Pages

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tự do báo chí có đồng nghĩa với tự do phỉ báng lãnh đạo nhà nước?


Non nửa thế kỷ đấu tranh xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản, với hàng trăm người bị giết chết, hàng chục ngàn người lãnh án tù giam, gần ba phần tư dân số bị an ninh mật vụ theo dõi, hàng trăm ngàn người phải rời khỏi đất nước, vào năm 1989 nhân dân Ba Lan mới giành được tự do dân chủ.
Hơn 20 năm qua, Ba Lan là một trong những nước cựu cộng sản đi đầu trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao rõ rệt đời sống xã hội. Từ một nền kinh tế kiệt quệ, năm 2010 Ba Lan đã đứng vị trí thứ 20 trong toàn bộ nền kinh tế thế giới với GDP bằng 468,539 tỷ USD trên 38,1 triệu dân (theo số liệu của International Monetary Fund).

Giành được tự do dân chủ đã vô vàn gian khó, nhưng bảo vệ và hoàn thiện nó không phải ngày một ngày hai, mà là cả một tiến tình năng động và kiên định. Ngoài hiến pháp và các định chế dân chủ khác, tự do báo chí của Ba Lan thực sự đã và đang đóng vai trò tối quan trọng trong công cuộc bảo vệ nền dân chủ non trẻ.

Xin ghi lại một trong nhiều trường hợp thú vị.

Trên một tờ báo thuộc tỉnh Gdansk, nhà báo J. Dulgolecki đã có bài chỉ trích cách làm ăn kém hiệu quả kinh tế của một quan chức địa phương và đặt nghi vấn về sự bê bối trong hợp đồng khai thác nguồn nước mà ông ta có liên quan. Quan chức này kiện Dulgolecki ra toà. Toà án tỉnh dựa trên Bộ Luật hình sự đã phạt nhà báo về tội mạ lỵ người khác, phải trả một số tiền sung vào lợi ích công cộng và chịu án phí.

Nhà báo Dlugolecki kiện nhà nước Ba Lan lên Toà án Nhân quyền Âu châu tại Strasbourg (Pháp) với lý do ngành tư pháp Ba Lan đã vi phạm điều 10 của Công ước Nhân quyền Âu châu.

Vào tháng 2/2009, Toà án Nhân quyền Âu châu tuyên bố rằng, với nghề làm báo, việc chỉ trích các nhân vật xã hội cần phải được bao dung. Ngoài ra, không được hạn chế quyền tự do ngôn luận. Các chỉ trích của nhà báo Dlugolecki nằm trong giới hạn có thể chấp nhận. Chánh án Nicolas Bratza còn nhấn mạnh rằng, các nhà báo không thể bị trừng phạt bằng bất kỳ hình thức nào khi họ phê phán các nhân vật hoạt động chính trị-xã hội.

Nhà nước Ba Lan đã thua kiện, phải bồi thường danh dự cho ông Dlugolecki 3 ngàn euro. Sau khi nhận được tin, ông nói rằng, “quan trọng không phải là tiền bạc mà là một thắng lợi, một thông điệp cho những người làm báo”.

Là nhân chứng của tiến trình xây dựng dân chủ ở Ba Lan, trong hơn hai thập niên qua tôi thấy chính báo chí chứ không ai khác đã phát hiện ra hầu hết những vụ án lớn nhất của Ba Lan. Báo chí tự do thực sự là công cụ đặc biệt công hiệu lành mạnh hoá xã hội, ngăn chặn tham nhũng, quan liêu và các hành vi tiêu cực khác của viên chức nhà nước.

Tự do ở mức nào?

Tôi ngạc nhiên về sự vụ xảy ra hôm 18 tháng 5 tại Ba Lan nên đã đưa lên trang Fecebook của mình để cùng bạn hữu nhìn nhận và theo dõi.

Số là trong ngày 18 tháng 5 vừa rồi, 3 sĩ quan vũ trang của Cơ quan An ninh Nội bộ Ba Lan (AWB), 2 cảnh sát và 3 chuyên gia IT đã bất ngờ xông vào nhà của một sinh viên có tên Robert Frycz. Sau ba giờ khám xét, họ đã thu giữ latop, các phương tiện lưu trữ và trang web “AntyKomor.pl” của sinh viên này bị đóng cửa vĩnh viễn bởi chủ nhân của nó.

Thoạt đầu, trên trang Facebook tôi chỉ đưa tin trang web “AntyKomor.pl” được hiểu là “Anti-Komorowski”, tức là bài bác Tổng thống Ba Lan Komorowski, đã có những lời lẽ khiếm nhã với người đứng đầu nhà nước.

Việc làm của an ninh Ba Lan đang gây nên một làn sóng bình luận ​​chính trị. Các đảng đối lập trong quốc hội Ba Lan lớn tiếng chỉ trích. Lãnh đạo đảng Cánh Hữu PiS, đảng đối lập lớn nhất, cho rằng hành động của AWB “vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất của quyền tự do ngôn luận”, còn dân biểu Cánh Tả Zemke nói đây là sự việc phi lý, “lấy đại bác bắn con ruồi”.

Các comments trên trang Facebook của tôi hầu như đứng về phía sinh viên Ba Lan.

- Nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên, tờ “Người Việt” ở California: “Nếu đã tin vào tự do ngôn luận, tự do phát biểu, thì phải chịu đựng những phát biểu “khiếm nhã”. Có những lúc, chỉ có lời lẽ khiếm nhã mới bộc lộ hết sự bực tức, giận dữ của người ta. Cho nên lời lẽ khiếm nhã cũng là một phần của tự do ngôn luận”.

- Bạn “Tnt Blue Sea”: “Can thiệp thô bạo vào quyền tự do ngôn luận, cũng như quyền của một công dân. Còn về nội dung trang web, hay bài báo nào đó, nếu tổng thống hay chính phủ xét thấy nó vi phạm luật pháp, bôi nhọ gì đấy thì có thể tiến hành… kiện sinh viên ấy”.

- Bạn “Ngo Du Dong”, một người hoạt động nhân quyền: “Ở Mỹ, nhiều người còn lợi dụng sân khấu đông khán giả thẳng thừng “chửi” tổng thống của họ. Điển hình có anh Michael Moore như trong weblink này: http://www.wnd.com/?pageId=17903 ”.

- Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, chủ bút tờ “Nhịp cầu thế giới” tại Hungary: “Miễn không phạm luật là được. Chính khách thượng đỉnh lại càng cần phải có độ chịu đựng hơn thường dân… Nếu muốn tổng thống có thể kiện dân sự mà. Ông tổng thống bên này hay viết và nói sai văn phạm, chính tả. Trong ngày hội trẻ em vừa rồi, có một đứa trẻ con đến bảo ông “tổng thống kiếm cuốn tự điển giải nghĩa đi nhé!”, mà ổng vẫn phải ngậm bồ hòn, tươi cười giao lưu”, và “nhưng sao Viện Công tố lại ra lệnh? Vì ông tổng thống kiện? Hay vì Ba Lan có đạo luật về việc “ảnh hưởng đến uy tín lãnh tụ”? Thực ra, phê phán kịch liệt, thậm chí nói xấu (ở một chừng mực và khía cạnh nào đó) lãnh tụ phải được coi là một trong những quyền hiến định của người dân để thể hiện ý nguyện chính trị của họ. Có những cái giữa dân với nhau là không được (ví dụ chửi bới, mạ lỵ nhau), thì với lãnh đạo phải được coi là sự thường mới phải”.

Thực chất và ứng xử

Mở trang web “AntyKomor.pl” người đọc thấy khuôn mặt của Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski biến dạng qua kỹ thuật photoshop và bị gạch chéo. Một ảnh khác là chú mèo ngồi lên đầu. Ngoài ra Tổng thống Ba Lan còn bị mô tả như là cô gái mại dâm đang làm tình, một người đồng tính luyến ái, hoặc ví Tổng thống Ba Lan với nhà độc tài cộng sản Stalin hay các nhà lãnh đạo Liên Xô khác.

TRang web "AntyKomor.pl" với các khuôn mặt của Tổng thống Ba Lan B. Komorowski - Ảnh: Newsweek
Trên trang web có dòng chữ chỉ dẫn truy cập vào các trò chơi điện tử “Komor-killer” và “Komor-shooter” để “giết” Tổng thống, ví dụ như bắn hoặc ném Tổng thống vào đống phân của mình.

Là Tổng thống Ba Lan từ tháng 8/2010, ông Bronislaw Komorowski luôn dẫn đầu về sự tín nhiệm đối với dân chúng Ba Lan. Gần đây nhất vào trung tuần tháng 5, cơ quan thăm dò dư luận xã hội công bố ông giành được sự ủng hộ cao nhất với 65%, vượt xa các chính trị gia khác.

Trả lời báo chí, AWB cho hay nội dung của trang web “AntyKomor.pl” đã dẫn tới sự quan tâm của Viện Công tố Ba Lan.

Viện Công tố xác nhận sau khi nhận được thông tin đã ra lệnh cho AWB nhưng không chỉ dẫn khi nào và bằng cách nào để thực hiện tìm kiếm và thu thập dữ liệu trong căn hộ của chủ nhân trang web.

Tờ “Newsweek” ngày 23/05 viết rằng, sinh viên Robert Frycz chỉ trích AWB vì “đã nhận được thông tin không chính xác”. Luật sư của Robert Frycz cho rằng, AWB đã có thái độ đe doạ thân chủ của mình và vượt quá thẩm quyền.

Theo anh sinh viên, khách truy cập các trò chơi “Komor Killer” và “Komor Shooter” được đọc thông tin “các trò chơi không nhắm tới ám sát tổng thống, hoạt động khủng bố hoặc tội phạm có mục đích làm tổn hại đến sinh mạng của đối tượng”, và không trò chơi nào cho phép người sử dụng thực hiện được các động tác như đập búa hay ném tổng thống vào đống phân.

Trò chơi: Tổng thống và xe chở phân - Dòng chữ lớn:"Tổng thống Komorowski và THủ tướng Tusku giả vờ không biết chuyện gì đã xảy ra" - Ảnh: Newsweek
Anh sinh viên cũng lập luận rằng, các trò chơi là những câu chuyện hài hước đã có sẵn trước đó trên mạng. Còn hoạt động của ABW thiếu nhất quán và khách quan, bởi vì họ cũng phải hành xử tương tự với các trang web khác có tư liệu gây tranh cãi về tổng thống, nếu không thì chỉ là đạo đức giả. Anh nói nhà nước Ba Lan đã chống lại một sinh viên dám đưa ra hình thức châm biếm để thu hút sự chú ý của dư luận về quan điểm có va chạm với tổng thống.

Phát ngôn viên của Công tố Viện cho hay các nhà điều tra đang tiến hành thủ tục tố tụng chống lại chủ nhân trang web “AntyKomor.pl”, vì tư liệu nhận được từ AWB cho thấy Robert Frycz đã xúc phạm người đứng đầu nhà nước.

Chưa biết sự vụ sẽ kết thúc ra sao, nhưng bản thân sự việc đã trở thành chủ đề tranh luận và cung cấp thêm cho Toà án Hiến pháp Ba Lan xem xét có phù hợp hay không với hiến pháp điều 135 (lăng mạ tổng thống) và điều 122 (nói xấu) trong Bộ Luật hình sự. Do có những sự vụ tương tự trước đó, hai điều 135 và 122 này đã được đề nghị thay đổi. Hiện tại tội danh “xúc phạm tổng thống” có thể bị kết án đến ba năm tù giam.

Bộ trưởng Tư pháp Kwiatkowski gợi ý nên chờ phán quyết của Toà án Hiến pháp trước khi có quyết định cuối cùng và ông tuyên bố chống lại án tù giam cho tội phỉ báng. Ông cho biết, rất ít gặp tội danh này trong thực tiễn và giá trị cần thiết của dân chủ là phải bảo vệ tối đa quyền tự do ngôn luận.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thì nói với báo chí rằng, cách thức AWB cư xử với chủ nhân trang web “AntyKomor.pl” gây cho ông “sự khó chịu ngạc nhiên, vì trong những trường hợp như vậy người ta đã sử dụng các phương tiện không thích hợp” và hứa sẽ có cuộc thảo luận về những thay đổi luật, để chính an ninh cảnh sát cũng không trở thành nạn nhân của các điều luật thiếu chính xác.

Thủ tướng Tusk yêu cầu được giải trình “bằng văn bản” để trong tương lai lực lượng an ninh không có những hành vi quá mức. Ông nói đã đến lúc cần thay đổi các quy định bảo vệ các chính trị gia nhiều hơn các công dân bình thường. Theo ông “bảo vệ thanh danh nên bình đằng như nhau, không phân biệt chức năng, địa vị trong đời sống công cộng”.

Về cá nhân mình, Thủ tướng Ba Lan khẳng định ông không muốn có một ai bảo vệ thanh danh của ông mà ông không biết đến. “Nếu bất cứ ai muốn bảo vệ thanh danh của tôi thông qua cảnh sát, thì tốt hơn là hãy ngồi yên. Trong mọi trường hợp, tôi chẳng bao giờ quan tâm”, ông nói.

Bộ trưởng của Phủ Tổng thống Nowak dường như không bình luận gì nhiều về vụ việc mà chỉ nói việc làm của an ninh gây tác động cho Tổng thống tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Kết luận

Khoe khoang có hơn 700 tờ báo, tạp chí, hàng trăm phương tiện truyền thông đại chúng, 25 triệu người sử dụng Internet, nhà chức trách Việt Nam đã nhiều lần khằng định hùng hồn trước dư luận quốc tế về “tự do báo chí” của mình. Thế nhưng, năm nào các tổ chức quốc tế cũng cho họ cho giật giải cao về bóp nghẹt tự do báo chí.

Đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, các bloggers tự do, thậm chí cả các nhà báo của báo chính thống chống tham nhũng, với chiêu bài quy kết tội tuyên truyền chống phá nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia hay xúc phạm lãnh đạo, CHXHCN Việt Nam không gì khác hơn là trùm đao phủ của tự do ngôn luận.

Trong năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã cử một đoàn chuyên viên sang Ba Lan học tập kinh nghiệm vì thấy Ba Lan là nước châu Âu duy nhất giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.

Đáng tiếc là họ đã không dám cắp sách học hỏi thêm thành quả của dân chủ và thực chất tự do báo chí ở Ba Lan, đất nước một thời là “anh em” với Việt Nam trong khối xã hội chủ nghĩa, và hiến pháp của Ba Lan dân chủ đặt chủ nghĩa cộng sản bên cạnh chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cấm hoạt động. Nghịch lý hơn, tổng thống phê chuẩn hiến pháp Ba Lan lại là một cựu đảng viên cộng sản, người đã đánh bại huyền thoại Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa, giành thắng lợi liên tiếp trong hai nhiệm kỳ tổng thống (1995-2000): Aleksander Kwasniewski.■

© 2010 Lê Diễn đức – RFA Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét