Pages

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Lỡ Một Chuyến Tầu

Cả dân tộc bước ra biển lớn.
(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Tôi rất ngại chuyện đánh răng, rửa mặt. Tắm, gội, giặt giũ – tất nhiên – cũng không lấy gì làm hào hứng lắm. Kẻ xấu miệng nói như vậy là ăn dơ, ở bẩn, người biết chuyện thì giải thích rằng tại tôi không phải mạng Thủy nên sợ nước. Riêng tôi, đôi lúc, lại trộm nghĩ rằng đây là nỗi sợ chung của quốc dân đồng bào chứ chả riêng ai.

Coi:

Tắm thì ra sông, ra ao. Người già không thể bơi lội được thì ở nhà, lấy nước ở bể nước mà con cháu gánh về, dội ít gáo… Rửa mặt thì có khăn cũng được, không thì dùng bàn tay mà rửa, rồi vuốt một cái. Rửa chân thì rửa bùn đất ở ao hay nước cạnh bếp, đợi một lát cho khô khi bước lên giường thì ngồi buông thõng chân xuống, xoa vào nhau cho hết bụi cát, là rửa chân cạn. Đánh răng là chuyện không thấy ai nói đến.

(Lê Văn Siêu. Truyền thống dân tộc. Trang 127& 128) [1]

Khỏi đánh răng luôn, cho nó đỡ phiền, là chuyện cũng… bình thường thôi nhưng rửa chân bằng cách “xoa xoa vào nhau cho hết bụi cát” thì quả là vô cùng giản tiện. Những bộ tộc sống trong vùng sa mạc Sahara (như Tubu, Nubians, Zaghawa, Kanuri, Peul hay Fulani, Hausa và Songhai) nếu biết được tục lệ “rửa chân cạn” lạ lùng và độc đáo này – chắc chắc – sẽ đều phải thích thú gật gù tán thưởng, và chân thành tỏ lòng ngưỡng mộ. Nhiều ông, nhiều bà dám còn ước mơ (qua đêm) bỗng biến luôn được thành người Việt – cho nó khoẻ!

Đó là mới nói (sơ) về sự e dè trong “truyền thống dân tộc” đối với nước ở ly, ở lu, ở gáo, ở chậu, ở khạp, ở ao, hay ở giếng – cạnh nhà. Đối với nước ở thác, ở ghềnh, ở sông, ở suối, ở hồ, ở biển… thì người Việt còn ngần ngại hơn nhiều:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm!

Nghe mà thất kinh. Dù chưa bao giờ qua cửa Thần Phù, và dù không phải là thầy bói, tôi vẫn đoán chắc rằng ghe thuyền mà “lênh đênh” ngang đây thì nhang khói bốc lên (chu cha) dám tới… thấu trời xanh!

“Chỗ này chắc tà ma dữ lắm à nha?”

“Làm gì có, cha nội. Cửa Thần Phù – thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình – là chỗ sông Chính Đại đổ ra vịnh Bắc Bộ. Chưa bao giờ nghe ai nói tới ma quỉ hoặc thủy quái gì hết trơn hết trọi.”

“Vậy cớ chi mà phải hương khói (mịt mù) quá xá như vậy?”

“Chắc tại thấp thoáng thấy biển nên lật đật nhang đèn cầu cạnh, van nài, xin xỏ, lễ bái, khấn vái (tùm lum) cho nó chắc ăn – vậy thôi. Có kiêng có lành chớ bộ.”

“Ôi, mà đó là chuyện hồi xa lắc xa lơ kìa. Đến cuối đời Lê, cửa sông Thần Phù đã bị bồi lấp và trở thành đất liền. Tuy vẫn còn bị ‘ám ảnh’ bởi hai câu ca dao vừa dẫn nhưng thái độ của mọi người, đối với nước nôi, chắc cũng đã khác (xưa) nhiều rồi – đúng không?”

“Không dám khác đâu. Nghe thử hai câu ca dao (tân thời) này là biết liền hà:

Mấy ngàn cây số biển xanh
Mà sao thiếu muối cho canh hàng ngày!

Và nếu ai không tin tưởng vào giá trị của văn học truyền khẩu, muốn có chứng cớ “bác học” hơn, xin hãy nghe nhận xét sau đây của ông Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (“đương đại”) Dương Trung Quốc:

Chợt nghĩ lại mà giật mình, với một quốc gia nằm trải dài trên biển cả, ngay trên một tuyến đường hàng hải truyền thống nối từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, mà dấu tích của những con tàu đắm và các cuộc khai quật khảo cổ học đáy biển gần đây là một minh chứng, mà dường như dân tộc ta đã từng là một dân tộc… sợ biển.



Đến mức mà một quốc gia có bờ biển dài rộng với tất cả các đô thị lớn đều nằm dọc kề bờ biển mà sau ngày thống nhất (1976) chúng ta cố đưa vào vận hành một con tàu khách hiện đại nối Hải Phòng với Thành phố Hồ Chí Minh mà chẳng bao lâu sau, mọi người lại lội lên bờ mà đi ô tô, tàu hỏa hay sang hơn là máy bay…”

Như thế (nếu nói nói theo Khoa Tử Vi Tập Thể) dân tộc Việt thuộc mạng Mộc, mạng Kim, mạng Hoả, hay mạng Thổ (tả)… gì đó – chứ dứt khoát không phải là mạng Thủy. Vận mạng này, đã có lúc (suýt) được thay đổi bởi mệnh lệnh của một vị lãnh đạo đất nước – khi ngài nghiêm giọng hô to:

“Cả dân tộc hãy bước ra biển lớn!”

Nói thiệt: nghe mà (mừng) muốn rớt nước mắt luôn.

Ở xứ sở này, cách đây chưa lâu, hễ lò dò ra biển là bị bắn bỏ tức thì. Nếu không lãnh đạn thì cũng lãnh tù. Còn nếu may mắn mà bỏ (được) của chạy lấy người thì sẽ bị Đảng và Nhà nước ném theo (tới tấp) những lời chửi rủa tàn tệ và thô tục: đồ thành phần cặn bã, đĩ điếm, trộm cướp, ôm chân đế quốc, chạy theo bơ thừa sữa cặn, trây lười lao động, phản bội tổ quốc…

Nay, tự nhiên, dân chúng (lại) được Thủ tướng cho phép “bước ra biển lớn”. Như vậy, kể như, là được giải phóng (thiệt) rồi. Từ đây, theo dự kiến, toàn dân sẽ được tự do di chuyển cứ y như ở xứ Angola và xứ Bồ Đào – nơi mà mọi người đều được “đi vào đi ra” (hoàn toàn) thoải mái. Miễn có cái vụ săn đuổi, giết hại, bắt bớ, giam cầm, đầy ải, hay vu cáo và rủa xả… tùm lum – như hồi đó nữa.

Thiệt là quá đã, má ơi!

Ông Nguyễn Tấn Dũng, rõ ràng, đã đáp ứng được sự khát khao (bị đè nén hơn nửa thế kỷ nay) của cả dân tộc Việt. Nói tình ngay, ai mà không ước ao được nhìn thấy xem cuộc sống của nhân loại (thật sự) ra sao – bên ngoài bức màn sắt. Do đó, diễn đàn Vươn ra biển lớn được hưởng ứng nồng nhiệt chưa từng thấy:

Kể từ ngày 13-12-2006, khi Tuổi Trẻ bắt đầu diễn đàn ‘Vươn ra biển lớn’ từ bài viết khởi động của nhà sử học Dương Trung Quốc (‘Đừng bỏ qua cơ hội lớn’), đến nay diễn đàn đã đăng liên tục 43 số báo, với trên 60 bài viết trong số trên 500 bài viết nhận được từ bạn đọc. Không chỉ bạn đọc ở mọi miền đất nước với mọi giới, mọi lứa tuổi, điều bất ngờ là diễn đàn nhận được rất nhiều email của bạn đọc đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài mà lúc nào tấm lòng cũng hướng về Tổ quốc mình.”

Ngoài những bài viết đã được chọn đăng trên Tuổi Trẻ mà ở đó các tác giả đã thể hiện trăn trở và tâm huyết với nước nhà trước vận hội mới, những bài viết chưa được chọn đăng cũng bày tỏ nhiều quay quắt, băn khoăn cùng với những hiến kế táo bạo trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, nhân lực đến cải cách hành chính, hợp tác quốc tế… với mục tiêu duy nhất: mỗi người là một tay chèo, quyết đưa con tàu đất nước ra biển lớn…

Con tầu đất nước, tiếc thay, “chưa rời bến được bao xa… đã chìm xuống biển” – theo như cách nói chua chát và ví von (Từ Titanic tới Vinashin – những cơn ác mộng kinh hoàng đến những cú lừa thế kỷ) của tác giả Nguyễn Trung:

Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Vinashin khởi hành chuyến đi đầu tiên từ Văn phòng của Thủ tướng với quyết định 103/QĐ- TTg và cái đích đến là 10% thị phần đóng tàu biển của thế giới… Sau bốn năm hành trình và chưa rời bến được bao xa thì Vinashin đã chìm xuống biển sâu… dù vụ đắm tàu Vinashin không cướp đi những mạng người, nhưng cơn ác mộng của nó gây ra không phải là nhỏ. Hàng chục ngàn người mất việc. Nhiều công ty bị đẩy đến bờ vực phá sản hay chìm ngập trong nợ nần vì hùn hạp làm ăn với Vinashin, vì nhận thầu của Vinashin. Nhiều gia đình, mà trong có nhiều người về hưu, thương bệnh binh lâm vào sự khó khăn túng quẫn vì đã lỡ cho Vinashin vay mà không đòi được tiền.

Dư luận, trong cũng như ngoài nước – xem ra – đều có vẻ đồng thuận với nhận xét khắt khe, thượng dẫn. Theo phân tích của blogger Đào Tuấn, Vinashin chỉ là một cái bánh vẽ. Còn theo tuần báo Trẻ – phát hành từ Dallas, Texas – cái gọi là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, thiệt ra, đúng là một “cái máy rửa tiền”.

Sự thực, hy vọng, không đến nỗi tàn nhẫn và phũ phàng đến thế. Ai lại có thể nhẫn tâm đem buôn lòng tin, và niềm hy vọng, của cả một dân tộc (vốn đã khốn cùng) như vậy chớ? Dù vậy, khó ai mà chối cãi được rằng đất nước lại vừa lỡ thêm một chuyến tầu (đời) nữa!

Ông Thủ tướng không tái xuất hiện để giải thích về chuyện lỡ tầu, và số tiền phải trả cho cái vé (đã lỡ mua) mắc tới mấy tỉ Mỹ kim này. Chỉ thấy một ông Phó Thủ tướng bước ra sân khấu, và hứa (đại) rằng: “Quyết tâm năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”

Ổng còn long trọng tuyên bố rằng đích thân “sẽ phụ trách Ban Chỉ đạo thực hiện việc tái cơ cấu toàn diện Vanishin. Ban này còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và gồm một số Bộ trưởng, cùng với lãnh đạo một số Ban của Đảng.”

Ý, trời đất, quỉ thần ơi! Ông Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện nghe (sao) giống như một người mới từ trên Trời rớt xuống quá hà. Coi: chớ trước nay Vinashin có hoạt động mình ên bao giờ? Đâu khi nào mà không có sự tham gia và chỉ đạo của Đảng bộ (Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) mà ông Phạm Thanh Bình là Bí thư Đảng ủy chớ ai.

Chuyện đổi mới Vinashin cũng đâu phải mới mẻ gì. Theo Tạp chí Xây Dựng Đảng – nó đã được “đổi mới, sắp xếp lại tổ chức và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp” từ hồi đầu năm 2007 lận:

Từ đó đã phát huy vai trò của Đảng ủy Vinashin trong việc chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Ngành, lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thực hiện Đề án phát triển Ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường… Tổ chức đảng ở các đơn vị thành viên từ chỗ có 35 TCCSĐ (khi thành lập Đảng bộ Vinashin), đến cuối năm 2006 đã phát triển thành 68 TCCSĐ với hơn 3.200 đảng viên. Các tổ chức đảng phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đảng ủy Vinashin nhất là những chủ trương, chính sách về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Năm năm sau, ông Phó Thủ tướng lại nhắc (lại) “chủ trương, chính sách về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức và nâng cao hiệu quả”của Vinashin, và hứa hẹn rằng năm năm sau nữa – năm 2015 – sẽ có… một Vinashin mới!

Chèn ơi! Sao cứ “năm năm” hoài vậy, cha nội?

Thì cũng hỏi (chơi) cho vui thôi, chớ mạng tui kỵ nước – thấy rõ – đâu có mặn mà ham hố gì chuyện xuống tầu, vươn ra biển lớn. Còn cả dân tộc Việt thì không biết là mạng Kim, mạng Hoả, hay mạng Thổ (tả) gì đó mà cứ bị cái đám đầu trộm đuôi cướp móc túi và xí gạt hoài à!

T.N.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét