Pages

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Chống cậy quyền, ỷ thế: phải bắt đầu từ trong bộ máy


Các câu chuyện về quan chức hống hách, nghênh ngang, ỷ thế, cậy quyền và lộng hành có thể rất đa dạng. Nhưng chắc chắn, các nhân vật chính trong những câu chuyện ấy đều có điểm chung: họ không tin vào luật pháp, hay đúng hơn là không tin chuẩn mực pháp lý là cái ràng buộc được mình. Họ tin rằng chuẩn mực nằm trong tay người nắm quyền lực…
*


PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (SGTT.VN) – Một quan chức cảnh sát giao thông ở tỉnh Hậu Giang, con trai của giám đốc Công an tỉnh, khi đang sử dụng dịch vụ taxi, được cho là đã có hành vi hành hung tài xế vì người này hai lần không tuân lệnh “thượng đế”: vượt đèn đỏ. Sau đó, đương sự lại tiếp tục gây rối tại trụ sở cơ quan công an, thậm chí còn có hành vi làm nhục người thi hành công vụ.

Ngày 11.8.2007, thiếu uý Đỗ Hoàng Phương Minh (trái, Công an Bình Dương) sau khi rút kiếm tấn công các nhân viên an ninh sân bay Đà Nẵng, đã có thái độ bất hợp tác tại cơ quan công an khiến dư luận bức xúc. Ảnh: VNN


Cụm từ “được cho là” được sử dụng ở đây, bởi cho đến bây giờ tính xác thực của câu chuyện vẫn chưa được chính thức khẳng định. Tuy nhiên, nếu đó là sự thật, thì cũng sẽ không gây kinh ngạc cho công chúng, theo kiểu phản xạ tự nhiên mỗi khi nghe hoặc thấy điều gì đó không bình thường.

Nói khác đi, hiện tượng người có chức, quyền có thái độ coi thường luật pháp không hề cá biệt. Nơi này, quan chức ngang nhiên xây dựng nhà cao cửa rộng mà không cần quy chuẩn, quy hoạch; nơi kia cán bộ móc súng chĩa vào đầu dân thường doạ giết chỉ vì hơn thua trong đôi co sau một vụ va quẹt xe. Gần đây các phương tiện truyền thông nói nhiều về một sĩ quan công an ở Hà Nội cùng dân phòng đánh một thường dân dẫn đến tử vong, chỉ vì nạn nhân đã can ngăn việc sử dụng vũ lực của nhân viên công lực đối với một “đối tượng xử lý”.

Hoàn cảnh diễn ra các câu chuyện về quan chức hống hách, nghênh ngang, ỷ thế, cậy quyền và lộng hành có thể rất đa dạng. Nhưng chắc chắn, các nhân vật chính trong những câu chuyện ấy đều có điểm chung: họ không tin vào luật pháp, hay đúng hơn là không tin chuẩn mực pháp lý là cái ràng buộc được mình. Họ tin rằng chuẩn mực nằm trong tay người nắm quyền lực.

Trong chừng mực đó, quyền lực trở thành chỗ dựa, thành vũ khí cho phép vô hiệu hoá mọi thứ quy tắc ứng xử thông thường, đồng thời là lá chắn bảo vệ họ chống lại mọi kiểu công kích từ bên ngoài, kể cả sự công kích nhân danh pháp luật, đạo đức xã hội. Được trao các “chức năng” đặc thù ấy, quyền lực trở thành một thứ đặc quyền dành riêng cho một bộ phận thành viên xã hội, gọi là tầng lớp trên.

Có cơ sở để tin rằng tâm lý sống dựa vào quyền lực và sử dụng quyền lực như một thứ đặc quyền đã tồn tại lâu năm, có nguồn gốc từ thời kỳ thiếu vắng pháp luật và như là hệ quả tất yếu của sự thiếu vắng đó. Cứ hình dung: một khi không thể dựa vào chuẩn mực khách quan để ứng xử trong cuộc sống, thì con người tự nhiên có xu hướng tìm đến những thế lực xã hội nhằm tranh thủ sự bảo bọc chống lại rủi ro, đe doạ từ bên ngoài. Sự can thiệp của những thế lực ấy, thể hiện thành các ý kiến chỉ đạo nhân danh cấp có thẩm quyền, được coi là chuẩn mực thay thế.

Thứ đặc quyền quái thai này thực sự là thách thức đối với nguyên tắc bình đẳng giữa mọi chủ thể trước pháp luật, được thiết lập trong luật chung, cũng như đối với các giá trị nền tảng của xã hội có tổ chức.

Tuy nhiên, để chống lại xu hướng tha hoá của quyền lực, thì các biện pháp xử lý mang tính sự vụ hoàn toàn không đủ. Trên hết, cần xây dựng niềm tin vào hệ thống chuẩn mực ứng xử khách quan, đặc biệt là tính hữu hiệu của hệ thống đó trong việc chi phối hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội. Lòng tin, một khi chín muồi, được chuyển thành ý thức tự giác tuân thủ chuẩn mực và ý thức phê phán, tẩy chay đối với hành vi vi phạm chuẩn mực. Ý thức này, nếu được thấm nhuần trong một bộ phận lớn thành viên xã hội, sẽ tạo ra áp lực, ít nhất cũng khiến người ta phải cảm thấy lo sợ, xấu hổ khi biết mình có hành vi sai trái, như vượt đèn đỏ, xây nhà không phép… từ đó không dám có thái độ ngang ngược, thách thức khi thực hiện hành vi.

Và, để có thể được thấm nhuần, phổ cập, điều cần thiết là lòng tin và ý thức đó phải bắt đầu hình thành và phát triển ở các vị trí cao nhất trong hệ thống tôn ti xã hội, như là tấm gương để toàn xã hội nhìn vào mà noi theo.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện

http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/sgtt.vn/Chong-cay-quyen-y-the-phai-bat-dau-tu-trong-bo-may/5951924.epi

*

Dân Làm Báo:

Các câu chuyện về quan chức hống hách, nghênh ngang, ỷ thế, cậy quyền và lộng hành có thể rất đa dạng. Nhưng chắc chắn, các nhân vật chính trong những câu chuyện ấy đều có điểm chung: họ không tin vào luật pháp, hay đúng hơn là không tin chuẩn mực pháp lý là cái ràng buộc được mình. Họ tin rằng chuẩn mực nằm trong tay người nắm quyền lực:

Đứng đầu, đứng trên hết, đứng nghênh ngang, đứng bất chấp mọi chuẩn mực là:

Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Lê Thanh Hải, Tô Huy Rứa, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, Trần Đại Quang, Tòng Thị Phóng, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc

Đây mới là 14 điểm bắt đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét