Pages

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Chi phí “bôi trơn” là vấn đề nghiêm trọng


Trần Minh Quân – “Nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn vào Việt Nam, vì danh tiếng của Việt Nam đã được củng cố khi trở thành thanh viên của WTO. Nhưng khi đến sau lần 1, lần 2, lần 3, họ lại quyết định không vào Việt Nam nữa”. – Virginia Foote, đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Hoa Kỳ- Amrcham
Tại hội thảo công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Dự án sáng kiến năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tổ chức vào sáng ngày 16.3 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đều có chung một nhận định là hiện nay khi tham gia đầu tư và làm ăn tại Việt Nam, các doanh nghiệp đều phải tốn những khoảng chi phí không chính thức, còn gọi là chi phí “bôi trơn” nếu muốn được giải quyết các thủ tục nhanh gọn hay muốn trúng các gói thầu do cơ quan nhà nước mời thầu, …

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Môi trường kinh doanh của VCCCI, thì “Có 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước. Với các doanh nghiệp FDI, có 18% thừa nhận có chi phí “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục”.

Tương tự, Tiến sĩ Edmund Malesky, trưởng nhóm nghiên cứu PCI, đại diện USAID cũng đưa ra những con số không lấy gì làm lạc quan là đã có 20% doanh nghiệp FDI đã phải trả khoản phí này khi đăng ký kinh doanh, 40% doanh nghiệp phải chi hoa hồng khi đấu thầu, mua sắm công, 70% doanh nghiệp FDI phải tốn kém cho khoản bôi trơn để thông quan hàng hóa nhanh hơn. Và ông nhận xét “Chi phí không chính thức là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam”.

Điều đáng nói là chi phí “bôi trơn” đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo báo cáo kết quả điều tra DN nhỏ và vừa năm 2009, do các chuyên gia Đại học Copenhahen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) khảo sát trên 2.543 DN, thì các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa phải chi các khoản không chính thức tại Việt Nam tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm. Cụ thể, trong năm 2007 có khoảng 26% doanh nghiệp được điều tra cho rằng đã có “bôi trơn” và cho đến năm 2009 thì con số này là 34%.

Thực ra thì con số này không phải mới và không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng để khỏi bị “làm phiền” thì các doanh nghiệp chỉ còn cách phải biết “sống chung với lũ”. Đáng lưu ý là có không ít doanh nghiệp xem đây như là một quy luật hiển nhiên và không thể nào tránh khỏi.

Một số chuyên gia cho rằng tình trạng chi phí “bôi trơn” tại Việt Nam đang thuộc hàng lớn nhất thế giới. Chi phí này chủ yếu xoay quanh những mối “quan hệ” mang tính đôi bên cùng có lợi. Bản chất của mối “quan hệ” này được luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TPHCM, chỉ rõ ra là “một dạng tham nhũng giữa một bên là doanh nghiệp có nhu cầu xin xỏ và đưa lợi ích, còn bên kia-cán bộ công chức có quyền giải quyết và nhận lợi ích”.

Đây quả là vấn đề không hề đơn giản, nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến những hệ lụy to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong khi chúng ta đang kêu gọi xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước đây, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là dựa trên giá nhân công rẻ và các ưu đãi về thuế, đất đai. Đồng thời đa phần các doanh nghiệp này đầu tư vào các lĩnh vực gia công, lắp ráp có hàm lượng công nghệ thấp, ít hoặc không cần lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, xu hướng này cần được thay đổi. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế của VCCI, thì “Việt Nam là nước thu nhập trung bình rồi. Nếu theo con đường cũ, chúng ta sẽ gặp bế tắc”.

Điều này có nghĩa là trong tương lai, các lợi thế về nhân công giá rẻ hay các ưu đãi khác sẽ không còn sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà cái chính là sự minh bạch trong chính sách, lao động có ta nghề cao và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi.

Cũng trong buổi hội thảo vào sáng 16.3, bà Virginia Foote, đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Hoa Kỳ- Amrcham, đã nêu một xu hướng đáng lưu ý. Đó là “Nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn vào Việt Nam, vì danh tiếng của Việt Nam đã được củng cố khi trở thành thanh viên của WTO. Nhưng khi đến sau lần 1, lần 2, lần 3, họ lại quyết định không vào Việt Nam nữa”. Giải thích điều này, bà Virginia Foote cho rằng, các doanh nghiệp làm ăn thành công tại Việt Nam đa phần có quan hệ anh, em với những người có vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Các nhà đầu tư Mỹ không thể hiểu được sự rối rắm của mối quan hệ kinh doanh như thế.

Nhận xét của bà Virginia Foote rất có thể cũng là suy nghĩ chung của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị “mất điểm” trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn chung, các con số và nhận định được đưa ra trong buổi hội thảo này cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp bị “nhũng nhiễu” bởi những cá nhân, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Điều này không những đã gây rất nhiều trở ngại trong công tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng và làm ảnh hưởng đến uy tín và khả năng thu hút vốn đầu tư tại Việt Nam.

Trần Minh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét