Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Những nguy cơ lớn về chính trị đáng chú ý ở Việt Nam


John Ruwitch-Biên tập: Daniel Magnowski-Ngày 1-3-2011

Hà Nội – Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ 6,8% trong năm 2010, nhưng chi phí cho điều đó là ổn định chính trị. Lạm phát đã tăng vọt lên mức hai con số, đồng nội tệ tiếp tục mất giá.
Cả ba công ty đánh giá xếp hạng lớn – Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s – đều hạ thấp điểm tín nhiệm của Việt Nam năm 2010, làm nổi bật những rủi ro kinh tế vĩ mô và nhấn mạnh các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế của nước Đông Nam Á này, nơi từng một thời là môi trường đầu tư được ưa thích. Các nhà phân tích cho rằng, ở một chừng mực nào đó, lỗi nằm ở chính sách.

Dưới đây là bản tóm tắt những rủi ro chính cần chú ý ở Việt Nam:

HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH KINH TẾ VĨ MÔ

Hoạt động hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam diễn ra chủ yếu trong “hộp đen” (nghĩa là bí mật – ND), và đã trở thành mối lo ngại chính đối với nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư.

Sau khi để cho giá cả tăng lên mức hai con số mà hầu như không có hành động gì ngoài những tuyên bố hùng hồn chống lạm phát, và để cho tiền đồng suy yếu đi bên ngoài biên độ dao động chính thức trong suốt hơn 4 tháng, chính quyền mới bắt đầu đi bước đầu tiên nhằm sửa chữa tình trạng kinh tế, bằng cách phá giá nội tệ vào ngày 11-2.

Cả tuần sau đó ngân hàng trung ương làm các nhà kinh tế, các nhà đầu tư phải tự hỏi liệu việc phá giá chỉ xảy ra một lần, hay nối tiếp nó sẽ là một loạt hành động nhằm giữ giá trị tiền và hạ thấp lạm phát?

Ngày 17-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 200 điểm cơ bản. Vài ngày sau đó, họ tiếp tục một đợt tăng lãi suất lớn nữa. Rồi lại vài ngày sau, thủ tướng chính thức phê chuẩn một gói các biện pháp tiền tệ và tài khóa để giảm lạm phát và đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn (right the listing economy).

Nhiều nhà kinh tế hy vọng lạm phát từ giờ sẽ giảm đi, trong khi đó các ý kiến chỉ trích cho rằng mục đích của chính phủ lẽ ra có thể được thực hiện hiệu quả hơn nếu họ công bố cả gói giải pháp ngay lập tức.

Câu hỏi ám ảnh đối với nền kinh tế là: một khi lạm phát đã nằm trong tầm kiểm soát, liệu chính quyền vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới có quay trở lại với đường lối ưu tiên tăng trưởng, chỉ để trở lại điểm xuất phát của họ?

Cần quan sát gì?

– Theo dõi hàng loạt biện pháp giảm lạm phát và ổn định nền kinh tế.

– Lãi suất hợp đồng hoán đổi nợ xấu.

– Khoảng cách giữa tỷ giá USD/VND trên thị trường chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng – là công cụ chính đo áp lực lên nội tệ.

– Các bước hành động do chính quyền tiến hành nhằm cắt giảm thâm hụt mậu dịch.

TÍNH HIỆU QUẢ CỦA CÁC CUỘC CẢI CÁCH LỚN DO CHÍNH PHỦ TIẾN HÀNH

Theo các nhà phân tích, giới lãnh đạo Việt Nam phải xúc tiến những chương trình cải cách chủ yếu để duy trì được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong dài hạn và để tăng cường sức khỏe của nền kinh tế. Chính phủ đã lên kế hoạch cho những cải cách đó rồi; thành công sẽ được đo bằng mức độ thực hiện tới đâu.

Nạn quan liêu, thủ tục hành chính bị coi là rào cản phi mậu dịch lớn nhất của Việt Nam, ngăn trở các dự án và gây trở ngại cho hoạt động thương mại. Một sáng kiến rất tham vọng của chính phủ nhằm giảm một phần ba số thủ tục hành chính đã phân loại được hàng nghìn, hàng nghìn thủ tục như vậy. Vẫn còn phải chờ xem cái giai đoạn “phát quang” (slash and burn, nghĩa là “đốt rừng làm rẫy”, chỉ sự mới bắt đầu – ND) trong chiến dịch này sẽ diễn ra như thế nào.

Tình trạng gần như phá sản của tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin chiếu rọi một chùm sáng vào cuộc cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, và gánh nặng nợ nần của Vinashin đã đưa đến việc một số ngân hàng bị trừ điểm tín nhiệm.

Các quan chức kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực cạnh tranh cốt lõi của mình, và một số doanh nghiệp như thế đã bắt đầu rút dần hoạt động dàn trải của các công ty con. “Cổ phần hóa” (hay là tư nhân hóa từng phần) các doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần phân biệt ít nhiều vai trò quản lý của chính phủ với vai trò kinh doanh.

Cần quan sát gì?

– Các biện pháp cụ thể nhằm giảm thủ tục hành chính.

– Sự rút lui mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp nhà nước khỏi những lĩnh vực kinh doanh không phải là cốt lõi của họ.

– Đẩy mạnh “cổ phần hóa” doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động IPO (nghĩa là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu – ND) và thông qua những quan hệ đối tác chiến lược.

THAM NHŨNG

Tham nhũng, một thứ dịch bệnh ở Việt Nam, là rào cản lớn nhất đối với đầu tư nước ngoài. Chính quyền thường xuyên nhắc lại cam kết chống tham nhũng và khuyến khích báo chí đóng vai trò nhà quan sát; nhưng có những nhà báo đã bị bắt vào năm 2008 vì đưa tin về các vụ bê bối lớn.

Một loạt vụ án nhỏ được đề cập trên cơ quan truyền thông đại chúng quốc doanh, nhưng ít ai thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng vấn đề đang được nhìn nhận một cách nghiêm túc và hệ thống. Các tiến bộ đạt được trong việc chống tham nhũng sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định độ hấp dẫn đầu tư trong dài hạn. Tình hình nếu không được cải thiện sẽ tiếp tục ngăn trở đầu tư và làm xói mòn tình cảm của dân chúng đối với chính phủ.

Trong bảng xếp hạng chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2010 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), vị trí của Việt Nam tăng nhẹ từ 120 của hai năm trước lên 116, cho thấy ít có thay đổi nào về mức độ tham nhũng.

Cần quan sát gì?

– Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng. Một sự cải thiện mạnh mẽ hoặc sa sút mạnh mẽ đều có thể ảnh hưởng tới đầu tư dài hạn, mặc dù chắc chắn phải có những thay đổi căn bản, diễn ra ngấm ngầm.

BẤT ỔN XÃ HỘI

Thường xuyên có những tường trình về các vụ bất ổn xã hội ở Việt Nam, chủ yếu là các tranh chấp về lao động và đất đai.

Trong số những cuộc biểu tình gần đây, có một vụ ở tỉnh Hà Nam, gần Hà Nội, chống việc chính quyền lấy đất để xây dựng khu công nghiệp. Vụ việc này xảy ra sau một số cuộc biểu tình ở nơi khác, hồi năm ngoái.

Cách đây ba năm (ý tác giả là năm 2007 – ND), ở Hà Nội đã xảy ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tranh chấp chủ quyền đảo trên Biển Đông, một chủ đề tái xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn và tần suất những vụ lính tuần tra Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam có vẻ như ngày càng tăng.

Hiện thời không có bằng chứng cho thấy bất ổn chắc chắn sẽ lan rộng hay sắp có nguy cơ chế độ đảng trị bị kình chống từ bên dưới.

Cần quan sát gì?

– Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phong trào phản đối lớn rộng hơn trên bình diện quốc gia sẽ nổ ra, bắt nguồn từ những tranh chấp ở địa phương. Cho tới nay, điều này dường như không có khả năng xảy ra.

– Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Vấn đề này rất căng thẳng ở Việt Nam, nước vốn có mối ngờ vực sâu sắc đối với Trung Quốc. Thái độ quyết liệt ngày càng hung hãn của Trung Quốc khi nói về chủ quyền đối với những hòn đảo còn đang tranh chấp trên Biển Đông, hay sự yếu thế mà Việt Nam tự ý thức được về mình trong vấn đề này, có thể kích động những cuộc biểu tình lớn hơn nữa.

– Vai trò của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Người Thiên Chúa giáo đã tham gia vào những cuộc biểu tình thường xuyên xoay quanh việc chính phủ trưng thu đất nhà thờ, sau năm 1954. Nhà thờ ở Việt Nam, trong khi vẫn chính thức tránh xa chính trị, có tới 6-7 triệu tín đồ và họ được tổ chức rất tốt.

– Giá của những hàng hóa nhạy cảm. Đã có báo cáo về những vụ nông dân trồng cà phê – những người bị thua lỗ khi nhà phân phối hạt cà phê bị khánh kiệt vào đầu năm nay – đập phá nhà ở và cơ sở kinh doanh của đại lý mua sản phẩm. Giá hàng hóa trên thế giới cao cũng sẽ kích thích lạm phát tăng thêm.

Người dịch: Đan Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét