Pages

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Cách mạng hay chính trị?

Tôi nghĩ rằng giới tinh hoa Việt Nam nên tự động nộp đơn ra ứng cử đại biểu Quốc Hội vào tháng 5 sắp tới. Càng đông càng tốt, nộp đơn tập thể càng hay hơn. Mỗi người viết đơn nộp theo qui định của Hiến Pháp (và theo luật hiện hành) đồng thời cũng nên công bố đơn ứng cử của mình trên báo chí, trên mạng internet. Sẽ ngoạn mục hơn, cho những người có khả năng tài chính, nếu in và lưu truyền được các bích chương hay các truyền đơn vận động bầu cử trong dân chúng. Dĩ nhiên tất cả đều làm theo những qui định của “Hiến Pháp” và “luật lệ hiện hành” về thể lệ bầu cử và ứng cử. Điều nên ghi nhận, những gì Hiến Pháp và “luật lệ” không qui định (hay không qui định rõ ràng) thì nên hiểu điều đó luật lệ cho phép.

Người Việt nào cũng đều muốn thấy một nước Việt Nam giàu mạnh, mọi người dân được sống trong cảnh ấm no, thái bình, hạnh phúc. Những điều này không thể chờ đợi từ một chế độ độc tài; bởi vì, ngược lại, sự chậm tiến, trì trệ của đất nước, những sự bất công, áp bức trong xã hội, dân tình đa phần đói rách lầm than… đều bắt nguồn từ thể chế độc tài. Không một chế độ độc tài nào đem lại đất nước hùng cường, xã hội công bằng trước pháp luật, người dân được cơm no áo ấm. Không có một ngoại lệ nào trong lịch sử. Trong khi đó, một chế độ “dân chủ”, có thể bản thân còn rất nhiều khiếm khuyết, nhưng đến hôm nay vẫn cho thấy đó là một chế độ hoàn thiện nhất. Hoàn thiện vì nó có thể tự sửa đổi nhưng khiếm khuyết theo thời gian, theo kinh nghiệm… để tự chuyển hóa cho “tốt” hơn. Tất cả các nước giàu mạnh trên thế giới hiện nay đều là các nước có chế độ dân chủ.

Trong thời gian qua, trong nước có nhiều nỗ lực cố gắng xây dựng một “xã hội dân sự”, thể hiện (thí dụ) qua hình thức “viện nghiên cứu”, đều thất bại. Nhà nước độc tài có lý do để dập tắt các nỗ lực này từ trứng nước vì xã hội dân sự là nền tảng của một chế độ dân chủ. “Xã hội dân sự”, thể hiện qua các tổ chức tương tế, các đoàn thể phi chính trị, các liên đoàn công nông (nói chung là những tập hợp nhân sự có cùng ngành nghề, cùng quyền lợi, cùng mục đích xã hội… lập ra nhằm bảo vệ lợi ích của mình). Xã hội dân sự càng lành mạnh thì nền tảng của chế độ dân chủ càng vững chắc. Một nhận xét, xã hội Việt Nam có dư thừa nhân tố để thành lập một xã hội dân sự tốt đẹp. Điều này được phản ảnh qua các trang nhà internet, như facebook v.v. của giới tinh hoa, trí thức Việt. Nó chỉ cần một cơ hội.

Vừa qua cuộc “cách mạng hoa lài” đến từ các nước Ả Rập Bắc Phi đã “gây hứng” trong nhiều người, nhiều thành phần trí thức Việt Nam. Nếu xem xét tỉ mỉ các cuộc cách mạng tại đây thì ta sẽ thấy vai trò của các tổ chức chính trị, cũng như của các “nhân sĩ” nổi tiếng, đều không có ảnh hưởng hay tác động gì đến các cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng thành công là do các hạt nhân “xã hội dân sự”, như các hội luật sư, hội giáo chức, hội sinh viên học sinh v.v. đã có sẵn từ lâu tại các nước này. Nếu muốn áp dụng “mẫu mã” từ các nước Bắc Phi vào Việt Nam thì điều cần thiết là phải xây dựng xã hội dân sự. Làm được điều này sẽ mất nhiều thì giờ (vài mươi năm) nhưng trước mắt là không khả thi vì sự bất dung của chế độ.

Hiện nay trên các diễn đàn báo chí Việt Nam, nhiều tiếng nói cất lên, đặt nặng về vấn đề “tổ chức chính trị”, xem đây là giai đoạn không thể thiếu để một cuộc cách mạng xảy ra suông sẻ. Dĩ nhiên, có thể một “tổ chức chính trị” sẽ cần thiết để lãnh đạo chính trị sau cách mạng, nhưng nó không phải là điều quan trọng đến mức “không thể thiếu” để làm “cách mạng” như nhiều người nhận định. Để ý sẽ thấy các nước Tunisie, Ai Cập, trước “cách mạng”, đều là các nước đa đảng, tức có nhiều đảng phái sinh hoạt trong nghị trường. Trong khi việc thành lập đảng phái chính trị tại Việt Nam sẽ “nhiêu khê” gấp trăm lần việc thành lập các hạt nhân thuộc “xã hội dân sự”. Vì theo Hiến Pháp, chỉ có đảng CSVN mới có tư cách lãnh đạo đất nước, tức “làm chính trị”. Hành động lập tổ chức chính trị đồng nghĩa với việc ký tên vào bản án “chống phá nhà nước”. Hãy nhìn Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức… mà làm gương. Nếu mọi người chỉ suy nghĩ (một cách đơn thuần về tính cần và đủ) về “tổ chức chính trị”, đem hết thời giờ để thực hiện nó, có thể sẽ không đi đến đâu, nếu không nói là phí phạm nhân sự và thì giờ. Nên biết công trình này đã kéo dài từ vài mươi năm nay. Quá khứ đã không thành công thì không hy vọng gì sẽ thành công bây giờ. Nhất là cách suy nghĩ và cách làm việc vẫn không thấy thay đổi.

Nếu lấy hứng về một cuộc cách mạng “hoa hòe” cho Việt Nam thì rõ ràng phe “dân chủ” Việt Nam lâm vào tình trạng “đi lên kẹt núi, trở lại kẹt sông”. Tức bế tắt hoàn toàn.

Tôi nghĩ là đừng nên so sánh Việt Nam với bất kỳ nước nào, vì tình trạng xã hội, văn hóa, lịch sử… của Việt Nam không hề giống với một nước nào, để có thể lấy các nước đó làm nguồn hứng. Cách mạng hoa lài thành công ở các nước Bắc Phi nhưng không chắc sẽ thành công tại Việt Nam nếu mọi người áp dụng nó một cách máy móc như một công thức toán học.

Trong một xã hội như Việt Nam, cơ hội “cách mạng bùng nổ” không hề thiếu. Việt Nam có thể thay đổi một cách ngoạn mục bất cứ lúc nào. Lịch sử cận đại đã ghi nhiều trường hợp sụp đổ của các chế độ độc tài, tưởng vững như bàn thạch. Điều lo ngại, những sự sụp đổ như thế đều đem lại tổn thất rất lớn cho đất nước về vật chất cũng như sự chia rẽ sâu xa của nhiều tầng lớp dân chúng trong xã hội. Mà điều này không ai muốn.

Vì thế, tại sao trí thức Việt Nam, những người có “tâm huyết” về các vấn đề văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội… của Việt Nam không ra ứng cử đại biểu Quốc Hội? Nếu không xây dựng được xã hội dân sự (như ý muốn hay theo mô hình các nước Tây phương) thì tại sao không “tông cửa” chính trị, khi mà nhà cầm quyền mới hé cửa, để thực hiện những hoài bão của mình?

Đâu, những nhà trí thức “bô-xít”? Muốn việc thác bô-xít bác bỏ thì không thể đơn thuần viết báo và làm thỉnh nguyện thư. Thử một lần lăn xả vào “chính trị” xem sao? Dự án khai thác “bô-xít” không phải là một dự án đơn thuần kinh tế mà là một dự án “chính trị”. Không thể lấy bài toán “kinh tế”, “môi trường” thuyết phục, để chống đối một ma trận chính trị.

Đâu, những nhà trí thức IDS? Sự phá sản (gần như vậy) của Vinashin đã gợi hứng gì cho quí vị? Rõ ràng Vinashin bị sụp đổ là do sự móc ngoặc giữa bộ ba quyền lực chính trị, thân hữu và tư bản man rợ. Việc này đang lây lan ra đến Tổng Công ty Dầu Khí và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Các “trụ cột” kinh tế này đang trong tình trạng bị “rút ruột” (như Vinashin). Chẳng bao lâu đất nước này sẽ phá sản. Các thế hệ tương lai của dân tộc này sẽ chỉ là những con trâu, bò kéo cày trả nợ. Giải pháp ở đây là chính trị chứ không phải kinh tế. Tránh nhiệm của quí vị thật là lớn!

Đâu, những nhà trí thức khoa bảng, luật gia, nhà báo, nhà văn…? Phải chăng về mọi phương diện, xã hội Việt Nam hiện nay đều có những “bất cập” – có người nói “bất cập” đồng nghĩa với “thất bại”. Bao lâu nữa thì người Việt sẽ “mất nước”, hay “mất gốc” ngay ở trên đất nước của mình? Trách nhiệm văn hóa “giữ nước” và “dựng nước” của quí vị cũng thật là lớn lao!

Dĩ nhiên quí vị không có hy vọng nào thắng cử. Tôi là người cảm nhận điều đó trước tiên. Nhưng làm việc gì cũng phải có bước đầu. Vạn sự khởi đầu nan. Nhưng nhất thiết không thể há miệng chờ sung, chờ ngày được “cởi trói”. Nếu chờ ngày được “cởi trói” thì ngày đó sẽ không bao giờ có. Họ sẽ thả quí vị, như những con chim, từ cái lồng nhỏ sang cái lồng lớn hơn. Thực tế mấy mươi năm nay đã chứng minh.

Xã hội Việt Nam cần thay đổi để đi lên nhưng không thể với tiến độ và phẩm chất của sự thay đổi đã thấy hôm nay. Việt Nam cần một cuộc “cách mạng” lớn. Việc trí thức Việt Nam dấn thân làm chính trị là một cuộc cách mạng lớn hơn mọi cuộc cách mạng nào khác trong lịch sử của Việt Nam.

Lúc đó muốn đặt tên hoa nào lại không được?

Trương Nhân Tuấn
Nguồn: Trương Nhân Tuấn@Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét