Pages
▼
Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011
Không thể giữ nước chỉ bằng sự phẫn nộ
Đào Tuấn - Sau hàng chục vụ bắt bớ, giam giữ trái phép ngư dân, ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có vẻ việc tàu Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải Việt Nam thực hiện các hành động phá hoại, ngăn cản các hoạt động bình thường và đe doạ sử dụng vũ lực đang cho thấy tính chất leo thang trong các hoạt động xâm lấn biên giới biển của họ.
Video clip, do các thuỷ thủ tàu Bình Minh 02 quay lại vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam được đăng tải trên Petrotimes, tờ báo chính thức của ngành Dầu khí, cho thấy những con tàu hải giám, một loại tàu cảnh sát của Cục Hải dương Trung Quốc đã tới rất gần các con tàu dân sự Việt Nam. Khoảng cách giữa các tàu Trung Quốc tới Bình Minh 02 và các cáp thu địa chấn chỉ là 500m, khoảng cách bằng nửa tầm bắn súng trường, trong khu vực lọt hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bình Minh đã liên lạc nhưng không nhận được câu trả lời. Kéo còi cảnh báo nhưng bị phớt lờ.
Và sau đó, tàu Trung Quốc thẳng tay phá hoại cáp địa chấn bất chấp sự ngăn cản của hai tàu Việt Nam là Đông Nam và Vạn Hoa. Một hành động khiêu khích và sử dụng vũ lực không thể gọi khác. Và sau đó, tàu Trung Quốc ngang nhiên cho rằng Bình Minh đã “xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc”. Vụ việc hôm 26-5 là vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay bởi ngoài hành động phá hoại theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng thì đây cũng là lần đầu tiên tàu Trung Quốc kéo cờ, dàn trận, công khai vào rất sâu lãnh hải Việt Nam. Vị trí tàu Trung Quốc phá hoại cáp địa chấn nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, thậm chí chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý. Nghiêm trọng nhất là chỉ sau đó chưa tới 48 giờ đồng hồ, trong thông cáo chính thức, phía Trung Quốc vẫn lớn tiếng cho rằng: Phía Việt Nam đã tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý. Và vì vậy, sự vi phạm chủ quyền hôm 26-5 không phải là hành vi mang tính cá biệt mà là một chủ trương mang tính nhà nước.
Trong nhiều năm qua, với yêu sách đường lưỡi bò, một yêu sách bị tất cả các quốc gia phản đối, Trung Quốc liên tục cử các tàu hải giám xâm phạm các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong thông cáo mới nhất đã cho rằng: Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Ðông”.
Trong vụ khiêu khích hôm 26-5, tàu Bình Minh 02 bất chấp nguy hiểm đã tri trì tại chỗ, thậm chí thu hết các dãy súng trên tàu không để Trung Quốc lấy cớ khiêu khích đồng thời kiên quyết cho rằng họ đang trên vùng thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhưng đó là những giờ khắc các thuỷ thủ tàu Bình Minh 02 mô tả đó là vô cùng căng thẳng. Họ sợ dù không làm gì sai. Có thể, ngày mai, các con tàu của Việt Nam, những ngư dân Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ra khơi, đôi khi vì nhiệm vụ, vì miếng cơm manh áo hơn là những tinh thần dân tộc hay yêu nước gì đó mà họ được phong, nhưng thứ mà họ mang theo sẽ là sự sợ hãi. Sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra khi họ một mình trên biển.
Cũng là lần đầu tiên, sự phản ứng được công khai trên báo chí Việt Nam, dù nội dung vẫn lại chỉ là một thông cáo không có gì mới hơn từ phía Bộ Ngoại giao. Nhưng nếu chúng ta chỉ lên tiếng xác nhận chủ quyền mà không có những hành động cương quyết để bảo vệ chủ quyền thì trong tương lai không loài trừ trường hợp tàu vũ trang Trung Quốc sẽ bắt bớ, giam giữ, đòi tiền chuộc đối với những con tàu của Việt Nam, đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam như những câu chuyện đau xót ngày ngày vẫn xảy ra đối với các ngư dân. Giải quyết bằng biện pháp hoà bình không có nghĩa chỉ là bằng những lời tuyên bố xuông.
Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn, thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói. Nhưng đối với nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của một nước nhỏ, rõ ràng chúng ta cũng phải làm gì đó chứ chỉ phẫn nộ thôi thì chưa đủ. Mấy ngàn năm nay cha ông ta chưa bao giờ giữ nước chỉ bằng sự phẫn nộ.
Nguồn : Blog Tuanddk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét