Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Những tờ giấy mời và triệu tập mang nhiều ý nghĩa


J.B Nguyễn Hữu Vinh - Hôm nay chủ nhật, lại nhận được giấy mời, mà Giấy mời của công an Phường hẳn hoi đúng 8 giờ sáng ngày 4/4/2011 có mặt tại công an Phường để “làm việc liên quan đến các bài viết đăng tải trên blog của tác giả Nguyễn Hữu Vinh”…

Mà sao lại mời mình vào đúng hôm nay nhỉ?
*

Thường thường, nhận được những tờ giấy triệu tập của công an Quận, công an Thành phố Hà Nội, hoặc Bộ Công an, mình không mấy khi thắc mắc, ai có việc của người đó, mình làm những việc đúng theo pháp luật quy định, chẳng có gì phải ngại.

Những buổi gọi là “làm việc” thì nhiều, đến nay hầu như mình cũng chẳng chú ý có bao nhiêu ngày, mất bao nhiêu thời gian, công sức… Điều buồn cười nhất là mình cứ lên ngồi, các “đồng chí” cứ nhẩn nha làm việc, hết giờ thì về.

Hai bên cũng giống nhau:

Ngồi hai bên của một bàn, mỗi người một ghế, cùng suy nghĩ về một chủ đề, bên thì hỏi, bên thì viết, hỏi sai thì hỏi lại, viết sai thì viết lại, cuối cùng thì đọc, nhất trí thì ký rồi chia tay và hẹn gặp lại.

Hai bên khác nhau:

Một bên thì ăn lương nhà nước, mà lương nhà nước là của dân, trong đó có mình, cứ hết tháng là lĩnh lương, đều đều như vắt chanh, chẳng sót đồng nào.

Một bên là mình thì ăn cơm của vợ, sáng ăn xong thì đi, trưa về ăn tiếp, tối về ăn tiếp nữa để mai lại lên làm việc, để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, để các đồng chí lĩnh lương và cuối năm còn lĩnh thưởng, thăng quân hàm và được lĩnh lương cao hơn.

Điều không biết vô lý hay có lý, là cứ làm việc đều đều, cứ tạm ứng cơm của vợ, bớt phần ăn của con để nuôi mình đi làm việc với công an, nhưng không ai nghĩ rằng lấy đâu cơm nuôi mãi người đi làm việc với công an?

Hay cũng như cách nghĩ thậm vô lý bấy lâu nay là việc “thăm nuôi” tù nhân? Nghĩa là gia đình có người bị đi tù, thì phải xin phép mới được đến thăm nuôi. Đến đó để gửi quà, gửi đồ dùng, thuốc men… và những thứ thiết yếu cho tù nhân trong trại do “nhà nước quản lý”. Mà xin thăm nuôi cũng không phải dễ dàng gì với nhiều trường hợp. Nhiều khi cũng là “ân huệ xin – cho”.

Vậy thì nhà nước bắt người ta đi tù, lẽ tất nhiên phải có cơm cho họ ăn, thuốc cho họ khi đau ốm… vì dù mất quyền công dân, thì chắc họ vẫn còn là con người?

Việc đi “thăm nuôi” tù nhân trọng trại nói lên ý nghĩa gì, chỉ nói lên được điều duy nhất là chế độ trong nhà tù của mình quá thiếu thốn, nên gia đình nào không “thăm nuôi” được thì không đành nhìn người thân của mình mất quyền công dân không hiểu có còn là con người trong đó nữa không. Vì chẳng ai gửi vào cho thân nhân mình thăm nuôi cái đầu video, cái xe máy đời mới, bao cao su hoặc những thứ ăn chơi cả.

Quay lại vấn đề “làm việc” với công an.

Một lần, sau mấy ngày làm việc chán chê ở cơ quan điều tra Bộ Công an số 7 Nguyễn Đình Chiểu, mình bảo: “Thôi, từ ngày mai, nếu còn có làm việc nữa, tôi sẽ đưa một văn bản gửi Bộ Trưởng Công an Lê Hồng Anh, nhờ các anh chuyển giúp”.

Mấy chú hỏi: “Thì anh em làm việc thoải mái, có vấn đề gì đâu mà anh đơn với từ”? Mình bảo: “Thoải mái là thoải mái với các chú, còn anh thì không. Sáng anh ăn cơm vợ, trưa về cũng thế, tối về cũng vậy để lên ngồi đây làm việc với các chú, để các chú ăn lương.

Vậy ai nuôi anh, nuôi vợ con anh?

Thường thì 100 người vào đây làm việc, thì bao nhiêu người tòa án kết luận là có tội?

Những người bị kết án là có tội, thì cứ cho là đổ cho có tội họ phải chịu. Nhưng những người không có kết tội của Tòa án, (Chưa nói là án oan hay không oan) họ lấy đâu ra cơm để đi làm việc dài ngày thế này? Ai sẽ trả lương họ những ngày đi “làm việc” với công an? Ai nuôi con họ đi học, ai nuôi bố mẹ già cho họ trong những ngày đó?

Vì thế, từ ngày mai, nếu còn phải lên làm việc, tớ sẽ gửi đơn đề nghị với bộ công an cấp cho tôi một khoản tiền, gọi là gì cũng được để có tiền ăn đi làm việc với công an trong thời gian như thế này. Sau này, nếu Tòa kết luận có tội, tớ sẽ xin trả lại, nếu không thì thôi”.

Viên công an nói: “Bác đùa thế, xưa nay có ai cấp tiền như thế đâu”.

Mình nói: “Nếu khi tớ có đơn thì tớ chờ khi nào có văn bản trả lời thì tớ đi làm việc tiếp, nếu văn bản khẳng định là không có, thì tớ sẽ viết một lá thư xin tiền bạn bè, anh chị em để có tiền đi làm việc với công an. Nếu bạn bè không cho, tôi sẽ gửi thư xin các tín hữu đồng đạo, mỗi người chỉ 1.000 đồng. Nếu mỗi tín hữu cho tôi 1.000 đồng con tiền VN, tớ sẽ có 8 tỷ đồng tha hồ làm việc với các anh.

Nếu không ai cho, tớ sẽ cho con tớ nghỉ học, ba đứa mang ba cái bị và ba tấm biển ghi “Con ông J.B Nguyễn Hữu Vinh xin tiền nuôi bố đi làm việc với công an”, cứ nơi nào đông người tớ bảo con tớ đến xin, có thế mới có tiền ăn đi làm việc được”.

Nói đến đó, các viên công an im lặng và kết luận: “Hi vọng không phải gặp lại nhau nữa”. Vậy là tốt.

Từ đó, thỉnh thoảng nhân một dịp nào đó, mình lại nhận được một tờ giấy, khi thì giấy triệu tập, khi thì lịch sự hơn là giấy mời. Thường là những thời điểm khá nhạy cảm.

Ngày 27/3/2009, các giáo dân Thái Hà ra tòa phúc thẩm, thì ngày trước đó, mình nhận được giấy triệu tập của Công an TP Hà Nội, nơi được triệu tập đến không phải là số 6 Quang Trung, Hà Đông như mọi lần, mà là ở Trần Hưng Đạo, HN. Vì hôm đó xử án 8 giáo dân, nên có lẽ cơ quan Sở Công an trong đó không làm việc chăng?


Ngày đó, mình lên ngồi chơi, thoải mái im lặng, cầu nguyện tại chỗ cho đến khi được ra về là khi Tòa đã tuyên án.

Lại đến ngày 4/9/2009, mình lại nhận được giấy triệu tập đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu vào 9h30 ngày 8/9/2009, đó là ngày ở Phát Diệm, có Thánh lễ thụ phong Đức Cha Giuse Nguyễn Năng.

Nhận được tờ giấy triệu tập là lạ, mình nghi nghi bảo với chú cảnh sát khu vực mang giấy đến rằng: “Sao giấy này lại là dùng chữ ký photocopy? Mà lại của Cục Công an Điều tra Phía Nam?” chú ấy cũng không hiểu. Mình viết vào tờ gốc của giấy triệu tập những ý đó và không thấy phản hồi. Hôm sau thằng em đến chơi nhìn tờ giấy bảo: “Anh đưa lên Bộ công an, kiện xem ai đã dám đưa cho anh tờ giấy này, đây là tờ giấy photocopy màu cả chữ ký và con dấu, chẳng có giá trị gì sao lại dùng triệu tập người ta”. Mình cũng chưa có dịp hỏi lại.

Đa số các giấy triệu tập mình thì chủ yếu là những bài viết, mình giải trình đầy đủ: “Tất cả đó là sự thật, nếu khi nào có quy định Pháp luật bằng văn bản rằng không được viết sự thật nữa, thì tôi thôi”.

Những bài viết đã đưa mình đi từ Công an Thành phố lên đến Bộ Công an.

Đột nhiên, hôm nay chủ nhật, lại nhận được giấy mời, mà Giấy mời của công an Phường hẳn hoi đúng 8 giờ sáng ngày 4/4/2011 có mặt tại công an Phường để “làm việc liên quan đến các bài viết đăng tải trên blog của tác giả Nguyễn Hữu Vinh”.

Như vậy, lại là các bài viết, nhưng giờ chuyển từ cơ quan của Bộ công an về cho Phường? Chắc đợt này nhiều người phải “làm việc” nên Bộ chia bớt về cho các Phường chăng?

Có một điều là Giấy mời đã không đúng nội dung, vì theo như giấy mời thì “blog của tác giả Nguyễn Hữu Vinh” chắc không phải của mình. Vì blog của mình ghi rõ ràng tên tác giả là J.B Nguyễn Hữu Vinh. Mình chắc không dám đến, nhỡ lại nhầm vào tác giả Anh Ba Sàm hoặc tác giả nào đó có cái blog cùng tên thì có mà xấu hổ quá, người ta lại bảo thấy sang bắt quàng làm họ.


Ngoài ra, tờ Giấy mời này, cũng nêu lên một nét văn hóa khá đặc sắc. Phần đầu giấy mời ghi rất trịnh trọng “Kính mời ông/bà Nguyễn Hữu Vinh”, nghĩa là có thể là ông, cũng có thể là bà?

Nhưng phía dưới thì một câu mệnh lệnh: “Yêu cầu ông/bà Nguyễn Hữu Vinh có mặt theo đúng thời gian và địa điểm nói trên.”

Đọc câu mệnh lệnh này, hình như bộ phận soạn thảo văn bản mẫu và người dùng này vẫn coi thường câu nói: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép” đang treo mọi nơi, mọi lúc ở mọi chỗ thuộc lực lượng công an?

Mình chợt nghĩ nếu có ai nhận được giấy mời ăn giỗ, ăn mừng nhà mới chẳng hạn mà ghi “Kính mời ông bà đến dự… Yêu cầu ông bà có mặt theo đúng thời gian và địa điểm nói trên” thì họ nghĩ gì nhỉ? Văn hóa ngôn ngữ Việt phức tạp quá chăng?

Mà sao lại mời mình vào đúng hôm nay nhỉ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét