Pages

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Trung Quốc đem dàn khoan vĩ đại tới biển Ðông

Thách đố Việt Nam



BẮC KINH (TH) - Trung Quốc đem dàn khoan dầu vĩ đại tới biển Ðông để thách đố phản ứng của Việt Nam và các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo?

Dàn khoan dầu nước sâu khổng lồ do Trung Quốc chế tạo sẽ được kéo tới dò tìm dầu khí ở biển Ðông, khu vực đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam và một số nước ASEAN. (Hình: China.org.cn)



Báo Anh ngữ chính thức của nhà cầm quyền Bắc kinh, Global Times, ngày Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011 đưa tin: “Trung Quốc vừa khánh thành dàn khoan dầu biển sâu tối tân nhất có khả năng hoạt động ở độ sâu tới 3,000 mét kể từ mặt nước biển”.

Dàn khoan này được đặt tên là CNOOC981, khánh thành hôm Thứ Hai ở Thượng Hải, bàn giao cho Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp), công ty quốc doanh độc quyền dò tìm và khai thác dầu khí ngoài biển.

Cả dàn khoan này nặng tới 31,000 tấn với diện tích bề mặt rộng bằng một sân bóng đá, khả năng có thể khai thác dầu khí ở độ sâu tới 12,000 mét.

Dàn khoan nước sâu này là dàn khoan tối tân nhất từ trước tới nay do Trung Quốc chế tạo. Trước đây, họ chỉ sản xuất được dàn khoan có khả năng khai thác dầu khí ở độ sâu 500 mét.

Theo báo Global Times (GT), dàn khoan này sẽ được kéo tới biển Ðông trong tháng 7.

Biện minh cho hành động đưa dàn khoan khổng lồ tới biển Ðông, GT nói “các nước khát năng lượng chung quanh biển Ðông đã khai thác (trộm) tài nguyên dầu khí của mình (TQ) suốt nhiều năm qua, nhưng nay đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trải ảnh hưởng xuống vùng biển phía Nam của họ”.

GT nói tiếp rằng: “Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lập lại nhiều lần lời lên án các vụ khai thác dầu trong khu vực bởi một số nước Á Châu trong khi Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (mà Việt Nam gọi là Trường Sa) và các vùng biển liền kề”.

Bản tin này không nêu đích danh nước nào nhưng người ta đều hiểu họ ám chỉ các nước nào.

Bài báo này viện dẫn lời Tống Ân Lai, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị CNOOC cáo buộc các nước trong vùng đã gia tăng dò tìm khai thác dầu khí trên biển những năm gần đây, hậu quả là làm thiệt hại cho Trung Quốc 20 triệu tấn dầu hàng năm.

Hiện nay, GT nói, cả Việt Nam và Phi Luật Tân đều không có khả năng dò tìm dầu khí ở độ sâu như khả năng của dàn CNOOC981. Từ giữa năm 2010, các cuộc khảo cứu dò tìm của Trung Quốc nói đã xác định được 180 vùng có mỏ dầu khí, và hơn 200 khu vực địa tầng có mỏ khí trên biển Ðông. Phần lớn nằm ở độ sâu từ 500 mét đến 2,000 mét.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển Ðông từ tháng 6 tới đầu tháng 8. Nhiều tàu đánh cá của Việt Nam hoặc bị đâm chìm hoặc bắt về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa rồi đòi tiền chuộc.

Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận hải quân qui mô, bắn đạn thật, trên biển Ðông thuộc các khu vực Trường Sa và Hoàng Sa không ngoài mục đích phô trương sức mạnh quân sự và đe dọa Việt Nam.

Tháng 8, 2010, Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu dò tìm dầu khí ở khu vực đảo Tri Tôn và mở rộng đảo này. Tri Tôn là đảo ở phía Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cướp của Việt Nam từ đầu năm 1974.

Ngày 13 tháng 4, 2011, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, đã gặp Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc khi ông này tới Hà Nội. Bản tin tường thuật của tờ Quân Ðội Nhân Dân nói rằng trong cuộc hội đàm hai bên “không tránh né vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Ðông”.

Mới đây, khi đối thoại với bộ trưởng Quốc Phòng Phi ở Manila, ông Lương Quang Liệt ra vẻ dịu giọng khi ra bản tuyên bố chung kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền biển Ðông nên kềm chế và tìm giải pháp trong thương thuyết ôn hòa.

Nay, không biết Trung Quốc sẽ cắm dàn khoan CNOOC981 ở chỗ nào. Sẽ ở chỗ các bên tranh chấp sẽ chống đối hay không, chưa thấy Bắc Kinh tiết lộ. Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia nhiều phần sẽ theo sát vụ này.

Ngay từ năm 2008, theo hãng tin tài chính Bloomberg ngày 24 tháng 11, 2008, Trung Quốc loan báo bỏ ra nửa tỉ đô la để dò tìm dầu khí trên biển Ðông. Nay thì họ đã tiến hành xong phần dò tìm sơ khởi và kéo dàn khoan tới đào xới.

Các hãng dầu khí của Mỹ và Anh Quốc đã từng phải loan báo từ bỏ dò tìm dầu khí trên biển Ðông sau khi đã ký hợp đồng với Việt Nam vì bị Bắc Kinh đe dọa. (TN)

Nguồn Người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét