Pages
▼
Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011
Quản lý việc sử dụng vàng : cấm đoán hay điều tiết ?
Trọng Thành - Cách đây một tuần, vào ngày 21/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra quyết định về việc các ngân hàng sẽ ngừng cho vay vàng kể từ 1/5 tới.Cũng liên quan đến việc quản lý sử dụng vàng, các ngân hàng sẽ có thời gian chuẩn bị trong hai năm để chấm dứt việc “huy động” vàng, tức là kể từ tháng 5/2013. Quyết định mới đây nằm trong một loạt các biện pháp được chính phủ Việt Nam ban hành từ hai, ba tháng trở lại đây với mục tiêu “siết” lại việc sử dụng vàng.
Tại sao chính phủ Việt Nam lại đưa ra chính sách mới đối với các hoạt động sử dụng vàng ? Vì đâu nhiều biện pháp của chính phủ trong lĩnh vực này lại gây ra sự lo ngại trong xã hội ? Và liệu có thể dùng các biện pháp cấm đoán để điều chỉnh được việc sử dụng vàng trong xã hội ? Từ Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A phân tích.
RFI : Xin thân chào tiến sĩ Nguyễn Quang A. Như anh biết, ngày 21/5 vừa qua, theo kết luận giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, thì các ngân hàng sẽ ngừng cho vay vàng vào đầu tháng Năm tới, và có lộ trình để ngừng huy động vàng trong hai năm tới, để loại bỏ hẳn việc sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán. Như vậy, anh có thể giải thích ý nghĩa của quyết định mới đưa ra này được không ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng tất cả mọi quốc gia đều có chính sách để bảo vệ đồng nội tệ của mình. Khi vào một nước nào, người ta chỉ dùng đồng tiền của nước đó thôi. Ở Việt Nam, tình trạng dùng đô la trong nền kinh tế khá là nhiều, như thế người ta gọi là « đô la hóa », «vàng hóa ». Trước kia người ta mua bất động sản, các khoản lớn đều tính bằng vàng cả. Tôi nghĩ rằng đấy là điều không lành mạnh. Cho nên, chủ trương của chính phủ là làm sao để quản lý lĩnh vực ngoại tệ, cũng như là vàng với tư cách là phương tiện thanh toán, tôi cho là một việc cần làm.
RFI : Thưa anh, việc sử dụng vàng ở Việt Nam đã có từ lâu. Theo anh, thời gian gần đây việc dùng vàng có những điểm gì đặc biệt ?
Nguyễn Quang A : Việc sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán vài chục năm trước còn phổ biến hơn bây giờ nhiều. Đến khi đồng tiền Việt Nam mạnh lên, chủ yếu là lạm phát thấp, thì người dân tin tưởng vào tiền Đồng Việt Nam, thì lúc đó về cơ bản tình trạng vàng hóa và đô la hóa giảm đi một cách rõ rệt.
Bên cạnh việc dùng vàng như một phương tiện thanh toán, vàng còn được dùng như một công cụ lưu trữ giá trị rất quan trọng. Tất cả các ngân hàng trung ương các nước đều có kho lưu trữ vàng của quốc gia, và người dân Việt Nam đã có tập quán từ rất xa xưa là dùng vàng để trữ tài sản của mình, tránh sự mất giá. Cũng có người dùng vàng như công cụ để đầu tư.
Trong hai ba năm trở lại đây, tình hình kinh tế khá bất ổn, lạm phát tăng cao, thì phản ứng rất tự nhiên của người dân, mà tôi nghĩ không có gì có thể cản được. Đó là tìm các kênh đầu tư khác. Chuyện người ta bỏ đồng tiền Việt Nam, chạy đi mua vàng để giữ vàng, hay chuyển sang mua ngoại tệ, hay bất động sản, đấy là chuyện đặc biệt của vài năm qua.
RFI : Thưa anh, trong vài năm qua, hoặc trước nữa, có xuất hiện các vàng miếng do một số công ty sản xuất, được sử dụng như một phương tiện lưu trữ hay thanh toán. Vậy việc sử dụng này được nhìn nhận ra sao ? Theo anh, liệu có thể tách biệt rạch ròi hai việc này được không ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, khó tách biệt được hai phương tiện này. Bởi vì, trong khi luật kinh doanh thương mại chưa được rõ ràng, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam còn quá tràn lan trong dân cư, tôi không muốn nói giữa các doanh nghiệp với nhau. Vàng được dùng rất phổ biến trong việc thanh toán tiền mua bán nhà, hoặc người ta không thanh toán trực tiếp bằng vàng miếng, nhưng lấy vàng miếng làm đơn vị để tính. Như vậy, việc sử dụng vàng miếng vừa như phương tiện thanh toán, vừa như phương tiện lưu trữ đã xuất hiện, và điều này thực sự chủ yếu là do một số công ty của Nhà nước tiến hành. Về cơ bản đấy là công ty Vàng bạc đá quý của thành phố Hồ Chí Minh, tuy bây giờ có thể công ty này đã được cổ phần hóa.
RFI : Gần đây, khi nói về các nguyên nhân của lạm phát tại Việt Nam, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau xung quanh tác động của vàng đối với lưu thông tiền tệ và đối với lạm phát. Có một quan điểm cho rằng, vàng không đóng vai trò gì khiến lạm phát tăng lên, mà chính vì lạm phát người ta mới phải mua vàng. Lại có một quan điểm ngược lại, coi vàng chính là thủ phạm khiến nền kinh tế Việt Nam bị thiếu tiền. Vậy anh nhìn nhận như thế nào về các quan điểm này, và anh đánh giá ra sao về tác động của vàng đến lạm phát ?
Nguyễn Quang A : Cho rằng vàng là thủ phạm của việc thiếu tiền và lạm phát, tôi cho rằng, không đúng. Nhưng dùng vàng tràn lan thì có ảnh hưởng. Nói rằng vàng là « vô tội » cũng không phải là đúng. Bởi vì, nguyên nhân chính của lạm phát không phải là vàng. Nguyên nhân chính của lạm phát là do chính phủ. Bởi vì, chỉ có Nhà nước mới là người gây ra lạm phạt và Nhà nước có công cụ để kiềm chế lạm phát. Lạm phát, nói một cách khác, là in ra nhiều tiền quá. Đấy là một thứ thuế trá hình đánh vào tất cả mọi người. Tất nhiên, khi nhập vào nhiều vàng quá có thể khiến cho ngoại tệ dùng cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.
Nhưng trong thời gian vừa qua, ngay trong thống kê của Nhà nước, người ta cũng rất là lập lờ, coi vàng miếng như vàng trang sức. Có khi, người ta xuất rất nhiều vàng để nâng thành tích xuất khẩu. Nhưng nếu coi việc xuất khẩu vàng như là kinh doanh tiền tệ, thì không thể tính lượng vàng xuất khẩu vào thương mại thuần túy được.
RFI : Thưa anh, anh có thể nói rõ thêm ý này được không ? Việc Nhà nước đưa xuất khẩu vàng trang sức vào xuất khẩu có một cái gì đó không rõ ràng, phải không ?
Nguyễn Quang A : Nếu mà, nó chỉ là đồ trang sức, thì đấy là loại hàng hóa bình thường. Nhưng vấn đề là người ta ghi là vàng trang sức, nhưng thực chất đấy lại là vàng miếng, vàng ký. Lúc đó, hàng hóa này không còn là đồ trang sức nữa, như vậy cần phải loại nó ra khỏi kinh doanh xuất nhập khẩu. Đấy thực chất là kinh doanh tiền tệ.
Theo tôi, cần phải kiểm soát chuyện này, phải điều tiết. Vì chuyện kinh doanh tiền tệ và tài chính như thế, nếu không kiểm soát tốt, có thể gây ra các hậu quả rất tai hại, mà cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua là một minh chứng.
RFI : Thưa anh, trở lại vấn đề về cái nỗ lực và quyết tâm mà chính phủ Việt Nam thể hiện trong hai tháng vừa qua trong việc điều chỉnh thị trường vàng. Anh có thể cho biết một số nét lớn trong hành động của chính phủ và xin anh cho biết vì sao chính sách của chính phủ Việt Nam lại nhận được nhiều phản ứng lo ngại từ phía những người đang sử dụng vàng ?
Nguyễn Quang A : Các biện pháp được Nhà nước đưa ra trong thời gian vừa qua khá là cấp tập, và nhiều khi mang tính hành chính : nào là cấm, kiểm tra, nào là thu giữ, bắt, v.v. Tôi nghĩ rằng, những biện pháp như thế không phải là biện pháp lâu dài. Các biện pháp lâu dài là phải có khung pháp lý đường hoàng. « Anh » quản lý như thế là như thế nào, và trong quản lý đó, phải dùng được các công cụ thị trường càng nhiều càng tốt, chứ không phải dùng biện pháp hành chính. Hãy xác lập một khung pháp lý thật rạch ròi, đường hoàng, và cứ để cho người ta tự do. Bởi vì, không thể cấm được việc người ta mua vàng, thậm chí mua vàng miếng, thậm chí dùng vàng miếng như phương tiện đầu tư, lưu giữ giá trị, bởi vì với tình hình đồng tiền Việt Nam mất giá như thế này thì có cấm như thế nào cũng không thể cấm được.
Rất đáng tiếc là những chính sách của Nhà nước Việt Nam nhiều khi không nhất quán với nhau, mâu thuẫn với nhau. Một thời người ta để cho các ngân hàng mở các sàn giao dịch vàng rất rầm rộ, và nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, chuyện đấy là không thể chấp nhận được. Cuối cùng nó chỉ khuyến khích người ta đi đầu cơ thôi. Đến khi phát hiện ra là cái đó không thể duy trì được, thì bắt đầu dẹp.
Chuyện (cấm) « cho vay bằng vàng », rồi chuyện (cấm) « huy động bằng vàng », tôi nghĩ có thể làm được. Ra các quy định như thế không phải là hành chính, bởi vì khi anh cho vay bằng vàng, gửi vàng vào ngân hàng, thì vàng ấy là tiền. Còn nếu anh có vàng, có kim cương, có đá quý, gửi vào ngân hàng để bảo quản giúp, người gửi phải trả phí cho ngân hàng, thì đấy là chuyện hoàn toàn khác.
RFI : Điều vừa rồi, anh gọi là điều chỉnh bằng phương tiện của thị trường, đối với việc sử dụng vàng, cụ thể là như thế nào, anh có thể cho một hai ví dụ ?
Nguyễn Quang A : Việc gửi vàng vào ngân hàng để lấy lãi, theo tôi nên chấm dứt, bởi vì lúc đó, người ta sử dụng vàng như là đồng tiền. Cho vay bằng vàng, chấm dứt, cái đó tôi cho là đúng. Còn khi người ta mua, người ta để ở nhà, hay người ta làm cái gì đấy thì Nhà nước có các công cụ (điều chỉnh) như thuế. Anh mua vàng, anh trữ cũng được, nhưng cũng giống như mua thuốc lá, hay thứ khác, đều phải đóng thuế. Khi anh bán, cũng phải có thuế. Còn chuyện để ngăn chặn người ta dùng nó như một phương tiện thanh toán khi mua bất động sản chẳng hạn, thì lúc đó phải dùng các công cụ hoàn toàn khác.
Tôi nói ví dụ như thuế nhà đất. Nếu anh thanh toán chui với nhau bằng vàng, mà anh chỉ ghi bằng này, đến lúc anh bán đi lợi nhuận rất cao, lúc đó thuế phải đóng sẽ khác đi rất nhiều.
Thí dụ bằng những công cụ như thế, sẽ có thể dần dần đưa được hoạt động sử dụng vàng vào khuôn khổ hơn.
RFI : Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Quang A.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110428-quan-ly-viec-su-dung-vang-cam-doan-hay-dieu-tiet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét