Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Chế độ Độc tài – “boong-ke” cho tham nhũng quy mô

Sau khi lật đổ các nhà độc tài, người ta mới phát giác ra những chế độ ấy là nơi nương nhờ, bình phong và cung cấp phương tiện để những kẻ có “đặc quyền”, “đặc lợi” tham nhũng, vơ vét tài sản công một cách có hệ thống, một cách lộ liễu, không biết đến công lý là gì. Kéo dài chế độ độc tài càng làm cho gia tăng mâu thuẫn xã hội: đất nước nghèo nàn và tàn tạ đi, tầng lớp siêu giàu ngày một giàu hơn, tầng lớp dân nghèo ngày một bần cùng hóa. Trong khi đó, những kẻ tham nhũng càng mạnh thêm, củng cố vững chắc thêm nhờ hoàn thiện được cách bao biện, che chắn, bảo vệ và gia tăng sức mạnh, quy mô tham nhũng.

1. Độc tài – hệ thống vững chắc như Boong-ke để ngụy trang và bảo vệ tham nhũng có quy mô

Hiểu một cách sơ lược, thì “vụ lợi tham nhũng được hiểu là lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần kẻ tham nhũng có được…“, còn Kẻ tham nhũng là “Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước, Cán bộ, công chức, viên chức; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân quân đội, Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an” có những “hành vi tham nhũng” ấy (theo quy định của Luật Phòng chống Tham nhũng số 55/2005/QH11 năm 2005). Theo định nghĩa này, tham nhũng là loại hành vi xấu xa rất dễ mắc phải của những cá nhân có chức quyền. Khi một người được bầu vào một chức vụ, dù lớn hay nhỏ, phía trước mở ra cho người đó một cơ hội tham nhũng nhờ được trao quyền hợp pháp tiếp cận các nguồn tài nguyên công cộng và có quyền đưa ra quyết định (có thể mang tính tư lợi vì lợi ích của chính họ, gia đình, bạn bè…)

“Kẻ thù lớn nhất của một người là Thói Xấu của người đó“. Mỗi người phải chiến đấu chống lại kẻ thù lớn nhất này của mình. Mỗi khi một người được phong chức, tăng thêm quyền lực là cuộc chiến của người đó với Thói Xấu của mình lại trở nên ác liệt. Có nhiều khả năng Thói Xấu sẽ giành được phần thắng và người công chức, quan chức nhanh chóng tham gia vào “binh đoàn tham nhũng” với chiến tích Tham nhũng ngày một đông dần. Đấy là chưa nói những kẻ đã quy hàng những Thói Xấu còn nói toạc ra như ông Vương – bí thư chi bộ làng Lữu Lương, Thượng Thủy, Sơn Tây, Trung Quốc từng nói: “Tôi không tham nhũng, làm quan để làm gì?” [1] hay như thì thầm trong gia đình nhà độc tài Ben Ali: “Nếu muốn nhiều tiền, ít ra nên vơ vét kin kín một chút”. Ở mức nhiều quốc gia, người ta ước tính hàng năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác nhau của các nhà lãnh đạo (tương đương 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức của các nước).

Độc tài là hình thức lộng hành cao nhất của loài người. Nó hủy hoại cùng lúc nhiều nguồn lực giá trị nhất trong phạm vi toàn xã hội. Chúng sử dụng các nguồn lực lớn nhất, mạnh nhất của kinh tế, chính trị, xã hội cho chính công cuộc Tham nhũng của mình. Ta gọi đó là những “Boong ke” cho bọn tham nhũng núp bóng, bảo vệ và chống trả lại sự nghiệp chống tham nhũng.

Tác giả Nguyễn Trần Bạt khi làm rõ hơn khái niệm tham nhũng đã mô tả việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị tinh thần của xã hội hoặc của người khác. “Giá trị tinh thần” bao gồm: độc quyền về chức quyền/ quyền lực, độc quyền về thông tin, tư duy và độc quyền về lẽ phải, phán xét. Mà trong chế độ độc tài, “Tham nhũng tinh thần” chính là cơ cấu bảo trợ về chính trị cho tham nhũng vật chất” [2]. Trong chế độ độc tài, tham nhũng “giá trị vật chất” sẽ tìm được nơi ẩn náu và cách thức bảo vệ trước sự những cố gắng Phòng và Chống tham nhũng của quốc gia.

Chỉ đến khi chế độ đó sụp đổ thì mức độ “tham nhũng vật chất” mới bị vạch trần và cũng qua đó người ta mới rõ hơn “đời sống tinh thần” của xã hội đã bị ô nhiễm đến mức nào và sự tha hóa của các tổ chức chính trị, sự mất nhân cách con người có quy mô và mức độ sâu sắc đến đâu. Ở vai trò cá nhân, ngay khi chế độ độc tài sụp đổ, nhà độc tài thường ngay lập tức bị điều tra và xét xử tội danh “tham nhũng” trước hàng loại tội danh kinh khủng khác của họ.
Kẻ Độc tài – Tham nhũng khác với Kẻ Tham nhũng thông thường (chỉ tham nhũng vật chất nhỏ lẻ) là chúng độc chiếm và thao túng các công cụ sinh ra những “giá trị tinh thần” của một đất nước, dùng nó phục vụ cho công việc tham nhũng một cách có quy mô… (thực hiện “tham nhũng tinh thần” trước khi “tham nhũng vật chất”)

2. Bức tranh tham nhũng qua trường hợp một số nhà độc tài

Trong số những nhà độc tài, tôi đã mô tả nhà độc tài Pol Pot của Campuchia là “Kẻ độc tài không kịp tham ô, tham nhũng, gia đình trị…” với nghĩa là chưa đi đến công đoạn gia tăng lợi ích vật chất bởi vì độc tài Pol Pot đang thực hiện dở dang công cuộc tham nhũng “lợi ích tinh thần” của dân tộc Campuchia.

Phần này tôi xin điểm qua vài nét số liệu “công cuộc tham nhũng” của những kẻ độc tài.

1- Độc tài 5 năm tại châu Phi
Sani Abacha nhà độc tài quân sự của Cộng hòa Nigeria, nắm quyền điều hành đất nước 5 năm trời từ tháng 11-1993 đến tháng 6-1998, chết đột ngột do đau tim. Trong 5 năm cầm quyền, Abacha không ngớt lời nhắc đến sứ mệnh đưa đất nước đi lên dân chủ trong khi thẳng tay xử tử 9 nhà đối lập và cùng gia đình, dòng tộc biển thủ từ 2 đến 5 tỷ USD. (5 tỷ USD tương đương với 10% thu nhập giàu mỏ trong 5 năm của quốc gia này). Lượng tiền này có được thông qua biển thủ tiền từ Ngân hàng Trung ương Nigeria (chở thẳng các thùng tiền về biệt thự của mình) và các khoản hối lộ nhận từ các công ty nước ngoài, từ chương trình cứu trợ. Sau khi cái chết của nhà độc tài hàng chục tài khoản ngân hàng của Abacha cùng gia đình tại nước ngoài bị phong tỏa và quốc tế coi gia tộc Abacha là một tổ chức tội phạm.

2- Độc tài 30 năm tại châu Phi
Hosni Mubarak nhà độc tài của Cộng hòa Ai Cập, nắm quyền điều hành đất nước 30 năm qua đến khi bị nhân dân lật đổ. Người ta ước tính ông cùng gia đình đã biển thu 40 – 70 tỷ USD chủ yếu gửi ở ngân hàng nước ngoài và đầu tư vào thị trường địa ốc rải khắp các thành phố lớn trên thế giới. Ban đầu, khi lên cầm quyền, ông luôn phát biểu với quyết tâm cao chống tham nhũng triệt để. Về sau, ông cùng gia đình đã năng vơ vét bằng chương trình tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước, hoa hồng của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Ai Cập, đỡ đầu các doanh nghiệp làm ăn. Trước khi bị lật đổ, báo chí Ai Cập vẫn đánh giá Mubarak sống “liêm khiết có tiếng” và “khá giản dị”

3- Độc tài 23 năm tại châu Phi
Ben Ali nhà độc tài của Cộng hòa Tunisia, nắm quyền điều hành đất nước 23 năm qua. Người ta ước tính ông cùng gia đình đã kiểm soát 35% nền kinh tế Tunisia, thu vén được 5 tỷ USD. Gia tộc Ben Ali đã kiểm soát cổ phần 3 ngân hàng lớn, 2 công ty điện thoại, 1 hãng hàng không quốc gia, các tài sản lớn trên khắp Tunisia. Ông cùng vợ, các thành viên gia tộc bị kết tội tham ô, ăn cắp tài nguyên quốc gia, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong thời gian cầm quyền, ông kiểm soát chặt chẽ báo chí, truyền thông và bịt miệng những người chỉ trích và đối lập. Trước khi bị lật đổ, hình ảnh của ông vẫn “trong sạch đến mức tiệt trùng”, hình ảnh, bích chương ca ngợi ông và chế độ treo khắp các đường phố ở thủ đô.

4- Độc tài 42 năm tại châu Phi
Muammar al-Gaddafi nhà độc tài của Đại Dân quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả rập Libya, nắm quyền điều hành đất nước 42 năm qua đến khi bị nhân dân lật đổ. Gaddafi mong muốn xây dựng một nhà nước công bằng hơn thời kỳ phong kiến của vua của vua Idris, phân chia nguồn thu dầu mỏ đồng đều hơn đến từng người dân. Gaddafi còn in sách viết về học thuyết “Chủ nghĩa Xã hội Hồi Giáo” của mình với ý tưởng tiên tiến “dân chủ trực tiếp và phổ thông” và “kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, trong đó kinh tế nhà nước là chủ lực, làm nền móng”. Tuy nhiên, nhà nước “Đại Dân quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả rập Libya” hoạt động theo khẩu hiểu “Tự do, Chủ nghĩa xã hội, Đoàn kết” chỉ là công cụ để Gaddafi thực hiện hành vi tội ác với nhân dân và vơ vét của cải cho gia đình mình. Người ta ước tính ông cùng gia đình đã đánh cắp hàng chục tỷ USD từ nguồn thu nhập dầu mỏ và chi tiêu của chính phủ Libya.

Trong lúc đại đa số nhân dân phải sống khó khăn dưới chế độ độc tài hà khắc, thì gia đình Gaddafi sống phè phỡn, như những ông hoàng. Số tiền biển thủ này được chuyển một cách bí mật tới các ngân hàng ở Dubai, Thụy Sĩ, Canada, Mỹ, các quốc gia vùng vịnh Ba Tư. Gia đình Gaddafi đông con và thường xảy ra các tranh chấp xuất phát từ việc ăn chia không đồng đều các khoản tiền ăn cắp của nhân dân.

5- Độc tài 31 năm tại châu Phi
Robert Mugabe nhà độc tài của đất nước Cộng hòa Zimbabwe, nắm quyền điều hành đất nước từ 1980. Ông được xem là anh hùng đấu tranh cho độc lập. Mugabe đã tự mô tả mình là “sinh ra để chống lại những kẻ thực dân”.

Trong những năm cầm quyền, ông Robert Mugabe đã thay thế sự thống trị của thiểu số da trắng bằng sự thống trị của thiểu số da đen tập hợp quanh lợi ích cá nhân của chính ông. Ông cũng cho rằng Chúa đã giao quyền lực cho ông ta nên không ai có thể đoạt lại. Ban đầu, ông và các đồng đội tin rằng sẽ chủ yếu là phục vụ dân chúng nên đã lập nên các quy tắc lãnh đạo nghiêm khắc, coi việc làm giàu là không được phép. Về sau, ông nhận ra tất cả đều tham nhũng nên ông cho phép họ thoải mái tham nhũng, song ghi chép lại đầy đủ để buộc chặt họ với quyền lực của ông. Ông còn tiến hành công hữu hóa các công ty nước ngoài, chia lại cổ phần cho quan chức của mình.

Ông nhiều lần trấn áp đối lập, điển hình vụ trấn áp năm 1980 đã làm 20.000 người thiệt mạng. Năm 1998, quân đội của Mugabe trấn áp những cuộc biểu tình của người dân phản đối tình trạng giá nhu yếu phẩm tăng cao. Năm 2005, gần 600.000 người Zimbabwe có thu nhập thấp đã mất nhà cửa bởi các “chiến dịch thanh lọc” thành phố. Do sử dụng bạo lực để đàn áp phe đối lập mà ông Mugabe đã bị thế giới lên án và bị cấm vận.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục (231 triệu %), chính sách y tế đội sổ và thất nghiệp (94%) tràn lan kéo dài từ những năm 1990 tới nay, 7 trong số 12 triệu người Zimbabwe sống nghèo đói, không khiến Tổng thống Robert Mugabe (86 tuổi) từ bỏ lối sống xa hoa ngoài sức tưởng tượng của mình.

Trong năm 2008, ông Mugabe đã cho xây dựng một tòa nhà 25 phòng trị giá 26 triệu đô la tại một khu ngoại ô thành phố Harare, khu dân cư dành riêng cho những người giàu có. Đây là lần thứ 3 ông Mugabe cho xây dựng biệt thự riêng và là căn biệt thự thứ 5 ông sở hữu kể từ khi ông lên nhậm chức Tổng thống. Trong cuối những năm 1990, vợ của Tổng thống Mugabe, Grace, cũng bị lên án sau khi dùng tiền của quỹ của chính phủ dành xây dựng nhà ở giá rẻ cho người nghèo để xây dựng cho riêng mình một dinh thự 30 phòng tên là “Graceland”. Gia đình Mugabe còn có nhiều bất động sản ở châu Á. Một số nguồn tin cho biết gia đình Mugabe hiện giấu hàng triệu đôla tại một nhà băng ở Kuala Lumpur.

Chương trình sinh nhật lần thứ 85 mừng thượng thọ Robert Mugabe được tổ chức long trọng “khiêm tốn” với chi phí khoảng nửa triệu đôla. (tính theo tiền Zimbabwe, tiệc sinh nhật Mugabe tốn hơn 12 ngàn tỷ đôla Zimbabwe). Bữa tiệc có chừng 500 con bò bị giết thịt, 2.000 chai Moet, Chandon và sâm banh Bollinger 1961; chưa kể 500 chai Johnny Walker “nhãn xanh”, 400 phần trứng cá, 8.000 con tôm hùm…

6- Độc tài 29 năm tại châu Mỹ
Jean-Claude Duvalier nhà độc tài của Cộng hòa Haiti (Trung Mỹ), nắm quyền điều hành đất nước 29 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Ban đầu, Duvalier có thực hiện đôi chút cải cách như thả tù nhân chính trị, nới lỏng tự do báo chí nhưng sau đó bóp nghẹt các lực lượng đối lập, luật pháp chỉ còn nằm trên giấy. Trong người dân rất khó khăn để kiếm sống, ông cùng gia đình sống hết sức xa hoa, có hàng chục triệu USD trong tài khoản nước ngoài và dàn xếp được cuộc bỏ phiếu làm “Tổng thống suốt đời” với 99,8% đồng ý. Dưới thời cầm quyền, Duvalier đã bắt, tra tấn bỏ tù không xét xử 60.000 người vì các lý do chính trị. Báo chí vẫn từng mô tả chế độ “tốt đẹp” của ông là không tồn tại tù nhân chính trị, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật mà thôi. Ngay sau khi bị lật đổ, Duvalier bị truy tố vì tội tham nhũng và cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.

7- Độc tài 21 năm tại châu Á
Ferdinand Marcos nhà độc tài của Cộng hòa Philippines, nắm quyền điều hành đất nước 21 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính Marcos đã cướp đi của đất nước Philippines 5-10 tỷ USD. Ông đã có thành tích lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và ngoại giao quốc tế. Nhưng ông cũng nhanh chóng trở thành một nhà độc tài, gia đình trị, đàn áp đối lập. Marcos đã đòi tiền hoa hồng từ các công ty làm ăn ở Philippines và trao các hợp đồng làm ăn béo bở của nhà nước cho các thành viên gia đình mình và những đồng minh thân cận, chiếm đoạt các công ty tư nhân, tạo ra những tập đoàn nhà nước độc quyền kinh doanh các sản phẩm quan trọng như đường, dừa, vận tải biển, xây dựng, truyền thông… Ngoài ra, ông Marcos còn ăn cắp tiền từ nguồn viện trợ quốc tế và thậm chí còn tổ chức các cuộc “cướp phá” ngân khố và các cơ quan nhà nước để chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài. Đến khi bị lật đổ vào năm 1986, ông Marcos và vợ đã chuyển hàng tỉ USD ăn cắp được sang các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, gia đình Marcos cũng đổ nhiều tỉ USD vào các tập đoàn trong nước để rửa tiền.

8- Độc tài 31 năm tại châu Á
Mohamed Suharto nhà độc tài của Cộng hòa Indonesia, nắm quyền điều hành đất nước 31 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính Suharto đã cướp đi của đất nước Indonesia 15-35 tỷ USD. Trong thời gian cầm quyền, ông xây dựng được một chính phủ và quân đội vững mạnh, kiểm soát tuyệt đối đất nước đa sắc tộc, cải thiện được kinh tế và dân sinh Indonesia. Ông cũng thu hút được đầu tư nước ngoài và giành được sự ủng hộ về kinh tế ngoại giao quốc tế. Từ 1990, do sự lãnh đạo độc đoán và tham nhũng, sự từ chối các quyền tự do chính trị và dân chủ của người dân. Ông đã tạo nên một hệ thống “tham nhũng, cấu kết, con ông cháu cha”. Để có quyền kiểm soát công ty nhà nước, bạn bè, họ hàng phải đút lót, chia lợi nhuận cho ông qua các “quỹ từ thiện” của ông. “Phí” giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, vay tiền của ngân hàng quốc gia… đưa trả cho ông và gia đình thông qua các cổ phần ưu đãi. Vài ngày sau khi từ chức hồi tháng 5-1998, ông Suharto đã chuyển tới 9 tỉ USD từ Thụy Sĩ đến một tài khoản ngân hàng ở Áo.

9- Độc tài 24 năm tại châu Á
Saddam Hussein nhà độc tài của Cộng hòa Iraq, nắm quyền điều hành đất nước 24 năm đến khi bị lật đổ. Trong thời gian cầm quyền, ông thực hiện chính sách “bàn tay sắt” tiêu diệt các sĩ quan quân đội, chính khác bị coi là chống đối. Mặc dù kinh tế Iraq ngày một sa sút, xuống dốc trầm trọng, ông cùng gia đình vẫn tích lũy được một khối lượng tài sản khổng lồ lên tới hàng tỷ USD trong các ngân hàng ở Thụy Sĩ.

10- Độc tài 21 năm tại châu Á
Saparmurat Niyazov nhà độc tài của Cộng hòa XHCN Turkmenistan, nắm quyền điều hành đất nước 21 năm cho tới khi bị chết đột ngột. Mặc dù là nước có nhiều khí đốt hàng thứ năm thế giới nhưng ông vẫn để cho kinh tế đất nước kém phát triển và hơn 60% người dân thất nghiệp.

Trong khi đó Niyazov không tiếc tiền dân đầu tư xây dựng những công trình hoành tráng cho riêng mình. Ông ra lệnh tạo dựng một hồ nước ngay giữa sa mạc khô cằn, đồng thời cho xây một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại khu vực đồi núi giáp biên giới Iran, nơi không bao giờ có tuyết rơi. Niyazov đã cho xây cất một dinh Tổng Thống làm toàn bằng đá hoa cương tại thủ đô Ashgabat. Ở vùng ngoại ô, ông cho xây cất 30 khách sạn đồ sộ nhưng ít khi nào sử dụng để đón tiếp ai. Cũng vì lý do đó, đến nay chính phủ Turkmenistan vẫn còn nợ gần 2.3 tỉ đô la.

11- Độc tài 24 năm tại châu Âu
Nicolae Ceauşescu nhà độc tài của Cộng hòa XHCN Rumania, nắm quyền điều hành đất nước 24 năm đến khi bị nhân dân lật đổ. Ban đầu ông đưa đất nước đi theo định hướng XHCN, kinh tế mở cửa thân phương Tây và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Dần dần trở thành một chế độ độc tài gia đình trị, tệ nạn tham nhũng, xa hoa rộng khắp trong giới lãnh đạo. Trong khi người dân sống trong điều kiện ngày càng khốn khó, đặc biệt là số lượng và chất lượng thực phẩm cũng như hàng hoá trong các cửa hàng ngày một ít thì vợ chồng Ceauşescu sống vương giả, sa hoa với 39 vila sang trọng, được xây dựng ở các vùng khác nhau của Rumani, 21 căn hộ cao cấp tại các sứ quán của Rumani ở nước ngoài. Tại thủ đô, 2 vợ chồng sống trong một cung điện sang trọng với 40 phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm bằng vàng 18. Mỗi phòng đều có truyền hình, máy video và những đồ đắt tiền…

3. Công cụ gì để chống boong ke “Độc tài – Tham nhũng”?

Tại các xã hội giương cao khẩu hiệu của nhà nước văn minh: “Tổng thống là đầy tớ của Nhân dân”, cơ chế đi đến tham nhũng, độc tài là tìm cách đi tắt, lách kẽ hở công lý “nhảy vào” giữ một lúc vừa là “đầy tớ” phục vụ hết lòng nhân dân, vừa làm “đại diện cho ông chủ” tức là đại biểu của chính nhân dân. Cơ chế này giúp họ nhanh chóng tư lợi phi pháp; lại dễ dàng thao túng công lý, luật pháp làm nền tảng Nhà nước pháp trị bị vô hiệu hóa. Trong boong-ke của Nhà độc tài-Tham nhũng vừa có công cụ của “ông chủ” vừa có công cụ của “đầy tớ”. Quyền lực, thông tin, công lý, chân lý, phán xử… đều được Kẻ độc tài-tham nhũng thâu tóm hoàn toàn qua tháng năm cầm quyền.

Vậy để tiêu diệt Độc tài -Tham nhũng, sự nghiệp chống tham nhũng và nhân dân có trong tay những công cụ gì? Dựa trên nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần nào?

Xin dành cho người dân và những người đã từng tin cậy, đề bạt, bầu chọn những kẻ Độc tài-Tham nhũng trả lời câu hỏi này.
“Boong ke” của Kẻ Độc tài-Tham nhũng có đầy đủ các công cụ mạnh nhất của một dân tộc: Vũ khí và nhân danh “Đầy tớ nhân dân” + Vũ khí và nhân danh “Nhân dân”…

Bùi Quang Minh

Theo Chúng Ta

Tham khảo:

1) Tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần
2) Quan chức Trung Quốc tiếp tục gây sốc: “Chống đối chính quyền là cái ác đấy!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét