Pages

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM

Lúc 2 giờ sáng ngày 24.4.2011, ngày giờ của nước Ý, tức ngày Chủ Nhật Ðại Lễ Phục Sinh của Giáo Hội Công Giáo, bà Ngô Ðình Nhu, nhủ danh Maria Trần Lệ Xuân đã trút hơi thở cuối cùng giữa sự chứng kiến của toàn thể các con, các cháu nội ngoại. Theo những tin tức ghi nhận được thì bà Ngô Ðình Nhu đã ra đi trong bình an, thanh thản sau 48 năm góa bụa, thờ chồng nuôi con và giữ đạo Công Giáo một cách sốt sắng. Chúng tôi, tuy không hưởng bất cứ một đặc ân nào của gia đình họ Ngô, cũng chưa bao giờ được diện kiến bất cứ người nào trong giòng họ này, kể cả bà Ngô Ðình Nhu, ngoại trừ thấy mặt họ ở nơi công cộng và trên báo chí, hoặc nghe tiếng họ trên truyền thanh.

Bà nằm xuống để lại bao tiếc thương và mến mộ của rất nhiều người, nhất là người ViệtNam, ngoại trừ một số ít người đã dùng dịp này để trả thù riêng, hoặc để ru ngủ lương tâm của họ.

Xét về một người có tội trước dư luận, nhất là những người quyền thế mà đã bị gán cho 2 chữ lộng quyền, người ta thường xét 2 phương diện: một là giàu có, hai là đời sống cá nhân, ba là hành vi đối với đất nước, với dân tộc.

Người ta thường cho bà Ngô Ðình Nhu lộng quyền, chỉ vì bà đã có những sáng kiến độc đáo đầy sáng tạo nâng cao giá trị người phụ nữ. Với bộ luật gia đình đã được Quốc Hội thời đó thông qua và Tổng Thống ban hành do bà đệ trình, có một điều khoản rất quan trọng: một vợ một chồng, cấm ly dị. Có rất nhiều người phản đối, vì từ ngàn xưa, người ViệtNamnói riêng, người Á Châu nói chung đàn ông được quyền nhiều vợ. Tình trạng này gây nên nhiều thảm cảnh đối với người phụ nữ mà nhân phẫm của họ đã bị đưa xuống hàng thứ yếu về phương diện hôn nhân. Sự bất bình đẳng này khiến cho nhiều người đàn bà âm thầm chịu đựng, khô héo ruột gan từng ngày cho đến chết, hoặc vào chùa đi tu khi còn tuổi thanh xuân. Cũng vì truyền thống này mà giới đàn ông thường lợi dụng để áp chế người đàn bà. Từ thập niên 30, Tự Lực Văn Ðoàn đã đưa ra một biện minh trạng, phản đối đa thê, mẹ chồng con dâu, ép duyên v.v… mà ai cũng ca tụng đó là những “đổi mới” theo văn minh tiến bộ. Nhưng phải đợi đến lúc bộ luật Gia Ðình dưới thời VNCH ra đời, người phụ nữ Việt Nam mới được pháp luật chính thức công nhận họ có nhân phẫm bình đẳng với đàn ông. Cộng sản cũng hô hào một vợ một chồng, nhưng chỉ là “nói lổ miệng”, hơn nữa Ðảng thường đi cưới vợ thường là vợ 2, vợ ba cho các lãnh tụ cao cấp, Chỉ có luật gia đình là cái mốc tiến vững mạnh, đem lại giá trị pháp lý cho người phụ nữ. Ngoài ra, bà Ngô Ðình Nhu còn thành lập Thanh Nữ Cộng Hòa, Phụ Nữ Liên Ðới với mục đích đoàn ngũ hóa phụ nữ trong công cuộc chống Cộng.

“Bà Ngô Ðình Nhu lộng quyền”? Có lẽ vì chính bà đã cộng tác với chồng một cách đắc lực nhất là đã góp ý kiến để hóa giải cuộc đảo chính năm 1960, làm cho những ai thực hiện cuộc đảo chánh này căm thù. Nhưng trước hết, chúng ta phải công nhận nếu cuộc đảo chánh đó thành công, gia đình bà, cá nhân bà sẽ ra sao? Bà có quyền bảo vệ sự sống của bà và gia đình bà. Hơn nữa cuộc đảo chánh đó là một hành động bất hợp pháp, ai cũng có quyền chống đối. Những kẻ thù của chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa thù ghét bà Ngô Ðình Nhu chỉ vì họ không thắng được bà ta. Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, nhiều người đã tiếc lúc đảo chánh không có mặt bà Ngô Ðình Nhu nếu có sự thể có thể khác, nhất là nếu có bà, bà không vội đầu hàng mà sẽ thuyết phục Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chấp nhận kêu gọi quân các nơi về chống đảo chánh, đó là một điển hình, con người bà Nhu biết xoay trở trong những lúc gặp thế nguy.

Dù ai thù ghét chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa cũng phải công nhận không có chế độ nào đem lại an ninh và thịnh vượng cho dân cho nước như chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa. Do đó, nếu bà Ngô Ðình Nhu “lộng quyền” thì sự lộng quyền đó là một điểm son, là một sự đóng góp cho quốc gia rất lớn. Trên thực tế, nề nếp gia đình họ Ngô rất nghiêm túc, nếu có ý kiến thì quyền quyết định tối hậu cũng do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

Người ta trách bà Ngô Ðình Nhu có những lời lẽ thất kính đối với vấn đề tự thiêu. Nhưng đến hôm nay, vấn đề tự thiêu đang còn tranh cãi, riêng tôi tôi chỉ xin lưu ý mọi người luật pháp hồi đó, cấm ngặt việc giúp đỡ người tự tử (trường hợp này là tự thiêu). Hơn nữa, nếu thấy một người đang tự tử chúng ta có bổn phận phải can ngăn và cứu chữa. Tôi tin chắc điều này mọi tôn giáo kể cả Phật giáo đều dạy như vậy vì Ðức Hiếu Sanh, vì Bác Ái. Một cuộc “tự thiêu” có chuẩn bị với hàng trăm người hiện diện như vậy xét về mặt tôn giáo cũng như pháp luật là một sự sai phạm. Bà Ngô Ðình Nhu trực tính, nóng nảy đã thốt nên lời bất kính, nhưng nếu bà bình tỉnh, đặt những câu hỏi nêu 2 vấn đề nói trên, bất cứ ai cũng không thể trả lời được, nhất là những vị chân tu hay những nhà luật học, những thẫm phán.

Quyền lực thường đi đôi với tiền bạc, người có quyền lực, nếu không liêm khiết tất phải giàu có. Về phương diện này thực tế chứng minh bà Ngô Ðình Nhu không phải là người giàu có, kể cả loại giàu có bực trung, cho đến nỗi phải chấp nhận một cuộc phỏng vấn để cho con gái có tiền “mua vé máy bay đi thăm ông bà ngoại”. Bà Nhu sống trong một căn apartement chật hẹp, căn kia phải cho thuê để kiếm tiền chi dùng. Hai căn nhà này cũng là của người hảo tâm tặng. Ðức thanh bần này đã nói lên con người bà Ngô Ðình Nhu đáng ca ngợi, đáng vinh danh là một người liêm khiết, mấy ai được như bà?

Góa chồng lúc mới 41 tuổi, với vẻ đẹp Á Ðông quyến rủ, thế mà bà vẫn sống độc thân trong 48 năm, thờ chồng nuôi con, không có bất cứ một tiếng thị phi nào. Các con của bà đều thành danh và cũng là những con người có tư cách đáng trọng. Những người ngày xưa được ân ban “Tiết Hạnh Khả Phong” cũng không thể “tiết hạnh” hơn bà Ngô Ðình Nhu. Những ai chê trách bà, trả thù bà hãy nhìn lại gia đình mình có mấy người được như bà? Người ta trách bà “theo đạo chồng”, nhưng sau khi chồng qua đời bà vẫn giữ đạo Công Giáo một cách sốt sắng. Yêu chồng mà giữ đạo chồng trọn đời dù góa bụa, hay tìm được chân lý trong đạo của chồng mà theo cho đến chết, cả 2 đều đáng ca ngợi.

Những đức tính và những trí tuệ của bà Ngô Ðình Nhu chứng tỏ bà là một mẫu người Á Ðông với tất cả những nét đặc thù phương Ðông, đáng cho người đời ca ngợi. Lúc chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ tôi chỉ là một công chức trung cấp ngoại ngạch, nghĩa là chẳng có ân huệ gì, nhưng cái ân huệ mà tôi mang: đó là một chế độ đã biết phục vụ dân tộc và tổ quốc của tôi mà bà Ngô Ðình Nhu nhủ danh Trần Lệ Xuân đã đóng góp rất nhiều.

Xin thắp một nén hương tưởng niệm một phụ nữ ViệtNamkiên cường, đoan chính và đạo đức. Xin Chúa cho linh hồn Maria sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Lê Văn Ấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét