Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

PHẢI CHĂNG NHÀ VĂN TRẦN MẠNH HẢO LÀ MỘT NGƯỜI “LÁ MẶT, LÁ TRÁI?

Dẫn nhập: Trong văn học Hoa Kỳ có truyện “Dr. Jekyll and Mr. Hyde” của nhà văn Robert Louis Stevenon (1886) là một truyện nổi tiếng và rất phổ biến ở Mỹ, mô tả một nhân vật có 2 bộ mặt trái ngược, một là bác sĩ Jekyll thì rất đàng hoàng tử tế nhưng khi bác sĩ Jekyll trở thành ông Hyde (dấu mặt Jekyll) thì y rất tàn bạo, bất nhân, xấu xa đủ thứ – Mỹ gọi là a good-evil dichotomy tức là một kẻ “lá mặt lá trái”.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo đang có những bài viết phê bình về các quyển sách bôi nhọ lịch sử của một số nhà văn trong nước được đăng tải trên một số diễn đàn điện tử tại hải ngoại.

Mới đây, chúng tôi vừa nhận được bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Thái Lai về nhà văn Trần Mạnh Hảo được phổ biến trên diễn đàn điện tử.

Xin nhờ Báo Tổ Quốc phổ biến để rộng đường dư luận.

NGUYỄN THIẾU NHẪN

Chân tướng Trần Mạnh Hảo:

MÈO ĐEN… MÈO TRẮNG…

Nguyễn Thái Lai

“Em yêu Đảng lắm mà tụi nó không cho em yêu… hu hu… “

Vào đêm trưỡc của thời “cởi trói”, tại Trại sáng tác văn học Vũng Tàu do Hội Nhà văn VN tổ chức vào năm 1983, xuất hiện một nhân vật “phản tỉnh” với lời ăn tiếng nói rất bặm trợn: chửi lớp nhà văn tiền chiến đi theo cách mạng là “cảnh sát văn nghệ”, ví mặt Lê Duẩn như… miếng thịt trâu … và nhất là với bài thơ “phản kháng” giọng điệu khá mạnh mẽ: “Khóc Nguyên Hồng”.

Nhân vật đó chính là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, rất nổi tiếng với câu thơ chân dung: “Trường Sơn của bé còn tiền của anh… “ ( “Trường Sơn của bé” là tên một tập thơ của Trần Mạnh Hảo). Gọi Trần Mạnh Hảo là nhân vật “phản tỉnh” là vì trước đó anh ta rất… cách mạng, hồi còn ở trong “rừng” chính Trần Mạnh Hảo đã viết thư nặc danh tố cáo nhà thơ Thanh Thảo làm thơ “phản động” qua bài “ Thế hệ chúng tôi nói về chúng tôi” khiến anh này phải đi tù mấy năm.Gọi Trần Mạnh Hảo là nhà thơ “ phản tỉnh” là vì trước đó anh ta làm thơ chửi Mỹ, ca ngợi Đảng rất hăng hái. ấy thế rồi thật chẳng ai ngờ, sang thời đổi mới, Trần Mạnh Hảo “quay cờ” viết một tiểu thuyết, văn chương thì xoàng, nhưng nội dung thì chửi Đảng, chửi văn học cách mạng rất sâu cay: “Suốt 30 năm qua, ông đã bịa ra bao nhiêu chuyện nhưng vẫn chỉ là tô vẽ theo ý đồ của kẻ khác, bất chấp sự thật, chỉ cốt vừa lòng cấp trên … Đó là thứ văn chương xu thời, bẻ cong ngòi bút, viết cho kẻ cầm quyền đọc chứ nào phải cho nhân dân…Suốt 30 năm qua… tôi đã ra hàng ngàn trang sách, toàn những chuyện dông dài, vô bổ cốt tô son vẽ phấn vào cái bộ mặt tèm lem… ““ Chính kiến cá nhân thời đó đối với chúng tôi thật nguy hiểm, khi chỉ có tổ chức mới độc quyền chân lý mà thôi… “.

Viết như vậy, Trần Mạnh Hảo đã xổ toẹt cả một quá trình “tham gia văn nghệ giải phóng” mà anh ta vẫn tự hào, chối bỏ cả những thơ ngắn thơ dài ca ngợi Đảng, Bác đã làm trước đó. Kể từ sau khi “bỏ Chúa” đi làm cách mạng như Trần Mạnh Hảo vẫn tự khoe, thì đây là lần “quay cờ thứ hai”, bán cộng sản đi theo “hải ngoại”. Cuốn truyện “Ly thân” ngay lập tức đã đưa Trần Mạnh Hảo vào danh sách những nhà văn “phản kháng” hàng đầu. Đài, báo hải ngoại không tiếc lời “tung hô” tinh thần “chống cộng” mạnh mẽ của một nhà thơ đảng viên cộng sản.

Thừa thế xông lên, Trần Mạnh Hảo viết bài cho tạp chí Hợp Lưu, làm thơ “đọc chui”… và trong mấy năm liền, lâu lâu đài BBC, VOA, RFI và một số báo nước ngoài bốc thơm sướng cái lỗ tai, phổng cái lỗ mũi, ấy vậy mà “lợi lộc” xem ra… chẳng có gì, lại thêm bà vợ Việt kiều Pháp suốt ngày ca cẩm đức lang quân cứ chọc giận Nhà nước mãi thế này, không khéo mai kia nó cắt … visa thì mất cả chồng lẫn của nả ở Saigòn. Điều này đã khiến cho nhà thơ Trần Mạnh Hảo đâm ra… nghĩ ngợi. Mặt khác Nhà nước cũng chẳng chịu để yên cho “đứa con hư” cứ toang tác chửi “bố mẹ” mãi. Thế là trong dịp được cố Tổng bí thư gọi lên cho uống bia và trứng vịt lộn để “hỏi chuyện”, nhà thơ “Ly Thân” Trần Mạnh Hảo đã vứt bỏ mọi quan điểm “phản kháng” qua những tác phẩm anh ta đã viết để giở giọng ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ: “Dạ thưa đồng chí Tổng Bí thư, em muốn yêu Đảng lắm mà “tụi nó” không cho em yêu… “. “ Tụi nó” đây là Hội nhà văn TP HCM, công an văn hoá… những người lăm le ra roi trừng phạt cái tội Trần Mạnh Hảo “quay cờ”. Sau buổi cố Tổng bí thư NVL gặp Trần Mạnh Hảo, mọi cái roi giơ lên đều rụt lại hết. Thì anh ta có đòi gì đâu ngoài cái “quyền yêu Đảng” mắc mớ gì mà không cho anh ta “yêu” kia chứ. Tuy nhiên từ “ly thân” tới “tái hợp” cả hai bên cũng cần có thời gian. Mãi tới hơn một năm sau, Trần Mạnh Hảo mới dám bắn phát súng đầu tiên vào… “hải ngoại”, nơi anh ta đầu thú mấy năm nay. Trong một cuộc họp cộng tác viên ở NXB Trẻ, mọi người bật ngửa cả ra khi Trần Mạnh Hảo lên tiếng tố cáo “âm mưu diễn biến hoà bình” qua những “làn gió độc” hội nhập văn hoá. Dư luận xôn xao: “Sao thế? Sao Trần Mạnh Hảo lại nói thế?”, “Làm gì có chuyện đó, công an tung tin để phân hoá hàng ngũ các nhà văn “phản kháng” đây mà!

Tuy nhiên, sự thực vẫn là sự thực, dư luận lại quay sang cắt nghĩa sự đổi giọng đó. Có người cho rằng “Trần Mạnh Hảo như thế là “sáng suốt”, theo đuôi mấy “anh hải ngoại” thì “ăn cái giải” gì, về với Đảng, sẽ có bổng lộc nhiều lại chả hơn ư?”. Có người cho rằng công an văn hoá đã áp lực với vợ Trần Mạnh Hảo: “Visa của chị có được tái cấp hay không là tuỳ thuộc vào chồng chị… “, mà Trần Mạnh Hảo lại luôn vỗ ngực: “Tao sợ vợ tao chứ có sợ vợ… hàng xóm đâu mà xấu hổ”. Tuy nhiên phải đợi đến 1995, “lần thứ ba trở cờ” – thái độ bán “hải ngoại” về với “cộng sản” của Trần Mạnh Hảo mới lộ rõ. Trước đó anh ta đã mở tiệc tại tư gia, rộng cửa đón mời nào Anh Đức, nào Bảo Định Giang, Mai Quốc Liên, Trần Trọng Đăng Đàn… toàn những nhà văn, nhà phê bình “mác xít hơn cả những người cộng sản”, “Mao nhiều” hơn cả mấy anh “Mao-ít” ngoài Hà Nội, tóm lại toàn là những cỡ thành luỹ bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng tới hơi thở cuối cùng.

Và tuyên ngôn “trở cờ” đầu tiên của Trần Mạnh Hảo chính thức được đăng trên báo Sàigòn Giải Phóng, cơ quan của thành uỷ Đảng CS TP HCM ngày 13-8-1995 có tựa đề “Trước sự tẻ nhạt của phê bình”, trong đó kịch liệt phê phán cuốn sách “Những tín hiệu mới” của nhà phê bình trẻ Huỳnh Như Phương, vốn được liệt vào phe đổi mới.

Ngay từ phát súng đầu tiên này, Trần Mạnh Hảo đã chơi trò “gian lận trong trích dẫn” và vu vạ đối thủ “tội chính trị”. Chẳng hạn trong bài “Những tín hiệu mới”, Huỳnh Như Phương viết: “Thoáng thấy đâu đây xuất hiện một xu hướng mới trong một số cây bút trẻ mà tôi tạm gọi là xu hướng phá giới. Khi văn học bị kiềm toả bởi quá nhiều giới luật thì sự nảy sinh xu hướng đó là một điều dễ hiểu ở giới trẻ. Các thế hệ đi trước càn có sự thông cảm và bao dung đối với họ. Nhưng về phía người cầm bút trẻ, thiết nghĩ, văn học phá giới không phải là đích đến của sự sáng tạo… “. Chỉ có thế thôi, nhưng khi trích dẫn, Trần Mạnh Hảo đã cắt béng đi cái đuôi “văn học phá giới không phải là đích đến của sự sáng tạo” để lu loa lên rằng: “Huỳnh Như Phương đã xúi bẩy lớp trẻ xông thẳng vào tiến trình đổi mới của xã hội, vào tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức của dân tộc, vào quy định, khế ước của luật pháp mà phá giới… “. Chưa nói đến cái đuôi thò ra của học lực lớp 7 của Trần Mạnh Hảo khi anh ta đưa ra cái gọi là “khế ước của luật pháp”, chỉ nội cái “kiểu la làng “ vậy thôi cũng đủ nhà giáo kiêm nhà phê bình Huỳnh Như Phương phải toát mồ hôi hột. Rồi khi vớ được câu: “Giống như trong chuyện cổ về ông vua có tai lừa, văn học ta, nhiều năm qua, trong khi viết về xã hội đương đại, đã cố che đậy cái phần dị dạng nhức nhối nhất của bộ mặt hiện thực. Nhưng mặc dù những mũ mãng cân đai có được vẽ vời tô điểm đến mức nào, cái tai lừa vẫn nguyên vẹn là cái tai lừa… “, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nổi còi báo động: “Trong lúc tranh tối tranh sáng của một số hiện tượng cực đoan trong văn học khác nguỵ trang đổi mới, Huỳnh Như Phương nhanh nhảu kiếm được cái tai lừa dùng một thứ keo chợ chiều của lý luận văn học đổi mới, rồi vội vàng gắn lên nền văn học quá khứ (tức văn học chống Mỹ cứu nước) cái tai của con lừa thật… “. Thế là từ “hàng ngũ đổi mới”, Trần Mạnh Hảo đã nhảy phắt sang phe “bảo vệ Đảng” và lớn lối kết tội: “Thế thì xin hỏi ông Huỳnh Như Phương khi ông gán tai lừa cho cả nền văn học của một đất nước đau khổ suốt 30 năm bị ngoại bang xâm lược, rằng tai của ông đâu mà ông không nghe hàng triệu triệu tấn bom của giặc Pháp rồi Mỹ ném xuống quê hương ta, mắt của ông đâu mà ông không nhìn cảnh hàng triệu con người bị giết vì chiến tranh xâm lược… “. Oái trời ôi, đang từ một cây bút “ chửi Đảng” một cách sâu cay và trắng trợn loại nhất nhì, đùng một cái, Trần Mạnh Hảo đã giở giọng “chống Mỹ, cứu nước” sắt máu hơn cả đồng chí Tố Hữu kết tội Nhân văn Giai Phẩm ngày trước. Qua cái nón cối to tổ bố chụp xuống đầu nhà phê bình Huỳnh Như Phương, qua những “tuyên ngôn” gan vàng dạ sắt chửi rủa đổi mới, Trần Mạnh Hảo đã bày tỏ được nguyện vọng ngày trước đã trình bày với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Em muốn yêu Đảng lắm… “. Tín hiệu “trở cờ” của Trần Mạnh Hảo lập tức được bộ phận nhạy cảm nhất của nhà cầm quyền đón nhận. Và thế là từ nay, Trần Mạnh Hảo chính thức được trao cho cây roi của “anh gác chợ”, nghênh ngang một mình một cõi, lùng diệt những ai dám bày bán “hàng quốc lủi”, hàng phi quốc doanh, hàng lậu, hàng ngoài luồng… nói chung là những bài viết thực sự muốn đổi mới.

Con đê chắn sóng cho Đảng …

Nói cho ngay, cái “chợ văn” ở VN, thứ hàng lậu như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Đi tìm nhân vật “ của Tạ Duy Anh là thứ hàng hiếm, bị bắt ngay từ nơi sản xuất chứ chẳng mấy khi mang được vào chợ. Nếu chỉ nhăm nhăm vào những “hàng độc” vậy thì anh gác chợ Trần Mạnh Hảo… thất nghiệp! Bởi vậy chàng đành phải quay sang xăm xoi vào các thứ hàng quốc doanh, tuy có tem nhãn đàng hoàng nhưng cũng lục tung ra khám xét, dù có khi chỉ vài sơ xuất nho nhỏ, dù có khi chẳng thấy gì, nhưng chàng vẫn cư lu loa lên là… hàng kém chất lượng!

Chẳng hạn tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều dưới mắt Trần Mạnh Hảo chẳng khác gì hàng nội hoá lại mang kiểu dáng tây. “Sự” này, “sự” kia thì đúng là nói theo kiểu tây rồi còn gì, vậy thì còn đâu “tính dân tộc” như Đảng vẫn đòi hỏi, thế là cái roi gác chợ vung lên, Trần Mạnh Hảo phang ngay một bài trên báo “ Sự mất ngủ của lửa “ hay “bệnh ngủ của thơ” trong đó giở giọng chê bai: “Tập thơ viết lấy được… thiếu cảm xúc, thiếu hồn vía… tản mác… rời rạc… “. Đúng như một anh gác chợ lục giỏ đồ, Trần Mạnh Hảo tỉ mẩn đếm được… 25 lần khóc trong tập thơ. “Khóc khóc nhiều như vậy thì còn đâu là “tinh thần lạc quan cách mạng” mà Đảng vẫn yêu cầu! Thế là anh ta liền giở giọng “gác chợ”: “ Tôi không thể tin vào một con người trước mọi tình huống, mọi vấn đề đều chỉ biết một lối thoát duy nhất: ngẩn ra mà khóc””lăn đùng ra mà quằn quại” hoặc “ Sự khóc chỉ có thể là chính nó, nếu khóc đúng chỗ, đúng lúc… “. Nếu ngày xưa, khi “ly thân” với Đảng, Trần Mạnh Hảo chê bai cộng sản “lãnh đạo” cả cảm xúc con người, đến “ngắm trăng cũng phải ngắm trăng tập thể” thì nay, Hảo còn nghiệt ngã hơn cả Đảng, đòi “quản lý “ cả tiếng khóc sao cho … phải đạo!

Trong tập thơ “ Sự mất ngủ của lửa”, Nguyễn Quang Thiều có viết một bài cảm thông với thân phận đói và buồn:

“Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ

Tóc tai quần áo sặc mùi cá khô

Giấc mơ sẽ thế nào tron giấc ngủ thế kia..”

Cảm thông với tất cả, Nguyễn Quang Thiều hạ một câu thương xót:

“Nếu tôi lấy họ, tôi sẽ ngủ với họ như thế nào… “.

Chỉ có thế thôi, ấy thế mà “anh gác chợ” Trần Mạnh Hảo quy ngay tội rằng: đạo đức cách mạng để đâu mà đòi “ngủ” như thế rồi lu loa ầm lên: “Dâm đãng, thèm muốn đến lố bịch” và “Tôi như không thể tin vào mắt mình được nữa. Rằng người ta đã viết một cách tỉnh khô, thậm chí ra vẻ đau đớn và suy tư về một điều bất nhã, thậm chí nhảm nhí và bậy bạ biết nhường nào… “.

Hình ảnh “con chó” thường là huý kỵ trong văn thơ cách mạng. Ngày xưa, Kim Lân đã chết lên chết xuống về truyện ngắn “Con chó xấu xí”, Hoàng Hưng cũng đã tai tiếng với bài thơ “con chó đá” có “nỗi ngứa tiền kiếp, ngày nay, trong “ Sự mất ngủ của lửa”, Nguyễn Quang Thiều lại cũng “cả gan đưa ra “Bầy chó của tôi” với nỗi cảm thông thống thiết:

“Bầy chó gầy, bẩn thỉu, ốm đau

Ngày lùng sục kiếm ăn

Liếm cả lưỡi vào dao sắc ngọt

Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó

Con đến sau lại liếm máu bầy mình… “.

Và rồi ở chỗ khác Nguyễn Quang Thiều ước muốn:

“Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ

Để canh giữ nỗi buồn báu vật cố hương tôi… “

Chỉ có thế mà mắt anh gác chợ đã sáng lên. ái chà chà, Nguyễn Quang Thiều muốn xỏ xiên gì đây, tại sao đang là người lại muốn làm chó, tại sao “cách mạng là ngày hội “mà dám đưa ra “nỗi buồn” của “cố hương” tôi? Phải chăng thủ đoạn “mượn loài vật nói loài người”, vốn nằm trong 7 tội đáng chém của bọn nhà văn trong nước đang ngóc đầu dậy? Anh gác chợ Trần Mạnh Hảo như thuế quan vớ được hàng lậu, la lối: “Thiều (Nguyễn Quang Thiều) nhìn loài chó một cách kinh hãi như vậy, mà vẫn chỉ mong sau khi chết biến thành chó, người này có thể tin được không?”. Vậy là Trần Mạnh Hảo đã túm được một anh “đáng ngờ” để nộp cho Đảng.

Vớ được anh gác chợ mẫn cán, lưu manh chẳng kém gì dân “đá cá lăn dưa” như Trần Mạnh Hảo, giới “bảo vệ Đảng” vỗ tay rần rần. Nhà văn Tô Hoài viết thư cho Trần Mạnh Hảo báo tin “anh em làm thơ thủ đô rất hoan nghênh bài phê bình tập thơ của Nguyễn Quang Thiều”. Nhà văn quân đội Nguyễn Đức Mậu và nhà thơ cũng quân đội Trần Đăng Khoa từ Hà Nội điện vào thông báo “anh em văn học Hà Nội hầu hết tán thành quan điểm của Trần Mạnh Hảo”. Nhà thơ Thu Bồn, nhà phê bình Ngô Thảo cũng cổ xuý, động viên “anh gác chợ” hãy hăng hái hơn nữa. Đại tá Lê Thành Nghị, phó Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội thì khoe rằng trong cuộc họp giao ban, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cũng khen Trần Mạnh Hảo “tốt, tốt”. ở Sài gòn, ông trùm “bảo thủ” Anh Đức cho biết Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Trần Hoàn và Thứ trưởng Nông Quốc Chấn có tới Toà soạn tạp chí Văn để xin bài Trần Mạnh Hảo “đánh” Nguyễn Quang Thiều…

Cả một “làn sóng đỏ”, cả một dàn đồng ca toàn những “trí thức ưu tú” của Đảng nhất loạt ca ngợi tinh thần tả xung hữu đột ngăn chặn những phần tử lăm le “thoát ra khỏi đường lối văn nghệ của Đảng” của anh gác chợ mang tinh thần cảnh sát” Trần Mạnh Hảo. Nếu như 10 năm trước đây ở Trại sáng tác Vũng Tàu anh ta lớn tiếng mạt sát các nhà văn tiền chiến là “bọn cảnh sát văn nghệ” thì bây giờ “danh hiệu cao quý” đó lại chính là mục tiêu mà anh ta nhằm tới.

Thừa thắng xốc tới, Trần Mạnh Hảo cầm roi nện luôn cả vào tập thơ “Bóng chữ” của nhà thơ Lê Đạt, nguyên là một trong những chủ soái của phong trào Nhân Văn Giai phẩm ngày xưa. Mở đầu tập thơ “Bóng chữ”, nhà thơ Lê Đạt viết rất khiêm nhường:

“Thành tích

mấy trang giấy sờn

mấy câu thơ bụi.

ấy thế mà chỉ vì nhà thơ là một “đối tượng có tiền án, tiền sự” nên Trần Mạnh Hảo giở giọng khinh miệt: “ở ngay trang đầu của tập thơ (Bóng chữ), phần tự xưng danh kể quá trình công tác, rồi nêu khuyết điểm và tự kết luận theo kiểu các vai tuồng khi ra sân khấu…“, rồi như để bày tỏ “chiến tuyến” dứt khoát với “bọn đầu sỏ Nhân Văn Giai Phẩm”, Trần Mạnh Hảo giở giọng láo xược, vơ đũa cả nắm, chê bai lối làm thơ “bậc thang”: “Cách đây 40 năm cùng với Trần Dần, Hữu Loan… Lê Đạt bắt chước Maiakốpski cũng sắm cho mình một cái thang. Một chữ, hai chữ đã leo thang rồi. Maiacốpski là một tay chơi thang, còn các ông chỉ là những tay leo thang. Mai-a đã leo đã chơi hết nấc thang hiện thực, nấc thang số phận của mình và cũng không thích leo xuống mặt đất nữa. Lê Đạt chỉ leo đến nửa chừng cái thang. Và ông đã nhẫn nại leo xuống cho hết mức thang định mệnh…“.

Không hiểu hồi nhỏ Trần Mạnh Hảo có đi học hay không mà không biết rằng một trong những bài “leo thang” của Yến Lan đã được đưa vào cả… sách giáo khoa cho học sinh học:

“ Tỉnh nhỏ

đìu hiu

mặt trời ngủ giữa trời chiều…“

Có lẽ đi hết cuộc đời thơ, Trần Mạnh Hảo cầm chắc không có được những câu thơ hay như vậy. Tuy nhiên, ngoài chuyện nghệ thuật, Trần Mạnh Hảo còn xỏ xiên các ông Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan… rằng khi bị “phê phán”, ”kỷ luật” đã không dám “tự nổ súng vào đầu tự tử như Maiacốpski đã làm” mà lại gắng sống, tham sống, nhẫn nhục mà sống, mà làm thơ thì thật là kém, là hèn. Chê người thì thế, còn chính mình thì khi bị đánh vì cuốn ”Ly thân”, tại sao Trần Mạnh Hảo không bắt chước Maiakốpski tự bắn vào đầu, mà còn đi chê trách nhóm Nhân Văn Giai Phẩm? Rõ thật chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Đi sâu vào tập “Bóng chữ”, tên gác chợ thơ Trần Mạnh Hảo lại giở giọng giễu cợt nhà thơ Lê Đạt: “… cố ý nặn ra trò chơi chữ, đẽo chữ, mạ chữ, phá chữ, cuồng chữ, ngộ chữ và mụ chữ… “ và kết tội thơ Lê Đạt là “thơ nghĩa địa của phương Tây”, thi pháp Lê Đạt là “ thi pháp mới có tên là ú ớ…“. Và rồi dùng thủ đoạn “cut and paste” sở trường trong trích dẫn văn bản, Trần Mạnh Hảo vu vạ cho nhà thơ Lê Đạt là: “xua đuổi cái lý ra khỏi cái phi, cái thực ra khỏi cái siêu, cái thức ra khỏi cái vô, cái nghĩa ra khỏi cái chữ…“. Thoáng qua tưởng chỉ là “khuyết điểm trong sinh hoạt”, đọc kỹ mới thấy đó là cái tội to về tư tưởng, bởi lẽ xưa nay đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng vẫn “cấm kỵ” hội hoạ không hình, thơ không nghĩa, vẽ và viết phải cho quần chúng dễ hiểu, nay Lê Đạt “đuổi chữ ra khỏi nghĩa” thì chẳng đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng là gì?

Tinh thần “gác chợ văn” của Trần Mạnh Hảo ngày càng hung hăng, mẫn cán đến độ ông trùm văn hoá cộng sản là Tố Hữu trước đây cũng phải khen: “Trần Mạnh Hảo là một con đê chắn sóng cho Đảng!”. Thế là kể từ đó, Trần Mạnh Hảo càng huênh hoang vỗ ngực: “Tầm roi vọt của tôi ở khắp mọi nơi. Tôi thích ai thì tôi khen. Tôi ghét ai thì tôi… quất!”. Ghê chưa, đúng giọng điệu của một tên gác chợ…

Nhưng cũng nên bình tĩnh đề nhận biết rằng, người yêu kẻ ghét của Trần Mạnh Hảo chẳng phải do cảm tính riêng tư của anh ta mà lại xuất phát từ chủ trương triệt hạ những ngòi bút manh nha có ý đồ đổi mới. Điều này không phải là sự suy diễn oan uổng, bởi cứ nhìn vào danh sách những tác giả bị Trần Mạnh Hảo “quất” những lằn roi tàn bạo thì sẽ thấy ngay.

Ngang lưng thì thắt lập trường, đầu đội nón cối tay mang … búa liềm …

Đó là hình ảnh cuả anh “gác chợ” văn thơ Trần Mạnh Hảo sau khi được đồng chí Tố Hữu bốc thơm là “con đê chắn sóng cho Đảng” Anh ta lên giọng say máu: “Tôi muốn phê bình phải cực đoan, quyết liệt mới ra phê được. Tôi muốn quậy vào cái ao tù phê bình, nhất là phê bình thơ…“. Nói vậy, Trần Mạnh Hảo muốn “bắn tin” với Ban tư tưởng rằng những năm qua, đám “gác chợ“ lơ tơ mơ và đù đờ quá, không chịu sục sạo, nắn bóp, khám xét mà tìm cho ra những “quả mìn” gài bên dưới câu chữ khiến cho cái nghề “cảnh sát văn nghệ” lờ đờ như… cái ao tù, phải để tôi “quậy” nó lên tìm cho ra những kẻ dấu mặt mưu toan “phá hoại” nền văn thơ cách mạng khiến khối anh giật mình. Trong bài “Kẻ lục soát đền thơ”, đăng trên báo Người Hà Nội tháng 9-1997, Đỗ Minh Tuấn đã phải than rằng: “Mấy năm qua, Trần Mạnh Hảo đã xuất hiện trên văn đàn như một ông hộ pháp đeo băng đỏ, một tay cầm chuỳ, một tay cầm thước đo chính trị và đạo đức tung hoành trong vương quốc thơ ca như vào chỗ không người… kiểm tra tư cách thơ của các tác phẩm mà ông lôi ra cật vấn, suy diễn và luận tội…“. Say máu sát phạt, Trần Mạnh Hảo vứt bỏ cả “ngôn ngữ phê bình” dùng ngay “ngôn ngữ cảnh sát” để phê phán tập thơ “99 tình khúc” của Hoàng Cầm là… vi phạm Nghị định 87/CP của Chính phủ vì … kích dục. Để sự kết tội cho chắc ăn, Trần Mạnh Hảo trưng ra những bằng cớ là trong thơ Hoàng Cầm có những từ như váy, yếm, xiêm y:

“Vỗ vai mây phác tờ đơn chữ thảo mưa xiên

Xin gió bốn phương phê chuẩn

Đôi mình ôm nhau lần cuối

Lệnh tám cõi tốc xiêm y chới với

Sững mình em vùn vụt hút lên mây xanh…“

( Tương biệt hành – Hoàng Cầm)

Sự thực đó là một tình yêu độc đáo, bất chấp âm dương cách trở, cách viết táo bạo, giàu mỹ cảm phương Đông… ấy vậy mà Trần Mạnh Hảo dám vu vạ rằng Hoàng Cầm đã thành lập cả một “Câu lạc bộ thoát y” ở trong thơ. Ngay cả bài thơ nổi tiếng vốn đã đi vào trí nhớ người đọc “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm cũng bị Trần Mạnh Hảo lôi ra nắn bóp, lục soát rồi khơi khơi kết tội: “vi phạm đạo đức, giả tạo, thô thiển…“. Lâu nay, có một cách giải thích rằng “Lá diêu bông” chính là “tự do sáng tác“ Đảng hứa ban cho văn nghệ sĩ mà tìm hoài không thấy. Hạ bệ “Lá diêu bông”, Trần Mạnh Hảo giúp Đảng xoá luôn cả cái cách giải thích “lếu láo” đó, công lao thực đáng ghi một phiếu “bé ngoan bác Hồ”. Lục soát thi ca chưa đã, Trần Mạnh Hảo còn tự biến mình thành “con cò” mổ từng câu thơ ra để “ăn thịt”. Trong bài “Tắm đêm” Hoàng Cầm vốn cảm nhận được cái bủn rủn” của người con gái lao động vất vả khi nước lạnh xối vào những vết sẹo “gánh gạo” và “chở nứa vượt ghềnh thác”, con cò Trần Mạnh Hảo đã mổ ra câu thơ:

“ấp vú mình trần con dế trũi…“

và kết tội Hoàng Cầm là mắc “hội chứng bị đàn bà khoả thân ám ảnh”.

Cũng như vậy, một câu thơ khác của Hoàng Cầm cũng bị con cò “mổ” ra:

“Váy Ngân Hà loang mặt tiểu hùng tinh…“

rồi la lối lên rằng: “Hoàng Cầm đã trùm cả váy yếm lên nền thi ca Việt Nam… “. Cứ theo cái kiểu phân tích đó, có lẽ khi đưa vợ đi khám phụ khoa, hẳn anh ta sẽ la lên “bác sĩ đang làm trò dâm ô với vợ tôi “.

Cứ như thế, cây roi của anh “gác chợ” Trần Mạnh Hảo cứ vụt lia lịa xuống “mặt hàng” của các nhà thơ có xu hướng muốn dãy ra khỏi những “quy phạm” của thi ca cách mạng. Trong tập “Thơ- phản thơ”, giải thưởng Hội nhà văn VN 1997, bổng lộc đầu tiên Trần Mạnh Hảo được “thù lao” kể từ khi “quay cờ”, anh ta chê bai tán loạn: “Tập của Phùng Khắc Bắc chỉ có ý, chưa có tứ. Nếu thơ như một cô gái đẹp thì thơ Phùng Khắc Bắc như một cô gái đẹp chỉ có da không có thịt…“ “ Tập Hoàng Nhuận Cầm thì nhàn nhạt, tập thơ Trương Nam Hương thì nhại nhiều người…“ Còn Nguyễn Quang Thiều thì “ đã sáng tác thơ bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha rồi tỉ mẩn dịch thơ mình ra tiếng Việt. Từ cách cảm, cách nghĩ, cách ví von liên tưởng … tất thảy đều tây cả, toàn một thứ tây giả cầy. Tập thơ viết lấy được… ý tứ ông chẳng bà chuộc, là thứ thơ xổ ra từ bản nháp… “Nguyễn Quang Thiều bị Trần Mạnh Hảo móc máy đau nhất chính là vì anh đã đi ngược với lời bác Hồ dậy: “viết sao cho quần chúng dễ hiểu…“, vậy thì những tìm tòi đổi mới hình thức của Nguyễn Quang Thiều bị anh gác chợ Trần Mạnh Hảo ra roi là chẳng oan tý nào…

Sau khi dằn mặt một loạt các thi hữu ăm le “làm mất trật tự trong bầy đàn” rồi, Trần Mạnh Hảo tính bài “hạ thấp” thơ mới để đề cao “thơ cách mạng”. “Ngay cả khi lên đến đỉnh cao nhất của mình,, thơ mới vẫn còn mang ít nhiều dấu vết, thậm chí hồn vía của thơ ấn tượng Pháp…“. Rồi hăng máu lên nữa, Trần Mạnh Hảo giễu cợt “thơ mới”: “Thơ mới vốn chỉ hợp với tiếng côn trùng và gió khóc, của tiếng thở dài thườn thượt vì mất người yêu…“, và hăm hở “chôn thơ mới”: “họ đã tàn canh trong cuộc than mây khóc gió, trong cuộc đánh đáo tâm hồn mình lên lỗ nẻ hư vô…“. Đọc dòng này thày “phù thuỷ” Tố Hữu chắc cũng phải chửi thầm “âm binh” Trần Mạnh Hảo vì chính Người cũng đã có lúc thừa nhận rằng Người chịu ảnh hưởng của “Thơ mới”, rõ nhất là bài “Tiếng hát sông Hương”, vậy chẳng hoá ra Người cũng “ăn phải đũa” những thằng “đánh đáo tâm hồn lên lỗ nẻ hư vô” như Trần Mạnh Hảo thoá mạ sao?

Hạ bệ “thơ mới” rồi, Trần Mạnh Hảo hì hục xây tượng đài cho “thơ cách mạng” bằng nhà thơ cộng sản Trần Mai Ninh: “Trần Mai Ninh đã lấy máu của chính mình làm cuộc đổi mới thơ Việt Nam”. Chẳng rõ thơ Trần Mai Ninh hay ho ra làm sao, chỉ thấy Trần Mạnh Hảo tâng bốc: “Ông đã để lại hai bài thơ tuyệt vời ( tức bài “Tình sông núi” và “ Nhớ … máu”) với một thi pháp rất hiện đại mà “Thơ mới” dù bạo gan mấy đi nữa cũng vẫn chưa có được…“. Rồi sợ rằng đem Trần Mai Ninh ra chưa nặng kílô cho lắm, Trần Mạnh Hảo đem cả máu ra nữa để khẳng định “cái mới” của thơ cách mạng: “Chẳng nhẽ máu cuả nền thơ đổ ra ở chiến trường như thế mà không có chút mới lạ nào chăng?”. Vậy hoá ra ngòi bút cứ chấm vào “máu” thì tức thơ phải hay? Vậy thì bây giờ hoà bình rồi, Trần Mạnh Hảo lấy cái gì thay máu để làm động lực “đổi mới” thi ca của Nhà nước Cộng hoà XHCNVN đây? Trong những bài viết của mình. Trần Mạnh Hảo lờ đi chuyện đó mà chỉ thấy lớn lối ca ngợi: “thơ chúng ta hôm nay đã trưởng thành…““ Cứ tính từ 1975 đến nay, hãy đọc, hãy tuyển chọn lại những nhà thơ có tài, có thành tựu, gây được ấn tượng nhiều ít với bạn đọc, tôi tin chúng ta có một tuyển tập thơ mà về chất lượng không thua kém các nhà thơ mới trước 1945…“. Thật chẳng ai ngờ, chỉ cách đó vài năm, thời còn “Ly thân” với Đảng, Trần Mạnh Hảo đã mạt sát thơ cách mạng: “ở nước ta, mấy chục năm qua người ta đã đồng hoá thơ với khẩu hiệu tuyên truyền. Người ta đã chất lên cái lưng vốn không lấy gì làm mạnh mẽ của thi ca đến 80% nhiệm vụ của một nền văn nghệ phục vụ chính trị…“. Quả thực đúng như ngụ ngôn về cái “lưỡi” – ngon cũng nó mà không ngon cũng nó, nhất là cái lưỡi không xương của Trần Mạnh Hảo… Và bổng lộc thứ hai cho sự “uốn lưỡi “ đó là anh “gác chợ” được phân phối một ghế trong Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam để mỗi năm được cái vé khứ hồi bay ra Hà Nội dự họp với các quan chức trong Hội. Trong “triều đình văn thơ”, cái ghế của Trần Mạnh Hảo cũng chỉ tương đương với chức Bật Mã Ôn mà Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phong cho chú khỉ núi Hoa Quả Sơn. Thôi thì “méo mó có hơn không“, nhiêu đó cũng đủ làm Trần Mạnh Hảo hởi lòng hởi dạ tiếp tục xông lên làm hồng vệ binh truy lùng những nhân tố phi xã hội chủ nghĩa… .

“Hầu chuyện” để đưa các “giáo sư” làm vật tế.

Thông thường, mỗi khi có biến chuyển về chính trị, văn hoá, hay xã hội, người ta thường lôi dăm ba “anh” ra làm vật tế thần để giải toả “ứng suất”. Một là hướng dẫn dư luận tập trung vào đó mà quên đi những vấn đề “nổi cộm“ khác, hai là đá quả bóng trách nhiệm sang mấy anh “đó”, chạy tội cho “thủ phạm chính” dấu mặt.

Những năm 1959-1960, sau khi đã dẹp loạn Nhân Văn – Giai Phẩm, nhưng lác đác đâu đây vẫn còn những “tiếng nói trung thực”, để giải quyết “dứt điểm” tình trạng này, tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân đã được lôi ra “làm vật tế”. Thực ra cuốn sách chẳng có gì, chỉ mô tả qua loa nỗi cực nhọc của người nữ công nhân trên công trường, vậy mà một chiến dịch “đại phê phán” đã được phát động, các nhà phê bình vào cuộc, “quần chúng thanh niên” nhảy lên báo phê phán, nhà văn Hà Minh Tuân mất chức Giám đốc NXB Văn Học phải đi lao động cải tạo ở Công ty thuỷ sản. Rồi những năm 1973-1974, tinh thần mệt mỏi vì cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” kéo dài, tâm lý khao khát hoà bình đã thể hiện đây đó trong các tầng lớp trí thức, nhất là văn nghệ sĩ. Thế là bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật đăng trên tạp chí Thanh Niên được lôi ra làm vật hy sinh để dằn mặt “những kẻ khác”.

Gần đây nhất là “vụ án Năm Cam và đồng bọn”, liệu có phải Bùi Quốc Huy, Phạm Minh Chiến, Dương Minh Ngọc.. những người tuy có chức quyền nhưng cái “số tiền đút túi” bất quá cũng chỉ dăm bảy ngàn USD, phải ra vành móng ngựa một cách rùm beng để dư luận quên đi những “ông trùm” ẵm gọn cả vài trăm triệu đôla mà trong dân chúng đã ồn lên đòi vạch mặt chỉ tên chăng?

Cái “mẹo vật tế” đó cũng đã kịp thời được sử dụng khi nền giáo dục phổ thông và đại học sau mấy chục năm thực hiện theo chủ trương “hồng thắm, chuyên sâu” đã tạo ra những hậu quả ê chề. Nào là mua bằng giả, nào là học trò quá dốt, tiến sĩ với giáo sư quá ngu, nào là lừa đảo trong tuyển sinh, lập trường đại học… cả xã hội đã râm ran hỏi “trách nhiệm về ai“ trước thảm trạng của nền giáo dục cách mạng? Nói cho công bằng, để chữa trị căn bệnh trầm kha đó, người ta cũng đưa ra nào cải cách giáo dục, nào công nghệ giảng dậy… rồi mấy chục năm qua các giáo sư, các nhà nghiên cứu giáo dục cãi nhau loạn cào cào chẳng khác gì mấy thầy lang đòi chữa bệnh AIDS bằng thuốc ghẻ, mà chẳng anh nào dám nhằm cái cốt lõi giáo dục chính là xây dựng “con người công dân của một xã hội công dân” chứ không phải thành những “con người mới của chủ nghĩa xã hội”.

Bởi thế nền giáo dục cứ tuột dốc trầm trọng. Đã đến lúc phải có một “vật tế” vừa quy trách nhiệm cho nó, vừa hướng dẫn dư luận tập trung vào đó khỏi nhòm ngó vào cái “cốt lõi” của vấn nạn.

Thật đúng là “thời thế tạo anh hùng”.

Đúng vào lúc đó, anh gác chợ Trần Mạnh Hảo sau khi đã quần nát cả chợ thi ca, lò dò ghé sang chợ… giáo dục. Đó là lúc anh ta vớ được cuốn “Sách giáo khoa văn lớp 12”, trong có bài dạy về thơ văn của Nguyễn ái Quốc- Hồ Chí Minh. Mặc dù SGK đã ca ngợi lãnh tụ tối cao là “cây bút văn xuôi hiện đại đầy tài năng” nhưng cũng phải thừa nhận “ văn xuôi của Hồ Chí Minh là “ loại văn hình tượng viết theo cảm hứng thẩm mỹ không chiếm khối lượng lớn lắm”. Thế là anh gác chợ la rầm thiên hạ: “hạ thấp thơ văn Hồ Chủ tịch… dám đưa cả Tuyên ngôn Độc lập” của Bác ra khỏi giảng văn….” Rồi anh ta kết tội theo cái lối quy chụp để úp nón cối: “Như vậy theo quan điểm của sách giáo khoa, đề tài chính trị hình như khó có thể mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ, Nói trắng ra sáng tác nghệ thuật về những vấn đề chính trị không thể thành văn học…“. SGK viết: “Hồi ở trong nhà tù Quảng Tây, buồn vì mất tự do, Người đã làm thơ giải trí…“, Trần Mạnh Hảo lại la làng: “SGK tuyệt đối hoá chức năng giải trí, chẳng hoá ra văn thơ Bác Hồ chỉ để giải trí thôi sao?” Bài viết của Trần Mạnh Hảo lại được đăng trang trọng trên báo Nhân Dân, thế là chết cha mấy anh soạn sách.

Lại thừa thắng xốc tới, anh gác chợ Trần Mạnh Hảo lôi ngay giáo sư Trần Hữu Tá ở Đại học sư phạm TP HCM ra “khai đao”. Nào là “ Trần Hữu Tá có những đánh giá, nhận xét, kết luận thiếu tính nhất quán… cùng một vấn đề, lúc bảo đen, lúc bảo trắng… như gà mắc tóc, viết lách lung tung”. ái chà chà, ông GS này viết lách thế nào để Trần Mạnh Hảo mạt sát tùm lum thế? Chẳng qua ông Trần Hữu Tá khen Nguyễn Tuân là “nhà văn tài tử”, lập tức Trần Mạnh Hảo trợn mắt: “nói vậy là chê Nguyễn Tuân nghiệp dư à? “,Trần Hữu Tá viết: “Nguyễn Tuân là một người cao đạo …“, Trần Mạnh Hảo bắt bẻ: “Cao đạo là một từ mỉa mai chỉ kẻ đạo đức giả, một kẻ thanh cao rởm, làm bộ làm tịch … sao lại chỉ Nguyễn Tuân?. Cứ cái kiểu như vậy, anh gác chợ Trần Mạnh Hảo vác roi nhảy ngay vào giữa chợ gồm toàn các giáo sư cây đa, cây đề của nền giáo dục VN. Vị Nhà giáo nhân dân, 79 tuổi, Lê Trí Viễn, người đã viết sách giáo khoa từ năm 1950, đã dạy học đủ các cấp từ cấp 1,2, 3 cho tới Đại học, dậy tiến sĩ, khi viết trong SGK rằng: “Văn học ta không lớn mà không đến nỗi nhỏ” ấy thế mà Trần Mạnh Hảo phê rằng: “tức là GS gọi văn học VN là một thứ tầm tầm, có cũng được, không có cũng được” rồi thì cà kê dê ngỗng không được ví mẹ mình với mẹ người ta coi ai hơn ai… văn học như tâm hồn dân tộc, chẳng lẽ lại không lớn?” Rồi đến Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Sử khi viết: “Hồ Xuân Hương sống trong cuộc đời ô trọc…“, lập tức Trần Mạnh Hảo lôi ra quy kết: “Ông Sử viết rằng, bà Hồ Xuân Hương phải chấp nhận cuộc sống phàm tục, ô trọc. Ô trọc là gì? Ô trọc là nhơ nhớp, bẩn thỉu. Ô trọc là Tú Bà, Mã Giám Sinh, chứ sao lại nói Hồ Xuân Hương là ô trọc? viết về Hồ Xuân Hương thế này thì đáng phải ra toà vì ông ấy xúc phạm đến đại thi hào dân tộc…“. Rồi anh gác chợ cầm roi đuổi giáo sư tới cùng: “Ông Sử còn sai nhiều lắm. Về câu thơ “gian nhà không mặc kệ gió lung lay” trong bài Đồng chí, ông Sử giảng, đây là phút tếu của người lính. Đây là nỗi buồn thương nhớ nhà chứ tếu đâu. Anh tếu cái nỗi buồn thương của người lính là đúng hay sai? Thì tôi phải chỉ cho ông ấy. Về câu “nụ cười buốt giá”, ông ấy bảo, nụ cười trong giá lạnh thế này hẳn là khó mà tươi, tức là có thể tàn, úa, héo.” Vậy là tội ông Trần Đình Sử lớn lắm, dám “bôi nhọ hình ảnh anh bộ đội của bác Hồ..”. Rồi thì tuốt luốt GS Tiến sĩ Lê Ngọc Trà, GS Nguyễn Đăng Mạnh, GS Nguyễn Văn Hạnh… phàm là giáo sư nào có “hơi hướng” đổi mới một tí là Trần Mạnh Hảo lôi ra “hầu chuyện”, tất nhiên những giáo sư cùng “phe cánh” như Trần Thanh Đạm, Trần Trọng Đăng Đàn, Mai Quốc Liên… thì Trần Mạnh Hảo tảng lờ.

Vụ “moi móc” sách giáo khoa ra đánh đập, thực ra moi 10 điều thì Trần Mạnh Hảo sai đến 9, làm dư luận náo loạn cả lên. Không ít người nhận ra một hiện tượng rất “lạ” là bài Trần Mạnh Hảo “đánh người” thì in như bươm bướm trên các báo, còn những người bị đánh thì thấy im thin thít như thịt nấu đông. Ngay cả Giáo sư Trần Đình Sử cũng phải thừa nhận: “Có điều đáng buồn là thế này, sau khi bài của anh Hảo in trên một tờ báo thì thạc sĩ Vũ Tiến Kỳ trao đổi lại. Bài viết rất hay nhưng không được đăng ở đâu cả. Anh ấy gửi cho Giáo dục & Thời đại, báo ấy cũng không đăng. Đó là điều mà tôi cho là khó hiểu. Tại sao những bài của anh Hảo thì được đăng công khai, đăng đi đăng lại nhiều lần (vừa rồi anh lại đăng ở Người đại biểu nhân dân của Quốc hội nữa) nhưng bài trao đổi lại với anh Hảo thì không được đăng?”. “Rất nhiều người nói lại và nói lại rất hay nhưng những bài ấy không được đăng ở những báo lớn để mọi người thấy. Cho nên người ta đều tưởng là anh Hảo đúng. Có một bàn tay nào đấy không biết, gọi là bàn tay thì hơi quá, nhưng có một cái gì đó không biết, những bài viết trao đổi lại với anh Trần Mạnh Hảo không đến được với bạn đọc“.

Ông Giáo sư đã nhận ra “có một bàn tay nào đấy” đã chặn mọi bài viết phản ứng lại Trần Mạnh Hảo là rất đúng. Chính “bàn tay ấy” đã thu hồi cuốn “Về một hiện tượng phê bình” của NXB Hải Phòng, dầy gần 600 trang, in năm 1997 trong đó tập hợp rất nhiều bài viết vạch mặt vai trò “gác chợ”, “cảnh sát văn nghệ” của Trần Mạnh Hảo.

Các giáo sư đã nhận ra “có một bàn tay” bảo kê cho kẻ “hầu chuyện với các giáo sư” nhưng không hề biết rằng “bàn tay ấy “ là ai? Và lại càng không thể biết rằng chính các giáo sư đang bị lôi ra làm vật tế thần cho búa rìu dư luận đang đòi vạch mặt “những ai đã gây ra thảm trạng tuột dốc của nền giáo dục Việt Nam?”

“Bút đào huyệt giấy mà chôn dần mình…“

Đây là một câu thơ của Nguyễn Bính mà Trần Mạnh Hảo dùng để tự vận vào mình khi trả lời phỏng vấn báo An ninh thế giới ngày 22 tháng vừa qua. Tuy nhiên, đó là “chàng” làm le vậy thôi, chứ bụng đang sướng run, mặt đang vênh váo, cứ nhìn loạt ảnh “chàng” đang “chat” với bạn đọc qua mạng vinet thì thấy vẫn còn đang được Đảng và Nhà nước ưu ái lắm.

Quả thực từ xưa tới nay, hiếm ai được một Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban tư tưởng văn hoá ưu ái như ngài Nguyễn Khoa Điềm với Trần Mạnh Hảo. Để bảo kê cho tên cảnh sát văn nghệ”, ông Nguyễn Khoa Điềm đã đóng mộc cho Trần Mạnh Hảo: “Tôi đã đọc hết các bài viết của anh Trần Mạnh Hảo và thấy anh ấy viết đúng gần hết…“. Ô hô, ở cái nước cộng hoà XHCN này, thật từ hồi thành lập nước, không có sự “bảo kê” nào lớn hơn thế nữa. Ông trùm văn hoá Việt Nam đương chức đã nói thế thì đến cố nội Viện văn học, Hội nhà văn… dám động đến cái lông chân Trần Mạnh Hảo, rồi đến các ông Tổng biên tập các báo đó có dám từ chối bài của Trần Mạnh Hảo gửi tới. Ông bố trong nhà đã “phát” như vậy rồi thì “các con” chỉ còn cách là nhao nhao lên, tranh nhau mà “hưởng ứng”, tất nhiên đi đầu vẫn là các “nhà văn quân đội”. Nhà thơ Vương Trọng biểu dương thành tích của Trần Mạnh Hảo: “Nhiều anh quá đề cao thơ tiền chiến để rồi phủ nhận thơ kháng chiến 1945-1975. Anh em sáng tác chúng ta cũng đã nhận ra, nhưng không có ai nói được rành mạch, có sức thuyết phục như Trần Mạnh Hảo”. Vậy là công đầu trong việc bảo vệ uy tín cho thơ cách mạng phải được trao cho Trần Mạnh Hảo chứ mấy cái Viện văn học, Hội đồng lý luận Hội nhà văn… chỉ là “lũ ăn hại”, “cơm chúa múa tối ngày” chẳng chịu xông xáo, làm nhà thơ Trần Mạnh Hảo “đau lòng xót ruột “quá phải cầm bút xông ra bảo vệ “uy tín thơ cách mạng”. Ông nhà thơ này còn hoan hô Trần Mạnh Hảo mạt sát các nhà thơ thuộc nhóm Nhân văn Giai Phẩm: “Gần đây ở ta cũng như ở nhiều nước khác xuất hiện một loại thơ nhân danh hiện đại, nhưng thực chất là một thứ thơ suy đồi. Trần Mạnh Hảo đã lên tiếng sớm về vấn đề này. Đó là bài viết về tập “Bóng chữ” của Lê Đạt. Phải nói đó là một bài viết hay…“. Phê phán kiểu này khiến ta nhớ lại thời xưa, cố Tổng bí thư Trường Chinh cũng đã từng nhận định rằng: “Picasso là cây nấm độc mọc trên cây gỗ mục của chủ nghĩa tư bản…“. Nhà văn Hồng Diệu tâng bốc: “Trần Mạnh Hảo rất dũng cảm, là người có công, đi đúng hướng cần ủng hộ…“. Ông nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”, tức ông Chu Lai thì sau khi ca ngợi Trần Mạnh Hảo: “chọn được một thế đứng chắc chắn, chính xác để phát ngôn tư tưởng cho Đảng”, rồi con đe doạ những ai chống lại Trần Mạnh Hảo: “Có một số ý kiến phê phán Trần Mạnh Hảo với một thái độ không thiện chí…“. Nhà văn Xuân Thiều bốc Trần Mạnh Hảo lên đầu các nhà phê bình: ”Trong phê bình, tôi thấy rất ít người có được tâm huyết như anh Hảo… Anh Hảo là người trung thực…“. Nhà phê bình văn học quân đội, Ngô Vĩnh Bình thì: “Anh Hảo có mặt rất đúng lúc… để khẳng định những thành tựu văn học cách mạng và ngăn chặn những khuynh hướng quá đà…”. Ông tướng nhà văn Nam Hà cũng ghi công cho Trần Mạnh Hảo: “Trong văn học đã xuất hiện những khuynh hướng nói ngược, phủ nhận lịch sử, phủ nhận quá khứ… anh Hảo đã có công chỉ ra những cái đó…“ Nhà văn Nguyễn Bảo thì đề nghị công nhận: “Trần Mạnh Hảo là người có công lớn trên mặt trận văn học hiện nay…“. Nhà văn “Nê Nựu”, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Thời xa vắng” lại tìm một kiểu “ca ngợi “ khác, tôn Trần Mạnh Hảo là “đại diện” cho các “nhà văn quân đội chúng ta”: ”Trần Mạnh Hảo đã nói đúng vào cái mà các nhà văn chúng ta cũng nghĩ thế nhưng không nói ra được thế …“ Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì khen: “Trần Mạnh Hảo có chính kiến cách mạng, thái độ rõ ràng và nhất quán…“. Còn nhà thơ “thần đồng” hết lộc, Trần Đăng Khoa lại “nâng bi” Trần Mạnh Hảo theo kiểu “nhà thơ”: “Sự xuất hiện của Trần Mạnh Hảo quả thật đã làm cân bằng môi trường sinh thái văn chương”. Ví von ghê chưa? Nhân đây cũng xin “mở ngoặc đơn, đóng ngoặc đơn” là “sự ví von” vốn là “nghề” của các nhà thơ VN. Nào là “đất nước hình tia chớp” ( Chế Lan Viên), nào là “Đôi mắt hình viên đạn” ( Nguyễn Duy). Thơ Trần Mạnh Hảo cũng “mạnh” về cái sự “ví von” đó và đem cái “mạnh” đó “hầu chuyện” thì “Giáo sư” nào cũng… chết. Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa đã từng răn đe: “Ví ví von von, chị cho cái đạp lòi con ra ngoài”.

Không chịu thua các “nhà văn mặc áo lính”, các nhà văn “quốc doanh” khác cũng tranh nhau “bảo kê” cho Trần Mạnh Hảo. Cứ theo như danh sách anh ta mới “khoe ra” trên mạng Vnexpress ngày 6 tháng 10 mới đây thì gồm có: “Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Hạnh, Anh Đức, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Phương Lựu, Vương Trọng, Khuất Quang Thuỵ, Đinh Quang Tốn, Diệp Minh Tuyền, Đặng Hấn, Nguyễn Văn Lưu, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Đỗ Trung Lai, Lê Quý Kỳ, Lê Thành Nghị, Đình Kính, Hữu Đạt, Hồng Diệu…“. Trần Mạnh Hảo cũng khoe rằng: “Trong dịp tết Quý Mùi vừa qua, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển đã gửi thư và quà tới nhà chúng tôi cám ơn vì chúng tôi đã bỏ nhiều công sức phê bình SGK và Bộ đã cho sửa chữa, viết lại năm 2000. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai còn tới tư gia chúng tôi để cám ơn vì sự đóng góp của chúng tôi cho nền giáo dục nước nhà bằng phê bình SGK. “

Tuy nhiên, tất cả những lời “bốc thơm” của các nhà văn mặc áo lính cũng như mặc đồ thường, không ai chỉ ra được “vai trò” của Trần Mạnh Hảo cho bằng bà Thứ trưởng Huỳnh Mai. Bà nói: “Tôi đến thăm Trần Mạnh Hảo là đến thăm … một anh bộ đội…“. Thưa vâng, một anh bộ đội trên mặt trận văn học cầm súng bắn vào những “kẻ thù” lăm le làm “mất trật tự” trong hàng ngũ những người cầm bút. Và hơn thế nữa, bà Thứ trưởng còn hiểu rằng Trần Mạnh Hảo đã có công lớn “đá trái banh trách nhiệm” xuống cấp của nền giáo dục sang phía… các thầy. Và hơn thế nữa, Trần Mạnh Hảo còn có công “hạ thấp uy tín” mấy anh “giáo sư” lăm le muốn trở thành…“nhà văn hoá”. Nào Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, nào Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Văn Hạnh… ái chà chà, đừng hòng nhé, đừng cứ tưởng dựa vào học vị “giáo sư” với “ tiến sĩ” để ngoi lên thành “một gương mặt văn hoá” mà phát ngôn linh tinh nhé. Nhà nước ta chỉ đành chấp nhận mấy anh “tiền chiến” như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… là các “nhà văn hoá” thôi. Còn thì từ đó về sau thì… hết suất rồi nhé. Cứ cào bằng cho “cá mè một lứa” thì mới dễ “quản lý”, dễ “lãnh đạo”. Anh gác chợ Trần Mạnh Hảo thật có công lớn trong việc “đồng mẫu số chung” này. Cứ “thầy” nào nhăm nhe muốn ngoi lên là “anh” nện. Cái công to này chắc chỉ cấp lãnh đạo mới biết mà thôi, còn mấy anh nhà văn, nhà thơ tù mù sao biết được mà… ca ngợi?

Tuy nhiên, được “bảo kê” cỡ “toàn quốc” lẽ ra Trần Mạnh Hảo phải “ngậm miệng ăn tiền”, nào được đi Mỹ, nào “Uỷ viên Hội đồng thơ”, nào quà cáp, nào mỗi dịp tết lĩnh vài ba chục triệu … lẽ ra điệp báo viên phải náu mình đi mới trà trộn vào được hàng ngũ “kẻ địch”, đằng này Trần Mạnh Hảo lại cứ khoe toáng lên mọi nơi, mọi lúc rằng “tớ được bảo kê đây” ”giờ hồn, thằng nào tớ không thích là tớ… nện”. Vì sao như vậy. Một là “bản lĩnh anh gác chợ” bao giờ cũng thích khoe mẽ, thích huênh hoang. Hai là, sự “bảo kê” của Nhà nước không phải ở đâu và lúc nào cũng… ép phê. Ba là, rất có thể vai trò “cảnh sát văn nghệ” của Trần Mạnh Hảo cũng đã đến lúc hết… nhiệm kỳ, phải nhường chỗ cho anh khác “uyển chuyển” “dịu giọng” hơn cho phù hợp với “tình hình và nhiệm vụ mới”. Chính vì vậy, gần đây, lác đác đã có nhiều người công khai “vạch mặt” Trần Mạnh Hảo. Chẳng hạn báo Gia đình & Xã hội, số ra ngày 22 tháng 8 năm 2003 có bài của Nguyễn Đăng Mạnh lột trần bộ mặt của Trần Mạnh Hảo là: ”…con khỉ núp bóng con hổ như sau: “Giống như khỉ mượn oai hùm, người ta không sợ khỉ mà sợ hổ”. Con hổ đây ngoài đồng chí Nguyễn Khoa Điềm kính mến ra còn ai xứng đáng được nhận danh hiệu đó. Còn ông Đỗ Ngọc Thống thì chửi Trần Mạnh Hảo là …“con gà cứ tưởng tiếng gáy mình làm trời sáng”. Ông Văn Giá cũng chỉ mặt Trần Mạnh Hảo: ”Có một thằng suốt ngày cứ rình người ta đi qua là khạc nhổ thì bố ai mà chịu được“. Còn Giáo sư Trần Đình Sử dường như “ngậm một khối căm hờn” đã lâu, nay mới được xì ra: “Anh Hảo là nhà phê bình lừa dối dư luận, anh còn rắp tâm lừa dối cả cấp trên”, “dối trá”, “chả biết gì về văn học”, “không đúng”, “Chí Phèo phê bình”, “xuyên tạc, đả kích cá nhân làm mục đích”, “sai lầm nhiều quá”, “không có phương pháp gì”, “bình tán rẻ tiền”, “quy chụp chính trị”, “người cùn”, “lý sự cùn”…” chưa hiểu biết gì cả”, “không đáng để chúng tôi phải bàn. Nói thật là dưới tầm”… Vân vân và vân vân.

Chính vì tai quen nghe những lời “bốc thơm”, nay đầy tai những lời chửi bới thì Trần Mạnh Hảo chịu sao được, đành chạy về “mách bố” chứ biết làm sao? Nhưng mà ngày nay, bố cũng không còn bênh Trần Mạnh Hảo như vài ba năm trước đây nữa, bằng cớ là những lời chửi đó đã được lọt ra qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy Trần Mạnh Hảo mới cuống cuồng công khai ra: ”lực lượng bảo kê” cho mình trên VietnamNet ngày 6 tháng 10 vừa rồi. Tuy nhiên, khỉ chẳng khi nào đội mãi được lốt hổ. Sẽ tới cái lúc mà đúng như Trần Mạnh Hảo cảm khái thơ Nguyễn Bính “Bút đào giấy huyệt mà chôn mình dần”.

Thực ra Trần Mạnh Hảo đã tự chôn mình rồi, tự chôn mình ngay từ khi cam tâm làm một “con mèo bắt chuột” cho nhà cầm quyền…

Mèo đen, mèo trắng… mèo nào cũng được, miễn bắt được chuột.

Vào thời Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ được thể xông lên “đổi mới”, “tự cứu mình trước khi trời cứu“. Tình trạng “lộn xộn” tới mức xem ra văn học nghệ thuật muốn lọt khỏi tầm kiểm soát của Đảng, lập tức “đồng chí” Đào Duy Tùng, nguyên Trưởng ban tư tưởng ra lệnh đóng “van”. Hăng hái thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, “playboy” nổi tiếng một thời, các em nữ phóng viên xinh đẹp của bản báo khó em nào tránh khỏi chuyện “lên giường” với sếp”, đã “phát” một câu làm khối anh giật mình: “Khi cần chúng tôi sẽ dùng cả “đầu gấu để trị các anh”. Rất may, đồng chí Hoàng Tùng chưa kịp sử dụng “bí kíp” này, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã co vòi, xẹp lép, nhớn nhác như gà phải cáo. Tuy nhiên dù có muốn, hồi đó đồng chí Hoàng Tùng cũng khó kiếm cho ra một thằng “đầu gấu”. Kể ra ở ngoài chợ bán rau, bán cá, kiếm một thằng sẵn sàng đâm thuê chém mướn, rạch mặt la làng thì không khó, còn trong cái “chợ văn chương”, kiếm được một tên đầu gấu thật chẳng dễ gì. Bởi lẽ ngoài phẩm chất lưu manh, đâm thuê chém mướn, rạch mặt la làng, trong chợ văn chương, hắn cần phải biến báo, ví von vừa biết gian lận như một gã “đếm cá con” vừa chua ngoa, nanh nọc như như một mụ “chửi mất gà”. Bởi thế phải đợi cả chục năm sau, nền văn hoá xã hội chủ nghĩa mới đủ độ chín để hun đúc nên một “tài năng” là “đầu gấu” như Trần Mạnh Hảo.

Ngay khi Trần Mạnh Hảo “bày tỏ” ý định quay cờ, muốn “bán hải ngoại quay về với Đảng”, một vài vị trong thành uỷ Đảng cộng sản TP Hồ Chí Minh đã tỏ ý nghi ngờ. ở Ban tư tưởng văn hoá thành uỷ đã có người phát biểu: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm về những tên “sọc dưa”, không thể tin được bọn chúng…“. Tuy nhiên trung ương bao giờ cũng sáng suốt hơn “địa phương” nhất là khi đã “quán triệt “ lời dậy chí lý của đồng chí Đặng Tiểu Bình, cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc: “mèo trắng mèo đen, mèo nào cũng được, miễn bắt được chuột”. Vả lại qua một năm Trần Mạnh Hảo vác đơn đi cùng khắp kiện cáo để chạy tội “ly thân” và “khóc Nguyên Hồng”, cấp trên đã nhận ra sự xuất hiện của một gã đầu gấu vô cùng đắc dụng trong tình thế mới của cách mạng.

Trước hết để có máu Chí Phèo, gã phải “thất học” bởi lẽ người có học bao giờ cũng mắc bệnh “sĩ”, khó mà rạch mặt la làng. Trần Mạnh Hảo có “thất học” không? Để “đánh bóng” cái mác trí thức cho mình, Trần Mạnh Hảo thường khoe: “Tôi học trường dòng ra. Tôi học cả luật siêu hình”. Hi hi chẳng hiểu cái “luật siêu hình” trong trường dòng nó ra làm sao, nhưng khẩu khí đã nặng mùi “văn hoá lùn”. Thế rồi khi bị lật tẩy rằng năm 1954, giải phóng miền Bắc, Trần Mạnh Hảo mới có 5 tuổi đã rời Phát Diệm về quê bố thì “học trường dòng” vào cái năm nào, anh ta mới “thú nhận”: “Thực ra Trường Dòng hồi ấy bị đóng cửa. Tôi học là học trong nhà xứ, tức là đi theo cha giúp nên được học ở các cha chứ không phải học trường dòng…“. Và để chứng minh mình “có học” anh ta khoe: “Tôi đọc dữ lắm, Phật giáo, Thiên chúa giáo, sách gì tôi cũng đọc…“. Sự thực nếu có “chịu đọc sách” thì cũng chỉ mới bắt đầu “đọc dữ lắm” từ hồi đánh đấm đồng nghiệp và “hầu chuyện các giáo sư”. Còn khi “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, lại học ở dưới quê, giỏi lắm Trần Mạnh Hảo cũng chỉ đọc các loại sách đại loại như: thơ Tố Hữu, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, tiểu thuyết của Sôlôkhốp… rồi lúc lớn lên đi B, cả chục năm ở rừng, sáng tăng gia, chiều “khai hội”, đèn đóm chẳng có, sách vở lại phần lớn là… nghị quyết Đảng, lo ăn, lo chạy “giặc” đã toát mồ hôi hột, còn đầu óc đâu mà đọc. Tới sau 1975, Trần Mạnh Hảo vào được SG, sách vở tràn ngập thì cái “hố mất căn bản phổ thông” đã biến anh ta thành con chim chích lạc vào rừng, lại còn thêm cặp kính thiên kiến của nhà trường XHCN coi “ di truyền học”, “ phân tâm học”… là sản phẩm của bè lũ đế quốc phong kiến, có đọc Phật, Giêsu, Lão, Trang… như anh ta khoe, cũng chỉ lỗ mỗ như cò mổ, như con nít trích ra “ lời hay ý đẹp”. Thật chẳng ai ngờ thi sĩ kiêm phê bình gia lỗi lạc của Nhà nước Việt Nam, cho tới bây giờ, vẫn còn… mù ngoại ngữ, tiếng tây tiếng u bẻ làm đôi cũng chẳng có mảnh nào. Bởi vậy cái sự “thất học” của gã gác chợ, thỉnh thoảng cứ lòi đuôi ra làm các Giáo sư phải kinh ngạc nhận ra rằng cái người đang tranh luận với mình chỉ là một gã “học hành dang dở, chẳng bằng cấp gì” chỉ giỏi nghề “cắt xén, dựng hiện trường giả, chụp mũ chính trị…“( GS Trần Đình Sử ).

Phẩm chất thứ hai cần có của một gã “đầu gấu” trong văn chương là tài “bẻm mép”, ví von. Ta thử nghe Trần Mạnh Hảo bốc phét về bệnh “mọt sách”: “Có những ông bị sách tiêu hoá, đến nỗi bây giờ 60 – 70 tuổi đi ngoài đường thực ra nhìn người không thấy đâu, chỉ thấy cuốn sách đang đi, nhìn thấy cuốn sách lấy vợ. Ai vô phúc lấy phải cuốn sách làm chồng thì bà ấy cũng phải bỏ đi thôi, vì làm tình với sách chán lắm”. Cứ tán như vậy trách gì chẳng khoái cái lỗ tai quần chúng “công nông binh”, cần gì tới luận lý khô khan của các thày. Phương pháp “bẻm mép, ví von” này, Trần Mạnh Hảo thường tự nhận là “các thao tác tài hoa và uyên bác “. Có một câu viết tiêu biểu của Trần Mạnh Hảo bộc lộ rõ cả hai phẩm chất “thất học” và “bẻm mép, ví von”. Trần Mạnh Hảo viết: “Những con cá ý thức lội tung tăng trong biển vô thức…“. Một anh bạn khi nghe Trần Mạnh Hảo đọc cho nghe câu này đã cười hô hố: “Mày viết thế này lòi mẹ nó cái đuôi dốt ra rồi. Cứ ví ví von von, bố cho cái đạp lòi con ra ngoài…“. Nhưng mà không ví von thì còn đâu là “giọng điệu Trần Mạnh Hảo” thì làm sao mà xí xoá được những “lỗ hổng” kiến thức đến chó chui cũng lọt.

Phẩm chất sau cùng của một “gã đầu gấu” cần có ấy là sự lươn lẹo, trí trá. Ngày 22 tháng 7 vừa rồi, trả lời bạn đọc qua mạng VietnamNet, giải thích về cái sự không bằng cấp của mình, Trần Mạnh Hảo nói: “Mà bạn có biết vì sao tôi không có bằng đại học? Vì một lý lịch xấu. Nhưng tôi xin khẳng định, lý lịch ông cha tôi xấu chứ bản thân thì không xấu! “ Có đúng lý lịch Trần Mạnh Hảo xấu đến nỗi không được vào đại học? Nếu lý lịch xấu tại sao Trần Mạnh Hảo được đi B từ năm 17 tuổi như anh ta tự nhận, hơn nữa còn được kết nạp vào Đảng cộng sản VN? Sự thực nói lý lịch Trần Mạnh Hảo là tốt hoặc xấu đều … không sai. Bởi lẽ anh ta là con ruột của một nông dân nghèo họ Phạm, đẻ ra phải mang cho một ông nhà giàu mộ đạo họ Trần, nên làm khai sinh là Trần Mạnh Hảo. Năm 1954, ông bố nuôi họ Trần di cư vào Nam ( sau 1975 định cư ở My), Trần Mạnh Hảo quay về với ông bố đẻ họ Phạm. Khi đi bộ đội vào Nam, Trần Mạnh Hảo khai lý lịch “dấu biến ông bố nuôi là Bắc di cư và công giáo, chỉ khai theo bố đẻ, thành phần bần nông vậy mới được đi B, vào Đảng và trở thành văn nghệ sĩ cách mạng, ngược lại, khi cần bày tỏ mình xuất thân trường dòng cho có vẻ học hành tử tế chứ không phải bần nông thất học, Trần Mạnh Hảo lại đưa ra ông bố nuôi họ Trần.

Sau gần mười năm cần cù “bắt chuột” cho Đảng và Nhà nước, “con mèo” Trần Mạnh Hảo cũng đã lập được nhiều thành tích đúng như một độc giả đã phát biểu trong buổi giao lưu qua NET: “với hàng loạt các bài phê bình, trong đó nhân danh đủ thứ, từ “truyền thống” đến quan điểm chính trị đang (được xem là chính thống) có đôi lúc là học thuật… để “đánh” tất cả các nỗ lực, vẫy vùng “cởi trói” của nhiều tác giả khác nhau.”

Một độc giả bình thường còn nhận ra chân tướng “con mèo” của Trần Mạnh Hảo, huống hồ các nhà văn, nhà thơ tầm cỡ quốc gia. Bởi thế cho tới bây giờ, vị nào vẫn còn lớn tiếng ca ngợi Trần Mạnh Hảo thì chẳng qua là vờ vịt để lấy phiếu “bé ngoan” đó thôi.

NGUYỄN THÁI LAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét