Pages
▼
Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011
Gửi các bạn trong thôn DLB – Thư của anh Đỗ Nam Hải
Trong nỗ lực thông tin đến bạn đọc, Dân Làm Báo luôn cố gắng bảo vệ quyền được thông tin và tôn trọng quyền được bày tỏ ý kiến của mỗi bạn đọc trong thôn, về những vấn đề cần quan tâm hoặc mang tính lợi ích chung. Dĩ nhiên, tôn chỉ này cần được thực hiện với một số biệt lệ. Thí dụ, trong trường hợp những thông tin mang tính khích động bạo lực, có thể gây nguy hiểm cá nhân, v.v…
Gần đây, Dân Làm Báo đăng tải bài viết của tác giả Hiền Lương, và sau đó, nhận được góp ý của anh Đỗ Nam Hải gửi trực tiếp cho Dân Làm Báo, cảnh báo chúng ta về một số thủ thuật của công an mạng nhằm đánh phá phong trào dân chủ.
Dân Làm Báo xin mạn phép anh Đỗ Nam Hải đăng tải nguyên văn lá thư đến toàn thôn dân chúng ta để rộng đường dư luận.
*
Sài Gòn, ngày 28/3/2011.
Kính gửi: Ban biên tập tờ Dân Làm Báo.
Đồng kính gửi: Quý vị và các bạn quan tâm.
Tên tôi là Đỗ Nam Hải, hiện đang sống tại thành phố Sài Gòn – Việt Nam. Nay tôi viết thư này gửi đến BBT tờ Dân Làm Báo để trình bày vấn đề sau đây: tôi không rõ vì sao mà BBT tờ Dân Làm Báo (http://danlambao1.wordpress.com/) lại quyết định cho đăng bài viết “Người dấu mặt trong phong trào dân chủ Việt Nam” của tác giả Hiền Lương, một người không rõ tung tích? Bởi vì theo tôi thì mục tiêu của bài viết này là làm hại cho phong trào dân chủ Việt Nam, chứ không phải làm lợi.
Theo “tác giả” tự giới thiệu thì: “Hiền Lương là người yêu dân chủ, công tác trong ngành bưu điện, cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có một số bài viết về dân chủ trên danchimviet.info, thongluan.org,…”. Trong đó có những đoạn như sau: “…Cứ mỗi lần có được thông tin nhà dân chủ này ăn chặn tiền nhà dân chủ kia; một số ít nhà dân chủ “chống” chính quyền nhằm mục đích được Mỹ xét cấp tị nạn chính trị; hoặc viết bài bóc mẽ, hạ nhục nhau trên mạng; lớp trẻ không thể không bi quan, lo lắng biết đến bao giờ phong trào thoát khỏi khủng hoảng…” và:
“… Có một ai đó đã từng viết trên mạng, nhận định rằng phong trào dân chủ Việt Nam như chợ trời, ai cũng thích làm lãnh đạo, thích tuyên bố này nọ. Chỉ riêng tổ chức Khối 8406 do anh Đỗ Nam Hải, linh mục Phan Văn Lợi, anh Nguyễn Chính Kết đứng tên thôi cũng đã có hàng trăm kháng thư, tuyên bố, lời kêu gọi trên mạng. Đọc riết rồi cũng chán, nhiều lúc nghĩ tiêu cực rằng sau khi cụ Chính (cụ Hoàng Minh Chính) qua đời, Công an đã nắm và điều khiển phong trào…”
Thủ đoạn của họ là: đánh phá theo kiểu “cuốn chiếu” tất cả những cá nhân và tổ chức của phong trào dân chủ Việt Nam mà họ muốn, bằng cách viết những bài có mục đích xấu gửi lên Internet. Những ai hay tổ chức nào trong phong trào dân chủ mà họ đánh giá là càng nguy hiểm cho chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam hiện nay thì lại càng là mục tiêu ưu tiên đánh phá của họ. “Quy trình” này được họ thực hiện như sau:
Trước hết, họ chọn ra một cái tên cho “tác giả” nghe rất “nhân bản” như: Hiền Lương, Trực Ngôn, Trung Hiếu, Chính Trực, Chính Tâm hoặc Nguyễn Bách Niên, Nguyễn Bách Khoa, … và theo sự “tự giới thiệu” thì tất cả họ đều là những người rất “yêu dân chủ”!? (nhưng không bao giờ có tung tích rõ ràng cả.)
Bước tiếp theo, để tỏ ra khách quan, họ sẽ chọn ra một cá nhân nào đó của phong trào để ca ngợi nhằm làm đòn bẩy đánh những người hay tổ chức nào mà họ muốn đánh phá. Ví dụ như bài viết này thì Hiền Lương chọn anh Trần Huỳnh Duy Thức (một người đang ở trong lao tù cộng sản) để ca ngợi, với ý đồ qua đó làm đòn bẩy đánh phá Khối 8406.
Cuối cùng, họ sẽ có những bài viết khác, với những cái tên khác Hiền Lương để đánh phá luôn anh Trần Huỳnh Duy Thức. “Quy trình” của lối đánh cuốn chiếu là như vậy và nếu chúng ta không bình tĩnh, tỉnh táo chúng ta sẽ vô tình tiếp tay cho họ.
Về thủ đoạn này của công an Việt Nam, vào năm 2008 tôi cũng đã có thư gửi Ban biên tập báo Thông Luận ở Paris. Nay xin gửi lại để Quý vị và các bạn được rõ hơn. Tôi rất mong nhận được sự quan tâm của Ban biên tập tờ Dân Làm Báo cùng quý vị và các bạn.
Kính thư.
Sài Gòn, ngày 28/3/2011.
Người viết: Đỗ Nam Hải – Thành viên Khối 8406.
Địa chỉ: 441 Nguyễn Kiệm – P.9 – Q. Phú Nhuận – Sài Gòn.
Phụ lục 1:
“Người dấu mặt” trong phong trào dân chủ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét