Pages
▼
Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011
Viện trợ và... tham nhũng
Minh Giang (Tamnhin.net) - Tiền viện trợ dành cho những quốc gia có nạn tham nhũng hoành hành sẽ rơi vào túi một số ít người thay vì được trao cho cho người nghèo và các quan chức sẽ thay nhau ‘xà xẻo’ tiền viện trợ.
Sir Richard Feachem, Giám đốc đồng thời là người sáng lập Quỹ Toàn cầu Phòng chống bệnh AIDS, Ho lao và Sốt rét ,một trong những cơ quan viện trợ y tế lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển với số vốn lên tới 11 tỷ đôla đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi về một số vấn đề trong chương trình viện trợ của Australia dành cho các nước đang phát triển trên thế giới.
Sir Feachem khẳng định tệ nạn tham nhũng là “không thể tha thứ và nhân nhượng”.
“Nếu chúng ta chi tiền cho các hoạt động như xây nhà cửa, mua sắm xe cộ... chúng ta đang khuyến khích tham nhũng phát triển. Lý do là vì chúng ta đang chú trọng tới ‘đầu vào’ chứ không chú trọng tới đầu ra‘ - vốn là phần phải được coi trọng”.
Để giảm thiểu đến mức tối đa tệ nạn tham nhũng, một trong những biện pháp có thể được thi hành là tiền viện trợ sẽ chỉ được đổ về những nơi nào cho thấy thành quả rõ rệt trước đó. Ví dụ tiền viện trợ sẽ được chi nếu nước viện trợ biết rõ số lượng trẻ em được chủng ngừa hoặc số nữ học sinh tốt nghiệp trung học... Các số liệu này phải có thể được kiểm chứng qua các cuộc điều tra độc lập.
Ngoài ra Australia cần đầu tư hơn nữa vào các sản phẩm, kỹ thuật mới cho thế giới cũng như đầu tư song phương vào các quỹ toàn cầu, giúp các quỹ này sử dụng tiền một cách có hiệu quả nhất. Australia cũng đừng ngần ngại đẩy mạnh sáng kiến trong việc giảm bớt tình trạng tham nhũng, ví dụ như chỉ viện trợ cho những dự án nào cho thấy có hiệu quả rõ ràng.
Sir Richard Feachem công nhận qua chương trình viện trợ cho nước ngoài, Australia đã thực hiện được nhiều thành quả to lớn.
Việc Australia ‘khoanh vùng’ khi tập trung viện trợ cho các quốc gia trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á là quyết định đúng đắn.
“Australia cần chú tâm đầu tư hơn vào việc đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai qua việc cung cấp thêm các học bổng để sinh viên từ các nước trong khu vực tới học ở các học viện, trường đại học... ở Australia”. Sir Feachem nhấn mạnh.
Khi nhìn lại chương trình viện trợ Australia dành cho nước ngoài từ nửa thế kỷ qua, Sir Feachem cho biết có thể thấy được tính hiệu quả của chương trình viện trợ thông qua một ví dụ cụ thể là vấn đề phòng chống bệnh sốt rét.
Sir Feachem, người vừa chủ tọa cuộc họp thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Bài trừ Bệnh Sốt rét trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Malaysia, cho biết: “Mạng lưới do ông Kevin Rudd phát động tại Liên Hiệp Quốc hồi năm 2008, quy tụ 11 quốc gia để kiểm soát và tiêu trừ bệnh sốt rét, nay đã phát triển vượt bực, đạt được nhiều tiến bộ lớn lao do sự đóng góp vào nỗ lực xây dựng từ nhiều người Australia. Australia có thể hãnh diện nhờ những đóng góp này”.
Cuộc chiến đấu chống lại bệnh sốt rét trên phạm vi toàn cầu đang tiến triển hết sức tốt đẹp. Khoảng 100 nước trên thế giới vẫn còn bệnh sốt rét và tại tất cả những nước này, bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi rõ rệt. 32 nước (bao gồm 11 quốc gia nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương) trong số này đang trong giai đoạn bài trừ hoàn toàn bệnh sốt rét.
Tại những nước Châu Phi vùng nhiệt đới, bệnh sốt rét cũng bị đẩy lùi rõ rệt. Từ một thập niên qua, bệnh sốt rét tại hàng chục nước Châu Phi đã giảm tới 50%.
Sự viện trợ từ nước ngoài, từ Cơ quan Viện trợ Australia, chương trình AusAID, các nguồn viện trợ song phương, các quỹ toàn cầu, và từ nhiều nguồn khác nhau đã giữ vai trò quan trọng đưa tới kết quả tích cực hiện nay trong vấn đề phòng chống bệnh sốt rét.
Theo Sir Feachem, Australia cần đầu tư nhiều hơn vào các ‘sản phẩm công cộng có tính toàn cầu’ (global public goods - tức những thứ có giá trị cho tất cả mọi người).
‘Sản phẩm công cộng toàn cầu’ tiêu biểu có thể ví dụ như thuốc chủng ngừa HIV. Một khi thuốc chủng này ra đời, mọi quốc gia, đặc biệt những nước đang chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng như ở Châu Phi, sẽ được hưởng lợi.
Cho tới nay, thế giới vẫn chưa bào chế được thuốc chủng ngừa HIV. Nếu đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này, theo lời Sir Feachem, “chúng ta sẽ có được loại thuốc chủng này sớm hơn”.
Sir Feachem cho hay trong mục tiêu giảm bớt tình trạng nghèo khó trên thế giới, việc tiến triển và hiệu quả có phần khiêm tốn hơn. Tuy vậy, “nhìn chung tình trạng giảm bớt nghèo khó trên toàn thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể và tình trạng an sinh của con người cũng đã được cải thiện khá rõ rệt”.
Một lưu ý từ Sir Feachem là chính các nỗ lực riêng rẽ của từng quốc gia, chứ không phải những khoản viện trợ từ nước ngoài, đã giúp làm giảm bớt tình trạng nghèo khó.
Nước nào có chính quyền tốt và có chính sách quản lý đúng đắn thì ở những nước đó tình trạng nghèo khó đã giảm bớt rõ rệt, sự phân cách giàu nghèo cũng không quá đáng.
Sir Feachem cho rằng, các nước cung cấp viện trợ nên đầu tư nhiều vào việc tạo ra thế hệ lãnh đạo cho các quốc gia đang phát triển. Tại những nước này, sở dĩ tình trạng nghèo khổ giảm bớt là nhờ vào tài năng của giới lãnh đạo và cá nhân từng vị nhà lãnh đạo, đồng thời nhờ vào các cơ chế nghiêm minh, minh bạch.
Sir Feachem đề nghị, các nước hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia cần phải cung cấp thêm nhiều học bổng cho việc đào tạo giới lãnh đạo tương lai cho các nước đang phát triển.
“Sinh viên các nước đang phát triển cần được theo học tại các khóa sau đại học ở các trường ở Australia, Châu Âu, Hoa Kỳ để thu lượm kiến thức và có thêm kinh nghiệm. Những người này được khuyến khích và tạo điều kiện trở về quê hương họ để làm việc và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm”.
Minh Giang (theo ABC)
http://tamnhin.net/Diemnhin/11317/Vien-tro-va-tham-nhung--.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét