Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Muốn liên kết thành sức mạnh, phải chấp nhận sự khác biệt của nhau

Ngụ ngôn «những người mù rờ voi» của Đức Phật, hầu như ai cũng biết. Những người mù này cùng nói chuyện về con voi, ông nào cũng lấy làm lạ khi nghe những người mù khác tả con voi khác hẳn với kinh nghiệm của mình, nên ai cũng cho rằng những người kia bịa chuyện, nói láo. Ông mù nào cũng đều đã tận tay mình rờ vào con voi nên ông nào cũng quả quyết cái biết của mình về con voi là chân thực, nên quyết bảo vệ cho bằng được cái biết của mình. Kết quả là họ đánh nhau sứt đầu chảy máu. Những người sáng mắt ở ngoài cuộc đều thấy rằng ông mù nào cũng đúng, nhưng chẳng ông nào biết được con voi cách toàn diện.

Tình cảnh như vậy vẫn thường xảy ra trong rất nhiều lãnh vực của đời sống, đặc biệt trong lãnh vực chính trị. Cùng theo đuổi một mục đích chính trị như nhau, nhưng mỗi người nhận định vấn đề mỗi khác, mỗi tổ chức nhìn thời cuộc mỗi cách. Ai cũng cho nhận định của mình là đúng và có khuynh hướng cho những nhận định khác với mình là sai, là bịa chuyện. Nhiều người còn nặng lời với những người có quan điểm khác với mình, cho rằng họ ngu xuẩn, dối trá, thậm chí chụp mũ họ là phe địch. Kết quả là sát phạt nhau lỗ đầu sứt trán. Khi hành động như thế, ai cũng cho mình là đúng, là làm vì thiện chí, vì lương tâm, vì lòng thành với quốc gia dân tộc.

Trước một cái dĩa hay cái chén, kẻ bảo nó lồi, người lại nói nó lõm. Sao vậy? Vì mỗi người nhìn từ một góc độ khác nhau: người thấy mặt ngửa, kẻ thấy mặt úp. Trước một sự vật, có hàng trăm vị thế khác nhau để nhìn vào sự vật ấy: từ phải, từ trái, từ trước, từ sau, từ trên, từ dưới, và từ rất nhiều vị thế khác ở giữa những vị thế chính ấy. Những cái thấy từ những cái nhìn ấy thường khác nhau, có những khi ngược hẳn nhau như trường hợp trước cái chén hay cái dĩa, kẻ nói lồi người nói lõm. Bảo người này đúng, người kia sai thì có thể là chưa thấy được toàn diện sự vật.

Đã thấy khác nhau, ắt phải quan niệm, suy nghĩ và hành động khác nhau. Bắt mọi người phải thấy giống mình, suy nghĩ và hành động giống mình là chuyện hết sức phi lý, dễ dẫn tới ẩu đả, sát phạt, thù hận nhau.

Nhìn vào vũ trụ với vô số loại hữu thể khác nhau, mỗi loại lại có hàng ngàn thứ khác nhau, mỗi thứ lại có hàng triệu cá thể khác biệt nhau, ta sẽ nhận ra sự khác biệt là lẽ tự nhiên trong vũ trụ. Cũng thế, trong xã hội, cách riêng trong lãnh vực chính trị, sự khác biệt về quan niệm, cách suy nghĩ , cách nhìn vấn đề và đường lối hành động giữa người này với người kia là chuyện tất yếu và tự nhiên. Có thấu hiểu như thế ta mới dễ dàng chấp nhận và “cho phép” người khác được nghĩ khác, chủ trương khác, hành động khác hoặc có đường lối khác với mình. Đó chính là tinh thần đa nguyên -mà rất nhiều người đang kiên quyết đấu tranh để đạt tới- nó ngược hẳn với tinh thần độc tài, độc đoán. Có chấp nhận khác biệt thì đời sống chung trong gia đình cũng như ngoài xã hội mới vui vẻ, hạnh phúc, hài hòa và đoàn kết. Không chấp nhận khác biệt sẽ phát sinh đủ mọi rắc rối, chia rẽ, đánh phá lẫn nhau.

Sự khác biệt nhau trong xã hội rất dễ hiểu:

− Mỗi người được sinh ra trong những môi trường, hoàn cảnh khác nhau, bởi những cha mẹ khác nhau, có những khuynh hướng bẩm sinh khác nhau, được giáo dục theo những phương hướng khác nhau, và trong quá trình sống có những kinh nghiệm và hiểu biết khác nhau…

− Sự hiểu biết của người ta cũng rất khác nhau: người biết 100 điều, kẻ biết 500, kẻ khác nữa biết 1000 điều. Làm sao suy nghĩ giống nhau được? Giữa những người chỉ biết 100 điều, thì 100 điều của người này khó mà giống với 100 điều của người kia. Khác nhau như vậy, làm sao quan niệm giống nhau được? Quan niệm đã khác nhau, làm sao chủ trương hay đường lối giống nhau được?

Ngay nơi một người, khi biết 100 điều thì suy nghĩ thế này, khôn ngoan kiểu này; nhưng khi biết 200 điều thì lại suy nghĩ thế khác, khôn ngoan kiểu khác. Nhiều trường hợp, chỉ cần biết thêm một điều nào đó, lập tức ta thay đổi cách suy nghĩ và quyết định cách khác ngay. Nhiều trường hợp ta thay đổi ý kiến hết sức dễ dàng, nhanh chóng, và cho rằng ý kiến cũ của mình là sai. Khi nhỏ ta nghĩ một đằng, khi lớn ta nghĩ đằng khác. Lúc nghèo, ta nghĩ thế này là đúng; khi giàu, ta lại nghĩ khác và cho rằng lúc trước mình đã nghĩ sai. Ngay cả những tập thể lớn như những đảng phái chính trị, các tôn giáo, thậm chí cả nhân loại, cũng có khi thay đổi quan niệm, nghĩa là nhận ra quan niệm cũ của mình là sai hoặc không thích hợp nữa. Thế nhưng lạ thay, khi đưa ra một ý kiến hay lập trường nào đó, tự nhiên ta có khuynh hướng bảo vệ nó đến cùng, làm như nó không thể sai hay không thể thay đổi. Ai phản bác ta thì ta nổi sùng lên.

Quan niệm và lập trường khác biệt nhau thường tạo nên xung đột, tranh cãi. Đó là chuyện rất thường tình. Vấn đề là cách nhìn và cách giải quyết những khác biệt hay xung đột ấy có khôn ngoan và mềm dẻo hay không, có dùng phương tiện ôn hòa để giải quyết hay không.

Điều khá lạ lùng và phi lý nơi nhiều dân tộc là: dẫu chỉ khác biệt nhau trên bình diện ý tưởng, lập trường là người ta đã loại trừ nhau, không thể hợp tác với nhau, thậm chí còn coi nhau như thù địch. Nếu có xung đột và mâu thuẫn về quyền lợi, hẳn nhiên chiến tranh sẽ xẩy ra rất tàn khốc. Những dân tộc này quả khó mà xây dựng được một thể chế dân chủ đa nguyên, khó mà có được hòa bình lâu dài.

Thật ra, Trời sinh ra con người khác biệt nhau để họ cần lẫn nhau, bổ túc cho nhau, để từ đó yêu thương và hợp tác với nhau. Trong gia đình, người cha và người mẹ nhờ có cách nhìn khác nhau, quan niệm khác nhau, khuynh hướng khác nhau mà bổ túc lẫn nhau trong việc nuôi con và chăm sóc gia đình. Nhưng nếu không khôn khéo thì sự khác biệt ấy lại là cớ sinh ra bất hòa trong gia đình.

Cách lý tưởng và khôn ngoan để giải quyết xung đột và mâu thuẫn do khác biệt nhau là đối thoại. Đối thoại để hiểu nhau, để nhận ra sự hữu lý của nhau, khả năng bổ túc lẫn nhau, và cùng tìm ra một giải pháp có lợi cho cả đôi bên. Nếu cứ giải quyết bằng cách tránh xa nhau, loại trừ hay tiêu diệt nhau, thì cả hai bên đều bị thiệt hại.

Trong cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản hiện nay, việc vượt lên trên những khác biệt của nhau để thấy được cái toàn diện là tổng thể những khác biệt ấy, để thấy được sự cần thiết phải hợp tác hầu bổ túc cho nhau là yếu tố tối cần thiết để có sức mạnh tổng hợp hầu đi đến thành công.

Houston, 23-3-2011.

Nguyễn Chính Kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét