Pages

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Hiểu thế nào về nhân quyền đây?!

Tôi ngờ rằng mười mấy ông lãnh đạo trong bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam chưa đọc qua bản tuyên ngôn về nhân quyền. Hoặc có đọc thì cũng chỉ hiểu lờ mờ rồi không thực hiện, còn thiếu sót quá nhiều trong bản cam kết. Cho nên mới có chuyện cãi chài cãi cối là Vn luôn tôn trọng nhân quyền, nhưng chính điều 88 trong bộ luật hình sự của đảng là một trong những trường hợp chứng minh đã vi phạm. Khi bị hạch hỏi thì họ lấp liếm: nào là Vn sẽ thực hiện từng bước, rồi đổ thừa là vì điều kiện, phong tục, dân trí… Họ còn nói rất trơ trẽn và ngu dốt là chính vì tôn trọng nhân quyền nên mới đánh đuổi thực dân (chắc ý họ muốn nói là chỉ có thực dân mới đàn áp nhân quyền và họ là người đi giải phóng)

Họ nên hiểu rằng, theo hiến chương Liên Hiệp Quốc, đánh đuổi thực dân, thống nhất đất nước, giành chủ quyền cho quốc gia thì mới chỉ hợp lệ theo công ước quốc tế, nhưng cai trị dân với hình thức nào thì lại là chuyện khác (theo như tình hình đất nước hiện nay, không cần phải dài dòng: giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam lọt vào vòng xoáy nào? Ai là thực dân thì mọi người cũng đã rõ).

Đương nhiên, trong bản tuyên ngôn nhân quyền gồm có những điều khoản mà nhiều quốc gia cũng chưa chắc gì đã thực hiện trọn vẹn, thiết nghĩ không cần dẫn chứng ra. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến quyền căn bản của mỗi con người mà hầu như tất cả các nước dân chủ tiến bộ đều đã và đang khuyến khích thực hiện; nó rất quan trọng trong việc thúc đẩy để đóng góp chung cho việc xây dựng quốc gia; cũng chính nhờ đó mà con người mới văn minh, tiến bộ thêm. Người ta còn cho quyền ưu tiên người dân được chỉ trích, tranh luận công khai với các cơ quan công quyền, không hạn chế; mục đích tìm ra mọi đường hướng tốt, thích hợp, chính xác hơn để điều hành đất nước: Đó là quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng (trong đó có tín ngưỡng).

Một thân cây nếu được phát triển tự nhiên thì khu rừng mới xanh, tốt.

Trường hợp bóp chặt để quản lý kinh tế, kiểm soát từ cây kim đến sợi chỉ, không cho phát triển tự nhiên như trước đây là một điều không thể, sai lầm và đã nhìn thấy hậu quả rồi! Trường hợp quản lý tư tưởng như hiện nay là một điều cũng không thể, sai lầm rất nghiêm trọng. Hậu quả cũng đã thấy: Giáo dục tệ hại; tệ nạn xã hội khủng khiếp; tham nhũng; mỗi địa phương làm việc tùy tiện, vi phạm pháp luật trắng trợn… tất cả đều do sai lầm trong quản lý tư tưởng mà ra. Hai nhu cầu để phát triển cần thiết nhất của con người là tinh thần và vật chất thì không thể cấm. Nêú gò bó thì quốc gia không thể cất đầu lên được.

Có phải vì ù lỳ ngu dốt hay không mà mấy ông trong bộ chính trị không nhìn ra; và tự hỏi: tại sao đất nước người ta phát triển đồng bộ về mọi mặt; còn Việt Nam thì sao? Có phải chăng từ giai đoạn khởi đầu xây dựng đất nước, họ bắt dân của họ học tập đạo đức người này, noi theo tư tưởng người nọ, chấp hành nghị quyết, phấn đấu để đạt thành tích mà đất nước họ trở nên được như ngày hôm nay?

Quyền tự do ngôn luận, đương nhiên đã gọi là tự do thì không bị ràng buộc, hạn chế dầu bất cứ lý do. Đó là quyền căn bản của mỗi cá nhân, không ai được quyền xâm phạm. Nhưng trong cái tự do đó bị chế tài bằng luật: không được làm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc làm tổn thương tinh thần hay thể xác của người khác (gọi nôm na là đụng chạm).

Nhưng nhân phẩm và danh dự thì thuộc về cảm tính của mỗi con người, mỗi dân tộc có khác nhau. Mà quan niệm, cảm tính thì rất trừu tượng, mơ hồ, không sờ mó được, khó mà định lượng; cho nên người ta mới nhờ vào công lý, đưa vấn đề lên “bàn cân” để phân biệt đúng, sai, phải, quấy.

Tôi lấy thí dụ: cũng cùng một lời nói và nhìn từ thái độ nói mà mỗi người có cảm nhận khác nhau. Nếu ông tổng thống Mỹ bị dư luận (nặc danh) cho rằng ông có hành vi cưỡng bức tình dục, chuyện đó đương nhiên nếu không có gì ồn ào, ầm ĩ và ông im lặng (không có nghĩa là ông thừa nhận) thì không ai để ý tới. Nhưng nếu ông bị nạn nhân thưa, hoặc là công luận, đảng đối lập đòi hỏi không được bỏ qua thì lúc đó ông có bổn phận phải giải trình vì có thể gây xúc phạm đến danh dự, sự nghiệp của ông. Trong trường hợp này, im lặng là ông thừa nhận; cho nên mọi việc phải được làm cho ra lẽ. Một thí dụ tiếp theo: Nếu người ta nói rằng ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận hối lộ lên đến 150 triệu Đô la, chuyện đó cũng không có gì ầm ĩ nếu người dân không ai hạch sách. Ông im lặng, không có nghĩa là ông thừa nhận (không chối thì thôi, làm sao mà dám nhận!). Mọi việc chìm xuồng! Nên nhớ: không có “lửa” thì làm sao mà có “khói”. Còn ngược lại, ông phải có bổn phận giải trình, đối chất với những ai đặt ra nghi vấn. Ông có quyền bào chữa trước pháp luật, công bố rộng rãi: một là giải oan, gở lại danh dự cho ông; hai là truy tìm ai đã xuyên tạc gây ảnh hưởng đến danh dự của ông để có biện pháp thích nghi. Không thể khi khổng khi không đi bắt người ta để đánh đập điều tra, lấy lời khai, ép phải khai, rồi hỏi thế lực nào đã xúi giục, xuyên tạc, chống đối chính quyền, vị phạm đến điều 88 bộ luật hình sự, có hành vi đòi lật đổ chính quyền của dân, vì dân… Đó là hành xử của kẻ côn đồ, ngang ngược chứ không phải người có tư cách. Chuyện của “Cô Gái Đồ Long” đã xảy ra, là một minh chứng cũng gần tương tự. Và chuyện trả thù luật sư Cù Huy Hà Vũ là một hành động đê hèn

Một con người trong xã hội cũng thế: Nếu một người nói không đúng sự thật về một người, hoặc vì hiểu sai một vấn đề nào đó nên người ta dùng những lời lẽ rất khó nghe, đó là quyền của họ. Người bị nặng nhẹ, chì chiết vẫn im lặng, không có nghĩa là họ đã thừa nhận (nhà toán học đóng cửa “chùa” là một thí dụ). Nhưng khi bị xúc phạm đến danh dự, uy tín, sự nghiệp, hoặc có thể làm ảnh hưởng an ninh cho bản thân thì người ta có thể lên tiếng hoặc nhờ luật pháp can thiệp. Có nhiều trường hợp không cần thiết thì không ai cần để tâm; hoặc thấy rằng trước pháp luật không có phần thắng, tốn kém thì không ai thèm làm, bỏ qua, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Không thể khi khổng khi không đi bắt trói người ta lại, khống chế hoặc thoi một thoi cho phù mỏ, hỏi: tại sao mầy dám đi nói xấu tao?! Đó là vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền.

Mấy ngày qua tôi có đọc một bài viết, luận về tính nặc danh và chính danh. Theo lối so sánh trong bài thì có thể nhận ra: tác giả chỉ hành xử cảm tính trong quyền tự do ngôn luận, bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, nhân cách.

Có những người không đồng ý trên những trang báo mạng lề trái bị hạn chế trong sự góp ý cho những bài viết. Họ luận rằng nếu tôn trọng quyền tự do ngôn luận thì không nên hạn chế mặc dầu lời lẽ rất khó nghe. Điều này chỉ đúng một nửa của vấn đề.

Người ta có thể hình dung ra rằng: khi thành lập ra một tờ báo (mạng), có thể do một người hay một nhóm người có những ý nghĩ tương đồng cùng sinh hoạt trên một “mảnh vườn nhận thức”. Trong mảnh vườn đó, họ có quyền rào hoặc không cần phải chận; trồng trọt mọi hoa màu tùy thích theo thẩm mỹ riêng; dây leo, cỏ dại họ có quyền cắt bỏ hay để phát triển tự nhiên, tùy. Một tờ báo, sinh hoạt về bất kỳ nội dung gì, người tổng biên tập luôn đều phải chịu trách nhiệm. Bút danh, nặc danh hay chính danh không còn quan trọng nữa. Một tên Quý Thanh nào đó vừa qua làm cho cộng đồng mạng ồn ào, biết đâu chừng đó là do bàn tay của người tổng biên tập, giấu mặt. Điều đó cũng chả cần phải biết, người ta chỉ nhằm vào người chủ và chịu trách nhiệm tờ báo. Hay nói trắng ra là bài viết đó là của tổng biên tập, chủ nhiệm liên đới nếu không có chú thích về nguồn gốc như các báo điện tử lề trái thường làm.

Cắt bỏ một vài đóng góp không thích hợp cho chủ trương của một tờ báo không hẳn là tước đi quyền tự do ngôn luận. Nếu cần, người muốn viết phản hồi nhưng bị chủ bút từ chối, có thể thành lập một trang báo hoặc gởi bài cậy đăng trên một trang báo khác, nói lên những chính kiến của mình. Sinh hoạt báo chí tự do, không ai có quyền cấm đoán hay đánh sập trang báo của đối phương nếu không cùng quan điểm. Đó là vi phạm luật, vi phạm quyền tự do ngôn luận, hèn hạ.

Trong một quốc gia hay một cộng đồng xã hội dân chủ, người ta có quyền nói, viết phản hồi tùy thích; có quyền thành lập nhóm, hội đoàn, báo, theo chủ trương, quan điểm riêng của nhóm mình nếu muốn. Khác so với một chế độ độc tài, chế độ của cộng sản là thế.

Nguyễn Dư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét