Pages
▼
Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011
Hãy để di tích sống bằng cách khác
Lê Thường Xuân (Tuổi Trẻ) - Khi đọc mẩu tin Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê trên báo Tuổi Trẻ (ngày 22-5) cùng với việc thấy những băngrôn quảng cáo của quán cà phê này trên đường, tôi thật sự bất ngờ.
Xưa nay quần thể di tích Đại Nội mặc nhiên được công nhận là nơi tôn nghiêm trong đời sống tinh thần của người dân cố đô. Họ đã từng lên tiếng phản ứng về tình trạng du khách ăn mặc thiếu nghiêm túc khi đi vào tham quan khu vực này. Tình hình nhếch nhác của những hộ dân cư trong khu vực này cũng đã khiến chính quyền thành phố bận tâm và đầu tư bao nhiêu là tiền của để tôn tạo, đưa lại sự nghiêm cẩn và đẹp đẽ cho Đại Nội.
Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê - Ảnh tư liệu
Không phải ngày một ngày hai quần thể di tích Đại Nội mới trở lại với vẻ đẹp vốn có của nó như khi xưa. Đó là cả một sự đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân. Có thể nói người dân cố đô tự hào với khách phương xa cũng nhờ vẻ đẹp uy nghiêm mà xinh xắn của quần thể di tích này.
Giá trị của di tích tồn tại trong đời sống tinh thần không phải ngày một ngày hai mà có. Đó là cốt cách, là nét ứng xử lâu ngày tạo nên một văn hóa riêng của Huế. Khách nơi khác đến để cảm nhận cái khác riêng biệt “chẳng nơi nào có được” như một “đặc sản” riêng của đất đế đô.
Thế nên trong bài báo viết về việc biến lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê “để cho di tích có đời sống của nó” như lời ông giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nghe ra không thuyết phục. Theo như lời giải thích của ông, lầu Tứ Phương Vô Sự sẽ trở thành nơi gắn bó thiết thân với du khách hơn qua kế hoạch trưng bày luân phiên các chuyên đề về di tích, xây dựng một tủ sách di tích, trưng bày những ấn phẩm của Huế… Nhưng có nhất thiết phải thông qua một quán cà phê để giới thiệu với du khách những điều đó không, trong khi đã có một bảo tàng cổ vật nằm trong quần thể di tích đảm nhận vai trò đó?
Mặt khác, cũng theo lời ông giám đốc, quán cà phê này chỉ giới hạn trong khuôn viên Đại Nội, khách bên ngoài không vào quán qua đường này. Vậy thì những băngrôn quảng cáo trên đường phố về việc khai trương của chủ quán không lẽ chỉ nhắm vào đối tượng du khách? Và khách bên ngoài nếu không vào cửa này (cửa Hòa Bình) thì phải mua vé đi qua cửa Ngọ Môn để vào uống cà phê?
Còn nữa, bảo rằng chủ quán đã cam kết không xâm hại kiến trúc thì ngay cả sự bài trí trong lầu cũng đã làm ngược với sự cam kết đó. Nơi đã từng là vọng canh, đã từng là nơi hóng gió, đã từng là nơi học tập của các hoàng nam, hoàng nữ giờ đầy bàn ghế cho du khách uống cà phê. Nói không xâm hại nghĩa là sao?
Chúng ta chia sẻ sự trăn trở của những người làm quản lý di tích khi “di tích không có sinh khí, không có cuộc sống khiến du khách rất buồn phiền”. Nhưng hãy trăn trở thật sự đi, để làm cách nào đó đưa di tích về với đời sống cùng người dân, cùng hồn phách cố đô chứ không phải biến thành một nơi diêm dúa và lao xao rồi bảo rằng nó đang sống.
LÊ THƯỜNG XUÂN
Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét