Pages

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Từ Thác Bản Giốc đến… Biển Đông


…Như vậy, mặc dù việc đàm phán vấn đề Biển Đông chưa diễn ra, nhưng những người VN quan tâm đến chủ quyền của đất nước đối với HS, TS như đã phán đoán được rằng, sự nhượng bộ trước TQ là tư tưởng chủ đạo của lãnh đạo VN….

Theo dõi tình hình thời sự trong nước mấy ngày gần đây, ta thấy có mấy điểm đáng chú ý sau:

- Ngày 17/4 chương trình Chào buổi sáng của VTV không dự báo thời tiết đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Ngày 19/4, trong bài “Thảo luận hòa bình cho vấn đề biển Đông”, báo Người Lao động đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Trung Quốc về biên giới lãnh thổ Trương Chí Quân đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào ngày 19-4 tại trụ sở Chính phủ. Theo đó bài báo cho biết:

Theo TTXVN, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa hai đoàn đàm phán Trung Quốc và Việt Nam về biên giới lãnh thổ, trên cơ sở này cần tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực vì lợi ích của mỗi bên.

Việt Nam rất vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác Việt – Trung ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục đào tạo. Về vấn đề biên giới lãnh thổ, đối với biên giới trên bộ, hai bên cần thực sự có tiếng nói chung, cùng nhau nỗ lực sớm ký kết Hiệp định Tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định Hợp tác, khai thác tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.

Về vấn đề biển Đông, theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cùng nhau đàm phán, thảo luận hòa bình để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

- Ngày 19/4, TTXVN (Vietnam+) đưa tin: Việt – Trung sẽ sớm thỏa thuận khai thác Thác Bản Giốc; bài báo cho biết:

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân gặp nhau hôm qua bàn về hợp tác song phương, trong đó có kế hoạch khai thác du lịch Thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc
(Xem thêm:Bấm Hình ảnh Thác Bản Giốc và Trung Quốc bảo tồn cột mốc biên giới Việt – Trung)

Vậy, ba sự kiện trên có liên hệ gì với nhau?

Theo tôi, thông điệp mà những người lãnh đạo đất nước hiện nay muốn gửi đến toàn thể nhân dân VN là:

1. Việc VTV không dự báo thời tiết đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vừa là để thăm dò phản ứng của dư luận, đồng thời như báo hiệu sự nhượng bộ nhất định đối với TQ trong vấn đề HS, TS.

2. “… giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”, mà TT Nguyễn Tấn Dũng đã nói trên, đồng nghĩa với việc “giữ nguyên hiện trạng và không làm phức tạp thêm tình hình” [tự tin lắm thì lãnh đạo VN sẽ làm được như vậy, bằng không thì… chưa biết điều gì xẩy ra; người VN có thể chỉ biết được khi kết quả đàm phán được chính báo giới TQ đăng mà thôi]; cũng có nghĩa là, vô hình dung công nhận sự có mặt (một cách hợp pháp) của TQ đối với HS và những đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép ở TS.

3. Việc hai bên VN – TQ đề nghị sớm thỏa thuận khai thác Thác Bản Giốc, như là một hướng mở làm “hình mẫu” cho các vấn đề trên Biển Đông (tất nhiên, người VN ta phải hiểu, trong lúc TQ chưa thể thực hiện kế hoạch “lưỡi bò” vì nhiều lý do khác nhau). Đưa địa danh Thác Bản Giốc ra bàn tính vào thời điểm này (đem “thắng lợi” của họ ở đất liền khi bàn về vấn đề trên biển); có vẻ như TQ vừa dương dương tự đắc và đồng thời hăm doạ, rằng Thác Bản Giốc “bọn tao” còn lấy được, huống chi là… TS (?!).

Như vậy, mặc dù việc đàm phán vấn đề Biển Đông chưa diễn ra, nhưng những người VN quan tâm đến chủ quyền của đất nước đối với HS, TS như đã phán đoán được rằng, sự nhượng bộ trước TQ là tư tưởng chủ đạo của lãnh đạo VN.

Chắc mọi người còn nhớ; dự án luật biển đã rục rịch cách đây gần 10 năm rồi, ngay từ đầu nhiệm kỳ quốc hội khóa X. Nhưng vẫn chưa được thông qua vì “nhạy cảm”; Quốc hội khoá XII đã hết nhiệm kỳ; Quốc hội khoá XIII thì chưa tới; Liệu Quốc hội có vai trò gì trong việc đàm phán về vấn đề Biển Đông lần này?

20.4.2011

——————

Nguyễn Hữu Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét