Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

THỜI CỦA TẮC TRÁCH?

Theo blog Bọ Lập

Càng đi sâu điều tra vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký trên sông Sài Gòn ngày 20/5 vừa rồi người ta càng thấy quá nhiều những tắc trách, từ việc thiết kế tàu, hạn định đăng kiểm đến việc quản lý bến thủy, người cầm lái không bằng và trách nhiệm của nhân viên nhà hàng khi tàu lâm nạn…không một khâu nào không có sự tắc trách.

Tắc trách dễ phát hiện và được ông Châu Hoàn Tâm – chủ doanh nghiệp Dìn Ký thừa nhận ngay là“Việc này thì sai 100% rồi”: Người quản lý tàu đã giao tàu cho một người không có bằng lái. Nếu lái tàu có bằng lái thì tai nạn có xảy ra không, khi ta biết không một loại bằng nào là không thể mua được, bằng lái là thứ bằng dễ mua nhất hiện nay. Nếu hỏi bao nhiêu % lái tàu có bằng lái và bao nhiêu % có bằng lái thực sự có tay nghề, sẽ không có ai trả lời được. Để trả lời người ta phải thường xuyên kiểm tra sát hạch, ở ta việc này luôn luôn chỉ có hai từ “ chưa” và “ không”. Nếu có cũng không thoát được hai chữ “ qua loa”.

Cũng vậy, người ta dễ dàng phát hiện và được ông Châu Hoàn Tâm thừa nhận ngay, con tàu này đã hết hạn đăng kiểm ba tháng không đăng kiểm lại. Nhưng nếu đăng kiểm lại thì sao, khi mà “kết cấu tàu thiếu an toàn, như phần chìm dưới nước chỉ khoảng 1m, trong khi phần nổi lại quá cao (khoảng 6m), tàu thiết kế nhiều vách ngăn, khi đóng kín các cửa sẽ giống như bức bình phong chênh vênh hứng gió rất dễ lật ngang” ( Theo báo Thanh niên). Thiết kế như vây mà theo ông Tâm thì “hằng năm đều đăng kiểm đàng hoàng” vẫn không ai phát hiện ra, cho thấy có đăng kiểm cũng như không. Có lẽ vì thế mà một nhân viên cảng vụ đã nói toạc ra rằng: “Chuyện tàu du lịch hết đát vẫn hoạt động kinh doanh, đón khách… mà không chịu đi đăng kiểm là chuyện bình thường. Có thể nói họ cứ thế kinh doanh, đến khi thích thì đi đăng kiểm, không thích thì thôi; còn chuyện nhắc nhở của các cơ quan quản lý là… chuyện nhỏ” (Theo Vietnamnet).

Đến khi tàu chìm người chết người ta mới biết Khu du lịch xanh Dìn Ký “ đã phớt lờ cảnh báo của ngành chức năng, cấm mở bến ở khu vực này do có luồng xoáy sâu 20m”. Theo báo Tuổi trẻ, ông Bùi Đình Chiến – Phó Đội trưởng Đội thanh tra số 5 cho biết: “Vào năm 2008, đơn vị chúng tôi đã lập biên bản vi phạm đối với Dìn Ký về việc hoạt động bến thủy không phép. Toàn bộ hồ sơ chúng tôi chuyển lên cấp trên, họ đã đến đóng phạt và khi về vẫn hoạt động tiếp”. Khi pv báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi nếu phía Dìn Ký cứ hoạt động “lỳ” thì phía cơ quan chức năng không có biện pháp gì chăng, thì ông Chiến nói “đó là chuyện của cơ quan chức năng… khác”. Đấy là lý do vì sao ông Châu Hoàn Tâm khẳng định: “Từ trước đến nay, chưa có một văn bản nào yêu cầu đình chỉ hoặc đóng cửa hoạt động của bến tàu tại Dìn Ký”. Còn ông Trần Quang Trung, phó giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 đã nói thẳng, không hề úp mở: “Bến thủy lậu ở nước ta có nhiều, chứ đâu riêng gì ở đây”.

Thế là đã rõ vì sao Dìn Ký chìm tàu, vì sao chưa đầy nửa năm cả nước có đến 4 vụ chìm tàu với 28 người thiệt mạng mà nếu tìm hiểu kĩ ta cũng gặp những nguyên nhân na ná nhau. Khi mà ở đâu người ta cũng ra sức phô bày sự “có trách nhiệm”, trong khi tắc trách vẫn giăng đầy, khi ngang nhiên khi kín đáo, thì việc tìm kiếm nguyên nhân cũng chỉ để phô bày sự “có trách nhiệm” mà thôi. Buồn thay không thể nói khác hơn, vì ta đang sống thời của tắc trách, có phải thế chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét