Pages
▼
Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011
Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi
Ông Vi Đức Hồi đã bị kết án 8 năm tù hồi tháng giêng 2011 (DR)
Thanh Phương
Vào ngày 26/4 tới, Tòa án tỉnh Lạng Sơn sẽ mở phiên xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi. Ông Vi Đức Hồi, nguyên đảng viên Đảng Cộng sản, đã bị kết án 8 năm tù trong phiên xử sơ thẩm vào tháng Giêng vừa qua với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », chiếu theo điều 88 bộ Luật hình sự Việt Nam.
Hôm qua 22/04/2011, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Vi Đức Hồi. Trong bản thông cáo, ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức này, tuyên bố : « Việc ông Vi Đức Hồi hiện đang bị cầm tù chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm của mình về nhân quyền và dân chủ thật là quá đáng. Chính quyền Việt Nam đã xem thường nền pháp trị khi bỏ tù các cựu cán bộ và đảng viên chỉ vì họ đã lên tiếng phê bình trên tinh thần xây dựng. »
Theo Human Rights Watch, « khi hình sự hoá việc bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa, Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như vi phạm chính Hiến pháp của Việt Nam, vì cả hai văn bản này đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận. »
Tổ chức Human Rights Watch còn cho rằng, phán quyết của tòa án trong phiên xử ông Vi Đức Hồi vào tháng Giêng năm 2011 bắt ông phải nộp 56 triệu đồng Việt Nam (tương đương 2.800 đô la Mỹ), mà tòa tuyên bố ông đã “nhận trái phép” từ các tổ chức và các nhà hoạt động nhân quyền từ nước ngoài là « không có cơ sở pháp lý ». Số tiền trên bao gồm giải thưởng Hellman/Hammett 2009, một giải thưởng hàng năm mà Human Rights Watch trao cho các văn sĩ bị trù dập trên toàn thế giới. Điều đáng nói là trong điều 88 của bộ Luật hình sự Việt Nam không hề có quy định về phạt tiền.
Bản thông cáo nhắc lại ông Vi Đức Hồi là một cây bút và blogger từ tỉnh Lạng Sơn. Các bài viết của ông về dân chủ, đa nguyên và nhân quyền, cùng với cuối hồi ký « Đối mặt : Đường đi đến với phong trào dân chủ », đã được lưu truyền rộng rãi trên mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét