Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Libya dậy sóng – Tin cập nhật ngày 4 tháng 3


Tin cập nhật – Ngày 4 tháng 3 - 4 giờ sáng (giờ Lybia). - Ông Gaddafi và những người cộng sự sẽ bị Toà Án Quốc Tế The Hage điều tra về tội “tội ác chống lại nhân loại”.

- Dự luật của Canada có tên là “Phong Tỏa Tài Sản của Chế Độ Tham Nhũng” (Freezing Assets of Corrupt Regimes Act) sẽ cho phép chính phủ nhanh chóng hành động khi có yêu cầu của chính quyền của nước khác hoặc yêu cầu của cộng đồng thế giới. Những người nằm trong diện bị phong tỏa tài sản là những người nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ độc tài bao gồm luôn những người cộng tác, những người liên quan trong vấn đề tài chính và người thân trong gia đình.


Ông Gaddafi và những người cộng sự sẽ bị Toà Án Quốc Tế The Hage điều tra về tội “tội ác chống lại nhân loại” vì những hành vi xử dụng bạo lực tấn công vào những người biểu tình ôn hoà. Công tố viên Luis Moreno-Ocampo vừa tuyên bố sáng hôm qua, thứ Năm, trong một cuộc họp báo tại thành phố The Hage, Hoà Lan. Ông nói:”Chúng tôi đã nhận diện được một số người trong chính quyền có quyền hạn chỉ huy những lực lượng an ninh” tấn công vào những người dân. “Những người này gồm có ông Gaddafi, các con của ông ta và những người thân cận”. Ông cũng đưa ra một danh sách, trong đó còn có chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát. Vị công tố viên này đã yêu cầu toà án ra lệnh bắt giam những người có trong danh sách trong vài tháng tới. Ông cũng nhấn mạnh, phe đối kháng cũng sẽ bị điều tra tương tự nếu có sự tố cáo gây thiệt hại nhân mạng của thường dân.

Cuộc chiến tại thành phố Berga lại tiếp diễn. Lực lượng lính đánh thuê của ông Gaddafi, hơn 300 tên, tiếp tục mở các mũi tấn công vào khu vực sản xuất dầu hoả này. Máy bay chiến đấu đã bỏ bom vào khu vực nằm giữa các nhà máy lọc dầu và cư dân, không gây thiệt hại đáng kể. Dưới đất, lực lượng hai bên đã đụng độ dữ dội trong khu vực trường đại học và một lần nữa lực lượng lính đánh thuê đã phải bỏ chạy trước sự chống trả mãnh liệt của lực lượng hỗn hợp dân quân.


Tại thành phố Misurata, nơi đã được giải phóng trong mấy ngày trước, sinh hoạt của dân chúng đang trở lại bình thường, dưới sự điều hành của các uỷ ban tự quản. Ngân hàng đã mở cửa, công nhân tại các khu cảng làm việc trở lại, các mặt hàng lượng thực đã có mặt lại trên thị trường. Một người dân tại đây cho biết: “Tình hình tại đây rất yên, mọi người đều cảm được không khí tự do hoàn toàn, ai cũng có nụ cười trên môi. Ngày hôm qua và hôm nay đều có buổi ngồi tưởng niệm ngày 2 tháng 3, là ngày đốt cháy biểu tượng sách Xanh và các loại sách tuyên truyền của chế độ, một hành động từ bỏ chế độ này”.

Tại thủ đô Tripoli, lực lượng an ninh của ông Gaddafi đã mở chiến dịch bắt cóc những người bị tình nghi là cầm đầu để ngăn chận cuộc xuống đường ngày hôm nay Thứ Sáu, sau buổi cầu nguyện. Mang lưới Libya UlemaTự Do đưa ra bản tuyên cáo như sau:

“Đây là bản tuyên cáo khẩn cấp để thông báo cho thế giới và đặc biệt là Toà Án Quốc Tế biết ông Gaddafi và những kẻ đồng phạm đang thực hiện việc bắt cóc hàng loạt tại Tripoli và vùng phụ cận, để “làm sạch” những thanh niên lãnh đạo trước khi buổi cầu nguyện Thứ Sáu, để tạo “ấn tượng tốt” với các cơ quan truyền thông quốc tế, đang có mặt tại Tripoli, nằm trong một chiến dịch tiếp thị để che đậy những tội ác chống lại con người đã được thực hiện đối với những người dân can đảm Libya. Chúng tôi kêu gọi và khẩn cầu mọi người lương thiện trên toàn thế giới hãy làm hết sức để cứu những thanh niên này thoát khỏi bàn tay của ông Gaddafi, của những tên côn đồ và bọn lính đánh thuê của ông ta.”

Từ toà nhà trắng, Tổng Thống Obama đã nói: “Hoa Kỳ và thế giới tiếp tục bị lăng nhục bởi những hành vi đàn áp thô bạo đối với nhân dân Libya. Chúng tôi muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng: Bạo lực phải chấm dứt. Ông Gaddafi đã đánh mất tư cách lãnh đạo nhân dân Libya và phải ra đi”.

Gần 180 ngàn người đã vượt biên giới Tunisia và Ai Cập để tỵ nạn. Đa số là những công nhân lao động từ Bangladesh, Thái Lan, Đại Hàn, Mã Lai, Sudan và Việt Nam. Nhiều người không có giấy tờ thông hành. Dân chúng Tunisia và Ai Cập rộng rãi giúp đỡ lương thực và chỗ tạm trú cho những người tỵ nạn nhưng đã quá tải. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đang lo những vấn đề cứu trợ khẩn cấp vì số người tỵ nạn quá đông đảo cho các khu vực ở biên giới.

Ông Alain Juppe, Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp vừa bác bỏ đề nghị đàm phán với chính quyền Gaddafi của Tổng Thống Venezuela Hugo Chavez đưa ra hôm qua và cho biết không hưởng ứng bất cứ giải pháp nào cho phép ông Gaddafi còn nắm quyền.

Bộ trưởng Ngoại Giao Đức, ông Guido Westerwelle, cho rằng những biện pháp can thiệp quân sự vào Libya sẽ không mang lại kết quả tốt, thay vào đó, ông kêu gọi gia tăng việc cấm vận chính quyền Gaddafi, cụ thể là ngăn chận tất cả các nguồn tài chánh, tiền bạc đổ vào Libya.

Sự sụp đổ nhanh chóng của các chế độ độc tài tham nhũng tại các quốc gia Tunisia, Ai Cập và Libya và với nghị quyết cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã là động cơ thúc đẩy chính phủ Canada đưa ra dự luật phong toả tài sản của các nhà độc tài và cá nhân liên hệ dù họ không gây ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia Canada. Bộ Trưởng Ngoại Giao Canada, ông Lawrence Cannon, đã tuyên bố với báo chí sáng hôm qua “Là một quốc gia bảo vệ giá trị của dân chủ, nhân quyền và pháp trị, Canada muốn hỗ trợ tất cả các quốc gia đang tìm cách tự giải phóng ra khỏi ách độc tài và tái thiết nền dân chủ. Chính phủ Canada vừa nộp cho Quốc Hội một dự luật để giúp chúng ta chống tham nhũng và chuyển tiền bất hợp pháp từ các nhà lãnh đạo độc tài”.


Dự luật của Canada có tên là “Phong Tỏa Tài Sản của Chế Độ Tham Nhũng” (Freezing Assets of Corrupt Regimes Act) sẽ cho phép chính phủ nhanh chóng hành động khi có yêu cầu của chính quyền của nước khác hoặc yêu cầu của cộng đồng thế giới.

Những người nằm trong diện bị phong tỏa tài sản là những người nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ độc tài bao gồm luôn những người cộng tác, những người liên quan trong vấn đề tài chính và người thân trong gia đình.

(Tổng hợp theo Al Jazeera, AP, CTV News, CNN)



Tin cập nhật – Ngày 3 tháng 3 - 5 giờ sáng (giờ Lybia).

Từ sáng hôm qua lực lượng những người biểu tình đã chống trả mãnh liệt trước những tấn công có máy bay chiến đấu hỗ trợ của lực lượng ủng hộ ông Gadafi tại khu vực sản xuất dầu hỏa gần cảng Marsa El Brega. 70 xe lớn chở đầy lính đánh thuê đã tấn công các trạm kiểm soát, phi trường và khu vực nhà máy lọc dầu, cùng lúc máy bay chiến đấu gầm rú trên bầu trời, bắn và thả bom vào những kho chứa vũ khí. Đây là trận đụng độ dữ dội nhất từ khi cuộc nổi dậy của nhân dân Libya bắt đầu.


Cuộc chiến đã kéo dài suốt ngày, và cuối cùng lực lượng đối kháng, tuy không được trang bị đầy đủ và rất ô hợp nhưng đã chiến thắng đẩy lùi và truy đuổi phe ủng hộ ông Gaddafi ra khỏi thành phố.

Cùng ngày, lực lượng của hai bên cũng đã đụng độ tại một số thành phố khác. Hai thành phố Gharyan và Sabratha đã rơi vào tay lực lượng ủng hộ ông Gaddafi.


Hội Đồng Quốc Gia Libya lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của không quân Hoa Kỳ và thế giới bằng cách mở các cuộc oanh tạc từ trên không vào những nơi đồn trú của những người lính đánh thuê Phi châu. Ông Hafiz Ghoga, phát ngôn nhân của Hội Đồng cho biết ông Gaddafi sử dụng những người lính đánh thuê này để tấn công vào các khu vực sản xuất dầu hỏa ở phiá Bắc. Việc tấn công các doanh trại này rất cần thiết để bảo vệ nguồn dầu.

Phát biểu tại một hội nghị tại Paris, Nouri al-Masmari, một viên chức cao cấp cũ trong chính quyền Gaddafi cho hay phe đối kháng không cần có sự hiện diện của quân đội nước ngoài ngay trên đất Libya. “Chúng tôi đủ mạnh, chúng tôi có vũ khí, phần lớn quân đội đã gia nhập lực lượng cách mạng. Chung quanh ông Gaddafi chỉ là lực lượng an ninh bảo vệ”.

Hôm qua, chiến hạm hủy diệt USS Barry của Hoa Kỳ hiện đã có mặt trong vùng biển Địa Trung Hải. Hai hàng không mẫu hạm, USS Kearsarge và USS Ponce, mỗi chiếc chở 2000 lính thủy quân lục chiến vừa đi qua kênh đào Suez hiện cũng đang có mặt trong vùng. Chính phủ Hoa Kỳ cho biết mục đích của việc di chuyển hai mẫu hạm này nhằm để giúp đỡ nhân đạo cho dân chúng Libya trong trường hợp cuộc nội chiến thực sự xảy ra và kéo dài tại Libya nhưng nhấn mạnh là vẫn có thể được sử dụng cho mục đích khác nếu cần thiết. Ngoại Trưởng Clinton nói thêm: “Libya có thể trở thành dân chủ một cách hoà bình hay bị kéo vào một cuộc nội chiến lâu dài”.

Trong ngày, Tổng Thống Gaddafi đã đọc diễn văn gần hai tiếng đồng hồ trước đám đông ủng hộ. Ông nói: “Tôi luôn luôn nói là dân Libya được tự do”. Không có người dân nào nổi dậy, chỉ là những thành phần khủng bố. “Chúng là những tên phạm tội, không phải là tù nhân chính trị. Không có tù nhân chính trị nào ở Libya cả… Chúng ta phải tiêu hủy tất cả những kho vũ khí, không để lọt vào tay quân khủng bố”. Ông thề sẽ tiêu diệt hết những người “khủng bố” này và chiến đấu đến “người đàn ông cuối cùng và người đàn bà cuối cùng “. Ông cảnh cáo sẽ biến Libya thành một “Việt nam khác” nếu Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào can thiệp, những người lính nước ngoài “sẽ bước vào điạ ngục và họ sẽ chìm trong biển máu”.


Con trai ông Gaddafi, Saif al-Islam, cũng cảnh cáo các quốc gia muốn can thiệp, và khẳng quyết là cha ông sẽ không bước xuống hay đi lưu vong.

Tuy nhiên, theo tin đặc phái viên Dima Khatib của hãng thông tấn Al Jazeera từ Veneuela cho biết Tổng Thống Gaddafi đã nói chuyện với Tổng Thống Venezuela Chavez hôm qua, ông Gaddafi đã đồng ý để ông Chavez đứng ra làm trung gian điều đình với lực lượng đối kháng và các quốc gia liên hệ. Bộ trưởng Ngoại Giao Venezuela, ông Nicolas Maduro, đã xúc tiến tiếp xúc với chủ tịch khối Ả Rập Amr Moussa, và khối Ả Rập đã đồng ý cùng đứng ra dàn xếp cuộc thương thuyết.

(Tổng hợp theo Al Jazeera, AP, CTV News, CNN)



Tin cập nhật – Ngày 2 tháng 3 - 5 giờ sáng (giờ Lybia).

Theo Ngân Hàng Thế Giới, cho đến cuối năm 2010, “dân Libya” đã gửi ra các ngân hàng nước ngoài 62.1 tỉ Mỹ Kim. Phần lớn là tiền đầu tư từ các ngân hàng Libya, số tiền mặt gửi của cá nhân là 8.4 tỉ. Trong khi đó, một phần ba dân số Libya sống cơ cực dưới 2 Mỹ Kim một ngày !

Lực lượng trung thành với Tổng Thống Gaddafi đã mở các cuộc phản công liên tiếp tối thứ Hai vào thành phố Az Zawiyah, nơi vừa lọt vào tay của những người biểu tình hôm chủ nhật vừa qua, nhưng đều bị đẩy lùi. Ông Gaddafi đã hăm dọa rằng nội trong ngày thứ Ba nếu những người biểu tình không rút lui ra khỏi thành phố này thì sẽ bị phi cơ chiến đấu tấn công và dội bom. Tuy nhiên, tinh thần của những người biểu tình vẫn cao, họ cho biết đang chờ đợi một trận đánh lớn xảy ra.

Một sĩ quan quân đội gia nhập phe đối kháng cho biết lực lượng trung thành với ông Gaddafi là lữ đoàn Khamis, tên Khamis này là tên của người chỉ huy cũng là con trai của ông Gaddafi. Theo một nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết lữ đoàn này được trang bị với những vũ khi tối tân nhất trong quân đội Libya.

Theo trang mạng Tiếng nói Ngày 17 tháng 2, dân chúng đang nổi lên biểu tình tại thành phố Az Zintan. Những thanh niên tại đây đã đụng độ với lực lượng ủng hộ ông Gaddafi , họ tấn công vào các trại lính, đồn kiểm soát và các trụ sở để cướp vũ khí và các dụng cụ trang bị. Lực lượng ủng hộ ông Gaddafi cố gắng chiếm lại nhưng không thành công. 60 tên lính đánh thuê đã bị bắt sống. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn tại thành phố này.

Theo một nhân chứng cho biết, tại thủ đô Tripoli, lực lượng an ninh của ông Gaddafi đã dùng tiền để tuyển mộ những thanh niên và trang bị vũ khí nhẹ cho họ để đàn áp những người nổi dậy.

Tại thành phố Benghazi, nhiều thanh niên đã gia nhập lực lựơng vũ trang đối kháng và được quân đội cung cấp và hướng dẫn sử dụng các loại vũ khí cấp tốc.


Một đoạn phim vừa được gửi đến hãng thông tấn Al Jazeera và được phát tán trên mạng cho thấy âm mưu tuyên truyền của chính quyền Gaddafi. Trong phim, ông Ali Khedr Mohamed Mohamed, 65 tuổi người gốc Ai Cập di cư đến tại Libya từ lúc 17 tuổi, năm 1963, sống tại một làng nhỏ Eliat Lamlom Maghagha gần thành phố Elmenia, kể lại câu chuyện may mắn hiếm có của mình. Ông bị bắt cóc hôm thứ ba tuần trước bởi lực lượng an ninh của ông Gaddafi và được đưa đến căn cứ quân sự ở thành phố Sirte. Tại đây, ông được hứa cho 25 ngàn tiền Libya (20 ngàn Mỹ Kim), một xe hơi sang trọng và được cấp quốc tịch Libya, đổi lại ông bằng lòng thu hình tự nhận là một lãnh tụ của một nhóm cách mạng Ai Cập được gửi vào Libya để lật đổ ông Gaddafi. Ông Ali Khedr đã từ chối và lực lượng an ninh định thủ tiêu ông, nhưng may mắn một người lính đã cứu ông bằng cách nói với những tên khác là để anh này tự tay giải quyết “tên Ai Cập” này. Người lính tử tế này đã dấu ông Ali Khedr trong xe và chở ra khỏi doanh trại và thả ông đi.

Trong mỗi một khu vực được giải phóng, từ những tài liệu tịch thu được trong các trụ sở chính quyền, nhà tù và nơi giam giữ, người dân lại kiếm được thêm nhiều bằng chứng về tội ác của chính quyền Gaddafi đối với nhân dân Libya


Chính phủ Hoa Kỳ cho biết chiến hạm hàng không đã đến sát Libya và Pháp cũng cho biết các đợn vị không quân đã sẵn sàng giúp lực lượng đối kháng kiểm soát vùng trời phiá Đông Libya. Tuy nhiên, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Libya, hiện đã theo phe đối kháng, cho biết sự hiện diện của quân đội “nước ngoài” trên đất Libya chỉ có thể chấp nhận được trong trường hợp khẩn cấp.

Canada cũng đã phong toả tài sản của “dânLibya” lên đến 2.4 tỉ Mỹ Kim và gửi chiến hạm đến Điạ Trung Hải để giúp di tản dân Canada đang kẹt tại Libya và cũng để chuẩn bị, nếu cần, tham dự vào việc cấm vận chính quyền Gaddafi.

Chính phủ Áo cho biết đã phong toả 1.66 tỉ Mỹ Kim trong các tài khoản và bất động sản của “dân Libya”.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, cho đến cuối năm 2010, “dân Libya” đã gửi ra các ngân hàng nước ngoài 62.1 tỉ Mỹ Kim. Phần lớn là tiền đầu tư từ các ngân hàng Libya, số tiền mặt gửi của cá nhân là 8.4 tỉ. Trong khi đó, một phần ba dân số Libya sống cơ cực dưới 2 Mỹ Kim một ngày !

Liên Hiệp Quốc vừa ban bố quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Libya trong Ủy Ban Nhân Quyền. Ngoại Trưởng Clinton đã nói “Ngày hôm nay đã có một quyết định lịch sử là lần đầu tiên tư cách thành viên của một quốc gia trong Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bị đình chỉ. Cộng đồng thế giới đã đồng thanh lên tiếng và thông điệp chuyển tải không thể hiểu sai được: đó là vi phạm nhân quyền là không thể chấp nhận được và sẽ không thể được bỏ qua”.

Trường Đại Học Kinh Tế Luân Đôn đang mở cuộc điều tra về việc con trai ông Gaddafi, Saif al-Islam, đã gian lận, nhờ người khác viết dùm luận án tiến sĩ, khi theo học tai trường này mấy năm trước. Trớ trêu là luận án Tiến Sĩ của Saif al-Islam, con trai nhà độc tài Gaddafi, đã nộp có tên là ”Chức Năng Của Xã Hội Dân Sự trong tiến trình dân chủ hoá các định chế toàn cầu” (The role of civil society in the democratisation of global governance institutions) !

(Tổng hợp theo Al Jazeera, CTV News, CNN)



Tin cập nhật – Ngày 1 tháng 3 - 5 giờ sáng (giờ Lybia).

“Chúng tôi, Thiếu Tướng Musa’ed Ghaidan Al Mansouri, chỉ huy lực lượng an ninh Al Wahat Security Directorate, và Thiếu Tướng Hassan Ibrahim Al Qarawi, chỉ huy lực lượng an ninh Jabel Al Akhdar Security Directorate tuyên bố trung thành và gia nhập lực lượng Cách Mạng 17 tháng 2 của nhân dân Libya, với mục đích tranh đấu cho Tự Do, lòng Tự Trọng và Công Bằng Xã Hội và để chấm dứt sự bất công và đàn áp”.

“Tôi, Thiếu Tướng Dawood Issa Al Qafsi, công bố gia nhập lực lượng Cách Mạng 17 tháng 2. Cùng gia nhập với tôi có các sĩ quan, các tuỳ viên quân đội và binh lính thuộc các đơn vị tại những thành phố Ajdabia, Braiga, Bisher, Ogaila, Sultan and Zwaitina. … “

Tin cập nhật, hai Thiếu Tướng Musa’ed Ghaidan Al Mansouri và Hassan Ibrahim Al Qarawi, chỉ huy hai lực lượng an ninh Al Wahat Security Directorate, và Jabel Al Akhdar Security Directorate vừa đào thoát, tuyên bố đổi chiến tuyến đứng về phiá lực lượng cách mạng. Lời tuyên bố như sau:

“Chúng tôi, Thiếu Tướng Musa’ed Ghaidan Al Mansouri, chỉ huy lực lượng an ninh Al Wahat Security Directorate, và Thiếu Tướng Hassan Ibrahim Al Qarawi, chỉ huy lực lượng an ninh Jabel Al Akhdar Security Directorate tuyên bố trung thành và gia nhập lực lượng Cách Mạng 17 tháng 2 của nhân dân Libya, với mục đích tranh đấu cho Tự Do, lòng Tự Trọng và Công Bằng Xã Hội và để chấm dứt sự bất công và đàn áp”.

Cùng lúc, Thiếu Tướng Dawood Issa Al Qafsi, chỉ huy các đơn vị quân đội tại thành phố Ajdabia, Braiga, Bisher, Ogaila, Sultan and Zwaitina, cũng vừa tuyên bố gia nhập lực lượng cách mạng, ông tuyên bố:

“Tôi, Thiếu Tướng Dawood Issa Al Qafsi, công bố gia nhập lực lượng Cách Mạng 17 tháng 2. Cùng gia nhập với tôi có các sĩ quan, các tuỳ viên quân đội và binh lính thuộc các đơn vị tại những thành phố Ajdabia, Braiga, Bisher, Ogaila, Sultan and Zwaitina. … “

Những đơn vị quân đội đang phối hợp với lực lượng người biểu tình được vũ trang tiến về Tripoli để lật đổ Tổng Thống Gaddafi.

Vòng vây của dân biểu tình và các lực lượng đối kháng đang khép chặt lại chung quanh thủ đô Tripoli.

Để đối phó với tình hình nguy cập, Tổng Thống Muammar Gaddafi đã chỉ định ông Bouzaid Dordah, người cầm đầu cơ quan tình báo, tiến hành đàm phán với lực lượng đối kháng ở vùng miền Đông, trước khi sử dụng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, phát ngôn nhân của Hội Đồng Quốc Gia, bộ phận đại diện cho lực lượng đối kháng vừa thành lập hôm chủ nhật vừa qua, cho biết “không còn gì để thương lượng nữa. Chúng tôi sẽ giúp đỡ những người biểu tình nổi dậy giải phóng các thành phố còn lại ở Libya, đặc biệt là vùng thủ đô Tripoli, bằng quân đội quốc gia, bằng lực lượng vũ trang ủng hộ nhân dân”.

Tuy vậy, khi trả lời cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho đài ABC, ông Gaddafi vẫn chối bỏ sự việc nhân dân Libya đang nổi dậy đòi hỏi ông phải ra đi. Ông Gaddafi đã cười lớn khi nghe câu hỏi là ông có nghĩ đến việc phải bước xuống. Ký giả Christiane Amanpour cho biết “trong cuộc nói chuyện, ông Gaddafi đã nói với tôi là “tất cả nhân dân Libya yêu tôi. Họ sẵn sàng chết để bảo vệ tôi”.

Khi được hỏi nhiều lần về việc thả bom giết hại người biểu tình, “ông Gaddafi nói những việc đó không có xảy ra, họ chỉ thả bom vào quân đội và các kho vũ khí”.

Một đoạn phim được phát tán trên mạng cho thấy Saif al-Islam, con trai của ông Gaddafi đang khích động đám đông chiến đấu cho cha của mình và hứa sẽ cung cấp vũ khí cho họ. Đoạn phim này có khả năng sẽ là bằng chứng trước toà án quốc tế cho thấy việc tấn công vào người biểu tình là do gia đình ông Gaddafi chủ động và có kế hoạch.

Nhận định về những câu trả lời đầy lạc quan của Tổng Thống Gaddafi, các nhân viên cao cấp Hoa Kỳ cho rằng ông Gaddafi đang bị bệnh hoang tưởng và không còn đủ năng lực để lãnh đạo quốc gia.

Ông David Cohen, nhân viên Ngân Khố Quốc Gia Hoa Kỳ, cho biết 30 tỉ Mỹ Kim tài sản của “dân Libya” đã bị phong toả và đây cũng là con số lớn nhất bị phong toả từ trước đến giờ.

Các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ đang di duyển về phiá biển Địa Trung Hải cho thấy biện pháp can thiệp quân sự cũng đang được Hoa Kỳ và các thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cứu xét. Tuy nhiên, trong buổi họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, Ngoại Trưởng Clinton cho biết các chiến hạm trên được đưa đến để phục vụ cho mục tiêu nhân đạo và cứu trợ. Bà cũng cho biết việc biện pháp “No-fly zone” (khu vực cấm bay – nhằm mục đích không cho máy bay chiến đấu cất cánh) cũng đang được Liên Hiệp Quốc cứu xét, và trong cuộc họp Hội Đồng Bảo An, những thảo luận được đưa ra để gây sức ép lên chính quyền Gaddafi mà không làm hại đến nhân dân Libya.

Pháp cũng tuyên bố sẽ gửi viện trợ nhân đạo, bao gồm lương thực, bác sĩ, y tá và các loại thuốc men đến những vùng giải phóng để giúp dân chúng Libya.


Thủ Tướng Qatar, Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani, cũng lên tiếng kêu gọi ông Gaddafi hãy bước xuống “Bây giờ chưa quá muộn để có quyết định. Người chiến thắng trong cuộc cách mạng này không thể là ai khác ngoài nhân dân Libya. Giá trị của sự lãnh đạo là gì ? Nó sẽ đưa đến những gì ? Tôi tin rằng ông ta (Gaddafi) nên có một quyết định can đảm”.

(Tổng hợp theo Epoch Times, Al Jazeera, CTV News, CNN)

Tin cập nhật – Ngày 27 tháng 2 - 11 giờ tối (giờ Lybia).

Lần lượt nhiều thành phố đã được giải phóng, lực lượng ủng hộ ông Gaddafa bị thu nhỏ dần, chỉ còn kiểm soát được thủ đô Trpoli và một vài khu lân cận.

Tin tức cho biết sáng nay, chủ nhật, lực lượng an ninh của ông Gaddafi tại thị xã Zawiya, cách thủ đô Tripoli 55 cây số, đã quay mũi súng, đứng về phía nhân dân. Sự thay đổi này đã khiến toàn bộ thị xã này nhanh chóng nằm dưới sự kiểm soát của dân biểu tình và tránh được sự đổ máu của cả hai bên.


Cũng trong ngày, những người dân biểu tình đã làm chủ được thêm thành phố Misurata. Thành phố Misurata là thành phố lớn thứ ba của Lybia, sau Tripoli và Benghazi. Chiến thắng này cho thấy lực lượng của người biểu tình đang tiến một cách mạnh mẽ và nhanh chóng từ phía Đông về sát thủ đô Tripoli để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy bên trong thủ đô. Đang có những nỗ lực của người biểu tình kêu gọi những người ủng hộ ông Gaddafi bên trong thành phố buông súng, quay về với nhân dân. Tại các thành phố đã được giải phóng, những người biểu tình tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang được các bộ đội hướng dẫn cách sử dụng vũ khí và được huấn luyện cấp tốc để đương đầu với phe ủng hộ ông Gaddafi.


Bên trong thủ đô Tripoli, dù bị đàn áp và giết hại, nhưng dân chúng vẫn cương quyết đứng lên. Theo lời của một người dân bên trong Tripoli cho hay vì Tripoli là thành phố dân sự, không có nhiều căn cứ quân sự, do đó người dân không cướp được vũ khí, họ phải chiến đấu bằng gạch đá. Lực lượng lính đánh thuê rất đông, họ có mặt ngay cả trên những xe cứu thương. Họ bắt thân nhân phải ký giấy khai người bị giết là do dân biểu tình gây ra, nếu không ký họ không cho nhận xác. Rất nhiều người bị bắt đi mất tích. Nhiều người bị bắt cóc ngay tại nhà. Các nhóm lính đánh thuê ẩn nấp trên các nóc nhà để bắn lén vào những người biểu tình. Con số người dân tham dự biểu tình khoảng 40 chục nghìn người … và vẫn tiếp diễn.


Theo nguồn tin bên trong cho hay, cuộc chiến kết thúc tại Tripoli sẽ rất khốc liệt nếu Tổng Thống Gaddafi không chịu từ chức và tiếp tục chống cự đến cùng vì dinh thự của ông Gaddafi ngoài sự tráng lệ còn có hầm trú ẩn vô cùng kiên cố được thiết kế và xây dựng với khả năng chống lại bom nguyên tử.

Dù vậy, theo nhận định của những nhà ngoại giao như ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Ý, ông Frattini cho biết, ngày kết cục của ông Gaddafi sẽ không thể nào tránh khỏi. “Chúng ta đến đến mức không còn quay đầu lại được”. Lời nhận định này được tăng cường bởi ông Kevin Rudd, Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, cho rằng thời gian nắm quyền lực của ông Gaddafi đang được tính từng ngày.

Những nhóm đối kháng ở miền Đông Libya đã họp hôm nay và cho biết đã thành lập Hội Đồng Quốc Gia Libya. Hội đồng này không phải là một chính phủ lâm thời nhưng được mô ta như đại diện cho lực lương cách mạng. Nguời phát ngôn nhân của tổ chức này tuyên bố không còn gì để thương lượng với chính quyền Gaddafi.

Tổ chức Hồi Giáo Ulema-Libya Tự Do, một mạng lưới của những trí thức uy tín Hồi Giáo có nhiều thành viên trải khắp Libya về nhiều lãnh vực , vừa ra một thông cáo báo chí ủng hộ “bản Tuyên Ngôn Cách Mạng ngày 17 tháng 2, 2011″ , được luật sư Mustafa Abdel Jalil đúc kết và tuyên bố ngày hôm qua, sau khi phối hợp làm việc với nhiều ủy ban thành lập chính phủ lâm thời Libya.

Trong khi đó áp lực quốc tế ngày càng gia tăng lên chính quyền Gaddafi. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đồng thuận 15-0, thông qua nghị quyết yêu cầu chính quyền Gaddafi phải ngưng việc xử dụng bạo lực đàn áp và có những bước cụ thể để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Libya. Nghị quyết cũng đề nghị các quốc gia thành viên thực hiện việc cấm vận chính quyền Gaddafi, gia đình ông Gaddafi và các thành viên của chính quyền, bao gồm việc phong toả tài sản, chuyển ngân, mua bán vũ khí, và xuất cảnh.


Những người bị phong tỏa tài sản gồm có: con gái ông Gaddafi, Aisha, và các con trai ông Gaddafi: Hannibal, Khamis Muammar, Muammar Mohammed Abu Minyar, Mutassim và Saif al-Islam Gaddafi.

Danh sách cấm xuất cảnh gồm có: Trưởng Văn Phòng Điều Hành Dr Abdulqader Mohammed al-Baghdadi, Trưởng Lực Lượng Cận Vệ Abdulqader Yusef Dibri, Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Abu Zayd Umar Dorda, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đại Tướng Abu Bakr Yunis Jabir, Utilities secretary Matuq Mohammed Matuq, Trưởng Lực Lượng An Ninh Đặc Biệt Sayyid Mohammed Qadhaf Al-dam, con gái ông Gaddafi, Aisha, và các con trai ông Gaddafi: Hannibal, Khamis Muammar, Muammar Mohammed Abu Minyar, Mutassim và Saif al-Islam Gaddafi. Ngoài ra còn có Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Quân Đội, Đại Tá Abdullah al-Senussi – và cá nhân ông Gaddafi.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc còn đưa ra bản đề nghị Toà Án Tội Ác Quốc Tế (CICC) thành lập ủy ban điều tra tội ác chống lại nhân loại của chính quyền Gaddafi vì hành động tàn sát những người dân biểu tình có hệ thống dang diễn ra tại Libya.

(Tổng hợp theo Al Jazeera, CTV News, CNN)



Tin cập nhật – Ngày 26 tháng 2 - 4 giờ sáng (giờ Lybia).

…hàng ngàn người đã xuống đường như đã dự định “Ngày Thứ Sáu Giải Phóng” tại khắp nơi, kể cả những khu vực trong thủ đô Tripoli đòi hỏi chấm dứt sự cai trị của ông Gaddafi.

Tổng thống Gaddafi hôm qua đã có mặt tại quãng trường Xanh (Green Square) tại thủ đô Tripoli nói chuyện với khỏang 1000 người ủng hộ ông ta. Ông tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho tất cả dân chúng (ủng hộ ông ta) để đánh bại mọi âm mưu tấn công của nước ngoài (?)

Cùng lúc, hàng ngàn người đã xuống đường như đã dự định “Ngày Thứ Sáu Giải Phóng” tại khắp nơi, kể cả những khu vực trong thủ đô Tripoli đòi hỏi chấm dứt sự cai trị của ông Gaddafi.

Lực lượng an ninh đã dựng rào cản, chướng ngại chung quanh các giáo đường, những nơi có thể tụ tập được, và các đường phố lớn trong thủ đô. Một số người tình nghi cầm đầu cuộc biểu tình đã bi lực lượng an nình bắt đi từ đêm thứ Năm. Tuy nhiên, bất chấp bị hăm dọa và tấn công, cuộc xuống đường ở thủ đô Tripoli đã bắt đầu vào buổi trưa ngay sau buổi cầu nguyện. Lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đã bắn thẳng vào đoàn biểu tình khi họ đang tiến về quãng trường Xanh. Con số thương vong chưa được xác định.

Cách Tripoli 80 cây số về hướng Đông là thành phố Mselato, trong buổi lễ, vị tu sĩ đã kêu gọi những người tham dự hãy đứng lên chống trả lại sự đàn áp của chính quyền. 2000 người đã nhanh chóng tự trang bị bằng vũ khí chiếm được từ lực lượng cảnh sát, tiến về Tripoli để hỗ trợ cho cuộc biểu tình đang diễn ra tại đó. Những người dân vũ trang này đã bị chặn lại tại thành phố Tajoura và đã giao tranh với lực lượng hỗn hợp vừa lính đánh thuê vừa lực lượng cảnh sát của ông Gaddafi.

Hàng ngàn người dân biểu tình tại thành phố vừa được giài phóng Benghazi, cũng tự trang bị vũ khí, thề sẽ tiến về dinh tổng thống của ông Gaddafi ở Tripoli để lật đổ ông ta.


Tại khu vực cảng Az Zawiyah, cuộc đụng độ xảy ra từ hôm thứ Năm đã kết thúc. Những người biểu tình đã đẩy lui được lực lượng an ninh và làm chủ khu vực này. Hàng ngàn người đổ ra tuần hành tại quãng trường Tử Đạo (Martyr’s Square) hô to những khẩu hiệu đòi hỏi ông Gaddafi phải từ chức ngay. Nhiều tiếng nổ lớn vẫn còn được nghe thấy trong thành phố. Những người biểu tình cho biết, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đã cho nổ những kho chứa đạn và vũ khí không để lọt vào tay những người biểu tình.

Sáng thứ Sáu, thị xã Zuwarah, đã được giải phóng và nằm trong vòng kiểm soát của dân biểu tình.

Tại miền đông Libya, những người biểu tình đã thiết lập các trạm kiểm soát và “hành lang tiếp trợ nhân đạo” cùng với “hành lang thông tin” chạy suốt đến biên giới Ai Cập.

Lực luợng an ninh của ông Gaddafi đã dùng đại bác, súng lớn, súng chống máy bay… tấn công vào phi trường của thành phố Misurata, cách Tripoli 200 cây số về hướng Đông nhưng đã bị đẩy lùi bởi những người biểu tình. Trận chiến giữa hai bên được một nhân chứng mô tả là ” khốc liệt”. Hãng thông tấn Reuter đã cho biết là tinh thần của những người biểu tình tại đây rất cao.

Tại thành phố Berga, người biểu tình và những người lính Libya đã tràn ngập căn cứ không quân nơi phe ủng hộ ông Gaddafi trú ẩn. Họ làm tê liệt căn cứ này bằng cách tháo gỡ các bộ phận củng những máy bay phản lực khiến chúng không còn sử dụng được nữa. Những người lính Libya cũng hỗ trợ người biểu tình chiếm đóng nơi chứa các kho dầu trong thành phố.

Thành phần viên chức cao cấp trong chính quyền của ông Gaddafi ngày càng giảm dần. Hôm qua, Abdel Rahman Al Abar, Trưởng Công Tố, đã tuyên bố từ chức, lý do vì những gì đang xảy ra tại Libya là cuộc tàn sát đẫm máu chưa từng thấy bởi dân xứ này.

Đại Sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc, ông Mohammed Shalgham, cũng vừa từ chức và lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ ngăn chận cuộc tắm máu đang xảy ra tại Libya.

Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa kết thúc phiên họp hôm thứ Sáu cho biết có thể chính quyền Gaddafi sẽ bị truy tố với tội danh “tội ác chống lại loài người”. Ủy Ban này cũng thúc đẩy các vị lãnh đạo thế giới hãy can thiệp mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng sử dụng bạo lực với dân chúng tại Libya.

Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, cũng kêu gọi Hội Đồng Bảo An nhanh chóng đưa ra các biện pháp cấm vận cụ thể để áp lực ông Gaddafi phải chấm dứt đàn áp.

Chính phủ Hoa Kỳ vừa ra thông báo cấm vận chính quyền Gaddafi vì đã xử dụng bạo lực đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân Libya. Tổng Thống Obama ký lệnh phong tỏa tài sản và tất cả giao dịch tài chánh liên hệ tới quốc gia này. Ông cho biết lệnh cấm vận này để nhắm vào chính quyền Gaddafi và bảo vệ tài sản cho nhân dân Libya. Ngân Khố Hoa Kỳ được yêu cầu chú ý đặc biệt đến các trương mục của các viên chức cao cấp của chính quyền nước ngoài.


Thủ Tướng Canada, ông Stephen Harper tuyên bố sẽ ra lệnh cấm vận chính quyền Gaddafi. Ông cũng cho hay mọi sự tấn công vào dân chúng của ông Gaddafi có thể sẽ được đưa ra tòa án quốc tế The Hague.


Hãng thông tấn Reuter đi tin, con trai ông Gaddafi, Saif al-Islam, vừa tuyên bố lực lượng của ông ta sẽ ngưng chiến tại các vùng miền Tây Libya và hy vọng một cuộc thương thuyết ngưng chiến sẽ được thực hiện trong ngày hôm nay, thứ Bảy 26 tháng 2.

(Tổng hợp theo Al Jazeera, CTV News, CNN)

Tin cập nhật – Ngày 25 tháng 2 – 3 giờ sáng (giờ Lybia).

“Tổng Thống Gaddafi đang có vũ khí sinh hoá học trong tay và ông ta sẽ không do dự để sử dụng”, Cựu Bộ Trưởng Tư Pháp, Mustafa Abdel Galil, người vừa từ chức cách đây 3 ngày để phản đối chính quyền Gaddafi đến dự buổi hội nghị của thủ lãnh các sắc tộc miền Đông Libya hôm thứ Năm, đã cho biết. Ông kêu gọi cộng đồng thế giới và Liên Hiệp Quốc hãy ngăn chận dự tính tàn sát nhân dân của ông Gaddafi tại thủ đô Tripoli .

Ông Galil cũng đã tuyên bố trong buổi hội nghị “không thương lượng, không có giải pháp nào hết cho đến khi Gaddafi và những người con của ông ta ra đi”.

Bên cạnh những áp lực của Liên Hiệp Quốc, Tồng Thống Obama, đã thảo luận với nguyên thủ các quốc gia Pháp, Anh và Ý về những dự trù có thể xảy ra để đối phó với tình hình tại Libya nhằm ngăn chận việc sự dụng bạo lực để đối phó với người dân biểu tình.

Nhật báo tại Luân Đôn, nước Anh, tờ Telegraph, đã đăng tin chính phủ Anh đã phong tỏa toàn bộ tài sản của gia đình ông Gaddafi, trị giá lên đến 20 tỷ bảng Anh (32 tỷ Mỹ Kim). Chính phủ Thụy Sĩ cũng vừa tuyên bố phong toả tài sản của ông này và những người liên hệ.

Ông Ahmed Gadhaf al-Dam, một trong những viên chức an ninh cao cấp và cũng là anh em họ với Tổng Thống Gaddafi vừa đào thoát sang Ai Cập chiều thứ Tư. Theo tuyên bố gửi ra từ văn phòng tại thủ đô Cairo, ông cho biết lý do rời bỏ là “để phản đối và bày tỏ thái độ không chấp nhận những hành động chà đạp quyền làm người (của nhân dân Libya) và vi phạm luật pháp quốc tế (của ông Gaddafi)”.

Sáng thứ Năm, Tổng Thống Gaddafi, dự định xuất hiện trên đài truyền hình, nhưng đã thay đổi vào giờ chót, truyền những lời tuyên bố của ông qua đường dây điện thoại. Lần này, ông Gaddafi đã chuyển hướng, ông cho rằng tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda là thủ phạm gây ra biến động tại Libya bằng cách dụ dỗ và dùng thuốc mê hoặc những thanh niên bằng cách “bỏ vào sữa, nước uống,.. “. “Không có người nào trên 20 tuổi tham dự vào những cuộc xuống đường. Họ (al-Qaeda) đã lợi dụng giới trẻ (gây tội) vì những người trẻ này chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm”.

Ông Gaddafi kêu gọi những người lớn phải giữ “tụi nhỏ” ở nhà. Ông nói Libya không giống Ai Cập và Tunisia, nhân dân Libya “không có lý do gì để kêu than cả”. Ông đã ví mình như Nữ Hoàng Anh, một lãnh tụ biểu tượng không có quyền chính trị. Ông cũng cảnh cáo cuộc xuống đường sẽ làm ngưng trệ việc sản xuất dầu hỏa. Trong khi đó, Seif al-Islam Gadhafi, con trai của ông lại tuyên bố trên đài truyền hình vài phút sau đó, cuộc nổi dậy là âm mưu của các quốc gia “Ả Rập anh em”.

Khu vực cảng Az Zawiyah, nơi tập trung các nhà máy lọc dầu, cách phía Tây thủ đô Tripoli, đang xảy ra những cuộc đụng độ giữa dân biểu tình và những người lính ủng hộ ông Gaddafi. Theo một nguồn tin không kiểm chứng được, thì ông Gaddafi đã rời khỏi dinh trong thủ đô và đang ẩn núp tại khu vực này.

Một nhân chúng cho biết, cảnh sát và lính đã dùng súng lớn bắn thẳng vào những người dân biểu tình ôn hoà tại quãng trường Martyr Square “Họ muốn bắn chết người chứ không phải là bắn hăm dọa”. Người này cho biết những người tấn công đã nhắm thẳng vào đầu và ngực của dân và số người chết tại nơi này lên đến khoảng 100 và bị thương khoảng 400 người.

Những người biểu tình đã bắt giữ được 6 người lính ủng hộ ông Gaddafi và họ khai là thành phố Az Zawiyah đang bị kiểm soát bởi những người đánh thuê Ả Rập, nhiệm vụ của những người này là giải phóng nơi này ra khỏi sự chiếm đóng của dân làm loạn. Những người lính cũng nói thêm họ đã bị tuyên truyền sai lạc để tấn công vào dân chúng.

Trong ngày hôm qua, những người biểu tình đã kiểm soát thêm được các thành phố Misrata, Az Zintan. Các cuộc đụng độ còn đang tiếp diễn tại các thành phố chung quanh thủ đô Tripoli: Sabratha, Misrata, Sabha.

Tin tức truyền qua hệ thống điện thoại đang kêu gọi dân chúng cùng nhau xuống đường để thực hiện một cuộc nổi dậy lớn lao vào ngày thứ Sáu. Để đáp lại, một mẩu nhắn cũng vừa xuất hiện với nội dung “Bạn sẽ nhận được 100 đồng (tiền Libya) nếu bạn gửi lời nhắn yêu cầu mọi người ở trong nhà ngày mai “.

(Tổng hợp theo Al Jazeera, CNN, AP)

Tin cập nhật – Ngày 24 tháng 2 – 2:00 giờ sáng (Giờ Libya)

Giới trẻ nổi dậy ở Libya đã kiểm soát được thêm thành phố Kufra. Một số khu vực, tỉnh lỵ và hai thành phố quan trọng Benghazi và Tobruk đã thuộc quyền kiểm soát của dân biểu tình. Phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế đã bắt đầu vào và chuyển tin tức tại chỗ từ hai thành phố này.

Thành phố Benghazi lớn thứ hai của Libya đã được giải phóng bởi quân đội và những người biểu tình. Bộ đội đóng tại thành phố này đã đứng về phía nhân dân và đã tràn vào các trụ sở cảnh sát nơi cất giữ các vũ khí của lực lượng trung thành với Tổng Thống Gaddafi đã được sử dụng để tấn công vào dân biểu tình ngày thứ Bảy vừa qua. Cùng lúc, quân đội đã bắt giữ được nhiều “lính đánh thuê” của Tổng Thống Gaddafi.

Thiếu Tá Không Quân Rajib Faytouni cho biết đã chứng kiến tận mắt khoảng 4000 tên lính đánh thuê châu Phi đã được máy bay chở đến Libya trong thời gian 3 ngày trước ngày 14 tháng 2 vừa qua. Vị sĩ quan này nói “Đó là lý do vì sao chúng tôi chống lại chính quyền Gaddafi. Vì những điều này và việc ra lệnh dùng máy bay để tấn công thường dân”.

Đại tướng Suleiman Mahmoud, tư lệnh quân đội tại Tobruk , hiện đã đứng về phía nhân dân Libya. Trả lời phỏng vấn báo chí, Tướng Suleiman Mahmoud đã gọi Tổng Thống Gaddafi là “tên bạo chúa” và tuyên bố “nhân dân và quân đội đang sát cánh bên nhau” trong thành phố Tobuk.

Ông Nour Al Masmari, Trưởng Ban Nghi Lễ của Tổng Thống Gaddafi, cũng vừa tuyên bố từ chức vì ông cho rằng tiếp tục phục vụ cho những hành động “diệt chủng” của ông Gaddafi là “vô nhân đạo” và đã đến hồi kết cục. Ông nói thêm: “Hiện tại ông Gaddafi đang sử dụng lính đánh thuê, không phải vì ông ta muốn, nhưng vì ông ta không còn điều khiển được quân đội. Ông ta không thể điều khiển được quân đội vì quân đội là người Libya và họ trung thành với những người dân Libya lương thiện. Những người lính không thể tự giết chính họ. Giết chết họ hàng, anh em chú bác, bạn bè của họ chính là giết chết họ. Ông Gaddafi không còn tin vào quân đội. Ông ta cũng không còn tin vào ngay cả những người cận vệ thân tín”.

Theo tin từ tổ chức Liên Hiệp Quốc Tế Nhân Quyền (IFHR) thì đã có ít nhất 640 người bị giết chết, hơn gấp đôi con số được thông báo chính thức của chính quyền. Tuy nhiên theo ông Franco Frattini, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ý, thì số người tử thương lên tới 1000 người.

Đài phát thanh Tiếng Nói Lebanon cho biết một máy bay tư nhân từ Libya đã bị cấm không cho đáp xuống phi trường Beirut, Lebanon, vì trên phi cơ có các bà vợ của những người con của ông Gaddafi. Đài cũng cho hay một số nhân vật quan trọng của chế độ cũng có mặt trên chiếc phi cơ này.

Có tin đồn con gái của ông Gaddafi, Aisha, đã đào thoát bằng máy bay của hãng Hàng Không Quốc Gia Libyan và đang tìm cách xin đáp xuống Malta vào ngày mai. Tin cập nhật cho biết chính phủ Malta không cho phép chiếc máy bay đáp xuống, hiện chiếc máy bay này đang bay trở ngược lại Libya. Tuy nhiên, cô Aisha vừa xuất hiện trên đài truyền hình bác bỏ tin đồn này.

Buổi trưa, Tổng Thống Gaddafi lại tuyên bố sẽ chiến đấu đến “giọt máu cuối cùng” và tiếp tục kêu gọi những người ủng hộ ông ta hãy bước ra chiếm lấy đường phố.

Theo bình luận gia Marwan Bishara của đài Al Jazeera nhận định, Tổng Thống Gaddafi đã mất 3 trụ cột của chế độ là sự ủng hộ của các sắc tộc, quân đội và ngoại giao. Đánh giá qua những lời tuyên bố, dường như ông ta đang bị rối loạn và bị thần kinh !


Một nhân chứng tại chỗ cho biết, tình hình tại thủ đô Triopoli như bị đứng lại. Đường phố vắng lặng chỉ có những người ủng hộ ông Gaddafi đi lại, một số cầm gươm đập cửa vào nhà những người dân tình nghi có chứa người biểu tình. Dân chúng dùng bàn ghế, vật nặng để chống đỡ không cho những người này xông vào nhà.

Trong khi đó, dân Libya tại thành phố Benghazi và Torbuk đổ ra đường tuần hành, bắn pháo bông và phất cờ mừng chiến thắng.

Ông Hussein Muserati, nhà ngoại giao Libya mới từ chức phản đối Tổng Thống Gaddafi, đã nói với phóng viên đài Al Jazeera rằng cuộc cách mạng nổ ra bởi những người dân “đau khổ vì nghèo đói, vì bất công và tham nhũng”. Ông nói thêm: “Chúng tôi không chống cá nhân của ông Gaddafi, chúng tôi chống lại chính sách của ông ta, sự bất công, độc tài của ông ta, vì bây giờ những gì chúng tôi quan ngại, nó là biểu hiện của chủ nghĩa phát xít. Nó biểu hiện chính sách như của Hitler… giết hại những người dân vô tội và xúc phạm tất cả những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân dân Libya”.

Chiều hôm qua, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon tuyên bố trong cuộc họp báo, kêu gọi cộng đồng thế giới phải đảm bảo một sự chuyển tiếp quyền lực trong hoà bình ngay tức khắc cho Libya.

Lúc nửa đêm (giờ Libya) Tổng Thống Obama đã lên tiếng lần đầu tiên về sự cố xảy ra tại Libya. Ông lên án những hành vi xử dụng bạo lực của chính quyền Libya và cho biết Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra tại Libya.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng thảo luận về khả năng phong tỏa tài sản của các viên chức chính quyền và của Tổng Thống Gaddafi và cân nhắc phản ứng đối với chính quyền Libya, tuy nhiên chưa có quyết định chính thức.

(Tổng hợp theo Mathaba, Al Jazeera, CNN, AP)

Cập nhật 23.02: Máy bay rớt khi phi hành đoàn từ chối ném bom vào người dân. Gaddfi mất kiểm soát thêm một thành phố miền tây và bị cô lập trên chính trường quốc tế. “Bức tường sợ hãi” của người dân Libya đã sụp đổ. Iran, Saudi Arabia tìm cách xoa dịu ngọn lửa cách mạng Trung Đông và Phi Châu.

Vào thứ Tư, một chiến đấu cơ đã bị rớt cháy khi phi hành đoàn đã không tuân lệnh của Gaddfi ném bom vào các khu vực khai thác dầu hỏa tây nam của Benghazi, thành phố lớn thứ 2 của Libya.

Hai phi công đã bất tuân lệnh, nhảy dù ra khỏi chiến đấu cơ và để cho phi cơ rớt.

Mặt dù lên tiếng đe dọa sẽ gia tăng trấn áp, Muammar Gaddafi đã mất thêm quyền kiểm soát ở nhiều nơi sau khi đã mất vùng đông Libya. Đoàn biểu tình tại Misurata thuộc miền tây Libya tuyên bố làm chủ tình hình và các sĩ quan quân đội đã đồng ý đứng về phía nhân dân.

Về mặt ngoại giao, tổng thống Peru – ông Alan Garcia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Libya sau khi lên án Gaddfi đã tấn công và tàn sát người dân biểu tình.

Bộ trưởng ngoại giao của Botswana cũng tuyên bố tương tự và kêu gọi chính quyền Libya tôn trọng sự bày tỏ chính kiến ôn hòa của người dân.

Tại Pháp, tổng thống Nicolas Sarkozy kêu gọi Cộng đồng chung Âu châu có biện pháp trừng phạt thích ứng, trong đó bao gồm việc kết án lãnh đạo Libya về những hành động dã man đối với con người, theo dõi tài chánh của tập đoàn cầm quyền.

Cộng đồng chung châu Âu đã hoàn tất bản nháp 2 ngày trước khi một phiên họp bất thường sẽ được tổ chức tại Geneva, Thụy sĩ để đối phó với tình hình Libya. Điểm đặt biệt là Jordan, Qatar và Palestine đã đồng ý sẽ ký vào văn kiện lên án chính phủ Gaddafi, một hành động vô cùng hiếm hoi cho thấy sự hỗ trợ lâu đời của các nước Ả rập dành cho Gaddfi đã không còn.

Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) báo cáo ít nhất đã có 233 người chết. Phụ tá đại sứ Ibrahim Dabbashi của Libya thì cho rằng con số có thể lên đến 800 người.

Tại Iran tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bắt đầu có động thái “hòa hoãn” khi khuyến khích các n: trước trong vùng hãy lắng nghe nguyện vọng của người dân và tự hỏi làm sao mà những người cầm quyền có thể tàn sát dân chúng của mình bằng súng ống và xe tăng?!

Tại Saudi Arabia, vua Abdullah tuyên bố sẽ để ra 10,7 tỷ đôla nhằm phục vụ người dân trong đó có ngân quỹ để gia tăng 15% mức lương của công nhân viên nhà nước, giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên và sinh viên đi du học.

Về phía quần chúng biểu tình “bức tường sợ hãi” đã sụp đổ. “Bây giờ chúng tôi đã có thể mở miệng nói! Bức tường sợ hãi đã sụp. Ngay cả sau những tàn sát giết chóc, không còn ai sợ nữa. Số đông càng ngày càng gia tăng”. Một người dân Libya đã nói với phóng viên CNN.

Hệ thống internet đã bị cắt đứt hoàn toàn. Người dân chuyển sang thông tin cổ điển: truyền miệng.

Dân Làm Báo tổng hợp và cập nhật

Cập nhật 23.02: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Libya và hàng loạt viên chức cao cấp từ nhiệm và đứng về phía quần chúng.

Bộ trưởng BNV Abdul Fattah Younis al Abidi cho biết ông đã từ nhiệm vào thứ hai vừa qua sau khi hơn 300 người dân Libya đã bị giết chết trong vòng 3 ngày. Ông lên án Muammar Gaddafi đã chủ mưu đàn áp người dân trên một bình diện rộng lớn.
“Gaddafi đã nói với tôi rằng ông ta dự trù dùng chiến đấu cơ để tấn công dân chúng tại Benghazi và tôi đã nói với ông ta là hàng ngàn người sẽ bị sát hại nếu ông ta thực hiện điều đó”.

Ông Adibi tuyên bố sẽ hỗ trợ người dân và cuộc cách mạng xuống đường của họ.

Là người biết rõ Gaddfi từ năm 1964, ông Adibi nói rằng Gaddafi là một con người cứng đầu và sẽ không nhượng bộ. “Ông ta có thể tự tử hay bị giết”. Ông cũng tiên đoán cuộc cách mạng sẽ thành công trong thời gian vài ngày hoặc có thể tính bằng giờ. Hiện tại, đã có nhiều cảnh sát tại Tipolu đã đào nhiệm và đứng vào hàng ngũ của nhân dân.

Ngoài ông Adibi, đại sứ Libya tại Bangladesh, ông A.H. Elimam, đại sứ Ali el-Essawi tại Ấn Độ, đại sứ Bubaker al-Mansori tại Malaysia, đại sứ Musbah Allafi tại Úc, đại sứ Salaheddin M. El Bishari tại Indonesia, đại sứ Abdel Moneim al-Houni của khối Ả Rập, nhân viên ngoại giao cao cấp Hussein Sadiq al Musrati tại Trung Quốc cũng đã từ nhiệm, lên án Gaddfi và đứng về phía người dân. Trước đó, Đại sứ Libya tại Hoa Kỳ, ông Ali Aujali đã lên tiếng chính thức kêu gọi Gaddafi từ chức.





Dân Làm Báo cập nhật theo CNN

*

Dân Làm Báo – Muammar Gaddafi đã xuất hiện trên đài truyền hình Libya vào ngày thứ ba 22 tháng 2. Trong bài diễn văn dài hơn 1 giờ ông đã tuyên bố nhất định không từ bỏ quyền lực… Một nhóm Facebook đã kêu gọi “Một Ngày Giận Dữ” tại Libya đã bắt đầu với 4400 thành viên hôm thứ hai và gia tăng thành 9600 thành viên vào thứ tư tuần trước. Đây là mô hình phỏng theo cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập và đã một lần nữa châm ngòi cho sự bừng dậy của người dân Libya…

*

Ông Gaddafi năm nay 68 tuổi và đã cai trị Libya gần 42 năm. Sau 8 ngày nổi dậy của người dân đòi hỏi tự do và giải quyết tình trạng thất nghiệp, Gaddafi đã mất quyền kiểm soát miền đông Libya cũng như sự ủng hộ của nhiều chính giới.

Xuất hiện trên đài truyền hình ông Gaddfi tuyên bố:

“Đây là quốc gia của tôi, quốc gia của cha ông tôi và tôi sẵn sàng chết như một anh hùng cách mạng / thánh tử đạo“. Ông Gaddafi tuyên bố rằng ông đã đem lại vinh quang cho Libya – “Muammar Gaddafi là lãnh đạo của cách mạng Libya, tôi không là một tổng thống sẽ bước xuống, đây là quốc gia của tôi, Muammar sẽ không là một tổng thống rời khỏi ngôi vị”.

Chụp mũ cho những người biểu tình là “những con chuột điệp viên của tình báo nước ngoài, những con gián và những tên lính đánh thuê, những kẻ hèn nhát và phản bội”, ông Gaddafi nói rằng những kẻ hợp tác với các thế lực thù địch bên ngoài, vũ trang chống lại đất nước sẽ bị xử tử.

“Thế giới hãy ngước nhìn lên Libya. Những người biểu tình phản đối là những kẻ phục vụ cho ma quỷ… Tôi chưa ra lệnh dùng vũ lực, chưa ra lệnh bắn một viên đạn nào… nhưng khi mà tôi ra lệnh, tất cả mọi thứ sẽ bị thiêu hủy!”.

“Những ai yêu mến Gaddafi hãy bước ra khỏi nhà để ủng hộ tôi, đừng sợ đám băng đảng ấy. Hãy bước ra và tấn công chúng nó… Hãy kéo con cái các bạn từ đường phố trở về nhà, bọn chúng đang thuốc và làm say con cái các bạn… Nếu cần thiết, chúng ta sẽ sử dụng bạo lực, theo đúng quy định của hiến pháp và luật quốc tế… Bất cứ ai đang giở trò phá hoại đoàn kết quốc gia sẽ bị xử tử và chung số phận như trường hợp Thiên An Môn…” Gaddafi vừa đập bàn vừa nói.

Một nhà đối kháng cho biết rằng nhiều thanh niên đã bị lôi ra ngoài đường để xem buổi nói chuyện của ông Gaddafi trên TV công cộng để làm hình ảnh tuyên truyền đây là những người ủng hộ ông ta.



Tuy nhiên, các quan sát viên nhận định rằng quyền lực thống trị của Gaddafi đang bị suy giảm trầm trọng. Tại miền đông Libya, nhiều binh lính, cảnh sát đã đứng về phía đối lập và quân đội trong thường phục canh giữ đường phố trong khi lực lượng chống đối đã làm chủ tình hình.

Đại sứ Libya tại Hoa Kỳ, ông Ali Aujali đã lên tiếng chính thức kêu gọi Gaddafi từ chức. Ông Ali là một trong nhiều chính giới Libya, trong đó có phụ tá đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Dabbashi, chọn thái độ đứng về phía nhân dân. Một viên chức cao cấp đang công tác tại Bắc Kinh, ông Hussein Sadiq al Musrati đã từ nhiệm và gia nhập vào đoàn biểu tình của sinh viên trước tòa đại sứ Libya ở Bắc Kinh.

ông Ibrahim Dabbashi kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa ra nhiều biện pháp can thiệp bao gồm việc phong tỏa không phận Tripoli nhằm ngăn ngừa Gaddafi gia tăng củng cố lực lượng quân đội với mục tiêu tàn sát dân lành.

Cho đến nay, ước lượng số tử vong đã lên đến khoảng từ 300-500 người, khoản 1000 người bị mất tích. Chính quyền Libya phủ nhận việc ra lệnh quân đội sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng tại Tripoli nói rằng quân chính phủ đã bắn “vô tội vạ” vào những người biểu tình, trực thăng và chiến đấu cơ đã bắn vào đám đông, đồng thời còn có sự tham dự của các thành phần “lính đánh thuê ngoại quốc” tham gia vào việc trấn áp và bắn giết dân chúng.

Tin mới nhất từ thông tấn Al Jazeera tường thuật cảnh sát đã xả súng bắn vào một đám ma của một người biểu tình bắn chết trước đó và giết chết 15 người, làm bị thương nhiều người khi làn sóng phẫn nộ chống lại Gaddafi dâng cao.





Lực lượng cảnh sát cơ động đã trấn giữ toàn bộ vùng Fashloom của thủ đô Tripoli và bắn vào bất cứ người nào di chuyển trên đường phố, ngay cả những người đi tìm xác người thân. Một nhà đối lập cho biết những người đi lấy xác đã được bảo rằng không thể lấy xác lúc này trừ khi họ đồng ý ký một văn bản xác nhận người thân chết vì “giải phẩu”.

Trong khi đó, hệ thống internet đã bị cắt, tê liệt trên toàn bộ các thành phố thuộc vùng sa mạc Sahara. Đây là vùng còn nằm trong tầm kiểm soát của Gaddafi.

Số người sử dụng internet tại Libya là 6%, trong khi tại Ai Cập là 25% dân số.

Thông tấn Al-Jazeera tường thuật rằng Facebook đã được dùng để phối hợp sự bắt đầu của các cuộc biểu tình chống đối và đã bùng nổ kể từ ngày 17 tháng 2. Cũng theo Al-Jazeera thì Libya là một quốc gia nơi mà mọi sự bày tỏ, chống đối ở công cộng vốn rất là hiếm hoi, vì thế mọi kế hoạch chuẩn bị biểu tình đều được thực hiện qua hệ thống mạng xã hội Facebook và Twitter.

Một nhóm Facebook đã kêu gọi “Một Ngày Giận Dữ” tại Libya đã bắt đầu với 4400 thành viên hôm thứ hai và gia tăng thành 9600 thành viên vào thứ tư tuần trước. Đây là mô hình phỏng theo cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập và đã một lần nữa châm ngòi cho sự bừng dậy của người dân Libya.

Dân Làm Báo tổng hợp, cập nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét