Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Đùa dai !


Tín - Trong nước đang tuyên truyền ráo riết cho cuộc bầu cử Quốc hội mới sẽ diễn ra trong ngày 20 tháng 5 tới.

Đài phát thanh ra rả loan tin bầu cử các Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành, việc ứng cử, đề cử bầu đại biểu Quốc hội, các tiêu chuẩn về hiểu biết, đạo đức, tinh thần của một đại biểu nhân dân, các tỷ lệ giữa đảng viên và người ngoài đảng, quan hệ giữa cử tri và các đại biểu, vân vân và vân vân…

Tất cả đều rơi vào sự hững hờ vô cảm của nhân dân, khi giá cả các nhu yếu phẩm, kể cả điện và xăng, đều tăng vọt, đồng tiền mất giá, lạm phát cao, nạn thất nghiệp gia tăng, ngoại viện cao nhất từ Nhật Bản bị ngừng, các mặt tiêu cực xã hội thêm trầm trọng, tai nạn, trộm cắp, cướp của giết người lập những «kỷ lục» mới, nạn tham nhũng, hối lộ ngang nhiên hoành hành; người dân nào còn có bụng dạ nghĩ đến việc đại sự quốc gia như việc bầu cử Quốc hội sắp tới. Họ tự nhủ: lại cái trò đảng chọn dân bầu cũ rích hơn nửa thế kỷ nay! Lại cái trò dùng Mặt trận Tổ quốc làm bung xung, hội họp, hiệp thương, kiểm tra, kiến nghị, xét duyệt, đề cử, cũng đều là kịch bản của đảng độc quyền cả!

Cái kỳ lạ năm nay là vẫn những màn kịch ấy, từng đem ra diễn 12 lần rồi, nay đem ra lần thứ 13, cứ như là một trò đùa trơ trẽn. Họ khinh thường nhân dân, khinh thường cử tri, khinh thường dư luận thế giới đến thế là cùng.

Thử hỏi đông đảo cử tri nước ta, vào thời mở cửa hiện nay, vào thời đại thông tin internet nhanh nhạy như thần thoại, có một ai tin rằng cuộc bầu cử ngày 20-5 tới là một cuộc bầu có tính chất dân chủ? rằng các đại biểu được bầu là những nhân tài thật sự của đất nước? rằng 500 đại biểu của Quốc hội khóa XIII sắp tới là những tinh hoa dân tộc, có kiến thức sâu rộng, có đạo đức trong sáng, có tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân? Hãy làm một cuộc thăm dò dư luận, sẽ rõ.

Hãy hỏi những nhà báo quốc tế am hiểu tình hình thế giới và châu Á xem có một ai quan tâm đến cuộc bầu cử ngày 20-5 sắp tới ở nước ta, có coi đó là một sự kiện mới mẻ, một dấu hiệu tốt đẹp theo hướng dân chủ hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam hay không?

Dưới con mắt tinh tường của giới trí thức dân tộc nước ta và dưới con mắt giới thức giả quốc tế, chuyện bầu cử Quốc hội sắp tới ở Việt Nam chỉ là trò đùa dai, không lừa dối được ai, lại còn là chuyện khiêu khích nhân dân, khiêu khích công luận quốc tế.

Chẳng lẽ cả Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không biết rằng làn sóng dân chủ Bắc Phi suốt 4 tháng nay đã nêu bật với công luận quốc tế một loạt vấn đề nóng bỏng nhất: thế nào là chế độ độc đoán, thế nào là chế độ dân chủ; thế nào là trúng cử một cách ô nhục, thế nào là trúng cử một cách vinh quang? một quốc hội ô nhục, một đại biểu quốc hội ô nhục là một quốc hội, một đại biểu bầu ra do một đảng tuyển chọn, chia ghế cho nhau sau lưng nhân dân, cử tri đi bầu một cách miễn cưỡng, bị ép buộc cầm những lá phiếu ô nhục, và một cuộc bầu cử như thế chỉ mang lại cho quốc gia đó một niềm ô nhục bẽ bàng giữa thế giới văn minh, khi đại đa số quốc gia khác đã có nền nếp dân chủ đa nguyên đa đảng, có tranh cử, có sự lựa chọn tự do của mỗi một cử tri - công dân.

Điều này nữa mới là quan trọng. Mới đây, Ben Ali, tổng thống lâu đời của Tunisia đã bị hạ bệ và bị truy tố về tội thực hiện những cuộc bầu cử phản nhân dân, chỉ có một đảng độc quyền, với một quốc hội gồm 90% đại biểu là đảng viên Rassemblement Constitutionel Democrate (Tập hợp Dân chủ Duy hiến - RCD) của Ben Ali, và đảng ấy đã bị giải tán từ tháng 4-2011. Đảng RCD đang bị toàn xã hội vạch mặt là đã tiếm quyền để làm giàu phi pháp, chia nhau tài sản quốc gia ăn tiêu xa xỉ trên lưng người lao động đói nghèo.

Ở Ai Cập cũng vậy. Hosni Mubarak, nguyên tổng thống quyền uy vô hạn một thời, cũng đang phải trả lời trước Tòa án quốc gia về sự lộng hành của ông ta và của đảng gọi là Dân chủ Mới của ông ta, về số tiền 40 tỷ đôla cướp đoạt của nhân dân. Và cái đảng độc quyền đảng trị ấy cũng đã bị cấm hoạt động, nghĩa là bị giải thể từ tháng 4 này.

Mong rằng toàn thể đảng viên và nhất là Bộ chính trị đảng CS Việt Nam hãy suy nghĩ và xem có sự tương đồng nào giữa đảng CS Việt Nam với 2 đảng Bắc Phi vừa bị lên án và giải thể một cách nghiêm cách và công bằng không.

Trông người lại nghĩ đến ta. Thì cũng là độc quyền một đảng; cũng là những cuộc bầu cử không có tự do tranh cử, tự do bỏ phiếu. Cũng là quốc hội của 1 đảng, đảng viên đảng độc quyền chiếm trên dưới 90 % ghế (trong khi đảng viên CS chỉ chiếm chừng 2% dân số ). Cũng là tiếm quyền để làm giàu một cách ngang nhiên, tước đoạt tài sản quốc gia vào túi riêng, các nhà lãnh đạo cộng sản từ trung ương xuống các tỉnh thành, quận huyện đều trở thành những đại địa chủ mới, đại tư bản mới, chủ địa ốc, chủ tài khoản cực lớn.

Vậy thì giữa thời điểm này, khi làn sóng dân chủ Bắc Phi tràn xuống Tây Phi, lan vào Trung - Cận Đông, vang dậy khắp 4 biển 5 châu, cuộc bầu cử ngày 20-5 ở Việt Nam cứ như chuyện «cố đấm ăn xôi», ngang nhiên thách thức công luận toàn cầu, cứ như trò đùa dai không phải lúc, trắng trợn và cực kỳ dại dột vậy.

Nguồn : Blog Bùi Tín - VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét