Pages

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Những thanh trừng trong nội bộ của đảng Cộng Sản

Tờ Triều Tiên Nhật Báo phát hành ở Hàn quốc hôm 4 tháng 4 vừa qua đã đăng tải một bản tin nói về việc một số nhân vật thuộc hàng lãnh đạo của Bắc Triều Tiên bị thanh trừng. Theo đó thì cựu Bộ trưởng Thiết lộ và cựu bộ trưởng Tài chánh Bắc Triều Tiên đã bị xử tử hình vào năm ngoái trước khi ông Kim Chính Nhật quyết định chọn người con trai thứ ba lên kế vị ông ta.
Bản tin vừa kể nhắc lại vụ nổ chiếc tàu điện chở ông Kim Chính Nhật từ Bắc Kinh về Bình Nhưỡng vào tháng 4 năm 2004. Khi tàu đến sông Long Xuyên trong lãnh thổ Bắc Triều Tiên thì bị phát nổ. Ông Kim Nhật Chính truyền khẩu lệnh phải tuyệt đối giữ kín vụ nổ này. Nhưng chỉ một ngày sau là nhiều người, đặc biệt giới truyền thông Hàn quốc đã biết tin này.

Ông Kim Dung Tam, Bộ trưởng Thiết lộ của Bắc Triều Tiên, là một trong những người có mặt trên chiếc tàu bị nổ, nên sau khi điều tra, Bình Nhưỡng nghi ngờ ông Tam là người tiết lộ tin tức vụ nổ tàu này. Vì vậy ông Tam bị cắt chức ngay sau đó. Ông Văn Nhất Phong, Bộ trưởng Tài chánh, cũng bị kỷ luật và cắt chức vì bị quy vào tội đã thất bại trong vụ đổi tiền hồi tháng 11 năm 2009. Ngoài hai Bộ trưởng này còn có thêm hơn 20 cán bộ cao cấp khác thuộc bộ Quân nhu Công nghiệp và Quân nhu Kinh tế bị thanh trừng, cắt chức và hạ tầng công tác, vì tình nghi biển thủ tiền bán vũ khí lậu.

Nếu hai ông Bộ trưởng bị thanh trừng nêu trên không lên tiếng phản đối việc phong hàm Đại tướng cho Kim Chính Ân để dọn đường cho “đại tướng nhóc” này lên kế vị Kim Chính Nhật, thì chắc là chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng cả hai lại không im lặng về vụ này, nên bị cánh ủng hộ đưa Kim Chính Ân lên kế vị thắng thế lôi ra xử tử hình.

Ngày 05/04/2011, khi được hỏi về chuyện hai ông cựu Bộ trưởng ở Bắc Hàn bị tử hình, phát ngôn viên chính phủ Hàn quốc trả lời các ký giả rằng, đó là tin riêng của tờ Triều Tiên Nhật Báo, chứ cơ quan tình báo chưa xác nhận gì về mức độ khả tín của tin đó. Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Hàn Quốc cho biết, mới đây do sợ ảnh hưởng của cuộc cách mạng Hoa Lài và những tin tức về việc xuống đường của người dân Ai Cập, chính quyền Bình Nhưỡng đã ra một Thông đạt triệt để cấm người dân không được sử dụng Internet. Nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng từ án tù chung thân đến tử hình. Thông đạt này cũng yêu cầu các công ty ngoại quốc, các tổ chức NGO nước ngoài đang hoạt động ở Bắc Triều Tiên không được cho người dân Bắc Hàn sử dụng máy vi tính để truy cập tin tức. Nếu không tuân thủ sẽ bị bất lợi trong các hoạt động của họ, có thể dẫn đến việc bị đóng cửa,hoặc bị trục xuất ra khỏi Bắc Triều Tiên.

Liên quan đến sự bất an của giới lãnh đạo bắc Triều Tiên, được biết khoảng 46 ngàn người làm việc tại khu công nghiệp Khai Thành mỗi khi tan sở ra về đều bị lục xét xem trong người có dấu truyền đơn hay bất cứ tài liệu gì chống đối, nói xấu chế độ do quân đội Hàn quốc hay các tổ chức Nhân quyền rải ở nơi làm việc không. Một tháng ít nhất một lần vào ngày cuối tuần tất cả các công nhân làm việc ở khu công nghiệp Khai Thành phải học tập nửa buổi về việc nâng cao cảnh giác, đề phòng những “tuyên truyền láo khoét” của các thế lực thù địch, mà khu công nghiệp Khai Thành này được coi là “cái ổ” của “bọn phản động Hàn quốc”.

Thường thì Bình Nhưỡng lên tiếng bác bỏ ngay những tin như thế, và luôn bình luận thêm đó chỉ là sự bịa đặt của các thế lực thù địch nhằm bêu xấu nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên. Thế nhưng, trong 10 ngày qua Bình Nhưỡng vẫn không đả động gì đến các tin vừa kể. Vì vậy nhiều người tin là những tin tức về việc thanh trừng hai cựu bộ trưởng và một số cán bộ Bắc Hàn được tờ Triều Tiên Thời Báo loan tải đúng sự thật. Ngoài ra, nếu hai ông Bộ trưởng này còn sống thì Bình Nhưỡng chỉ cần đưa họ lên báo đài là đủ phản bác mọi chuyện. Nhiều chuyên gia quan sát về tình hình chính trị Bắc Triều Tiên còn dự đoán rằng, một khi ông Kim Chính Nhật chết đi thì cánh phản đối việc đưa Kim Chính Ân lên kế vị sẽ vùng dậy một mất một còn với phe Kim Chính Ân. Nếu không thì sớm muộn gì họ cũng bị thanh trừng.

Thật ra, chuyện thanh trừng trong thượng tầng lãnh đạo đảng của các đảng Cộng Sản vẫn thường xẩy ra vì nhiều lý do. Chẳng han như Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (1956-66) , từng là Chủ tịch Trung Quốc (1959-68), bị bức hại đến chết trong nhà tù Khai Phong năm 1969. Bành Đức Hoài, một nguyên soái nổi tiếng và là bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông, cũng bị hành hạ đánh đập trong cuộc cách mạng văn hoá và chết sau đó. Những thanh trừng cán bộ cao cấp trong đảng cộng sản Liên Xô kéo dài hàng chục năm, đặc biệt kinh hoàng dưới thời Stalin. Trong đảng CSVN, tuy tin tức về các cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng bị giấu diếm, nhưng người ta cũng được biết rất sớm về việc đại biểu quốc hội Dương Bạch Mai bị đột tử rất đáng nghi ngờ sau khi uống ly bia trong giờ giải lao (*) của cuộc họp quốc hội (1964). Sự thẳng tính của nhà trí thức miền nam này bị cả ông Hồ Chí Minh, Trường Trinh và Lê Duẩn không ưa, nhất là ông lại chống lại việc đưa Việt Nam vào quỹ đạo Trung Quốc. Việc hàng loạt tướng lãnh, sĩ quan bị bị cắt chức, tù đày trong vụ được gọi là “Xét lại chống đảng” cũng được xem là một cuộc thanh trừng khá rộng lớn ở miền bắc. Sau năm 75, Lê Đức Thọ nói với những cán bộ cao cấp của cộng sản cánh miền Nam từng bị chính phủ VNCH giam giữ, là họ “đều có vấn đề”, được xem như là dấu hiệu cho một cuộc thanh trừng sau đó. Ngoài ra, người dân miền nam cũng xôn xao một dạo về cái chết bí ẩn của Huỳnh Văn Nghệ (tư lệnh phó của Trần văn Trà, tư lệnh quân đội việt cộng ở miền nam). Dư luận cũng đặt ra rất nhiều nghi vấn về hai cái chết do “bị tông xe” của hai cán bộ thuộc hàng lãnh đạo CSVN. Đó là Đinh Đức Thiện (thượng tướng, tư lệnh phó chiến dịch tấn công miền nam năm 1975, thứ trưởng quốc phòng, bộ trưởng dầu khí…) và Đinh Bá Thi, đại sứ đầu tiên của CSVN tại Liên Hiệp Quốc. Riêng Đinh Bá Thi thì có tin rò rỉ ra ngoài là bị nghi ngờ làm gián điệp hai mang trong thời gian làm việc ở Liên Hiệp Quốc).

Nếu viết cho đầy đủ thì những chuyện thanh trừng trong nội bộ các đảng cộng sản là những pho chuyện dài kể mãi không hết. Điều này cũng dễ hiểu, vì những tập đoàn lãnh đạo cộng sản dần dần đều lộ chân tướng là những băng đảng mafia; mà cách hành xử, thanh toán nhau trong nội bộ hoặc giữa các băng đảng mafia để tranh giành quyền lợi đều tàn bạo và đẫm máu và luôn luôn diễn ra. Cái khác giữa mafia cộng sản và mafia xã hội đen là những tin tức về sự thanh trừng trong các đảng cộng sản đều bị bịt kín, báo chí và các cơ quan truyền thông của đảng không bao giờ đăng tải. Còn sự thanh toán nhau của mafia xã hội đen thì được báo chí và cơ quan công lực điều tra, công bố.

— -

(*) Cũng có nguồn tin nói rằng, ông Dương Bạch Mai được chính chủ tịch Hồ Chí Minh mời chai nước ngọt Hồng Hà trong giờ giải lao của cuộc họp quốc hội. Sau khi uống vào thì phải đưa đi bệnh viện và chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét