Pages

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Đời sống công chức thời giá cả “leo thang”


Nguyễn Mạnh Hà (Dân trí) – Từ cuối năm 2010, do sự biến động của thị trường thế giới, lạm phát bắt đầu tăng, kéo theo nhiều nỗi khổ cho người lao động, viên chức, người có thu nhập thấp.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Quốc Th. đang tạm trú tại Khối 9 – Phường Thạch Quý – Thành phố Hà Tĩnh trong một căn phòng chật chội, chỉ vẹn vẻn 15m2. Cả nhà anh quây quần bên nhau trong ngày cuối tuần mưa rét. Đứa bé chập chững, bi bô, chơi những đồ chơi vung vãi giữa sàn nhà. Tiếp chúng tôi với một thái độ hòa nhã, vui vẻ, anh Th. cho biết: “Tôi và vợ tôi đang làm việc trong một cơ quan nhà nước (xin được dấu tên). Tôi đã làm việc được 4 năm, vợ tôi làm việc được gần 3 năm. Thu nhập của gia đình tôi ngoài số tiền lương tổng cộng là 3.600.000đ ra không có gì khác. Vậy mà nhiều việc phải… chi quá anh ạ!”.

Theo công bố của Tổng Cục Thống kê, lạm phát năm 2010 là 11,75%. Cũng theo cơ quan này, tháng 3 – 2011, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,17%, hết quý I năm 2011 CPI đạt 6,12% trong khi Quốc hội đề ra chỉ tiêu lạm phát năm 2011 là 7,5%, nghĩa là CPI quý I đã ở mức gần chạm trần. Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, lạm phát năm nay của Việt Nam sẽ rất khó đạt dưới mức 2 con số do đồng tiền bị mất giá mạnh, mặc dù chúng ta đang quyết liệt “thắt lưng buộc bụng” thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội với 5 nhóm giải pháp.

Điều này cho thấy, lạm phát vẫn là một thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Nhìn trên thị trường miền Bắc, giá cả tất cả các mặt hàng đều vùn vụt thi nhau tăng. Nếu trước đây, một bó rau khoai chỉ giá 3.000 đồng thì giờ đã lên 6.000 đồng; một lạng thịt ba chỉ 6.500 đồng lên 10.000 đồng; thậm chí có những mặt hàng đã tăng tới 8 lần so với thời điểm trước khi lạm phát. Một suy nghĩ bất chợt lướt qua trong đầu chúng tôi đó là tính toán các khoản chi tối thiểu của một người thu nhập thấp để thấy chất lượng cuộc sống của họ. Từ đây để nhìn nhận về giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.

Nếu tính thu nhập của một gia đình như gia đình anh Th. kể trên thì rõ ràng là không thể đủ chi tiêu trong vòng 15-20 ngày đối với một gia đình có tới 3 thành viên, nuôi thêm một người giữ trẻ. Theo lời của anh Th., các khoản chi tối thiểu của gia đình anh chị là: 900.000 tiền nhà, điện, nước; 1.200.000 tiền thuê người giữ trẻ; 400.000 tiền sữa cho con; 600.000 tiền xăng xe 2 vợ chồng; 400.000 tiền điện thoại; 1.500.000 tiền ăn uống, vượt thu tới 1400,000. Tất nhiên là không thể tính toán hết các khoản chi trong một tháng của một gia đình (chẳng hạn như thăm hỏi, hiếu hỉ, thuốc chữa bệnh, đồ dùng sinh hoạt), nhưng chừng đó cũng đủ biết “thu bất cập chi” đang là bài toán khó giải cho người thu nhập thấp.

Trong khi đối chiếu với luật “bất quy tắc” của thị trường, mỗi khi Chính phủ đề ra phương án tăng lương và tiến hành lộ trình thực hiện thì lập tức thị trường tăng giá bất kể các biện pháp của các ngành chức năng. Nghĩa là giá cả thị trường thường tăng trước khi tăng mức lương tối thiểu, thường là khoảng 5-6 tháng. Trong khi nếu đối chiếu giữa tăng mức lương tối thiểu và tăng giá cả các mặt hàng thì mức lương tối thiểu tăng hoàn toàn không đủ để chi phí các phần tăng của các sản phẩm.

Đây là khó khăn thực sự làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy đối với mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình công chức, người lao động, nông dân, người thu nhập thấp như anh Th. kể trên. Về tầm vĩ mô, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình dự án, mà trước mắt là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng nông thôn mới, các chương trình giáo dục – đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, các chương trình đảm bảo an sinh xã hội .

Nguyễn Mạnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét