Pages

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Giới trẻ thể hiện lòng yêu nước như thế nào?

Khánh An, phóng viên RFA
2011-05-23
3 bạn trẻ Dung ở Hà Nội, Hà Thanh ở Sài Gòn và Trình ở Hoa Kỳ nói về cách các bạn thể hiện lòng yêu nước thông qua việc không thoả hiệp với cái xấu, và truyền tải thông tin đa chiều đến bạn bè ra sao.

AFP photo Một chiếc xe tải mang áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử với loa phát thanh ở Hà Nội hôm 22 tháng năm 2011.

Bây giờ, Khánh An mời quý vị nghe tiếp ý kiến của bạn Dung ở kỳ trước.


Dung: … Lúc viết lưu bút cho em, anh ấy có khuyên em rằng: “Hãy từ từ, hãy biết chấp nhận tiêu cực đã, sau leo lên được một trí nhất định rồi mình có quyền trong tay thì mình mới có thể thay đổi được.


Khánh An: Vâng, điều mà Dung nói thì Khánh An tin là không chỉ một mình Dung nghĩ như thế, mà có lẽ nhiều bạn trẻ khác cũng nghĩ như vậy, cũng nghĩ rằng thôi cứ từ từ rồi mình đấu tranh, đến một lúc có đủ khả năng thì mình sẽ đấu tranh. Nhưng hình như đó cũng là điều mà lần trước bạn Thái Học nói là đến một lúc có đủ khả năng rồi thì lúc đó bạn lại không đấu tranh được nữa. Các bạn có cho đó là một thực tế hiện nay không? Theo các bạn, mình nên đấu tranh bây giờ hay là đợi đến một lúc nào đó thì mình đấu tranh?


Dung: Thực ra, đến bây giờ em đã không còn theo còn đường đấy (vào Đảng) nữa rồi. Ngày xưa em cũng nghĩ như thế nhưng sau này lớn lên, em nhận ra là, ví dụ như ngày xưa em chọn Nông nghiệp là vì em rất thương bà con nông dân ở quê, cũng muốn Việt Nam là một nước mà đọc sách báo nghe sách vở ca ngợi là “rừng vàng biển bạc”, nhưng mà thấy quá nhiều nơi còn nghèo, nhất là dải miền Trung. Cho nên em chỉ muốn bằng con đường nông nghiệp giúp đỡ bà con nông dân. Nhưng khi vào trong trường, em cảm thấy phấn đấu theo con đường Nhà nước như bình thường thì em không làm được nên em đã từ bỏ, không còn phấn đấu theo con đường đấy nữa rồi.


Không tham gia vào tổ chức, hệ thống

Khánh An: Vâng. Khánh An muốn nghe ý kiến của Hà Thanh, Hà Thanh có đồng quan điểm với Dung trong những ý kiến vừa rồi không?




Pano tuyên truyền, vận động bầu cử QH khóa 13. AFP photo




Hà Thanh: Trước tiên là mình đã không còn chọn con đường đấu tranh dưới một tổ chức, dưới việc tham gia vào hệ thống chính quyền hiện tại nữa rồi, tại vì hệ thống chính quyền hiện tại như Chủ tịch Nguyễn Văn An, Cựu Chủ tịch Quốc hội, nói là “hệ thống đang lỗi”.


Nếu nó đang lỗi như vậy, khi mình tham gia vào, như mình nói, Quốc hội là một cơ quan quyền lực của dân nhưng những vị đại biểu quốc hội, thậm chí người dân còn không nhớ được cái tên của vị đại biểu mà mình đã bỏ phiếu bầu cho, thì làm sao họ có thể đại diện cho tiếng nói của người dân được, đó là chưa kể họ hơn 90% là Đảng viên. Cho nên tinh thần đấu tranh của họ không cao vì họ là Đảng viên, dưới quyền của Đảng.


Cho nên như mình nói lúc đầu, ở Việt Nam, việc cấp dưới phê bình cấp trên còn là chuyện không tưởng, tức là họ không biết khi mình đấu tranh như vậy thì điều gì sẽ xảy ra với mình, chứ đừng nói gì là trong một bài phỏng vấn đại biểu quốc hội trên vietnamnet, mình đọc và thấy là các ông này cũng rất là khổ. Có cử tri kia ví các ông như là người đưa thư, tức là những ý kiến của cử tri thì các ông chỉ mang đi trình quốc hội thôi, còn việc giải quyết, giám sát giải quyết tới đâu thì các ông cũng khá là bất lực vì theo một cơ chế như vậy.


Chuyện đấu tranh có tổ chức hiện nay mà nằm ngoài hệ thống chính trị thì nó cũng gần như là không tưởng luôn vì tất cả những hội ở Việt Nam thì cũng bàn đến việc “tự do lập hội” thì nó cũng còn nhiều những quy định rất nhiêu khê, thậm chí bây giờ muốn ví dụ như thành lập một tổ chức đấu tranh hay liên quan đến chính trị thì nó gần như là không tưởng.


Cho nên việc đấu tranh, các giáo sư, tiến sỹ như Cù Huy Hà Vũ, các bác ở trang bauxite Việt Nam, họ chọn cách là làm một trang mà ở đó mọi thông tin đều không bị kiểm duyệt khi đăng tải, đó là cách thể hiện quan điểm cá nhân của họ về việc đóng góp cho đất nước. Mình nhớ một câu rất nổi tiếng của tổng thống Mỹ Roosevelt: “Yêu nước là phải giúp nước”, mà bây giờ những con đường giúp nước trở nên khá hạn chế. Việc đóng góp ý kiến cho dù là với quan điểm đường lối của Đảng và của nhà nước thì nó đã là rất khó khăn rồi.


Khánh An: Vâng. Như vậy theo những điều các bạn miêu tả, đã thấy và chứng kiến ở xã hội Việt Nam hiện tại mà các bạn đang sống, thì theo ý các bạn, đối với những tiêu cực, bất công, những cái xấu ở trong xã hội hay trong chính quyền bộ máy nhà nước, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ chọn hướng giải quyết thế nào?


Dung: Thật ra em thấy cái này cũng khó. Em chỉ chọn cách là không tham gia vào hệ thống chính quyền nữa, không tham gia vào con đường ví dụ như sinh viên ra trường bây giờ hay các bạn bè em, rất nhiều người phải nhờ bố mẹ xin việc cho, “chạy” việc để vào làm công chức nhà nước. Bố mẹ em thì cũng như những người khác quan tâm lo lắng cho con cái, cũng chạy đôn chạy đáo tìm mối quan hệ này kia nhưng em từ chối luôn.


Em không theo con đường như thế. Em không muốn nhờ bố mẹ em, tự dưng mất bao nhiêu tiền nuôi con ăn học rồi bây giờ lại còn phải mất tiền xin vào nhà nước. Mà khi vào trong nhà nước, em cảm thấy bị đè nén lắm. Nó là các cái mối quan hệ rồi cho nên em chọn cách là không tham gia vào những cái tiêu cực như vậy. Còn việc đấu tranh thì em cũng chưa nghĩ được ra cái gì cả, chỉ là bản thân mình không tham gia vào những việc như vậy thôi.


Chia sẻ thông tin đa chiều

Khánh An: Đó cũng là một cách đấu tranh mà phải không, nghĩa là bạn không tiếp tay cho điều đó nữa. Vâng, cám ơn Dung. Thế còn Hà Thanh? Bạn có sáng kiến gì không?


Hà Thanh: Mình nghĩ là đa số sinh viên hay các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay khá bàng quan với chính trị. Việc lo lắng hiện giờ của họ là việc học, hoặc có những hoạt động tình nguyện nào mà dưới sự tổ chức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Thanh niên, mình nghĩ những tổ chức này hoạt động nhưng không hiệu quả lắm về lĩnh vực chính trị.


Nó chỉ phát động những phong trào thanh niên Mùa Hè Xanh, những phong trào tình nguyện thì đó là những phong trào theo mình cũng rất hữu ích. Nhưng những tổ chức này không hoạt động quá mạnh về lĩnh vực chính trị. Nếu chọn cho mình một phương pháp đấu tranh thì mình hiện nay nghĩ rằng mạng internet mang lại cho mình rất nhiều thông tin hữu ích.


Giống như mình đọc một thông tin nào đó về một sự việc nào đó thì mình sẽ tìm một nguồn tin khác, một nguồn tin đối lập lại để xem, để kiểm chứng lại sự việc nhìn từ hai phía nó như thế nào.


Mình nghĩ đó cũng là một cách mà người ta có thể nhận biết được là đất nước đang phải đối mặt với những chuyện gì. Mình nghĩ là tìm hiểu thông tin, tiếp tay truyền tải những thông tin đó đến bạn bè, những người khác qua blog hoặc mạng xã hội thì đó cũng là công việc mà những bạn trẻ hiện giờ có thể làm. Nếu mình đã không được lên tiếng bằng những tổ chức ngoài xã hội ngoài đời thực thì mình hãy sử dụng những công cụ internet để làm việc đó.


Khánh An: Vâng, đó là một trong những điều mà đối với Khánh An, Khánh An cho đó là cách rất tích cực để thể hiện lòng yêu nước. Nhưng trong những ý kiến của Hà Thanh, Khánh An nhận thấy một điều là chuyện các bạn nhận thông tin, đối chiếu thông tin và chia sẻ cho người khác thì có những người cũng chính vì nói lên ý kiến hay chia sẻ những thông tin mà đối với nhà nước là không có lợi thì một số người đã gặp khó khăn. Các bạn có e ngại chuyện này không? Có ngại là một ngày nào đó các bạn sẽ được chính quyền mời đi làm việc, các bạn sẽ gặp một số rắc rối nào đó trong cuộc sống hàng ngày không?


Hà Thanh: Mình nghĩ sự e ngại đó là không thừa, đặc biệt là trong một xã hội có lẽ không được tự do như những nước khác như mình biết. Những thông tin không có lợi cho chính quyền mà báo chí tránh đề cập tới hoặc đưa tin một khía cạnh nào đó, giảm mức độ trung thực của nó phần nào, cho nên mình phải kiểm chứng qua những trang thông tin khác để có cách nhìn đa chiều hơn. Mình nghĩ là họ sẽ có một giới hạn nào đó cho những bloggers, những trang “lề trái”.


Về những thông tin ví dụ như mình biết có những bloggers bị bắt, bị mời lên mời xuống hỏi rất nhiều chỉ vì người ta có những ý kiến theo quan điểm cá nhân của người ta, chứ người ta không nhằm mục đích tuyên truyền vận động người khác làm theo ý kiến của người ta, mà cũng bị gán vô tội “tuyên truyền chống phá”.


Mình nghĩ là còn rất nhiều điều hạn chế trong việc góp ý và vấn đề về thông tin, mà những cái đó là phương tiện để mình thể hiện lòng yêu nước của mình. Mình không ở vai trò là người quản lý điều hành thì mình thông qua những cái đó để góp ý, để thể hiện lòng yêu nuớc. Nhưng ở Việt Nam thì những cái đó bị hạn chế rất nhiều.


Khánh An: Vâng, cảm ơn Hà Thanh. Bây giờ Khánh An lại muốn hỏi Dung, trong những điều Hà Thanh nói là các bạn trẻ có thể làm như tìm hiểu thêm thông tin bên ngoài, chia sẻ thông tin… thì bạn thấy thế nào? Bạn có e ngại khi làm những việc giống như Hà Thanh nói hay không?




Báo chí chính thống trong nước. RFA photo





Dung: Em đồng ý với bạn Hà Thanh, mà thực tế là em cũng đã làm những việc như vậy rồi, nhưng làm sao mà mình vẫn đảm bảo được độ an toàn mà vẫn phổ biến được thông tin tại vì bây giờ mình cũng nhỏ lẻ mà, phải làm sao khi mà tất cả mọi người biết rồi, khi ấy mình mới có sức mạnh lớn thì nó sẽ thành công và có tác dụng hơn.


Khánh An: Vâng. Nãy giờ mình chưa nghe ý kiến của Trình. Bạn là một người ở nước ngoài, chắc chắn cách thể hiện lòng yêu nước của bạn sẽ khác với các bạn ở trong nước phải không? Bạn đâu thể tham gia trực tiếp vào những điều mà các bạn trong nước có thể làm? Bạn ở nước ngoài thì mình tin là bạn cũng sẽ có những cách của mình để thể hiện tình yêu đối với đất nước, đối với quê nhà, Khánh An muốn biết là Trình sẽ làm những điều gì?


Trình: Trình theo dõi tình hình trong nước, giúp đỡ những người trong nước gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong vấn đề giáo dục. Hiện giờ Trình rất thất vọng về nền giáo dục ở Việt Nam. Giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí nhưng không hiểu tại sao lại bắt con em đóng học phí, làm cho nhiều em hoàn cảnh khó khăn đã bỏ học. Ở nước ngoài, Trình tìm hiểu những trường hợp như vậy và cố gắng giúp đỡ những em đó trở lại trường học. Đồng thời, Trình tìm hiểu và yểm trợ cho các anh chị dấn thân vào con đường dân chủ cho đất nước.


Khánh An: Vâng, bạn đang sống ở một đất nước khác mà bạn có tấm lòng hướng về đất nước và làm những điều trong khả năng thì đó cũng là một cách thể hiện rất hay. Mặc dù những điều các bạn làm có thể không nổi bật ngay lập tức giống như bạn sinh viên Tuấn Anh hay những nhân vật khác, thế nhưng những điều các bạn làm âm thầm, Khánh An tin rằng nó sẽ có tác động lên những bạn bè khác, lên xã hội Việt Nam, lên những người mà có thể vì lý do nào đó đang bận rộn với chuyện cơm áo= gạo tiền hay đời sống cá nhân của họ. Khánh An cám ơn các bạn rất nhiều đã tham gia vào chương trình Café Wifi hôm nay.


Muốn đóng góp ý kiến hay tham gia chương trình Café Wifi, xin gửi email và số điện thoại về địa chỉ email: khanhan@rfa.org hoặc wificoffee.rfa@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét