Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Đảng Cộng sản VN trước giờ phút quyết định

Phan Nguyễn Việt Đăng viết cho RFA, Saigon
2011-06-30
Trên các trang mạng, sự thấp thỏm về chủ quyền biển đảo từ giới trí thức, sinh viên, blogger phản kháng...v.v có thể nhìn thấy rất rõ.

AFP
Bản đồ định vị quần đảo Trường Sa trong biển Đông.

Những ngày cuối cùng của tháng 6, bước qua đầu tháng 7, là những giây phút mà rất nhiều người nín thở chờ đợi kết quả của các vụ thương thuyết về chủ quyền Biển Đông giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Lo ngại chuyện “song phương”

Ở mạng xã hội Facebook, người ta cũng nhìn thấy nhiều tuyên ngôn nêu rõ ý nghĩa này, xuất phát từ các nhóm blogger ẩn danh yêu nước như Nhật Ký Yêu Nước, Talamot, Truyền thông Liên mạng...v.v Chẳng hạn như nhóm Talamot, ghi rõ trong hiển văn ngắn của họ là “Sự kiện lãnh đạo TQ và VN thỏa thuận riêng biệt với nhau về vấn đề Biển Đông cho chúng ta cảm giác bất an. Chúng ta cần phải đòi hỏi sự việc này được đem ra ánh sáng dư luận”.


Rõ ràng, cuộc thương thuyết giữa Trung Quốc và Việt Nam là một cái nồi đang đậy nắp kín, mà chỉ có số phận một dân tộc sẽ chịu thiệt thòi là Việt Nam. Ai quan tâm đến tương lai của đất nước, đều cảm thấy phập phồng, âu lo.


Nhưng quả thật, cũng có nhiều lý do để lo ngại và thấp thỏm. Nhất là một khi báo chí trong nước được lệnh hạ giọng chỉ trích Trung Quốc và và ém nhẹm những kết quả thương thuyết quan trọng.


Ngày 28.6, người Việt chỉ biết đến hiện tình đất nước của mình sau khi đọc được bản tin của Tân Hoa Xã, với nội dung hết sức bí hiểm là “Trung Quốc đã kêu gọi Việt Nam hãy thực hiện đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông] vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước”.


Liệu các giá trị song phương còn đủ sức để áp dụng vào lúc nước sôi lửa bỏng này hay không? Thỏa thuận song phương là những gì? Trên trang điểm tin Ba Sàm, một trong những trang tin độc đáo nhất Việt Nam, có hàng triệu người xem và ủng hộ hiện nay, đã từng nhắc lại sự kiện tướng quân đội Đồng Sĩ Nguyên kêu gọi “2 Đảng hãy cùng ngồi lại với nhau” và chỉ trích gay gắt. Ít nhất là 2 lần, khi nhắc về sự kiện này, người điểm tin trên trang Ba Sàm đã gọi ông tướng này là một nhân vật “u mê”.


Có lẽ vì sự lo ngại cho một cuộc thỏa hiệp nào đó, mà bản tuyên cáo của giới văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên... cũng được ra đời. Ngày 25.6, bản tuyên cáo về hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam từ phía Trung Quốc lập tức có được sự hưởng ứng của nhiều quan vật quan trọng và quen thuộc trong, ngoài nước.


Ngày 26.6, Khối 8406 và nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền cũng có tuyên cáo tương tự. Rõ ràng, các thông điệp này được đưa ra sau 3 cuộc biểu tình đầy giằng thúc trong các toan tính của Hà Nội nhằm thăm dò Bắc Kinh, người dân Việt Nam nói chung đều muốn nhấn mạnh một điều rằng họ đã quá mệt mỏi mối quan hệ mờ ám giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Điều mà người dân nào cũng hiểu rõ là Việt Nam cần minh bạch chấm dứt mối quan hệ gông cùm 16 chữ vàng ô nhục. Và đây là thời cơ vàng cho việc bước ra khỏi vòng tay ghê tởm đó của Bắc Kinh.


Đảng sẽ yêu nước?



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (P) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng VN Phùng Quang Thanh trước cuộc họp đối thoại song phương Shangri-La hôm 04/6/2010. AFP


Dù cho Việt Nam có nhượng bộ, hạ giọng... thì chắc chắn dàn khoan nước sâu Marine Oil 981 của Trung Quốc không thể từ bỏ chuyện chọc vào các túi dầu ở ven đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tân Hoa Xã cho biết Bắc Kinh đã mất 3 năm và hơn 900 triệu USD để xây dựng, và cũng vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể vì mối tình giả tạo Việt - Trung mà từ chối thực hiện giấc mơ của họ.


Hãy hình dung khi dàn khoan dầu này được đặt sát nách Việt Nam, ít nhất là một lực lượng hải quân Trung Quốc không dưới 20 chiếc sẽ bao bọc dàn khoan này sẵn sàng nã đạn vào bất kỳ ai để bảo vệ chuyện cướp dầu trên biển.


Việt Nam sẽ mất dần, bị lấn dần biển và đảo, và chủ quyền, và vị thế... trong tiếng kêu thảng thốt và vô giá trị của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam. Thậm chí các cuộc biểu tình phản đối của người Việt Nam dù được Nhà nước cho phép, cũng chỉ sẽ là một thứ trò vui cho Hệ thống cung đình Việt-Trung.


Năm 1987, khi nói về Việt Nam trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, ông Phạm Văn Đồng có tuyên bố rằng “Việt Nam chỉ là một con chim trong đàn chim xã hội chủ nghĩa”. Nay thì hệ thống đó, không những tan rã, mà còn bị Liên hiệp Châu Âu xác quyết (năm 2006) là một hệ thống tội ác đối với nhân loại, qua nghị quyết 1481 được thông qua ở Strasburg (Pháp).


Việt Nam và Trung Quốc rốt cục chỉ còn lại là một mối liên quan của quyền lợi 2 Đảng, bất chấp ý nguyện của dân tộc. Lâu nay, qua các sự kiện được khai thác bởi báo chí quốc tế và chính trong nước, dân Việt ai cũng có thể nhìn rõ được Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là mối giao hảo chia sẻ quyền lợi và quyền lực, mặc cả mua bán, chia chác tài nguyên, lãnh thổ... của tổ tiên người Việt Nam để lại.


Vào một thời điểm mà cả dân tộc đều nhìn ra chính quyền Trung Quốc không thể là bạn, liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ cam đảm để làm lại, thay đổi thái độ và làm lại một quốc gia tự cường, độc lập khác hơn hay không?


Hay là Đảng Cộng Sản lại nhu nhược, bị thay máu, và sẵn sàng từ bỏ dân tộc, cội nguồn... để chấp nhận làm chư hầu tay sai cho Bắc Kinh?
Và Hà Nội cũng cần nên nhớ rằng, dù trong lịch sử hay tuyên truyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ra sức nhắc nhở rằng kẻ thù của người Việt là Anh, là Mỹ, là Pháp... nhưng triệu triệu người dân thì vẫn luôn tâm niệm rằng từ thời cha ông họ, cho đến tận hôm nay, kẻ thù đáng sợ nhất vẫn là từ phương Bắc.

Nguồn RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét