miền ngược, tiện đường hắn có ghé thăm một ông thầy bói người dân tộc, để rồi được nghe toàn những điều ngược lại…

Hôm ấy, trên chiếc nhà sàn nhỏ bé và sơ sài, nằm bên con đườing mộc đầy cỏ dại, bé đến mức mà người lái xe ôm phải vất vả lắm mới đưa hắn tới được, lão thầy bói người Thái, người nhỏ thó, với mái tóc dài đến tận thắt lưng, chằm chằm nhìn hắn bằng cặp mắt sắc lạnh hồi lâu rồi mới cất tiếng phán:

- Cán bộ lớn à, ta thấy có điềm này không tốt cho mày đâu. Mày về lo hậu sự đi là vừa đấy.

Xong lão lại lắc mạnh hơn nữa:

- Mà ta nói là nói vậy thôi, chứ cái hậu sự này mày có muốn lo, muốn chạy thì cũng chẳng lo, chẳng chạy được đâu.

Trường Tô toát mồ hôi hột khi phải nghe những lời phán trái tai như vậy. Cứ như lão thầy bói này thì một cái nạn vô cùng lớn sắp ập xuống đầu hắn, rằng hắn sắp phải đối phó với những khổ sở, những đau đớn cùng cực, có muốn chống đỡ cách nào cũng chẳng được.

Lão thầy bói chỉ nói đến thế. Trường Tô có khẩn khoản thế nào đi chăng nữa, thì ngoài mấy câu: “Không tốt đâu…. Không tốt đâu…”, lão chỉ có mỗi động tác lắc đầu và lắc đầu. Không biết được điều gì thêm, hắn móc ví để lại một số tiền rồi đi vội xuống cầu thang nơi có anh xe ôm vẫn kiên nhẫn đứng chờ lúc nào.

Ai cũng biết, loại quan chức như Trường Tô thì ngày nào cũng thế, từ lúc mở mắt ra cho đến lúc lên giường đi ngủ, thời gian giành cho việc ăn uống rất nhiều. Có thể nói, bọn hắn chỉ có ăn và ăn mà thôi. Thì đấy, khi thì đón cấp trên, khi thì tiếp cấp dưới, lúc đi với bạn bè với cánh hẩu, lúc đi với đối tác, hàng nghìn lý do, và lý do nào cũng dẫn đến là phải tống bằng được cái gì vào mồm.

Cứ như người ta bảo “Họa từ mồm mà ra, bệnh từ mồm mà vào” thì điều này rất đúng với Trường Tô. Hắn thuộc loại khéo mồm, khéo miệng, nhất là trong những mối quan hệ với cấp trên, nên có thể chưa biết cái “họa” là gì.

Nhưng do ngày nào cũng nốc đủ thứ rượu tây, tượu tầu, rượu ta… nên hắn đã tự chuốc bệnh vào. Mấy chục năm qua, từ lúc còn là anh cán bộ xã lằng nhằng, cho tới khi leo lên đến chức vụ cao nhất của một tỉnh, ai mà biết được là hắn đã tống vào bụng hàng tấn hay hàng chục tấn rượu. Và mỗi ngày một ít, số rượu ấy đã kịp tấn công lục phủ ngũ tạng của hắn, đợi đến lúc phát hiện ra thì đã muộn, căn bệnh ung thư ruột, ung thư gan của hắn đã phát triển đến giai đoạn cuối từ lúc nào rồi.

Có bệnh thì vái tứ phương. Ai cũng biết của chìm của nổi, tài sản của Trường Tô là lớn lắm. Nhưng dù có nhiều hơn như thế nữa thì số của cải ấy cũng chẳng thể giúp hắn qua khỏi bạo bệnh. Và cho đến khi tất cả những loại thuốc tốt nhất của Ta, của Tây, của Tầu, của Nhật, của Mỹ… đều đã được sử dụng, đã nằm qua mấy bệnh viện hiện đại nhất ở Tầu, ở Sing… mà căn bệnh quái ác vẫn không thuyên giảm, thì hắn quay sang cầu cứu đến các loại thầy lang, kể cả lang băm, hy vọng kéo dài mạng sống ngày nào hay ngày ấy.

Trong số lang băm mà Trường Tô cầu cứu, đặc biệt có một vị rất nổi tiếng, chuyên chữa bệnh bằng một vị thuốc mà chỉ nghe qua cái tên thì ai cũng thấy ghê rợn, đấy là cứt người.

Và cứ như thầy lang này, thì ông ta đã cứu được một số khá khá những bệnh nhân thập tử nhất sinh, bệnh viện nào cũng từ chối, giáo sư, bác sỹ nào cũng phải bó tay, bằng chỉ độc một vị thuốc rất dễ kiếm này. Ông ta cũng cho biết, trong số bệnh nhân của mình có nhiều vị là tướng tá, là cán bộ cao cấp, đã và đang giữ nhiều trọng trách trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng và nhà nước.

Chẳng rõ rồi căn bệnh quái ác của Trường Tô sẽ chuyển biến theo chiều hướng nào. Chỉ biết là hắn rất tích cực trong việc chữa chạy. Chẳng ai biết là mỗi ngày hắn phải ăn mấy bát cứt. Nhưng chắc chắn là phải nhiều, vì dạo này, sáng sáng vẫn thấy mụ vợ hắn hay cầm mấy cái bô sang những nhà có trẻ con nhờ người ta canh khi nào chúng buồn ị thì bảo đi vào đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét