Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Hậu quả của ngày 30 tháng Tư?

Từ thế kỷ 18, trong nhân loại người ta đã biết một điều này: Quyền hành tuyệt đối sinh nhũng lạm tuyệt đối. Cho nên phải phân tản quyền hành cho nhiều bộ phận. Thuyết “Phân Quyền” ra đời, được áp dụng thử, ở Mỹ châu và Âu châu. Thế kỷ 19, ở Á Đông người Nhật đã bắt đầu thử, đến ngày nay vẫn còn. Năm 1911 người Trung Hoa cũng định thử nhưng không thành.

Tại sao phải phân quyền? Vì không thể đặt lòng tin 100% vào những người nắm giữ 100% quyền hành!

Nhưng trong lịch sử từ xưa nhiều người vẫn nắm quyền tuyệt đối. Những ai chiếm được quyền rồi thì không muốn chia sẻ với người khác. Lý do vì khi loài người sống với nhau phải có người lo việc chung, gọi là cai trị, như Khổng Tử nói: Nếu không sống với loài người thì ta ở với ai? Khi chúng ta sống với nhau trong xã hội, thế nào cũng phải chia nhau sử dụng các tài nguyên chung. Những người cùng đánh cá bắt tôm trong một cái hồ, một vùng biển; những người cùng sử dụng một con sông để tưới ruộng; hay cùng chăn cừu trên một đồng cỏ. Lợi ích riêng sẽ xung khắc với công ích. Nếu để yên, ai cũng chỉ lo phần lợi cho mình thì tài nguyên chung có thể bị hao mòn, có khi cạn mất. Như khi ngư phủ bắt những cá sơ sinh không chờ chúng lớn lên; hay ai cũng chỉ lo tưới đẫm ruộng của mình; hay cho cừu ăn bừa không cần biết bao giờ cỏ mọc lại. Mọi người sống ích kỷ khi không ai tin người khác sẽ tôn trọng công ích, và biết là người khác cũng nghi ngờ mình y như vậy. Như trong chuyện ngụ ngôn hai người tù, ai cũng thấy “phản” vẫn hơn là cộng tác. Cách sống hợp lý nhất là theo Định lý Tào Tháo: Thà mình phụ người còn hơn để người phụ mình! Kết quả là tất cả mọi người cùng thiệt hại.

Vì vậy, như nhà triết học Hobbes nghĩ, loài người tự thấy xã hội cần phải có những đấng Minh Quân. Minh Quân sẽ đóng vai trọng tài buộc mọi người tôn trọng luật chơi chung, bảo đảm ai nấy theo luật lệ, đặt công ích trên lợi ích riêng.

Nhưng ông Minh Quân đó, chính ông ta cũng là một người tham dự trong cuộc chơi chung. Ông ấy cũng có thể “phản.” Lấy gì bảo đảm ông ấy thực sự lo cho công ích? Có thể đoán chắc là ông Minh Quân này sẽ theo Giải pháp Tào Tháo. Vì ông là người đặt ra luật, thi hành luật. Khi thấy có luật chơi nào bất lợi cho mình, cho gia đình mình (hay đảng viên của mình) ông sẽ thay đổi luật! Thà rằng mình phụ luật còn hơn để luật nó phụ mình! Cho nên, tính đến cùng thì nếu muốn xã hội an toàn phải đặt ra những điều luật ràng buộc cả ông vua lẫn người dân. Như các nhà quý tộc ở Anh quốc đã áp lực bắt Vua John ký kết bản Đại Hiến Chương (Magna Carta) năm 1215, trong đó ông vua hứa sẽ tôn trọng một số quyền tự do của người dân (trừ những người nô lệ). Nghĩa là, lần đầu tiên, một cách chính thức, quyền hành của ông vua bị giới hạn vì lợi ích của người dân.

Do tấm gương đó, người ta bắt đầu nhìn cả cuộc sống trong xã hội có thể coi như có một bản hợp đồng, dù không viết ra. Khái niệm Hợp đồng Xã hội trở thành phổ biến cùng thời gian với sự phát triển của thương mại. Xã hội nào cũng sống trong một bản hợp đồng, dù có được chính thức ký kết hay không.

Khái niệm Hợp đồng khiến người ta nhìn các “luật chơi” theo cách mới. Ký hợp đồng tức là mọi bên ký kết đều có trách nhiệm với nhau, không ai chỉ có nắm quyền mà không trách nhiệm. Tại sao có nhà nước? Vì xã hội đã ký hợp đồng “thuê mướn” họ làm một số dịch vụ, để bảo vệ công ích. Có cách nào bảo đảm Ông Nhà nước không theo Giải pháp Tào Tháo? Phải phân tản quyền hành, để định chế này kiểm soát và cân bằng với định chế kia. Phải phân biệt nhà nước với xã hội, gồm các công dân tự do. Nhà nước lo những việc được giao phó trong bản hợp đồng, không ra ngoài giới hạn đó. Xã hội Công dân có cuộc sống riêng mà nhà nước không cần, không nên can thiệp.

Chính nhờ những định chế dân chủ như thế mà xã hội loài người có thể tạo được niềm tin, gia tăng “tài nguyên tinh thần” chung. Xã hội ổn định. Kinh tế phát triển. Đều nhờ những quy tắc sống chung phân quyền và phân biệt xã hội công dân với nhà nước.

Trong thế kỷ 20, người Việt Nam chúng ta cũng bắt đầu cuộc tranh luận để lựa chọn một bản hợp đồng xã hội. Và ngày 30 tháng Tư năm 1975 đánh dấu một khúc quanh quan trọng. Sau năm 1975 toàn thể nước Việt Nam bắt đầu sống dưới cùng một thể chế chính trị, không còn chia ra hai miền, hai chế độ riêng nữa. Hồi đó trên thế giới có nhiều nước đã bị chia đôi để thí nghiệm hai thể chế khác nhau như vậy: Nước Đức, Hàn Quốc, cả Trung Quốc với Đài Loan cũng vậy. Cho tới năm 1975, tại các nước đó mỗi vùng cứ tiếp tục thí nghiệm sống trong thể chế của mình. Chỉ có Việt Nam, vào năm 1975, cả nước đã được thu vào một mối, áp dụng cùng một chế độ toàn trị: Mọi quyền hành thu vào tay một đảng, đảng đó “lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Biên giới phân biệt xã hội và nhà nước bị xóa bỏ,. Mà bên trong guồng máy nhà nước thì ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng nhập một,. Rồi cả đến “quyền thứ tư” là quyền phê phán của báo chí, dư luận, đáng lẽ thuộc xã hội công dân, cũng được đảng cầm quyền “lãnh đạo” nốt!

Đó là một cuộc thay đổi triệt để về hình thái tổ chức cuộc sống chung ở miền Nam nước ta. Đối với mỗi cá nhân, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Nhưngtrên toàn cảnh, khi nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy, cuộc thay đổi đã được chuẩn bị từ lâu. Từ hồi 1930. Có thể nói từ thời 1917! Cuộc thay đổi này theo đúng lớp lang, trật tự, theo đúng bài bản đã được trù tính trước, chỉ các nạn nhân mới thấy là nó hỗn độn, kinh hoàng thôi.

Cuộc chiến tranh mà đảng Cộng sản Việt Nam gây ra từ năm 1959 chỉ nhắm thực hiện mục đích mà Hồ Chí Minh đã theo đuổi từ năm 1920, là đưa nước Việt Nam gia nhập phong trào quốc tế cộng sản. Ông coi là một vinh dự khi được dẫn đường cho dân tộc Việt Nam bước theo đúng chiều hướng lịch sử, con đường mà ông được “giác ngộ” từ các vị thầy như Marx, Lenin, Stalin, và Mao Trạch Đông. Ông Hồ nói rất rõ ràng: Đó là một lý tưởng, một niềm tự hào của cuộc đời ông cho đến khi nhắm mắt. Trong cuộc tranh chấp toàn thế giới giữa hai phe tư bản và cộng sản, Hồ Chí Minh đã chọn đứng hẳn về một phía, dù bắt người Việt phải tùy thuộc người Trung Hoa. Ông đã từng nói rằng chiến tranh có kéo dài bao nhiêu năm cũng được, miễn là hoàn tất được mục tiêu chính trị này. Trước khi chết, ông còn nhắc nhở mọi đảng viên phải tiếp tục công cuộc lâu dài đó. Tất nhiên, công tác lớn này hao tổn xương máu của người Việt Nam. Nhưng ai đã nhiệt thành tin tưởng vào một chủ nghĩa, giống như tín đồ một tôn giáo, nghĩ mình đang nắm được chân lý trong tay, mắt đã nhìn thấu lịch sử cả nhân loại, quá khứ và tương lai, thì mạng sống người khác không còn đáng kể nữa. Ông Osama bin Laden bây giờ cũng đang nghĩ như vậy. Chính ông Mao Trạch Đông cũng nói thế: Nếu có chiến tranh nguyên tử làm chết một nửa dân Tầu thì sau đó Trung Quốc vẫn đông dân nhất (250 triệu người), họ sẽ lãnh đạo thế giới hoàn tất cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa!

Khi nhìn ngày 30 tháng Tư trong toàn cảnh, trong chiều dài lịch sử như trên, các thế hệ tương lai sẽ thấy, biến cố chính trị quan trọng nhất sau ngày 30 tháng Tư, là cuộc sống người dân Việt ở miền Nam đã được sắp xếp lại, toàn diện và triệt để. Mỗi người dân ở miền Nam đều thấy cuộc đời đảo lộn; nhưng nếu nhìn chung tất cả xã hội miền Nam, thì cuộc đảo lộn này là kết quả của những tính toán đã được vạch sẵn từ hơn nửa thế kỷ trước! Giống như một vở kịch đã được các ông Lenin, Stalin, Mao góp công biên soạn, đã được trình diễn rất nhiều lần bằng các ngôn ngữ khác nhau: Tiếng Nga, tiếng Ukraina, tiếng Tiệp, tiếng Quan thoại hoặc Quảng Đông, tiếng Cao Ly hay Mông Cổ, vân vân. Bản tiếng Việt đã được đem ra diễn ở miền Bắc từ năm 1951, đó là năm tái lập Đảng Cộng sản dưới tên Đảng Lao Động. Năm đó, bao nhiêu thanh niên Việt Nam đang đổ máu, hy sinh mạng sống để đánh đuổi quân Pháp, tất cả chỉ vì lòng yêu nước. Nhưng trong lễ khai mạc đại hội lập Đảng Lao Động, Hồ Chí Minh lại nói rằng các chiến sĩ đó sẵn sàng hy sinh vì họ đã giác ngộ chủ nghĩa cộng sản! Nói như thế mới đúng kịch bản do ông Stalin soạn!

Năm 1975 vở tuồng Chủ nghĩa Xã hội được đem vào miền Nam trình diễn. Ông Hồ không được chứng kiến cảnh đó vì đã đi theo các ông Marx, Lenin (chính là lời ông viết trong di chúc). Nhưng kịch bản của ông không thay đổi. Có thể nói, ông Hồ vẫn có mặt ngày 30 tháng Tư, vì trật tự xã hội mới được áp dụng sau đó hoàn toàn do ông đưa từ bên Nga, bên Tầu về. Mục đích của ông là xếp đặt lại cách sống chung của tập thể người Việt Nam đã được thực hiện.

Đối với người dân miền Nam, sau 30 tháng Tư là một thế giới đảo lộn. Đối với ông Hồ và các đệ tử của ông, đó là một thế giới “bắt đầu có trật tự.” Nước Việt Nam sẽ theo đúng nền nếp, sẽ vào trong khuôn khổ rõ ràng, giấc mơ của ông Hồ đã thành sự thật. Đó là biến cố chính trị quan trọng nhất. Những hiện tượng như Ngăn sông cấm chợ, Tịch thu sách, Tẩy não trẻ em, Đánh tư sản, Tù cải tạo, vân vân, chỉ là những xen nhỏ trong vở kịch lớn, trong ước vọng suốt đời của Hồ Chí Minh.

Bây giờ thì chúng ta đã biết kết quả. Kịch bản của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông là một thảm họa của loài người trong thế kỷ 20. Sự thất bại của chế độ cộng sản không phải chỉ vì họ không biết sử dụng kinh tế thị trường. Thất bại chính là họ tổ chức một xã hội tập trung quyền hành quá độ, hơn cả vua chúa đời trước. Giống như thời quân chủ chuyên chế, họ chỉ thay thế ông vua bằng ông tổng bí thư, chủ tịch, hay một “ủy ban.” Kinh tế hoạch định, văn hóa chỉ huy, chế độ hộ khẩu, tem phiếu để kiểm soát dân; tất cả những thứ đó chỉ là hệ luận của việc tập trung quyền hành chính trị.

Nói cho cùng thì mọi thể chế chính trị chỉ là những lựa chọn tổ chức cuộc sống chung giữa mọi người, sao cho đạt được ích lợi chung cao nhất. Đặt một vị minh quân, một chủ tịch, hay một ủy ban lên nắm quyền, thì cũng không khác gì nhau. Tức là đánh cá rằng các ông vua, ông chủ tịch, tổng bí thư, sẽ là những vị minh quân. Họ sẽ lo cho chính họ nhưng cũng lo cho dân chúng. Nhưng nếu chẳng may họ chỉ là hôn quân thì cả nước bị kẹt cứng! Ngược lại, một xã hội chọn thể chế tự do dân chủ thì cũng như mua bảo hiểm: Quyền hành của người cai trị sẽ bị giới hạn. Người dân có quyền thay đổi những người nắm quyền, qua lá phiếu! Có ai muốn đánh cá để một ông Mao Trạch Đông làm chủ tịch nước mình trong một phần tư thế kỷ hay không? Cứ đánh cá, chỉ tốn mất 20, 30 triệu mạng người thôi!

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã thay đổi cách tổ chức cuộc sống ở miền Nam Việt Nam, theo một bản mẫu đã thí nghiệm (và đã sinh nhiều biến chứng kinh khủng) ở miền Bắc. Sau năm đó người miền Nam cũng nhiễm những thói quen mà dân miền Bắc đã tập được dưới chế độ cộng sản: Cha mẹ dậy con ra đường phải biết nói dối để mà sống. Học trò không tin điều thầy dậy, mà thầy cũng biết học trò không tin mình; nhưng cả hai bên đều giả bộ, nói là mình tin ghê gớm. Công nhân giả bộ làm việc, và nhà nước giả bộ trả lương. Tài nguyên tinh thần hao mòn, biết bao giờ mới nuôi lại được?

Trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đứng trước một ngã ba. Hồ Chí Minh đã đưa mọi người đi theo một con đường thật tai hại. Trong thế kỷ 21 này, chắc chắn người Việt Nam sẽ chọn con đường khác, con đường tự do dân chủ của loài người văn minh. Chắc chắn như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét