Pages
▼
Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011
Nhìn lại quốc hội
Trương Duy Nhất – Một kỳ quốc hội quá nóng. Một quốc hội không “hiền” như nhận định ngao ngán thời ông Mai Thúc Lân. Tiếc là nó lại bị cầm trịch bởi một vị Chủ tịch quá… hiền! Hiền, tròn trịa và nhu như một ông giáo làng.
Kỳ họp cuối đã xong, quốc hội khóa XII kết thúc trong một mớ cảm xúc lẫn lộn đa chiều. Điều an ủi duy nhất sau một chuỗi những tiếng thở dài ngao ngán là quốc hội đã dám dùng cái ngày cuối cùng còn lại ấy để bấm nút bác dự luật Thủ đô, một dự luật quá nhiều điều tiếng với hàng núi những đặc quyền hòng biến Thủ đô thành một biệt khu kiểu như “nước cộng hòa XHCN Hà Nội” với một mớ các thứ trung tâm hỗn độn.
Cú bác này khiến nhiều người bất ngờ. Điều bất ngờ dự báo cho một xu hướng không dễ thỏa hiệp của nhiệm kỳ quốc hội tiếp.
Quốc hội ngày càng không “hiền” như nhận định ngao ngán của ông Mai Thúc Lân trước đây. Ông người Quảng. Cái chất Quảng trong người ông lúc nào cũng sùng sục. Nhớ hồi ông làm Phó Chủ tịch, phiên nào quốc hội rơi vào tay ông điều khiển là cứ nóng hừng hực. Còn phiên nào rơi vào tay ông Mạnh (khi đó ông Nông Đức Mạnh còn làm Chủ tịch quốc hội) thì cứ gật gù buồn chán như phiên chợ chiều. Là Phó Chủ tịch quốc hội, nhưng ông Lân bực đến mức phải than với báo giới rằng “quốc hội ta hiền quá”. Một quốc hội hiền đến mức cựu Phó Chủ nhiệm văn phòng quốc hội Trần Quốc Thuận cũng phải buột miệng mỉa mai “có người trúng cử ĐBQH được một thời gian thì nói: làm ĐBQH sao cực thế, ngồi họp nghe các ý kiến mà chẳng hiểu gì, có cách nào để xin… nghỉ thôi làm ĐBQH được không…?“
Nhìn lại vậy để thấy quốc hội kỳ rồi đã thật sự được thổi một luồng gió mới, khác hẳn thời ông Lân. Một nhiệm kỳ quốc hội với nhiều sự thể quá nóng: Bauxite Tây Nguyên, mở rộng Thủ đô, đường sắt cao tốc xuyên Việt, Vinashin… và cả chuyện quá sốc như đòi Thủ tướng từ chức, đòi lập ủy ban điều tra trách nhiệm của Thủ tướng cùng các thành viên chính phủ.
Những ý kiến đa chiều ngày một nhiều. Không phải cái gì cũng gật như trước. Không còn thấy những chỉ số 99 với 100% xuất hiện trên các bảng biểu quyết. Nhiều dự án, chủ trương từ chính phủ đưa ra đã phải lật lên đặt xuống, bàn xới trong khó nhọc. Dự án đường tàu cao tốc bị bác, dự án luật Thủ đô cũng bị lắc đầu vào ngày cuối. Bauxite Tây Nguyên thì “qua mặt” trong không khí nặng nề như sự cưỡng bức.
Dù biết nhiều chuyện cũng chỉ như nói cho sướng miệng, bác lần đầu rồi lần sau cũng gật. Dù có lặp đi lặp lại yêu cầu Ủy ban này điều tra nọ nhưng rồi cũng chẳng ai nghe, chẳng làm gì được ai, cho dù đó là những vị trí được quốc hội bầu. Dù quốc hội vẫn chưa thể là “cơ quan quyền lực tối cao” như hiến định, nhưng ít nhiều đã phần nào xóa được hình ảnh những ông nghị gật của những kỳ quốc hội trước đây. Và hơn cả là đánh động ở ý thức vai trò của những “người đại biểu”, rằng vào quốc hội không phải để ngồi gật. So với 3 “cánh” trong bộ tứ quyền lực là đảng, nhà nước, chính phủ thì nhiệm kỳ qua quốc hội được đánh giá là năng động nhất, cởi mở nhất, dân chủ nhất và dẫn đầu về chỉ số niềm tin trong dân.
Tuy nhiên, đây là sự chuyển thay trong xu thế và đòi hỏi tất yếu chứ không phải là đóng góp ở vai trò người Chủ tịch. Có lẽ trong lịch sử quốc hội Việt, đây là kỳ quốc hội nóng nhất và đáng nhớ nhất. Chỉ tiếc rằng nó lại bị cầm trịch bởi một vị Chủ tịch quá… hiền! Hiền, tròn trịa và nhu như một ông giáo làng. Trớ trêu thay, sự khởi sắc của quốc hội, không khí dân chủ, cởi mở trong hoạt động quốc hội nhiệm kỳ qua lại ngược hoàn toàn với hình ảnh vị Chủ tịch quốc hội- ông Nguyễn Phú Trọng. Vai trò của ông mờ nhạt, yếu thế như một gã huấn luyện viên tồi lúng túng trước một đội bóng quá nhiều cầu thủ ngôi sao. Tôi cứ ước giá như quốc hội kỳ rồi ông Mai Thúc Lân (hoặc Nguyễn Văn An) ngồi ghế Chủ tịch. Vào tay một Chủ tịch như ông Lân, ông An chưa biết… điều gì sẽ xảy ra!
Vì thế nếu chấm điểm quốc hội kỳ này, tôi cho 8 điểm. Quốc hội 8 điểm, nhưng vị Chủ tịch quốc hội chỉ đáng điểm 3 (xem bài Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ). 3 là tôi đã châm chước vì ông hơn người khác ở cái đức hiền lành tròn trịa, còn không cũng chỉ đáng điểm 2.
Quốc hội khóa mới, chưa bầu nhưng dường như vị Chủ tịch đã được định sẵn. Ông Nguyễn Sinh Hùng có thể không hiền như ông Trọng, nhưng tôi không tin ông sẽ tạo được dấu ấn gì khá hơn khi ngồi ghế Chủ tịch quốc hội kỳ này. Nói vậy không phải là dấu hiệu buồn nản cho kỳ quốc hội tới. Bởi như kỳ vừa rồi, một Chủ tịch như ông Trọng, nhưng quốc hội vẫn khởi sắc, vẫn táo tợn, vẫn hừng hực đấy thôi.
Về phía đại biểu, chưa bầu, mới sơ qua danh sách ứng lần đầu đã nghe nhiều tiếng than chê, lo lắng. Có vẻ như dư luận sợ khó tìm được ai ở kỳ tới đạt tầm cỡ như ông Thuyết (Nguyễn Minh Thuyết). Nhưng không phải vậy. Hồi đó, trước khi bầu, mấy ai biết ông giáo sư Thuyết kia là ai làm gì ở đâu? Vậy mà sau đấy quốc hội đã có một đại biểu Nguyễn Minh Thuyết như thế đó. Tôi tin với xu thế dân chủ, cởi mở này, biết đâu quốc hội khóa tới lại có thêm 1,2,3 hoặc nhiều Nguyễn Minh Thuyết nữa.
Ừ, thì cứ hi vọng vậy. Dẫu biết rằng cái “quyền lực tối cao” kia chỉ là trên sách vở. Thậm chí, chỉ riêng cái quyền… được nói ấy, đến như ông Thuyết cũng phải chua xót mỉa mai rằng “có còn gì để nói nữa đâu?”.
Thôi thì nói như ta hay động viên nhau: dục tốc bất đạt, cái gì cũng phải có… lộ trình!
Trương Duy Nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét