Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Để… “cám” cái thế sự du du ở xứ Thiên đường này!


Gò Cỏ May – Bấy lâu nay, mọi người cứ hay dùng cụm từ “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước”. Để rồi từ niềm tin ấy mà không ít người cứ phải băn khoăn kiểu như: “Thế Quốc hội do dân cả nước bầu ấy có cao hơn được cơ quan quyền lực cao nhất (BCH Trung uơng đảng/ Bộ Chính trị) của 3 triệu đảng viên ĐCS không?”.
Để trả lời câu hỏi này nhà văn quê choa đã phải viện đến cả bậc Vạn thế Sư biểu (vị thầy của muôn đời) như sau: “Nhại theo cụ Khổng, Quốc hội nước ta là cơ quan quyền lực cao nhất mà không cao nhất, không cao nhất mà cao nhất, ấy là cao nhất vậy”.(http://quechoa.info/2011/03/23/d%e1%bb%93ng-chi-kim-ngan-nen-h%e1%bb%8dc-t%e1%ba%adp-bct/#more-10329)

He he, xem ra cách giải thích này chưa chắc đã ổn. Vì như luật sư danh tiếng Trần Lâm – nguyên Chánh án Toà án tối cao vừa trả nhời trên BBC Việt ngữ như thế này:

“Hiện nay Đảng ta ở Việt Nam là một chế độ toàn trị, phải dứt khoát như thế chứ không nói rằng nó là một chế độ dân chủ được.

“Nhưng mà chúng ta lại có những luật pháp, những chế tài… có dáng dấp của dân chủ, thế nó mới khó khăn.

“Chẳng hạn ở các nước kiện thủ tướng không là gì cả nhưng hôm nay tôi nghe người ta nói là quốc hội hay là nhà nước đã ra luật là không được kiện từ bộ trưởng trở lên.

“Như thế cũng là trái với thông lệ quốc tế.

“Ở ngoài nước các bạn cứ muốn nhà nước Việt Nam này theo phổ cập của các bạn.

“Việt Nam theo là nói cho nó đẹp vậy thôi

“Nếu đã phổ cập như các bạn thì coi như không có chế độ này nữa. Chế độ này không còn.”

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/110322_ts_ha_vu_trial.shtml)

Từ ý kiến rất chí lý trên, cho ta thấy, nói Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì cũng là “nói cho nó đẹp vậy thôi” chứ nếu cao thật được như nhời cụ Khổng thì đúng là “chế độ này không còn”!

Bởi thực tế đã trả lời qúa rõ ràng qua vụ “Khai thác bô-xít Tây nguyên là chủ chương lớn của đảng và nhà nước” – Khi trên cao nhất là Bộ chính trị (BCT) đã quyết rồi thì Quốc hội cũng phải “đồng thuận cao” như nhời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (NPT) chứ làm sao có thể khác được?.

Trong chuyện tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông cũng thế. Phía bên “nước lạ” thì Quốc vụ Viện (Quốc hội) của họ đã ra nghị quyết về biển Nam Trung Hoa (biển Đông) từ cách đây 4 năm rồi (như thành lập đơn vị hành chính Tam Sa). Nhưng ở ta thì ngoài việc thi thoảng chị Phương Nga lên bục nói vài câu qua quýt phản đối lấy lệ (vì chả nhẽ lại mần thinh)?… song về cơ bản vẫn bình chân như vại kiểu: “tình hình biển Đông vẫn không có gì mới” (lời Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng) cũng chưa cần đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội. Chắc điều này Chủ tịch NPT cũng không tự ý mà phát biểu như vậy, nếu không có ý kiến chỉ đạo từ BCT?!

Chuyện chia nhỏ các dự án lớn để “lách luật” (như ý kiến của một số đại biểu QH). Chuyện cho thuê hàng trăm ngàn Héc ta đất rừng ở các khu vực nhạy cảm về an ninh như rừng phòng hộ đầu nguồn, đất vành đai phòng tuyến bảo vệ an ninh biên giới… mà Quốc hội cũng không biết. Hay biết mà không được đưa vào chương trình nghị sự.

Gần đây nhất, vụ Vinashin. Nếu ai tinh ý thì cũng thấy ngay, khi ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố, UBTV Quốc hội thấy rằng chưa tới mức phải bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và các thành viên chính phủ có liên hệ trực tiếp với sự đổ bể của Vinashin… cũng có thể không qúa bất ngờ trước câu mà ông PTT Nguyễn Sinh Hùng vào sáng ngày 21/3 – khai mạc kỳ họp cuối cùng của QH khoá 12 rằng: “Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ liên quan đến tình hình sai phạm ở Vinashin…”

Mặc dù vậy, sinh hoạt nghị trường ở xứ ta cũng được ghi nhận là có nhiều khởi sắc, với các phiên chất vấn sôi động ở các kỳ họp nhất là mấy kỳ trước thềm ĐH đảng. Đặc biệt nhất có cả vụ biểu quyết bác dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam do chính phủ đệ trình. Với một tỷ lệ 90% đại biểu là đảng viên trong QH, có lẽ đó cũng chỉ thể hiện sự chưa ngã ngũ của các vị trong BCT, chứ nếu không sức mấy mà 10% đại biểu ngoài đảng đã thắng được để mà bác cái dự án rất “màu mỡ” của chính phủ như thế.

Nếu như ở xứ người, QH hội chưa chắc đã là cơ quan quyền lực cao nhất. Vì nếu QH làm việc kém hiệu năng thì Tổng thống (hay Quốc vương) có thể thay mặt người dân tuyên bố giải tán ngay cái cơ quan dân cử đó đi để tiến hành bầu nên một QH hoàn toàn mới. Một số nước không có luật giải tán QH thì họ chế thêm ra một kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ ở các địa phương (như QH của các tiểu bang ở Mỹ hay Đức là ví dụ) để kịp thời tạo ra một cục diện mới ở hai viện của QH để đối trọng một cách hữu hiệu quyền lực (tưởng như vô biên) của vị tổng thống hay thủ tướng đương quyền. Với sự phân bổ quyền lực một cách minh bạch như thế, dù muốn “lách luật” hay “đùn đẩy trách nhiệm” trong các sai phạm rành rành như Vinashin là hoàn toàn không có đất để tồn tại. Sự ổn định chính trị chính là sự cân bằng quyền lực giữa tam quyền phân lập để phục vụ đất nước và người dân một cách đích thực chứ không hẳn chỉ là sự cân bằng quyền lực của các phe phái trong giới chóp bu nắm quyền.

Quyền lực mà không có cơ chế giám sát hữu hiệu thì chả khác gì đám thanh niên choai choai con nhà giầu có dửng mỡ đua xe máy phân khối lớn mà tháo bỏ hết phanh (thắng) hãm. Lại đua trên những con đường vốn không đủ tiêu chuẩn của trường đua… thì tai nạn chết người cũng có tính tất yếu là vậy!

Ở bên Trung quốc, nghe nói mỗi kỳ họp quốc hội tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ kim tiền ngân sách của nhà nước. Ở ta, chưa thấy ai công bố. Dù qui mô nhỏ hơn, tiết kiệm chắc cũng phải hàng chục triệu Mỹ kim không chừng? Nhưng nếu hiệu năng không có. Các đại biểu đa phần tới đó chỉ để “gật” theo các ông vua tập thể (mười mấy vị trong BCT) thì qủa thật lãng phí vô cùng. Nhưng cứ nghĩ tới nhận xét dí dủm của LS Trần Lâm trên thượng dẫn… thì cũng đành lòng vậy chứ biết làm sao. Bởi nếu đòi hỏi “quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước” một cách phổ cập như các xứ văn minh tiến bộ thì “Chế độ này không còn”… cho nên cái sự đời “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng” như lời phát biểu của đương kim trưởng Ban Tuyên giáo - ông Đinh Thế Huynh là hoàn toàn có thể hiểu được!

Nếu là kẻ sỹ đích thực, hết lòng vì dân vì nước mà không can gián được các ông “vua tập thể” quyền sinh sát trên kia thì chỉ còn nước theo chân cụ Chu Văn An xưa (để khỏi mang tội khi quân) nhằm toàn mạng để giữ trọn khí tiết như lời tâm tình của nhà báo Bùi Hoàng Tám (*) với nhà giáo - Nghị viên - Nguyễn Minh Thuyết thì cũng là đại may, đại phúc lắm rồi!

Xin mượn tám câu cảm hoài của cụ Đặng Dung để gọi là “cám” cái thế sự du du ở xứ Thiên đường này!



Cảm Hoài
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma

Dịch:

Việc đời man mác, tuổi già thôi !
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai !
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

(Bản Dịch Tản Đà)

Gocomay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét