Pages
▼
Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
Ptt Nguyễn Thiện Nhân không hiểu về vụ động đất ở Nhật Bản ?
Trần Đình Thu - Trong bài viết “Thận trọng chọn công nghệ, địa điểm làm điện hạt nhân”, đăng trên VietNamNet, phóng viên có viết một đoạn như sau:
“Với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật, Phó Thủ tướng tóm tắt nguyên nhân: nhà máy này, cùng các nhà máy điện hạt nhân khác ở Nhật, được thiết kế chống động đất, trang thiết bị hiện đại, lường trước nhiều kịch bản sự cố, song trường hợp hy hữu của Fukushima 1 là gặp đồng thời hai loại thiên tai là động đất và sóng thần, trong giai đoạn khắc phục vẫn tiếp tục hứng chịu các dư chấn khiến công tác sửa chữa không hiệu quả”.
Nếu VietNamNet tường thuật đúng như ý của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại quốc hội thì tôi cho rằng, vị phó thủ tướng của chúng ta hoàn toàn không hiểu gì về nguyên nhân thảm họa tại Nhật Bản hiện nay.
Theo đoạn tường thuật trên, thì tôi hiểu Phó thủ tướng Nhân có ý muốn nói rằng, thảm họa tại Nhật Bản sở dĩ nghiêm trọng là do nguyên nhân “vừa động đất vừa sóng thần”. Đây là một cách hiểu sai về bản chất thảm họa ở Nhật.
Trước hết tôi xin nói qua về nguyên nhân gây ra sóng thần ở Nhật Bản vừa qua. Đó là do trận động đất có cường độ 9 độ Richter xảy ra ngày 11/3. Trận động đất này có tâm chấn nằm ở đáy biển sâu, cách xa đất liền nên không trực tiếp gây ra những ảnh hưởng trên mặt đất của đất nước Nhật Bản. Nhưng vì trận động đất có cường độ quá lớn, năng lượng của nó tác động mãnh liệt lên khối nước nằm bên trên, từ đó tạo nên một cơn sóng vỹ đại mà ta gọi là sóng thần, đổ ập vào Nhật Bản.
Như vậy trận động đất chỉ gây nên sóng thần, còn sóng thần gây nên thảm họa, chứ không phải “vừa động đất vừa sóng thần” gây nên thảm họa.
Sở dĩ tôi phân tích điều này là để cho thấy, hoàn toàn không phải là “hy hữu khi hai loại thiên tai cùng ập xuống” Nhật Bản như ý của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói. Hiểu như thế này thì rất là nguy hiểm, vì chúng ta sẽ chủ quan trong việc phòng ngừa thảm họa. Ở đây không hề có 2 loại thiên tai cùng ập xuống, mà là cái này tất yếu đẻ ra cái kia. Hễ có động đất cường độ lớn ngoài khơi thì tất yếu có sóng thần ập vào bờ.
Tới đây tôi xin nói đến vấn đề nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Chúng ta đều biết, Ninh Thuận là nơi có độ cao tương đối so với mực nước biển chỉ vài mét. Nếu một cơn sóng thần ập vào bờ biển Ninh Thuận, toàn bộ nhà máy điện hạt nhân chắc chắn bị nhấn chìm trong nước biển, y như ở Nhật Bản bây giờ. Những gì xảy ra sau khi nhà máy bị nhấn chìm trong nước biển, thật ra giờ đây không ai có thể nói chắc được, vì có xảy ra thì mới biết. (Trước đây mấy ngày, tôi thấy có một số vị quả quyết rằng sẽ xây dựng đê chắn sóng thần ở Ninh Thuận để đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hat nhân – điều này thì tôi sợ quá nên xin miễn bình luận).
Tôi thực sự thất vọng vì một vị phó thủ tướng, vốn có học vị học hàm cao lại phát biểu như thế trước quốc hội.
T.Đ.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét