Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Việt Nam : xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi vào tuần tới

Ngày 26/4/2011, tòa án Việt Nam sẽ xét xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi. Cách đây 4 tháng, trong một phiên tòa sơ thẩm diễn ra rất chóng vánh vào ngày 26/1/2011 tại Lạng Sơn, ông Vi Đức Hồi đã bị kết án 8 năm tù vì tội tuyên truyền chống Nhà nước. Bản án kể trên được xem là quá nghiệt ngã, so với một số vụ xử các nhà ly khai thời gian gần đây.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ án, RFI Việt ngữ phỏng vấn luật sư Trần Lâm, là người đã bào chữa cho ông Vi Đức Hồi trong phiên xử sơ thẩm, và tiếp tục bảo vệ thân chủ trong phiên tòa sắp tới. Luật sư Trần Lâm nguyên là Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên trưởng ban tuyên giáo cấp tỉnh và hiệu trưởng trường Đảng trong nhiều chục năm. Ông Trần Lâm đã từng bào chữa trong một số vụ án chính trị.


RFI : Xin chào luật sư Trần Lâm. Thưa luật sư, vừa rồi có tin ông Vi Đức Hồi sẽ ra tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án, mà trong đó luật sư là người sẽ tiếp tục bào chữa. Vậy thì nhân dịp này, RFI xin được hỏi luật sư các ý kiến của luật sư về phiên tòa này, cụ thể trước hết là, luật sư đánh giá như thế nào về các thủ tục đã được thực hiện từ trước đến nay ?


Trần Lâm : Có những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến việc tuân thủ các thủ tục.


Thứ nhất là những người xét xử phải có đủ khả năng để phân tích, mổ xẻ vụ án ấy cho thật khoa học, mà điều này đã không có được, vì thực tế là, có rất ít các vụ loại này.


Việc thứ hai là, có một sự khống chế rất là ghê gớm, tức là án không phải xét xử tại «pháp đình», mà án lại được xử tại « cung đình ». Có cái danh từ « án bỏ túi », tức là những người lãnh đạo quyết định : xử « nặng ». Nặng là thế nào, nghiêm là thế nào ? Thì người xử cứ làm mọi cách để làm sao nó xong phiên toà, và tuyên được cái mệnh lệnh, cái số năm tù mà người ta đã quy định, thế là hoàn thành trách nhiệm rồi.


Luật sư Trần Lâm và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang (từ trái sang phải)

Cái thứ ba là : thế nào là thủ tục ? Thủ tục thì phải có người dân, phải có báo chí, phải có phe đối lập. Tức là phải có giám sát. Nếu có giám sát, thì mọi việc mới làm theo đúng luật, đúng quy trình, quy phạm.


Ở đây, gọi là xử hở, nhưng thực ra lại là kín, thì ai dám làm khác, mà có thể xử đúng thủ tục được.
Nguyên gốc cơ bản là thế nào ? Suy cho đến tận cùng, hiện nay ở Việt Nam, nói về vấn đề xét xử là nói theo chế độ đa nguyên, đa đảng của châu Âu. Tức là, công khai mà nói, tôi xử theo A, B, C, D, mục nọ, mục kia, như vậy là theo trình tự của Châu Âu. Nhưng mà khi xử là theo ý mình (tức ý người lãnh đạo). Nếu mà thấy nó nguy hại lắm, mình khó chịu, thì có khi nặng hơn. Thế còn, nếu cái chuyện này, mình thấy nó thoải mái, mình thấy thế này cũng đáng thương, thì nó lại nhẹ đi.


Xem như thế, rõ ràng không có cái chuẩn mực. Bằng ấy yếu tố thì anh xem, làm sao nó có thể chuẩn mực được. Nhưng nói đi, cũng phải nói lại. Bây giờ cũng có thay đổi chút ít, nhưng thay đổi để đạt được cái chuẩn của nó, hay đạt được cái chuẩn ở mức độ thấp cũng không có.


Anh em người ta có xử bao nhiêu đâu. Mười năm, hai mươi năm chưa chắc họ đã xử một vụ án như thế. Tôi biết có các thẩm phán, có khi ba bốn năm, mới có một vụ chính trị, thì ông bảo làm sao mà giỏi được ?! Thêm vào đó, đã làm xét xử, thì phạm sai lầm nhiều chứ. Bản thân nghề tòa án, người ta đã nói rằng, là cái nghề luôn luôn sai.


RFI : Bây giờ xin phép luật sư được quay trở lại về vụ án này. Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra. Nhưng các thông tin rất ít. Vậy luật sư có thể cho biết cụ thể ở phiên tòa sơ thẩm, ngoài chuyện ông Vi Đức Hồi bị kết án tám năm tù ra, thì có các phán quyết nào, và việc kết tội diễn ra ra sao ?


Trần Lâm : Nói về bản án sơ thẩm, nói cho cùng, có sự ngộ nhận của bị cáo, và sự ngộ nhận của luật sư, đấy là cái sai lầm của chúng tôi. Thứ nhất, chúng tôi cho cái vụ này là vì vấn đề an ninh cho nên phải xử cho nó nghiêm, nhất là ở tỉnh Lạng Sơn, là một tỉnh nhỏ, và anh Hồi lại (nguyên) là một cán bộ Đảng, lại là loại cán bộ tín nhiệm, rồi lại gần biên giới. Vì vậy, chúng tôi nhận định rằng, sẽ xử nhẹ nhàng thôi. Thế và, chính bản thân tôi là luật sư, tôi cũng chủ quan, tôi cho rằng, anh ấy không mất lòng ai cả, anh ấy nói rất nhẹ nhàng. Thế mà ai ngờ, cái mức án quá cao. Đấy là cái thứ nhất phải xem lại.


Cái thứ hai là chính vì chủ quan như thế, nên cái vụ án xử cũng mau lẹ, nó cũng « ổn thỏa » và cũng rất là « vui vẻ », bởi vì nghĩ rằng, có cái gì mà phải gay gắt. Bây giờ, người ta đã đưa ra tòa rồi, thì phải có án, chứ đưa ra để tha (bổng) à ? Không bao giờ có chuyện như vậy cả. Bởi cái án ấy có phải theo luật đâu. Mà cái này là theo chủ trương của Đảng, mà theo chủ trương của Đảng, thì cái này phải có ý kiến, nếu không thì nó loạn. Như vậy thì, nhất định người ta sẽ kết án. Cái sai thứ hai (của chúng tôi) là đã không tranh luận ráo riết, không gay gắt để cho rõ ràng ra đen trắng, phải trái, đúng sai, mà người xử, cũng như người bào chữa, cũng như bị cáo, đã làm một phiên tòa êm ả, đẹp đẽ, như chuyện ở trong nội bộ bàn soạn. Thế nhưng mà, khi biết được là tám năm tù, (chúng tôi) bổ chửng, chứ lúc đó ngồi tranh luận giữa Tòa, với Viện, với Luật sư và Bị cáo, thì đều nói rằng, kể là có làm việc đó, thì cũng là thiếu sót, nhưng mà nó chả là cái gì ghê gớm cả, nhưng thế mà cuối cùng, nó lại thành nghiêm trọng.


Ngay trong bản án bây giờ cũng có nhiều cái sai lắm. Ví dụ, một trong các cái sai đó là, ghi rằng luật sư cũng thừa nhận là có tội. Không phải ! Luật sư lại đi thừa nhận là có tội thì còn làm ăn cái gì nữa.


RFI : Thưa luật sư, thế luật sư có được tiếp xúc với thân chủ không ?


Trần Lâm : Tôi ngồi với ông ấy hàng mấy buổi. Đến ngày mai, ngày kia, tôi lên Lạng Sơn. Lần này, tôi sẽ đề nghị gặp hai buổi, Chủ nhật và thứ Hai. Đến ngày thứ Ba thì xử. Không, tiếp xúc vui vẻ lắm, các đồng chí ở trại chu đáo, tươm tất lắm. Anh em ở trên ấy chất phác lắm, ông ạ.


RFI : Thế khi tiếp xúc lần gần đây, luật sư thấy sức khỏe và tinh thần của ông Vi Đức Hồi ra sao ?


Trần Lâm : Anh Hồi là một người có thể lực tốt. Nhưng mà vừa rồi, bị một tai biến nho nhỏ ở đâu trong xương. Chị ấy đã đi mua thuốc gửi cho anh ấy rồi. Cái đó không phải là nặng lắm. Lần trước, tôi gặp, tôi thấy anh ấy khỏe mạnh. Nhưng có một điểm, tôi cần phải nói, anh Hồi là một người rất cân bằng, rất là nhu thuận. Nói năng, suy nghĩ, cái gì cũng mức độ.


Anh ấy không bị tự mình làm cho mình cứ như là điên lên, anh ấy nói với tôi rằng, thôi kể ra ở cái tỉnh nhỏ này, có việc như tôi đâu. Nay có việc như tôi, thì tôi thấy rằng, Đảng và Nhà nước người ta khó chịu thì cũng « phải » thôi. Đấy, anh ấy cân bằng như thế ! Nhưng mà « phải » thì cũng phải tí tẹo thôi chứ, sao lại xử đến tám năm. Tám năm thế này, thì so với các anh em, thì sao mà tôi lại nặng như thế ?!


RFI : Đấy có phải là lời thân chủ Vi Đức Hồi của luật sư nói như thế không ?


Trần Lâm : Đúng thế, đấy là cái lời của anh Hồi. Tôi xin đảm bảo là anh Hồi nói với tôi như thế. Và anh Hồi nói với tôi như thế này : « Tôi chỉ hai, ba năm là đúng ! ». Anh ấy nói đến mức như thế. Vậy là một con người, người ta đã làm một việc như thế, xong rồi người ta nghĩ rằng, thôi mình ở tù một chút ít cũng được, cũng đúng. Đấy, họ nhân nhượng lắm. Thái độ của người ta rất là đúng, rất là nhân nhượng.


Tôi nghe dư luận, từ trước đến giờ, đối xử với các anh em, quan hệ rất đẹp đẽ. Đấy, con người anh ấy như vậy, nói chung là rất đĩnh đạc.


RFI : Thế bây giờ để nói đến phiên tòa sắp diễn ra, về các luận cứ bào chữa cho ông Vi Đức Hồi, luật sư có thể cho biết rõ những điểm chính được không ạ ?


Trần Lâm : Mỗi một tội, nó có dấu hiệu của cái tội ấy, thì (người xét xử) phải đi sâu vào mặt ấy. Ở trên thế giới người ta không công nhận vụ án gọi là « tuyên truyền chống Nhà nước ». Người ta chỉ công nhận việc gì chống mà gây ra thiệt hại cụ thể thì mới là tội. Mà về tự do ngôn luận, trên thế giới người ta không đồng ý tội danh này.


Nhưng ở Việt Nam, vẫn dùng cái đó. Tại sao như vậy ? Trong quan điểm của phe xã hội chủ nghĩa, có nguyên tắc « cấu thành hình thức », tức là không cần phải có thiệt hại. Vì quan điểm của người ta rất rõ ràng : nếu để diễn biến như mồm anh nói, cần phải đa đảng, cần phải thế nọ, thế kia, mà việc đó nó đã thành hình rồi, thì cái chính thể có còn không ? Chính thể lúc đó không còn nữa. « Cấu thành hình thức » là chưa cần thiệt hại, mà có khả năng xảy ra thiệt hại, thì phải ngăn trước, ngừa sau. Hai cái quan điểm luật pháp có sự khác nhau là như vậy.


Lại còn một điều nữa là, làm như thế nào thì cái « cấu thành hình thức » kia khiến một người có thể bị buộc tội. Thực tế là (ở đây trong trường hợp ông Vi Đức Hồi) người ta không mô tả được. Thành ra (sự kết án này) nó trở nên trừu tượng, « tôi » nhận thức đó là nguy hiểm, thì (tôi cho) nó là nguy hiểm, thế thì « nguy » quá rồi.


Lại còn có thêm chuyện này nữa. Người này nói thì không việc gì, nhưng người khác nói lại bị.


Hiện nay nó đang có sự lúng túng như thế. Ví dụ như anh ấy nói chuyện đa nguyên, đa đảng. Tôi đã đọc rồi, thực ra chả hơn gì ông Cù Huy Hà Vũ, chả hơn gì các cụ lão thành, chả hơn gì các ông đảng viên gọi là « nhạt đảng », « chán đảng ». Họ còn nói ghê hơn. Có ông to ông ấy còn bảo, « thay đổi thể chế », thì ông bảo làm sao. Thay đổi thể chế còn ghê hơn cái «Nể dâm» (một truyện ngắn do ông Vi Đức Hồi sáng tác), còn ghê hơn cả cái đa đảng, đa nguyên.


Lần này, tôi dứt khoát là, « ông » kết (án), thì cũng đúng thôi, nhưng nó không hợp thời, không đúng với thời đại. Thời đại bây giờ người ta ầm ầm chứ, mà « ông » lại mang những cái chuyện cũ kỹ ra, mà « ông » coi là ghê gớm, thì người ta thấy rằng « ông » nhắm mắt, bịt tai trước tình hình chung.


RFI : Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Lâm.
Nguồn : RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét