Pages
▼
Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011
Bão giá như sóng thần
“Tôi thấy chính phủ hầu như bất lực trước các đợt tăng giá, lạm phát. Tăng giá thiệt thòi lớn nhất là người dân, đặc biệt là nông dân thiệt thòi nhiều nhất, mọi thứ đều phải mua trong khi lúa bán ra lại không tăng kịp với đà tăng giá. Tất cả mọi thứ chi phí xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu và các mặt hàng linh tinh tăng giá thì giá lúa nông dân bán phải từ 7.000đ-7.500đ/kg trong khi giá lúa hiện giờ vẫn chỉ 5.800-5.900đ/kg. Nông dân thiệt thòi lắm nhưng cứ phải làm đâu có để đất trống được, đói ngay, còn nợ nần ngân hàng phải trả.” – ông Nguyễn Chí Nguyện nguyên Tổng thư ký Hội lương thực thực phẩm.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Xăng dầu tăng giá 2 lần trong vòng một tháng với tỷ lệ cao cộng với giá điện tăng được mô tả như một trận sóng thần đánh vào toàn bộ xã hội.
AFP photo – Giá cả tăng làm đôi vai người nghèo càng thêm nặng gánh
Sau quyết định tăng giá xăng dầu hôm 29/3, đợt tăng lần thứ hai trong hơn một tháng, báo Thanh Niên Online đưa tin lạm phát sẽ bị dội thêm 1,03% do tăng giá xăng dầu và điện. Lao động điện tử ghi nhận tăng trưởng GDP tổng sản phẩm nội địa quý 1 thấp nhất so với 7 quý gần đây. SGGP Online nhận định giá xăng, dầu tăng liên tục khiến doanh nghiệp vận tải lo lắng. VnExpress đưa tin cước vận tải TPHCM có thể tăng từ 8 tới 10%.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Nguyễn Chí Nguyện nguyên Tổng thư ký Hội lương thực thực phẩm:
“Tôi nghĩ đây cũng là một trận sóng thần, một trận động đất đối với doanh nghiệp nói chung và ngành lương thực thực phẩm nói riêng. Lý do vì vừa rồi có đợt lãi suất vay của ngân hàng lên, thứ hai là giá xăng dầu lên, thứ ba là vừa rồi trải qua những khó khăn về thiên tai địch họa những yếu tố bên trong bên ngoài nó làm cho tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Thế nhưng một đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam nói chung là qui mô vừa và nhỏ, cho nên họ gặp áp lực không chỉ về vốn mà ngay cả việc tìm thị trường tiêu thụ, tìm nguồn nguyên liệu và tìm nguồn nhân lực để tổ chức sản xuất là cực kỳ khó. Ba bốn cái khó khăn nó dồn dập với doanh nghiệp như vậy thì tôi cho rằng đây cũng là một cái sóng thần.”
Tác động dây chuyền
Sau khi trình bày ý kiến cá nhân, chuyên gia Nguyễn Chí Nguyện nêu ra phương cách chọn lựa để các doanh nghiệp tồn tại. Ông nói:
Giá xăng lên 21.800 đồng/lít vào sáng 30/3/2011. AFP photo
“Nó có tác động dây chuyền, khi giới chủ khó khăn họ sẽ tiết giảm chi phí sản xuất, thu hẹp sản xuất giảm bớt nguồn nhân lực không cần thiết, tiết kiệm chi phí. Do đó những người chịu ngay ảnh hưởng trực tiếp là giới công nhân. Đây là việc đương nhiên ở mọi nơi, nhưng rõ ràng với tình hình này đời sống người lao động càng ngày càng khó khăn.”
Xăng dầu tăng giá nhiều và liên tục gây ảnh hưởng nặng cho nông dân, cư dân nông thôn chiếm lĩnh 70% dân số Việt Nam. Đặc biệt nông thủy sản xuất khẩu lại là ngành hàng duy nhất xuất siêu không nhập siêu như các lãnh vực khác. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long ngán ngẩm với những đợt tăng giá xăng dầu ảnh hưởng chi phí sản xuất và vật giá:
“Tôi thấy chính phủ hầu như bất lực trước các đợt tăng giá, lạm phát. Tăng giá thiệt thòi lớn nhất là người dân, đặc biệt là nông dân thiệt thòi nhiều nhất, mọi thứ đều phải mua trong khi lúa bán ra lại không tăng kịp với đà tăng giá. Tất cả mọi thứ chi phí xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu và các mặt hàng linh tinh tăng giá thì giá lúa nông dân bán phải từ 7.000đ-7.500đ/kg trong khi giá lúa hiện giờ vẫn chỉ 5.800-5.900đ/kg. Nông dân thiệt thòi lắm nhưng cứ phải làm đâu có để đất trống được, đói ngay, còn nợ nần ngân hàng phải trả.”
Phản ứng tức thời là từ ngành vận tải ô tô vì chi phí đầu vào phụ thuộc 40% giá nhiên liệu. Nhưng ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu có tác động dây chuyền lên toàn bộ nền kinh tế. Hàng hóa sản xuất ra phải được vận chuyển tới các kênh phân phối, sản phẩm xuất khẩu có chi phí khá lớn về giao nhận, tiếp vận ở nội địa trước khi chịu thêm cước vận tải đường biển hoặc hàng không.
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết hai lần tăng giá xăng dầu ảnh hưởng chi phí đầu vào rất nhiều, không chỉ xăng dầu mà mọi thứ đều tăng theo. Do vậy Hội đề nghị tăng giá cước lần này từ 8 đến 10%, như vậy trong vòng hơn 1 tháng giá cước vận tải ở TP.HCM tính chung tăng từ 23%-28%. Theo ông Đinh Nam Dinh mức tăng giá cước vận tải chưa phản ánh đúng cơ chế thị trường nước lên thuyền lên, ngành vận tải hàng hóa áp dụng nguyên tắc chia sẻ gánh nặng với khách hàng vì toàn xã hội đang khó khăn. Tuy vậy ông Đinh Nam Dinh băn khoăn về những tác động dây chuyền từ giá xăng dầu, giá cước vận tải lên toàn bộ nền kinh tế hàng hóa. Ông nói:
“Nói chung với tăng giá đợt này và ví dụ khả năng tình hình Bắc phi Trung đông không ổn thì giá dầu có thể tăng nữa, chứ không phải đến đây là dừng. Nếu cứ tăng liên tục mà không dừng thì cũng không thể lường trước được biến động nó sẽ như thế nào, tôi cũng chưa thể đánh giá.
Nhưng nếu giá dầu vẫn tăng thì rõ ràng ảnh hưởng dây chuyền rất là lớn. Hiện nay chính quyền Thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp và nhân dân vừa tiết kiệm điện nước vừa tiết kiệm xăng dầu. Chúng tôi chuẩn bị khuyến cáo doanh nghiệp hội viên là phải cân nhắc tất cả mọi khía cạnh, đừng để sau đợt tăng này mà sản xuất bị đình trệ, vận tải không thể hoạt động được thì rõ ràng đây là điều chúng tôi hoàn toàn không mong muốn.”
Ai được tăng lương
Nhắc lại đợt điều chỉnh ngày 24/2 cộng với mức tăng của ngày 29/3 thì giá xăng dầu đã tăng hơn 1/3 khi đến tay người tiêu dùng. Vietnam Net trích phát biểu của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính nói việc tăng giá xăng là bất khả kháng. Theo đó giá dầu thế giới tăng cao từ cả tháng qua và Việt Nam không thể áp dụng cơ chế mua cao bán thấp mãi được.
Đánh giày vào những ngày giáp Tết 2011. AFP photo
Tuy nhiên giới chức này xác nhận giá xăng dầu sau điều chỉnh vẫn là chưa tính đủ chi phí, mới chỉ hơn 40% yêu cầu và vẫn còn thấp hơn giá xăng dầu bán lẻ ở các nứơc láng giềng từ 3.000đ tới 5.000đ/lít.
Một trong những ngành sản xuất quan trọng sẽ phải điều chỉnh giá thành là mủ cao su tự nhiên. Năm ngoái 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 700 ngàn tấn mủ sơ chế trị giá 2 tỷ 200 triệu USD. Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định là, ngành cao su may mắn vì giá cao su thế giới đang tăng trở lại. Tuy nhiên xăng dầu điện tăng nhanh quá thì các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá thành. TS Thúy Hoa nhấn mạnh:
“Như những đợt trước có tăng giá thành, thì trong đó có điều chỉnh tăng lương công nhân để cho cuộc sống của họ phù hợp. Kinh nghiệm điều chỉnh thì có nhanh có chậm nhưng thế nào thì các doanh nghiệp cao su cũng phải điều chỉnh để tăng lương công nhân bởi vì ngay cả công nhân nhà nước cũng sắp tăng lương, thu nhập ngành cao su là theo giá bán, giá tăng thì lương sẽ phải tăng.”
Đối với sản phẩm nhựa, ngành sản xuất quan trọng cho cả tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu tình hình cũng đầy nan giải về vốn, chi phí nguyên liệu chi phí sản xuất và vận chuyển. Ông Phạm Văn Bổn hoạt động trong ngành nhựa TP.HCM nhận định:
“Khó khăn nhiều lắm, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tôi nghĩ các doanh nghiệp hiện nay phải tính tóan lại giá cả cho phù hợp chứ còn tăng giá lên cũng chưa phải là tốt vì ai cũng tăng giá hết thì sức mua sẽ kém đi.”
Tuy chính phủ chưa có biện pháp gì thiết thực để trợ giúp hàng triệu hộ nông dân khó khăn trong sản xuất, nhưng sẽ có 21 triệu người thu nhập thấp được trợ cấp hàng tháng 250.000đ. Thành phần được trợ cấp bao gồm công nhân viên chức có mức lương thấp và cán bộ hưu trí nhận lương hưu từ 2.190.000 đồng trở xuống. Ngoài ra còn có các hộ nghèo trên toàn quốc cũng được hưởng trợ cấp này.Tổng chi phí lên tới 2.000 tỉ đồng.
Các chuyên gia phân tích thị trường tiên đoán giá xăng dầu sẽ còn tăng nữa vì hiện nay chưa thể hiện đúng giá nhập khẩu và các chi phí. Ngay trong lúc này tác động tăng giá xăng dầu mới chỉ là ảnh hưởng tức khắc, ảnh hưởng lan tỏa sẽ thể hiện trong thời gian sắp tới.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/price-hike-in-vn-nn-04012011132257.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét