Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Hội chứng Bắc Phi: Nhục tiếm quyền và ô nhục giàu sang

Ngày Chủ nhật 3-4 ở tại Bắc Kinh, ông Ngải Vị Vị bị bắt tại sân bay khi sắp lên đường đi Hồng Kông. Ông Ngải, 53 tuổi, hoạ sĩ kiêm kiến trúc sư, người thiết kế kiểu sân vận động “Tổ Chim” cho Đại hội Thể thao Olympic 2008 tại Trung Quốc, được bằng khen của Nhà nước Trung Hoa, Ông thuộc loại “con ông cháu cha”, con của ông Ngải Thanh, nhà thơ, nhà báo, nhà tuyên huấn của triều đại Mao Trạch Đông, từng du học ở Hoa Kỳ, nay trở nên một nhà dân chủ kiên định, tố cáo chế độ độc đảng độc đoán và tham nhũng trên đất nước mình. Ông nổi tiếng khi lên án vụ sữa nhiễm độc giết hàng vạn trẻ em, ông cũng lên án vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 làm chết 5 ngàn em học sinh do trường lớp khi xây lên bị cắt xén do tham nhũng. Xưởng tranh của ông ở Thượng Hải bị đập phá. Bà Lộ Thanh, nghệ sĩ vợ ông bị lăng mạ và quấy rối.

Ngày hôm sau, thứ hai 4-4-2011, tại Hà Nội, toà án mang tên “nhân dân”, dù không có bào chữa của luật sư, không có tranh biện theo luật định, ngang nhiên tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế luật sư Cù Huy Hà Vũ, 54 tuổi, từng du học ở Pháp, Hoa Kỳ, cũng loại “con ông cháu cha”, cũng đứng ở hàng đầu các chiến sĩ dân chủ kiên cường, cũng tố cáo không mệt mỏi chế độ độc đảng độc đoán và tham nhũng trên đất nước mình.

Hai trường hợp giống nhau, không phải ngẫu nhiên. Giống nhau vì cùng ở vào thời điểm mùa Xuân 2011, khi làn sóng dân chủ lên cao lan rộng ở Bắc Phi, xuống Tây Phi, tràn vào Trung Đông và Cận Đông, làm lung lay mọi chế độ độc đảng và tham nhũng, không trừ một chế độ nào.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Fidel Castro đang dưỡng bệnh, bỗng lên tiếng thanh minh với thế giới là từ lâu ông không cầm quyền nữa, ông không có trách nhiệm gì trong việc cai trị đất nước Cuba. Đúng sau khi hai nhà độc tài Ben Ali của Tunisia và Hosni Mubarak của Ai Cập bị hạ bệ, tịch thu tài sản và bị truy tố về tội đàn áp nhân dân, ngược đãi các nhà dân chủ và tội ăn cắp của công trên quy mô lớn. Hai tội này làm cho ông Fidel giật mình và thanh minh.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhóm quân phiệt Miến Điện vội vã trút bỏ quân phục, không gọi nhau là thượng tướng, đại tướng, nguyên soái, trở về với cái vỏ dân sự hiền lành, nhưng không che giấu được thế gian trong thời đại thông tin bén nhạy.

Nếu như không có làn sóng dân chủ Bắc Phi, chưa chắc “Lão Ngải” – theo cách gọi quý mến ông Ngải Vị Vị của người Trung Quốc – và chưa chắc luật sư Cù Huy Hà Vũ được coi là lương-tâm-thời-đại đã bị đại nạn đến mức như thế.

Vì nội dung cuộc Cách mạng rung chuyển cả thế giới A Rập – Hồi Giáo là chống độc đoán và chống tham nhũng, trúng phắp vào 2 gót chân A-sin của mọi chế độ độc tài, lật 2 cái tẩy bẩn thỉu khổng lồ của bọn chúng, làm cho chúng ăn ngủ không yên, lo đối phó bằng mọi cách, lo giữ sinh mạng và của cải cướp bóc được của chúng.

Ở Tunisia, ở Ai Cập, cũng như ở Libya và Syria hay Yemen, chữ “ô nhục” luôn đi với “bầu cử” và “làm giàu”, là 2 cái tội lớn nhất, rõ nhất, khó thoát tội nhất của mọi tên độc tài, của mọi nhóm độc tài. Trên các truyền đơn, biểu ngữ, trên các blog, Twitter, Facebook, các nhóm từ liên tiếp xuất hiện, chữ A Rập dịch ngay ra tiếng Anh, tiếng Pháp: “chúng tiếm quyền qua bầu cử một cách ô nhục và chúng làm giàu một cách ô nhục”.

Các báo chí, truyền đơn giải thích các cuộc bầu cử ô nhục vì chỉ có một đảng được tồn tại, không có vận động, tranh cử, lựa chọn, bầu theo lối gượng ép, áp đặt, cưỡng bức tinh vi. Chính vì vậy nên các bộ chính trị cộng sản ở Bắc kinh và Hà Nội đang bị chạm nọc, 2 huyệt sinh tử có nguy cơ bị nhân dân nhè vào đó mà điểm, vì ở ta cũng y như thế, tất cả đều không được nhân dân chọn lựa để bầu; đều là dấm dúi đề cử nhau, chia chác ghế giữa các phe nhóm sau lưng cử tri, và sau khi có quyền lực thì tha hồ thu vén vơ vét, còn bảo vệ lẫn nhau, trong khi các chiến sĩ dân chủ thật lòng yêu nước, thương dân, tuân thủ và bảo vệ luật pháp thì phải ngồi tù.

Ben Ali, Mubarak, Gadhafi… từng được bầu làm tổng thống liền nhiều khóa, nhưng bọn hắn chỉ cho một đảng của bọn hắn tồn tại, những cuộc bầu như thế là hoàn toàn ô nhục; nhục cho kẻ «trúng cử», nhục cho kẻ buộc phải đi bầu mà không được lựa chọn, nhục cho chế độ chính trị, nhục cho đất nước! Quốc hội của các nước đó cũng được bầu một cách ô nhục, bầu mà không có ganh đua, tranh cử, lựa chọn như phần lớn các nước dân chủ văn minh. Nhục cho những ông bà nghị tay sai của đảng cầm quyền, cho các nghị gật, đóng trò hề dân chủ.

Chính do căn bệnh lo sợ, run sợ, hoảng hốt trước làn sóng dân chủ Bắc Phi, làm lung lay tận gốc mọi chế độ độc đảng độc đoán tham nhũng mà bộ chính trị cộng sản Bắc Kinh và Hà Nội ráo riết, mạnh tay dùng quyền lực thô bạo đàn áp mọi tiếng nói dân chủ. Họ biết rõ những «Lão Ngải», Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn… mà tự do sẽ hăng hái truyền bá giá trị của làn sóng dân chủ kỳ diệu ở Bắc Phi và Trung – Cận Đông để thức tỉnh toàn dân ta, chỉ mặt vạch tên những kẻ ô nhục, tiếm quyền, giành ghế, cướp đất, cướp của của nhân dân và nhà nước ta, tàn phá quê hương hàng hơn nửa thế kỷ, nay vẫn mê muội không chịu buông tha.

Họ đã tính nhầm. Lúc này muốn bịt mồm mọi người ngay thẳng thì sức đâu mà bịt, mà bắt, nhà tù đâu mà chứa cho hết. Tự họ đang đổ dầu vào lửa oán hờn đang âm ỉ lan rộng. Họ những định bóp nghẹt tư do để cho qua Đại hội XI, nay lại giở trò khủng bố hòng qua êm ả cuộc bầu cử Quốc hội 20-5 này, nhưng hãy coi chừng. Hiệu ứng Bắc Phi còn đó. Bầu cử sắp tới ở Việt Nam có khác gì bầu Quốc Hội ở Tunisia, Ai Cập, Libya hay Yemen trước đây, tất cả nay đã bị quần chúng lật tẩy, phủ định, bĩu môi chê cười là ô nhục.

Báo chí lề phải đang nêu vấn đề làm sao chọn người hiểu biết rộng, đạo đức tốt, dũng cảm bảo vệ lẽ phải để bầu vào Quốc hội. Đây là vấn đề lỗi hệ thống. Một vấn đề nan giải, bế tắc triệt để nếu không thay thế hẳn hệ thống.

Bùi Tín
Nguồn: Blog Bùi Tín, VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét